Bắt đầu từ quy định của pháp luật
Ngay trong bài phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ của mình, đó là “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.
Xây dựng một Chính phủ kiến tạo không chỉ là một thông điệp, đó còn là lời kêu gọi của Thủ tướng với các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương phải chuyển từ vị thế “cai quản” sang “kiến tạo” để củng cố và tạo thêm niềm tin của cho người dân, doanh nghiệp về một chính quyền liêm chính.
Thủ tướng luôn dành sự quan tâm hàng đầu, chỉ đạo tập trung tìm mọi giải pháp để doanh nghiệp phát triển. ảnh: Tạp chí Đảng Cộng sản. |
Trước thông điệp và lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: “Không riêng gì tôi mà xã hội cũng đều tin tưởng và hoan nghênh thông điệp của Thủ tướng đưa ra cho Chính phủ nhiệm kỳ này”.
Theo ông Bùi Kiến Thành, xây dựng Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xác lập cho người dân quyền tự do kinh doanh qua đó tạo nên động lực để tăng trưởng, phát triển.
Theo ông Thành hiện nay khó khăn cho bài toán phát triển của Việt Nam nằm ở cả hai khía cạnh.
Thứ nhất, khung pháp luật hay thủ tục hành chính đã được cải cách nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ hai, tệ nạn tham nhũng tràn lan, biểu hiện của sự xuống cấp cả đạo đức công vụ lẫn đạo đức cá nhân trong chính những con người đang vận hành bộ máy công quyền và hệ thống pháp luật.
Trong đó vấn nạn tham nhũng, thực hiện trái quy định của pháp luật là hành vi dễ xử lý nếu phát hiện vi phạm thì việc ra văn bản quy phạm pháp luật gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng người dân rất khó xử lý trách nhiệm.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh: Hoàng Lực. |
Dẫn chứng cụ thể, ông Thành cho biết, mới đây đề xuất khung giá sàn vé máy bay đường bay nội địa.
Dù đề xuất này bị người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải bác bỏ nhưng có thể thấy nếu không có sự lên tiếng của báo chí, người dân và các chuyên gia rất có thể đề xuất này sẽ được thông qua.
Khi đó các hãng hàng không giá rẻ gặp khó, người dân sẽ giảm bớt cơ hội sử dụng hàng không giá rẻ cuối cùng là cả nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay cả khi chính sách ban hành gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng việc xử lý trách nhiệm lại rất khó.
Tương tự đầu tháng 3/2017, Bộ Công Thương đã quyết định bãi bỏ quy định gây tranh cãi, nới lỏng điều kiện nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ tại Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống .
Cụ thể bằng Thông tư 04/2017/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 20 Bộ Công thương đã bãi bỏ quy định phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện khỏi danh mục giấy tờ bắt buộc khi làm thủ tục nhập khẩu.
Thông tư 20 được ban hành vào năm 2011 trong thời kỳ ông Vũ Huy Hoàng là bộ trưởng.
Thông tư này quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu phải có: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Quy định này gây khó cho doanh nghiệp và đã được Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Quốc hội, tuy nhiên sau hơn 5 năm thì Bộ Công Thương mới có sự thay đổi.
Vậy những thiệt hại mà doanh nghiệp phải hứng chịu trong giai đoạn này sẽ quy trách nhiệm cho ai?
Ông Bùi Kiến Thành phân tích, Thủ tướng kêu gọi xây dựng chính phủ liêm chính nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt, có tính chất cạnh tranh lành mạnh tôn trọng thị trường.
Nhưng muốn có được môi trường kinh doanh tốt giải pháp phải bắt đầu tư những văn bản quy phạm pháp luật đúng đắn, sát thực tế thị trường.
Vai trò lớn của Quốc hội
Theo ông Bùi Kiến Thành các văn bản quy phạm pháp luật gây tranh cãi, phản ứng của người dân chủ yếu là các thông tư, quy định dưới luật do bộ, ngành ban hành.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng cần có chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra văn bản dưới luật gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
“Tuy nhiên thực tế việc này không dễ, cho dù văn bản này gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thậm chí gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng khó để xử lý và đòi bồi thường thiệt hại do văn bản này gây ra. Do đó vai trò phản biện của các cơ quan báo chí rất quan trọng”, ông Thành cho biết.
Đồng thời, Quốc hội cũng giữ vai trò rất quan trọng. Ở vị trí cơ quan lập pháp, Quốc hội có quyền yêu cầu Chính phủ, bộ, ngành xem xét, bổ sung, chỉnh sửa lại văn bản dưới luật chưa hợp lý, chưa đúng với thực tế.
Theo ông Thành, nguyên nhân dẫn đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nền kinh tế chính là con người.
Nguyên nhân sâu sa dẫn đến tình trạng cán bộ năng lực kém theo ông Thành đến từ công tác quản lý cán bộ, tuyển dụng, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ.
Qua những vụ việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ như trường hợp bổ nhiệm Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Sabeco hay như việc bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - Vũ Minh Hoàng.
Ông Thành cho rằng cần siết chặt công tác quản lý cán bộ: "Cán bộ trẻ dù tài năng nhưng không được cắt xén bước tuyển dụng mà phải thực hiện thi tuyển theo đúng quy định để chọn lựa người tài. Quá trình thi truyển cần công khai minh bạch đồng thời theo dõi, giám sát cán bộ sau khi đề bạt, bổ nhiệm.
Có như vậy mới đảm bảo tuyển chọn cán bộ đủ năng lực trình độ, từ đó tham mưu đề xuất những văn bản quy phạm pháp luật đúng và trúng yêu cầu của thực tế xã hội".