Sáng kiến của giáo viên: Cần giảm số lượng ngay cho đỡ tốn kém!

08/04/2017 05:57
Tùng Sơn
(GDVN) - Chỉ cần vào Internet mà gõ “danh sách sáng kiến…” thì thấy vô vàn sáng kiến hiện ra. Không biết số lượng đó là điều nên buồn hay nên vui cho ngành giáo dục.

LTS: Câu chuyện về sáng kiến trong giáo dục đang được rất nhiều độc giả trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam quan tâm.

Chia sẻ thực tế tại địa phương mình, thầy giáo Tùng Sơn cho rằng cần giảm số lượng sáng kiến ngay để tránh lãng phí và tốn kém tiền của cũng như công sức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đến hẹn lại nộp, tháng tư năm nay, mùa nghiệm thu sáng kiến giáo dục các cấp lại bắt đầu. 

Các thầy cô giáo trên cả nước đang ráo riết cố tìm cho mình một sáng kiến để đáp ứng mục tiêu đề ra: 100% số giáo viên trong trường tham gia viết hoặc áp dụng sáng kiến. Chuyện này thật tốn kém.

Mỗi trường, mỗi năm có vài chục sáng kiến

Đã là sáng kiến thì phải có từng bước thực hiện theo đúng quy trình thời gian: phôi thai ý tưởng, thực nghiệm, khẳng định kết quả, viết thành sáng kiến,… 

Để tránh những sáng kiến mang tính chớp nhoáng, các cấp quản lí giáo dục ở địa phương yêu cầu các thầy cô phải đăng kí sáng kiến từ đầu năm học. 

Thầy nào môn ấy, cô nào lĩnh vực ấy, mỗi người đăng kí viết một sáng kiến trên cơ sở áp dụng một trong những kinh nghiệm của bản thân để tạo thành sáng kiến – đứa con tinh thần của mình.

Thế là ngay từ đầu năm học, mỗi trường học trên cả nước đã có một bản danh sách dài vài chục tên các đề tài khoa học được chọn để viết thành sáng kiến.

Mỗi năm, trường nào cũng có một bản danh sách đăng kí tên sáng kiến (Ảnh cắt trên website của một trường học, chỉ có tính minh họa).
Mỗi năm, trường nào cũng có một bản danh sách đăng kí tên sáng kiến (Ảnh cắt trên website của một trường học, chỉ có tính minh họa).

Mỗi địa phương, mỗi năm học có vô số sáng kiến ra đời
     
Chỉ cần vào một trình duyệt nào đó của Internet mà gõ “danh sách sáng kiến…” thì thấy vô vàn sáng kiến hiện ra. Không biết số lượng đó là nên buồn hay nên vui cho giáo dục.
    
Ta cứ thử làm một phép toán như sau: giả sử mỗi trường có từ 20-30 giáo viên thì sẽ có từng ấy sáng kiến ra lò. 

Qua rà soát, sàng lọc, bình quân mỗi trường gửi đi từ 5-7 sáng kiến thì mỗi huyện có khoảng từ 300 đến 500 sáng kiến. 

Lại bình quân mỗi huyện gửi lên tỉnh khoảng 200 sáng kiến đề nghị công nhận thì mỗi tỉnh hàng năm có hàng nghìn sáng kiến được gửi lên. 

Theo điều lệ sáng kiến (Ban hành kèm theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ) thì sáng kiến phải có tính mới và giải pháp đó chưa từng được công bố. 

Như vậy, mỗi năm học, ngành giáo dục có vô số sáng kiến và giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục.

Một huyện có tới 566 sáng kiến được đăng kí (Ảnh cắt trên website, ảnh chỉ có tính minh họa)
Một huyện có tới 566 sáng kiến được đăng kí (Ảnh cắt trên website, ảnh chỉ có tính minh họa)

Xào xáo, tỉnh nọ tráo tỉnh kia!
        
Những thầy cô giáo giàu tự trọng và yêu nghề thực sự thì bỏ công sức ra viết sáng kiến theo đề tài đã đăng kí. 

Còn phần nhiều thì cứ chỉnh sửa, quay cóp mỗi nơi một tí. Riêng lĩnh vực sáng kiến giáo dục thì phải nói rằng tác giả của nó đại tài về việc “biến văn người thành văn mình”. 

Lí do chọn đề tài cóp chỗ này, cơ sở lí luận của chỗ kia, các giải pháp thì cũng mỗi đoạn một mối,… Xét ra, một sáng kiến tương đối nhiều gốc tích, không ai biết đâu mà lần…

Có nhiều giáo viên quen biết rộng, xin sáng kiến ở tỉnh khác. Thậm chí, người ta có thể xin cả chục sáng kiến của một trường ở tỉnh khác về nếu quen lãnh đạo ở trường đó.

Vậy nên, có thể nói, sáng kiến có tính xào xáo, tỉnh nọ tráo tỉnh kia là thế.
Phần nhiều sáng kiến giáo dục là cũ người mới ta!

Sáng kiến của giáo viên: Cần giảm số lượng ngay cho đỡ tốn kém! ảnh 3

Sáng kiến, thực ra là copy trên mạng, mà nói thẳng ra là ăn cắp của nhau

Theo quy định tại điều 4 thông tư số 18 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Số: 18/2013/TT-BKHCN) thì sáng kiến phải là giải pháp chưa bị bộc lộ công khai trong phạm vi cơ sở. 

Tuy nhiên, việc kiểm soát tính mới của sáng kiến giáo dục vô cùng khó khăn.

Thứ nhất, lượng sáng kiến nhiều, cơ quan chủ quản không thể rà soát hết xem liệu nó có là sản phẩm của đạo văn hay không. 

Thứ hai, người nộp sáng kiến đã chỉnh sửa hết những gì có thể bị phát hiện trên trang tìm kiếm Google. 

Thứ ba, sáng kiến có thể là của địa phương khác. Hai địa phương cách nhau hàng nghìn cây số nhưng người ta gửi cho nhau chỉ bằng mấy cú nhấp chuột trên email cá nhân là xong. 

Với những sáng kiến kiểu này thì người chấm không thể biết tác giả đích thực của nó là ai.
        
Thế là sáng kiến kinh nghiệm ra đời, sáng kiến ấy là những ý tưởng cũ thậm chí cả ngôn từ cũng cũ nốt. Khi nó được chuyển sang vùng khác lại trở thành tác phẩm hoàn toàn mới. Cũ người mới ta là thế. 

Viết thật, chưa chắc đã được, xào xáo có khi lại được!

       
Hội đồng khoa học đọc sáng kiến, cứ thấy bản nào hay thì xếp loại. Tất nhiên là hay theo chủ quan cá nhân. Sáng kiến không như toán là một cộng một bằng hai mà sáng kiến hay dở do cảm nhận của mỗi giám khảo.

Sáng kiến của giáo viên: Cần giảm số lượng ngay cho đỡ tốn kém! ảnh 4

Cứ làm và chấm đề tài, sáng kiến như hiện nay thì...nên bỏ

Một sáng kiến bình thường, giám khảo 1 cho thấp, giám khảo 2 thấy hay lại cho cao, cộng vào chia đôi có khi lại được. 

Một sáng kiến có khi hay, nhưng gặp giám khảo trái môn, đọc chẳng thấy hay gì cả, thế là trượt. 

Lại nữa, thường là trình độ cao chấm trình độ thấp. Nhưng thực tế chấm sáng kiến thì không như thế. 

Có cô, khi là giáo viên rất kém năng lực. Từ lí do khách quan và chủ quan nào đó bỗng chốc lên Phó Hiệu trưởng, thế là được cử đi chấm sáng kiến. Cô thích cho ai đạt hay trượt là quyền của cô vì cô là giám khảo…

Bởi thế nên, tự tay viết sáng kiến chưa chắc đã đạt, đi xin sáng kiến có khi lại được các cấp công nhận.

Sự tốn kém tiền của và thời gian

Nếu được những sáng kiến có giá trị như các ngành nghề khác thì chắc là giáo dục đã phát triển như mong muốn. 

Thế nhưng sáng kiến của thầy cô giáo trong ngành giáo dục phần nhiều là viết để đáp ứng quy định về chỉ tiêu thi đua hoặc tiêu chuẩn bình xét danh hiệu thi đua. 

Nội dung sáng kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, nó chẳng làm hại ai và cũng chẳng mang lại gì nhiều. 

Sáng kiến của giáo viên: Cần giảm số lượng ngay cho đỡ tốn kém! ảnh 5

Cán bộ, giáo viên chẳng lẽ năm nào cũng phải làm sáng kiến?

Sáng kiến chủ yếu dừng lại trên giấy rồi sau bán giấy vụn. Nhưng việc có sáng kiến thì vẫn phải có.

Vậy là cứ phải nộp sáng kiến khi đến “mùa” chấm sáng kiến.

Như trên đã tính, trung bình mỗi huyện 500 sáng kiến các cấp học thì trung bình mỗi tỉnh có 5.000 sáng kiến. Cả nước trên 60 tỉnh thành sẽ có trên 300.000 sáng kiến. 

Cứ tính tiền giấy in mỗi sáng kiến 20.000 đồng nhân 300.000 sáng kiến thì giáo viên cả nước sẽ phải chi hàng chục tỉ đồng cho việc viết sáng kiến. 

Nếu tính thêm kinh phí chi cho hội đồng khoa học xét duyệt sáng kiến các cấp trên cả nước, lại phải cộng thêm một vài chục tỉ đồng nữa.
      
Đây mới chỉ nói về sự lãng phí tiền bạc, còn thời gian của biết bao người thì không sao tính hết.

Lời kết: Đến đây, người viết bài này cũng thành thật xin lỗi các thầy cô giáo đã dành công sức viết lên những sáng kiến thực sự của mình (dù chỉ là số ít). 

Còn chuyện về nghịch lí trong vấn đề viết sáng kiến thì kể cả ngày chẳng hết. Có lẽ đây cũng là một mảng tối, là những tồn tại cần khắc phục trong bức tranh giáo dục nước nhà. 

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thay đổi quy định về viết và áp dụng sáng kiến cho riêng ngành của mình để giảm ngay số lượng sáng kiến ở các địa phương và để sáng kiến trở về với ý nghĩa đích thực và đúng đắn như tên gọi vốn có của nó.

Tùng Sơn