LTS: Chia sẻ nỗi bức xúc của giáo viên khi phải “vật lộn” với phương pháp “Bàn tay nặn bột” để dạy học sinh, cô giáo Thuận Phương cho rằng phương pháp này chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Trong khi đó, Ban giám hiệu các trường lại không dám phản ánh đúng tình hình thực tế lên cấp trên khiến giáo viên phải sống trong nỗi ám ảnh và mệt mỏi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Tiết thao giảng cấp trường vừa kết thúc, Mộng, cô giáo viên đồng nghiệp của tôi thở phào như trút xong gánh nặng. Mỉm cười gượng gạo, Mộng nói “Thoát nợ, vì nó mà ăn không ngon ngủ không yên mấy tuần nay”.
Là đồng nghiệp của em nên tôi hiểu điều em đã vất vả trải qua. Dạy thao giảng cấp trường đã ngán, dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” lại ngán gấp nhiều lần.
Để chuẩn bị cho tiết dạy thao giảng cấp trường theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, giáo viên đã phải cùng học sinh “vật lộn” suốt hai tuần lễ.
Thầy và trò đang phải vật lộn với phương pháp "Bàn tay nặn bột". (Ảnh: Giáo dục và thời đại) |
Từ việc chuẩn bị đồ thí nghiệm cho trò, lớp có 6 nhóm là 6 bộ đồ dùng làm thí nghiệm, đến chuẩn bị các câu hỏi đề xuất, câu trả lời với giáo viên và các thao tác làm thí nghiệm.
Không chỉ thực hiện một lần mà phải làm nhiều lần như thế vì sợ các em quên, không làm được hoặc thao tác lúng túng khi có người dự giờ.
Thế là ngày nào lên lớp cả cô và trò đều ôn lại câu hỏi, câu trả lời, làm thử thí nghiệm…
Mọi việc đã chuẩn bị xong, đến hôm dự giờ học sinh chỉ việc “diễn” lại những gì đã luyện tập là hoàn thành nhiệm vụ.
Chuyện này ai cũng biết và chẳng ai phản ứng gì vì họ cho là chuyện đương nhiên phải thế.
Ai cũng hiểu rằng không ai có thể dạy được phương pháp "Bàn tay nặn bột" mà không có sự chuẩn bị trước như vậy.
Vì sao giáo viên ngán khi dạy phương pháp này?
Phương pháp "Bàn tay nặn bột" chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra...
Tuy nhiên, trong trường học, học sinh của chúng ta chưa có vốn kiến thức thực tế phong phú, chưa chủ động học tập, chưa có sự năng động, sáng tạo nên áp dụng phương pháp này vào giảng dạy là vô cùng khó khăn.
Ví dụ, khi dạy bài "Không khí gồm những thành phần nào?" Học sinh trình bày quan điểm: (có thể có các ý kiến khác nhau) Không khí gồm có ô-xi, ni-tơ; không khí gồm có bụi; không khí gồm có vi khuẩn;…
Bước đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm. Học sinh làm sao có thể đặt được những câu hỏi theo kiểu:
Giáo dục đang bội thực với thử nghiệm nhiều phương pháp dạy học mới |
- Trong không khí có ô-xi và ni-tơ không?
- Trong không khí có khí các-bô-níc không?
- Trong không khí có bụi không?
- Trong không khí có khí độc và vi khuẩn không?
(Bài "Không khí gồm những thành phần nào?")
Những kiến thức này nếu không có sự “gà bài” trước để các em nắm, tôi dám cam đoan rằng chẳng có em nào có thể trả lời đúng theo yêu cầu.
Học sinh là thế, còn giáo viên, nhiều thầy cô chưa có kiến thức khoa học tự nhiên vững vàng, khả năng linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra trong tiết học còn hạn chế.
Hai điều này cũng góp phần làm cho tiết học sử dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" khó có thể thực hiện được.
Phương pháp "Bàn tay nặn bột" đã được vận dụng, phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhưng không có nghĩa sẽ phù hợp với nền giáo dục nước ta.
Ví dụ như việc sĩ số một lớp học của ta quá đông, chưa có phòng thí nghiệm riêng, chưa đủ đồ dùng dạy học, gia đình ít quan tâm, trẻ lơ là trong việc học…
Vì sao khó thực hiện nhưng vẫn được áp dụng giảng dạy?
Việc phương pháp "Bàn tay nặn bột" khó thực hiện, không hiệu quả, không phù hợp với học sinh ở các trường chỉ được giáo viên rì rầm, râm ran theo kiểu rỉ tai nhau ở quán cà phê hay bên lề các cuộc họp mà chẳng ai dám có ý kiến trong các buổi họp chuyên môn.
Mà ai đó có ý kiến cũng lập tức bị nhắc nhở. Thế rồi, Ban giám hiệu cũng chỉ dám ghi nhận xét toàn ưu điểm vượt trội.
Họ nói “Nếu không thế, cấp trên đánh giá mình kém cỏi không biết dạy hay sao?” Có lẽ vì điều này, phương pháp "Bàn tay nặn bột" sẽ còn đồng hành mãi với giáo dục Việt Nam.