"Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam" của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên giành giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” năm 2016 được tổ chức ngày 18/3 vừa qua.
Giải thưởng mà nhóm mang về là số tiền mặt 50 triệu đồng, kinh phí đầu tư cho dự án lên tới 500 triệu đồng và một chuyến đi học tập và trải nghiệm tại Silicon Valley – vườn ươm khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Nhóm khởi nghiệp này gồm 3 thành viên, mỗi người có nhiệm vụ cụ thể: Dương Quang Đạt (trưởng nhóm): lập trình- thiết kế mạch điện, truyền thông cho dự án, thuyết trình; Trương Phương Nam: lập trình - thiết kế mạch điện, thiết kế hình dáng cho sản phẩm; Nguyễn Đức Tú: lập trình server, tìm hiểu nghiên cứu thị trường.
Dự án khởi nghiệp của nhóm nhằm tự động hóa việc thu thập chỉ số nước sinh hoạt và chất lượng nguồn nước cho nhà máy nước tại Việt Nam, đồng thời đánh giá các chỉ số chất lượng nước sạch trong thực tế sử dụng của người dân.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên giành giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” năm 2016 chụp ảnh cùng giảng viên hướng dẫn - Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Điểm mới của sản phẩm giám sát chất lượng nguồn nước so với những dự án cùng đề tài và những sản phẩm đo lường chất lượng đã có mặt trên thị trường trong nước là:
“Xây dựng hệ thống toàn diện từ thiết bị phần cứng tới hệ thống website phần mềm và tự động hóa hoàn toàn”, nhóm tác giả chia sẻ.
Đối tượng khách hàng của dự án tập trung vào các nhà máy nước và các hộ dân tiêu thụ nước.
Theo đó, giá thành dự kiến của sản phẩm phần cứng trong giải pháp này tùy thuộc vào giá cả linh kiện trên thị trường. Do đang trong thời gian thử nghiệm nên các bạn trẻ chưa thể đưa ra mức giá chính xác cho sản phẩm.
Ý tưởng thực hiện dự án này là do nhóm nhận thấy, hiện nay các nhà máy nước ở Việt Nam vẫn chưa tích hợp được một số công nghệ tự động hóa trong việc thu thập chỉ số nước tiêu thụ của các hộ gia đình hàng tháng, mà vẫn làm theo cách thủ công là tới từng nhà ghi số nước.
Chính vì vậy, nhóm đã đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề này bằng công nghệ IoT (Internet of Things – Mạng Internet kết nối vạn vật).
Ngoài ra, nhóm còn nghiên cứu cung cấp thiết bị tự động đo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.
Người sử dụng giám sát được chỉ số nước tiêu thụ qua Internet
Giải thích về cách thức hoạt động của hệ thống, Trương Phương Nam – một thành viên của nhóm cho biết, thiết bị đo chất lượng nước sẽ được lắp đặt tại các bể chứa của nhà máy nước.
Thiết bị này sẽ tự động đo chất lượng nước sinh hoạt và gửi lên trên website. Người dùng có thể truy cập website thông qua các thiết bị cá nhân như máy tính, smartphone.
Chung kết cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên" lần thứ nhất(GDVN) - Chiều 17/3, tại Hà Nội, vòng chung kết cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên" đã diễn ra sôi nổi với phần thi của 15 đội đến từ cả nước. |
Còn với thiết bị tự động thu thập dữ liệu chỉ số nước, tại mỗi hộ dân sẽ được triển khai lắp đặt các đồng hồ nước điện tử.
Thiết bị này được kết nối với một điểm truy cập Internet để truyền tải các dữ liệu thu thập được của các hộ dân lên trên website.
Như vậy, khách hàng có thể truy cập website để theo dõi toàn bộ thông tin về nước sử dụng ở hộ gia đình mình.
Ngoài ra, để đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng, website cũng tích hợp các phương thức thanh toán online.
“Đối tượng khách hàng của bọn em là cả các nhà máy nước và hộ gia đình.
Các nhà máy nước sẽ là người trả chi phí cho đồng hồ điện tử và hệ thống cung cấp chỉ số nước, trong khi hộ gia đình sẽ trả phí cho thiết bị đo chất lượng nước nếu họ có nhu cầu sử dụng” – Đạt cho biết.
Theo chia sẻ của Nam, giải pháp của nhóm đã từng được mang đi dự thi tại vòng chung kết toàn quốc cuộc thi thiết kế vi điều khiển do Công ty Texas Instruments – một tập đoàn sản xuất linh kiện của Mỹ tổ chức và đạt giải Ba toàn quốc.
Tuy nhiên, cuộc thi này nghiêng về đánh giá về mặt kỹ thuật, trong khi cả nhóm muốn dần đưa sản phẩm ra thị trường nên muốn tham gia một cuộc thi mang tính khởi nghiệp.
Hiện tại, bộ sản phẩm của nhóm đã được lắp đặt thử nghiệm tại nhà thầy giáo (Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng-PV), cũng là người đã hướng dẫn nhóm thực hiện đề tài này, theo đánh giá của thầy Thắng, kết quả thử nghiệm cho thấy, sản phẩm hoạt động ổn định, theo đúng yêu cầu chức năng đặt ra.
Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng cho biết:
“Khi dùng thử nghiệm bộ sản phẩm, tôi hoàn toàn có thể giám sát được chỉ số nước tiêu thụ hàng tháng của mình tại bất cứ nơi đâu thông qua các thiết bị có kết nối Internet như điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân...”
“Nếu thiết bị này được nhà máy nước lắp đặt cho các hộ gia đình thì nhà máy nước hoàn toàn có thể cắt giảm đáng kể chi phí về nhân công trong việc ghi chỉ số nước hoàn toàn thủ công như hiện nay”, thầy Thắng tin tưởng.
Trong khi 3 chàng trai trẻ miệt mài nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng - trưởng bộ môn Công nghệ điện tử truyền thông trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên là người luôn luôn theo sát và cố vấn về kỹ thuật cho nhóm từ những ngày đầu hình thành ý tưởng cho đến khi ra đời bộ sản phẩm mẫu.
Khi hỏi về hành trang giúp sinh viên Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng tốt các yêu cầu của các nhà tuyển dụng, tự tin và có tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, thầy Thắng tâm sự:
“Để sinh viên bắt kịp được với xu thế của công nghệ đặc biệt để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nhà trường và đội ngũ giảng viên chúng tôi luôn cố gắng rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tìm kiếm tài liệu, cách đọc và hiểu được các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành”.
“Bởi chúng tôi nhận thấy chỉ có những điều này thì mới giúp sinh viên tự học, tự cập nhật kiến thức cho bản thân và tự tin ra đấu trường quốc tế”, thầy Thắng nhấn mạnh.