LTS: Tính dân chủ trong trường học hiện nay đang là đề tài được các cấp lãnh đạo quan tâm, đặc biệt khi vụ việc gian dối của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên bị phát giác.
Thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ thực trạng về dân chủ nơi trường học và những căn nguyên, cốt lõi của vấn đề. Theo đó, ở nhiều nơi, bức tranh về nền giáo dục dân chủ hiện lên chỉ mang tính hình thức.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Sau sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) khiến cho dư luận xã hội bức xúc, hoài nghi về vai trò của trường học.
Vì thế, trong buổi làm việc mới đây với Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đặt vấn đề:
“Nam Trung Yên không chỉ là điển hình của đạo đức mà còn của tình trạng dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng”.
Ông còn đặt vấn đề thêm: “Có thể ứng xử như hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên là cá biệt, nhưng cần phải nghiêm túc đánh giá liệu tình trạng mất dân chủ trong môi trường giáo dục có phải là điều phổ biến?"
Tính dân chủ đang được thực hiện thế nào trong môi trường giáo dục? (Ảnh minh hoạ: Kỳ Anh/ Báo Lao động) |
Vậy, tính “dân chủ” nơi trường học hiện nay được thực hiện như thế nào?
Trong các trường học thì đều có qui chế dân chủ, được phổ biến trong cuộc họp Hội đồng sư phạm đầu tiên của năm học và được dán tại phòng giáo viên của các trường.
Thế nhưng qui chế này hình như vẫn chưa phát huy được hiệu quả vốn có của nó mà nó chỉ tồn tại ở dạng “hình thức” là nhiều.
Bởi rất nhiều những ràng buộc về lợi ích, về quyền lợi của giáo viên mà nhiều khi giáo viên phải lựa chọn cách ứng xử dung hòa giữa cái tốt và cái xấu, giữa sự đấu tranh và im lặng.
Lâu dần, tính dân chủ trong cơ quan bị mai một nên chúng ta vẫn phải chứng kiến những cái tốt bị lu mờ để cái xấu lên ngôi.
Phải nói rằng các tổ chức đoàn thể hiện nay ở trường học đều có một mối quan hệ mật thiết với Ban Giám hiệu.
Và, phần lớn những người đứng đầu các đoàn thể của nhà trường lại “là người” của các lãnh đạo nhà trường nên mọi sự phản biện trong trường học trở nên yếu ớt và không được ủng hộ công khai.
Chúng ta thử hình trong trường thì ai dám đứng lên bảo vệ quyền lợi của giáo viên ngoài tổ chức Công đoàn.
Và những sai phạm, tiêu cực trong nhà trường thì ai dám nói công khai ngoài ban thanh tra nhân dân.
Nhưng, hai tổ chức này đang đóng vai trò gì trong nhà trường?
Ban chấp hành Công đoàn nhà trường có nhiều thành viên nhưng thường chỉ có vai trò Chủ tịch Công đoàn là có chút thực quyền.
Thế nhưng, khi cơ cấu vị trí này thì chi ủy nhà trường là người định hướng nhân sự, mà chi ủy thì hiệu trưởng là bí thư và các phó hiệu trưởng là phó bí thư.
Có trường Chủ tịch Công đoàn cũng được cơ cấu vào chi ủy. Vì thế, không ai định hướng và cơ cấu một người chống mình lên làm Chủ tịch Công đoàn.
Nên, vai trò của công đoàn trở nên mờ nhạt và thường là người thân tín của Ban Giám hiệu nhà trường.
Còn ban thanh tra nhân dân dù được qui định có rất nhiều quyền trong giám sát các hoạt động của đơn vị nhưng họ hoạt động rất mờ nhạt. Vì những chi tiêu, mua bán họ không được biết thì làm sao họ giám sát được.
Hàng năm chỉ khi quyết toán sổ sách hay cần báo cáo một cái gì có liên quan đến tài chính thì kế toán nhà trường đưa cho họ kí. Nhưng, thường cầm cả tập giấy tờ rồi kế toán dở từng trang và chỉ cho trưởng ban thanh tra kí.
Vì nhiều vấn đề nhạy cảm nên trưởng thanh tra nhân dân chỉ biết kí mà không dám có thắc mắc gì và đây cũng là thực trạng chung của ban thanh tra ở các trường học.
Hai tổ chức có thể giám sát và đại diện cho tính dân chủ ở đơn vị thì như vậy nên những người khác phần lớn họ ngại đụng chạm với Ban Giám hiệu nhà trường, bởi lợi ích, quyền lợi đâu không thấy mà chỉ chuốc lấy những phiền toái khi lỡ làm phật ý lãnh đạo nhà trường.
Ngoài ra, các vị trí chủ chốt trong trường như Tổ trưởng chuyên môn, Đoàn thanh niên… cũng là chỗ thân tín của Ban Giám hiệu.
Bởi các chức danh này do Hiệu trưởng bổ nhiệm hàng năm. Nếu vị trí nào cùng ê kíp với Ban Giám hiệu thì tồn tại, bằng không họ tìm cách để gạt ra ngoài.
Vì thế, những giáo viên khi có ý kiến về những sai phạm của nhà trường đều bị phản bác. Nhiều khi Ban Giám hiệu chưa cần phản bác thì các “vệ tinh” xung quanh đã lên tiếng trước rồi.
Thành ra những điều chưa phù hợp, bất cập của lãnh đạo trở thành cái đúng. Lâu dần tiếng nói phản biện trong trường bị triệt tiêu.
Chính vì vậy mà dẫn đến nhiều giáo viên nản chí và tự làm thui chột tính phê và tự phê của mình.
Lâu dần, sự im lặng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều giáo viên. Điều này cũng đồng nghĩa với nhiều hạn chế của các đơn vị trường học không được sửa chữa và khắc phục.
Tính dân chủ bao giờ cũng bằng hình thức giơ tay. Một khi Ban Giám hiệu thông qua việc gì đó thì xin ý kiến biểu quyết nhưng người đứng ra xin biểu quyết là lãnh đạo thì ai dám không giơ tay nên mọi việc đều trở thành áp đặt một chiều.
Những trường hợp dám đấu tranh thì bị gây khó dễ, thậm chí vùi dập như một số giáo viên đã được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.
Thực tế, trong quá trình hoạt động ở cơ sở không nhiều những lãnh đạo chịu khó lắng nghe cái đúng và rất ngại nghe những lời phản biện.
Chính vì vậy mà những cuộc họp dù lớn hay nhỏ chủ yếu là do người đứng đầu truyền mệnh lệnh… và mọi người cứ răm rắp phục tùng.
Những người dám nói dần dần ngại nói, ngại va chạm, ngại bị soi xét nên dần dần trở nên thụ động, chỉ gì làm nấy, vừa được lòng lãnh đạo vừa an phận cho mình.
Bởi thực tế, Ban Giám hiệu nhà trường nắm trong tay tất cả các quyền hành, đó là: quyết định về thi đua, khen thưởng; nâng lương; quyết định giờ giấc lên lớp giáo viên; xếp thời khóa biểu...
Muốn quản lý giáo dục thật tốt thì đừng tìm cách đi một mình |
Giáo viên nào chống đối thì ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo, đến công việc của mình.
Vì thế, giáo viên trong các trường nhiều người nghe theo, hùa theo và nịnh bợ cái chưa đúng, chưa tốt, không quan tâm đến công việc chung hoặc có giờ thì lên lớp và hết giờ ra về, cái gì không liên quan đến mình thì không nói, không quan tâm mọi chuyện…
Hiện nay, khi internet được áp dụng rộng rãi thì ngành giáo dục triển khai các loại văn bản, hướng dẫn, thông báo… qua hộp thư điện tử.
Vì thế, mọi thông tin từ trên xuống đều phải qua Ban Giám hiệu nhà trường. Bởi chỉ có Ban Giám hiệu, văn thư, kế toán được đọc thư nên những văn bản có lợi cho Ban Giám hiệu hoặc những văn bản pháp luật thì lãnh đạo nhà trường mới triển khai cho giáo viên.
Những thông tin bất lợi cho lãnh đạo thì giáo viên không hề hay biết. Thậm chí nhiều chế độ của giáo viên cũng bị chặn bớt nhưng giáo viên cũng không hề nắm được.
Có những trường hợp ăn chặn cả tiền thai sản của giáo viên, tiền khen thưởng các phong trào của học sinh, giáo viên, chỉ đến khi giáo viên trường khác nói lại thì mới biết.
Việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tổ chức diễn đàn trao đổi về vấn đề dân chủ trong môi trường giáo dục với sự phối hợp của Ban Dân vận trung ương về thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở có lẽ là một tín hiệu đáng mừng cho giáo viên.
Hi vọng từ diễn đàn này có thể nâng cao tính dân chủ trong trường học nhằm hướng tới môi trường giáo dục ngày một lành mạnh để thúc đẩy phát triển.