“Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm”

17/03/2017 06:45
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - "Thế giới quả là rộng lớn và có quá nhiều việc phải làm" nhưng chỉ mong là có ai đó làm, hãy làm và suy tính đến lợi ích của mình và lợi ích chung.

LTS: Tâm đắc với cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm” của nguyên Tổng Giám đốc Daewoo - Kim Woo Chung, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng các bạn trẻ cần được truyền đạt tinh thần khởi nghiệp, dám ước mơ trong cuốn sách.

Tuy nhiên, vấn đề đạo đức và trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội cũng là điều cần giáo dục cho những “chủ nhân tương lai của đất nước”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Nếu nói đến một trong những cuốn sách mà các bạn trẻ nên đọc, theo tôi, chính là cuốn “Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm” của người sáng lập và nguyên Tổng Giám đốc Daewoo - ông Kim Woo Chung, xuất bản bản dịch tiếng Việt vào năm 2003.  

Cuốn sách này được viết với tâm huyết của một người làm kinh doanh dành cho thanh niên Hàn Quốc và cho thanh niên thế giới, để khích lệ tinh thần dám mơ ước và thực hiện mơ ước lớn, từ khi chúng ta còn trẻ tuổi.  

Bìa cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm” – Kim Woo Chung
Bìa cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm” – Kim Woo Chung

Điều hay của cuốn sách này là nó được xuất bản và trở nên nổi tiếng toàn thế giới trước khi ông Kim Woo Chung bị bắt vào năm 2005 do những sai phạm mà ông, với tư cách lãnh đạo của Daewoo phải chịu trách nhiệm.  

Tuy nhiên, điều này không thay đổi những giá trị tư tưởng mà ông đã viết trong cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm”.

Cuốn sách của ông Kim Woo Chung đã nhắc nhở tôi khi mấy hôm nay, cả thế giới đang tò mò và chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với “Thái tử” Samsung - ông Lee Jae-yong của Tập đoàn Samsung bị bắt để điều tra vì những cáo buộc hối lộ hệ thống chính phủ để đổi lấy những bảo hộ độc quyền kinh doanh cho tập đoàn.

Trong cuốn sách rất đậm tính tự sự và chia sẻ với những thế hệ trẻ của mình, ông Kim Woo Chung đã kêu gọi và khích lệ chúng ta dám ước mơ, dám làm và dám nhận lĩnh những rủi ro cho những ước mơ mà chúng ta muốn thực hiện.  

“Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm” ảnh 2

Những giá trị giáo dục đích thực tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam

Những tính cách được nhấn mạnh bởi ông Kim là Biết mơ ước – Sáng tạo – Dám thách thức – Xả thân – Vị tha – Thành thật với mình và Khiêm tốn. 

Tiếc là, tôi không nhìn thấy ở trong danh sách những tính cách và phẩm chất mà ông Kim đề cập là Đạo đức và Trách nhiệm xã hội của mỗi công dân, mỗi doanh nhân và mỗi doanh nghiệp.

Chúng ta đã và đang trong giai đoạn khôi phục sau khủng khoảng kinh tế năm 2008. Hầu hết các nước, các chính phủ và các doanh nghiệp đều chỉ nói đến các chỉ số và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, và có lẽ, bằng mọi giá. 

Khẩu hiệu “Tăng trưởng hay là chết” đang điều chỉnh tư duy, chính sách đối nội và đối ngoại của nhiều quốc gia.  

Câu chuyện về Brexit, về chủ nghĩa bảo hộ quốc gia, về người nhập cư, về tăng thuế và xây tường biên giới, đâu đó chính là sự phản ánh rõ nét của tư duy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. 

Điều đó sẽ không có gì cần bàn, nếu nó không cân bằng với đòi hỏi về Đạo đức và Trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân, mỗi doanh nhân và mỗi doanh nghiệp, đồng hành cùng đạo đức và trách nhiệm vì lợi ích của đất nước, của cộng đồng (public good) của các chính phủ và cán bộ chính phủ.

Mơ ước phát triển không có gì sai, mong muốn vượt lên đói nghèo, vượt lên và cạnh tranh cùng với các nước khác, đều là những tâm nguyện của những người yêu đất nước mình.  

Nhưng để cân bằng giữa phát triển và đạo đức, trách nhiệm xã hội, như thế nào là đủ, như thế nào là đúng, đấy không phải là câu hỏi dễ trả lời.

“Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm” ảnh 3

Ở Mỹ, người ta dạy đạo đức thế nào?

Với cá nhân tôi, tôi hiểu rõ được việc nếu là cán bộ nhà nước, chỉ cần tôi làm đúng, nhưng tôi kéo dài thời gian xử lý công việc, tôi cũng có “tiền” nhiều hơn lương tháng của tôi, vậy tại sao tôi không kéo dài? 

Trong khi muốn khích lệ khởi nghiệp, muốn phát triển doanh nghiệp, hành vi kéo dài thời gian xử lý công việc của tôi có là phù hợp, có là đạo đức và trách nhiệm của một viên chức hay không?

Hay như chúng ta đều kêu gọi việc nỗ lực sáng tạo để đổi mới và phát triển kinh tế.

Nhưng làm sao để phát triển kinh tế, khi mà nền giáo dục vẫn đi theo lề thói cũ, lề thói của tư duy một chiều và không có phản biện, của những quy trình làm văn bản và chính sách không dựa trên nghiên cứu và khoa học? 

Vậy, muốn có một đất nước phát triển, nó đâu chỉ cần là kinh tế, nó đòi hỏi cả xã hội, con người có tri thức và những hệ thống quản trị đủ để đảm bảo rằng phát triển nhưng vẫn phải dựa trên đạo đức và trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng và với chính những người đang phụ thuộc vào bạn, người lao động. 

Những đòi hỏi của pháp luật, những kêu gọi về đạo đức và trách nhiệm xã hội đối với doanh nhân và doanh nghiệp, chưa khi nào được ưu tiên như bây giờ, trong thời đại của kinh tế tri thức và kinh tế “số”. 

Tại Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới - Davos 2017, hầu hết các lãnh đạo các quốc gia và doanh nghiệp đều đồng ý rằng nếu không có đạo đức kinh doanh, mọi sự phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 sắp tới sẽ là phát triển của “đổ vỡ”.

“Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm” ảnh 4

5 điểm nhấn của Việt Nam Hội tại nghị WEF Davos 2017

Bởi những khoảng cách thu nhập, giữa giàu nghèo, giữa các nước phát triển và chậm phát triển đang ngày càng gia tăng.  

Các dịch bệnh, các virus, các cuộc chiến tranh “mạng” và kinh tế giữa các khu vực sẽ đẩy chúng ta vào một tương lai bất định và đầy nguy hiểm. 

Đó chính là lý do để Davos 2017 đã nêu ra những nguyên tắc hợp tác và phát triển, nhằm phục vụ “cho tất cả”.

Tất cả ở đây được hiểu là dù bạn là ai, dù bạn có nguồn gốc nào, dù bạn có kinh tế ở mức độ nào, bạn cũng có được cơ hội để học tập và đóng góp cho phát triển.  

"Thế giới quả là rộng lớn và có quá nhiều việc phải làm". Điều này đến nay vẫn đúng, nhưng chỉ mong là có ai đó làm, hãy làm và suy tính đến lợi ích của mình, lợi ích của người khác và lợi ích của xã hội chung.

Câu chuyện của Daewoo, Samsung hay của ai trong thời đại này, vừa là bài học lớn cho chúng ta về tinh thần khởi nghiệp, tinh thần dám mơ ước, dám làm, nhưng cũng là bài học để nhắc nhở chúng ta là hãy làm với tinh thần đạo đức và trách nhiệm với xã hội.

Nguyễn Thị Lan Hương