Ngày 16/5/012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư 17 về các quy định trong việc dạy thêm và học thêm.
Thông tư này đã quy định rõ, không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày ở trường, và không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Ở Mỹ, giáo viên có dạy thêm không? |
Tiếp đó, ngày 6/6/2014, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định số 21, ban hành các quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn.
Tiếp đó, suốt từ đầu năm học 2016 – 2017 cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã ra rất nhiều văn bản, nhắc nhở các trường về tình trạng dạy thêm, học thêm trái phép, tràn lan và tiêu cực.
Thậm chí, trong thông báo kết luận, chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tại Hội nghị công tác chuyên môn lần 2 – năm học 2016 – 2017, cũng có nhắc đến việc kiên quyết xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tập thể dạy thêm sai quy định.
Năm học nào cũng vậy, Hiệu trưởng các trường đều đã vài lần tuyên truyền, phổ biến cũng như nhắc nhở cho các giáo viên nhớ các quy định về dạy thêm, học thêm.
Các văn bản, quy định cũng như tuyên truyền, nhắc nhở là vậy, nhưng trên thực tế, có rất ít giáo viên chấp hành nghiêm túc các quy định về dạy thêm học thêm của lãnh đạo cấp trên.
Họ sẵn sàng làm đủ mọi cách để có thể có thể lôi kéo học sinh, tổ chức các lớp dạy thêm tại nhà, kể cả nói dối và thiếu trung thực.
Mới đây nhất, từ nguồn tin cung cấp của người dân cho biết, tại địa chỉ 115 – lô Y, chung cư Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) có một giáo viên dạy thêm cho học sinh tiểu học ở nhà.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đi xác minh thực tế, và được nữ giáo viên này cho biết, mình tên là H., xưng là giáo viên của Trường tiểu học Dương Minh Châu (phường 6, quận 10).
Cô H. và các học sinh trong lớp dạy thêm của mình tối ngày 21/3 (ảnh: CTV) |
Cô H. tổ chức dạy thêm cho học sinh của đủ 5 khối ở cấp tiểu học, đủ 5 ngày trong tuần, và học chung với nhau ở cùng 1 thời điểm (từ 17h – 19h).
Có nghĩa rằng, trong một căn phòng khá nhỏ, cô H. kê một vài bàn học, cho các cháu học sinh ngồi theo từng khối lớp chung với nhau. Cứ vài phút, cô H. qua kèm học sinh khối này, rồi vài phút sau, cô H. lại qua kèm học sinh khối khác.
Học phí cô H. thu là 350.000 đồng/học sinh/tháng.
Nhằm tìm hiểu thông tin chính xác, đa chiều, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến các trường, nơi mà cô H. nói rằng mình đang dạy chính khóa ban ngày, thì phát hiện ra được một sự thật đến ngỡ ngàng.
Chiều ngày 22/3, qua trao đổi với phóng viên, sau khi được xem xong hình ảnh và nghe giọng nói của cô H., thầy Lưu Ngọc Quang – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Dương Minh Châu đã khẳng định chắc chắn rằng, đơn vị mà thầy Quang đang giữ nhiệm vụ quản lý không có nữ giáo viên nào tên H. như mô tả.
Khi biết được thông tin này, một phụ huynh hiện đang có con (chuẩn bị vào lớp 1) học thêm ở nhà cô H. đã nói rằng, cô H. ban ngày dạy tại Trường tiểu học Trương Định (một trường học ngay sát lô Y).
"Mười tuyệt chiêu” của thầy cô xấu để bắt trẻ đến lớp học thêm |
Tương tự như tại Trường Dương Minh Châu, sau khi được phóng viên cho xem hình ảnh và ghi âm giọng nói, sáng ngày 23/3, thầy Nguyễn Phú – Hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Định (quận 10) cũng nhấn mạnh, đây không phải là giáo viên của trường mình quản lý.
Như vậy, rõ ràng là trong trường hợp này, cô H. đã thiếu trung thực khi nói về đơn vị mà mình đang công tác, mà một trong những nguyên nhân sâu xa của việc này là do cô đã vi phạm vào thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trẻ con như tờ giấy trắng. Nếu một khi các em biết được những thủ đoạn nói dối, thiếu trung thực như vậy từ những người mà các em luôn coi là mẫu mực, tôn trọng như các giáo viên (của các em), thì không có lý do gì để các em sẽ “thực hành” thực hành lại chuyện lừa lọc, nối dối bạn bè, cha mẹ khi có điều kiện.
Biết đâu được, từ những chuyện nối dối, thiếu trung thực của giáo viên như vậy, sẽ lại là mầm mống cho những việc làm tồi tệ khác của học sinh trong tương lai.
Nói như PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng phát biểu trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, những giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu trung thực thì cần được đề nghị đưa ra khỏi ngành, để làm gương cho những người khác.