Đề xuất khung giá sàn vé bay nội địa đi ngược định hướng kinh tế thị trường

02/04/2017 08:38
Mai Anh
(GDVN) - Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cơ chế thị trường phải có cạnh tranh và trong cạnh tranh không có giá sàn, không nên quy định việc áp giá sàn vé máy bay.

Vi phạm luật cạnh tranh?

Luật Cạnh tranh năm 2014 chỉ rõ: Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm.

Thế nhưng thật kỳ lạ khi Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. 

Trong dự thảo này ngoài quy định về tăng khung giá trần vé máy bay hạng phổ thông thêm 7-16% tùy nhóm đường bay.

Cục Hàng không còn đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa. 

Nói cách khác Cục Hàng không Việt Nam muốn đưa ra giá sàn cho các đường bay nội địa và buộc các hàng hàng không phải thực hiện theo giá đó.

Như vậy nếu hiểu theo quy định trong Luật Cạnh tranh 2014, dự thảo của Cục Hàng không đang muốn ấn định khung giá vé máy bay và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam sẽ giảm cạnh tranh trên thị trường - ảnh nguồn VTV.
Đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam sẽ giảm cạnh tranh trên thị trường - ảnh nguồn VTV.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về dự thảo với quy định giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: “Chúng ta đang định hướng phát triển nền kinh tế thị trường, trong kinh tế thị trường phải có cạnh tranh và trong cạnh tranh không có giá sàn. Do vậy không nên quy định giá sàn với giá vé máy bay”.

Phó Giáo sư Bùi Thị An phân tích, giá thành sản phẩm, dịch vụ là một trong các yếu tố giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường.

Để cạnh tranh doanh nghiệp luôn tìm cách giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng. 

Giữa các hãng hàng không cũng như vậy, cùng một đường bay nhưng mỗi hàng có một chính sách dịch vụ, chính sách giá khác nhau.

Sự đa dạng về dịch vụ, về mức giá vé tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

Mặt khác, theo Phó Giáo sư An hàng không cũng như thị trường hàng hóa dịch vụ khác đều có phân khúc thị trường. Ngay trong khoang tàu bay cũng chia ra tầng lớp khách từ VIP, thương gia, phổ thông…

Mỗi hãng hàng không cũng đề ra chiến lược hướng đến hàng không chất lượng cao tiêu chuẩn sao hay hàng không giá rẻ.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam sẽ gây khó khăn cho hàng không giá rẻ - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam sẽ gây khó khăn cho hàng không giá rẻ - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

Từ thực tế thị trường Phó Giáo sư An khẳng định: “Nếu đưa ra quy định giá sàn cho vé máy bay sẽ giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi thị trường hàng không không còn cạnh tranh người chịu thiệt nhất là hành khách”.

Cũng theo bà An với thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000USD/người/năm như Việt Nam, trong khi nhu cầu đi lại hàng không rất lớn chỉ có hàng không giá rẻ giúp người dân tiếp cận dịch vụ hàng không.

Tuy nhiên nếu đưa ra quy định giá sàn cho giá vé máy bay sẽ gây khó khăn cho các hãng hàng không giá rẻ bởi yếu tố cạnh tranh duy nhất là giá rẻ đã bị khống chế.

Người dân chịu thiệt

Để đảm bảo doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi của hành khách theo Đại biểu Bùi Thị An nhiều nước đưa ra quy định giá trần đối với giá vé máy bay.

Giá trần tức mức giá cao nhất không được phép vượt qua như vậy sẽ đảm bảo doanh nghiệp độc quyền không tăng giá bừa bãi gây thiệt hại cho khách hàng. 

Hiện nay trong nước đang áp dụng giá trần là 4.250 đồng/hành khách/km với giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa.

Đề xuất khung giá sàn vé bay nội địa đi ngược định hướng kinh tế thị trường ảnh 3

Nếu hàng không chậm phát triển, nhiều người dân cả đời không được đi máy bay

Đề xuất khung giá sàn vé bay nội địa đi ngược định hướng kinh tế thị trường ảnh 4

"Không thể bắt ngành hàng không vừa phát triển vừa chờ các ngành vận tải khác"

Trong khi đó với dự thảo của Cục Hàng không về việc đưa ra giá sàn đồng nghĩa các hàng hàng không chỉ được bán mức giá thấp nhất theo giá sàn, muốn giảm giá vé cũng không được.

Trước bất cập này bà Bùi Thị An đặt câu hỏi: “Quy định giá sàn phải chăng không cho người dân được đi hàng không giá rẻ?”.

Bà An nhận định, nếu quy định giá sàn giá vé đường nội địa được thông qua đồng nghĩa nhiều người có thu nhập thấp không thể đi máy bay.

Khi không thể đi hàng không người dân buộc phải lựa chọn phương tiện vận tải khác, điều đó vô hình chung gây áp lực lên ngành vận tải khác.

Đồng quan điểm, theo Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong không nên áp giá sàn với giá vé đường bay nội địa bởi làm ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, có nhiều yếu tố tác động đến giá thành dịch vụ doanh nghiệp đưa ra.

Thí dụ hai doanh nghiệp cùng kinh doanh cung cấp một dịch vụ nhưng doanh nghiệp 1.000 lao động sẽ đưa ra mức giá dịch vụ khác với doanh nghiệp 5.00 lao động.

Nói cách khác cách quản trị, vận hàng bộ máy là yếu tố quyết định đến giá thành sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường. Một bộ máy cồng kềnh chi phí nhiều không thể giảm giá thành.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong trong thị trường hàng không cũng vậy mỗi doanh nghiệp có chi phí, lượng nhân công lao động khác nhau, cách quản trị khác nhau nên giá vé khác nhau.

Vì vậy việc áp giá trần sẽ ảnh hưởng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp độc quyền. 

Mai Anh