LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, một nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ.
Trong bài viết này, tác giả đề cập đến tinh thần học tập không ngừng nghỉ, luôn khiêm nhường và cầu thị sẽ giúp chúng ta thu thập được nhiều kiến thức quý báu.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu dẫn “Điều tôi biết là tôi không biết gì” (“I know that I know nothing”) [1] được cho là của Socrates và sau đó được Plato viết và bình luận, nhằm hướng đến một triết lý của triết học Hy Lạp nổi danh trong lịch sử.
Trong các lớp học nền tảng (foundations) của hầu hết các ngành ở Mỹ, triết học, đặc biệt là triết học cổ luôn được khuyến khích các sinh viên nên học, nhằm nâng cao năng lực tư duy và sử dụng triết học như một mạch dẫn cho các tư duy hiện đại trong thế giới đa cực và phức tạp ngày nay.
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ về triết lý “Tôi biết là tôi không biết gì” trong giáo dục hiện đại, ở các cấp học ở Mỹ.
Socrates là một triết gia Hy Lạp cổ đại. Ảnh: Wikipedia. |
Thực tế, chất lượng giáo dục Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức, từ chất lượng và thiếu hụt giáo viên, đến chương trình cải tổ nhằm nâng cao năng lực hiểu biết về quốc tế và có khả năng lao động đáp ứng với nền công nghiệp công nghệ đòi hỏi.
Mặc dù vậy, may thay cho nền giáo dục Mỹ, bởi được xây dựng trên công thức của John Dewey, nhà trường và giáo dục được thiết lập trên nền tảng của dân chủ, giáo viên và học sinh khá thoải mái để nói lên câu “Tôi xin lỗi, tôi không biết” khi cần thiết.
Có lẽ với nhiều người Việt mình, và nói chung, là dân châu Á đều ngạc nhiên khi thấy người Mỹ và giáo viên Mỹ không hề xấu hổ với điều họ không biết, trong khi ít khi tự chúng ta nhìn nhận được những giới hạn của bản thân và công khai thừa nhận sự không biết của mình.
Việt Nam có đào tạo được công dân toàn cầu trong thời đại 4.0 không? |
Sau mấy năm quan sát và nghiền ngẫm, tôi đã “vỡ” được đôi phần về khái niệm “Tôi không biết” trong giáo dục Mỹ.
1. Khi bạn biết là bạn không biết, bạn chưa biết, điều đó buộc bạn phải học hỏi liên tục và suốt đời.
2. Khi bạn biết là bạn không biết, sự ngạo mạn và kiêu căng về những gì của mình được giảm về 0.
3. Khi bạn biết là bạn không biết, bạn mong đợi sự tôn trọng của người khác về việc bạn không biết, và do vậy, bạn sẽ và cần tôn trọng người khác, biết lắng nghe và biết sự khác biệt giữa các quan điểm không có gì sai trái cả.
4. Khi bạn biết là bạn không biết, điều đó chứng minh bạn không cần phải biết tất cả. Bạn chỉ cần biết những gì thực sự hữu ích cho cuộc sống thực tiễn và mưu cầu cải thiện hiện tại.
Tất cả những điều này hoàn toàn xuất phát từ bản thân bạn, người học, với tư cách là một chủ thể độc lập, có những tính cách cá nhân độc đáo, những năng lực riêng biệt và mục tiêu cuộc sống dành riêng cho bạn quyết định.
Điều này vô cùng quan trọng trong giáo dục những thập kỷ tới, bởi giáo dục sẽ tiến tới “cá thể hóa” (personaliazed learning) từng học sinh.
Với những hỗ trợ trong nghiên cứu và đánh giá học sinh từ những công nghệ học tập, việc xác định rõ năng lực từng học sinh với từng môn, những điểm yếu và điểm mạnh, sẽ giúp cho giáo viên và học sinh ngày càng tìm ra cách thức dạy và học hiệu quả hơn, phù hợp hơn với tính cách của từng học sinh.
Khi chúng ta nhìn đến 16 tính cách và năng lực đặc thù mà học sinh thế kỷ 21 cần có do Hội nghị Davos chỉ ra (xem hình dưới đây), chúng ta không nên cứng nhắc với quan điểm là tất cả các học sinh sẽ phải đạt được tất cả những phẩm chất này mới “tốt” được.
Hội nghị Davos chỉ ra 16 năng lực của học sinh. |
Khi mới sang Mỹ, trong các buổi họp học sinh hay phụ huynh toàn trường, tôi cứ thắc mắc, sao mà trường và các thầy cô đặt ra lắm loại giấy khen.
Nào là giấy khen về việc học sinh đã đọc nhiều sách, giấy khen về làm toán giỏi, giấy khen về đi học đúng giờ và chăm chỉ hoàn tất bài tập, rồi giấy khen về đã giúp bạn, giấy khen dọn vệ sinh trường, đến cả giấy khen vì đã chăm sóc mèo không có chỗ ở, vân vân và vân vân.
Các loại giấy khen này được phân chia ra nhiều cấp độ, từ cấp lớp – trường – quận – bang và lên đến liên bang.
Một số học sinh Việt học ở Mỹ nhận được giấy khen, mừng lắm và được ca ngợi vô cùng.
Cũng mừng thật, vì ở Việt Nam mình, giáo viên và có lẽ ngành giáo dục chưa quen khen từng học sinh, và phải khen đúng, khen “trúng” với thực tế của học sinh đạt được, chứ không phải loại giấy khen “đồng phục” cho toàn học sinh giỏi và khá cuối năm.
Khi con tôi được cô giáo dạy Mỹ thuật mời đến để nhận giấy khen, cháu rất sung sướng và hãnh diện về những tác phẩm mình đã làm.
Tuy nhiên, khi cô giáo gợi ý mời học chuyên sâu về Mỹ thuật hay Nghệ thuật thiết kế (lớp nâng cao), cháu nói ngay là cháu chỉ thích Mỹ thuật như một môn thư giãn, chứ không muốn học nâng cao như một nghề sau này.
Và hai cô trò cứ chia sẻ, trình bày qua lại về lợi ích và mong muốn cho ngành học, rồi thì cô cũng vui vẻ với quyết định của cháu thôi.
Điều này để nói lên một thực tế là, những phẩm chất, năng lực được xây dựng và thiết kế như một mục tiêu của giáo dục rất là cần, vì làm gì, học gì cũng cần có mục tiêu.
Tuy nhiên, yếu tố “nhân bản”, vì “con người” và tôn trọng con người, với những mong ước riêng, với những tính cách riêng, những trải nghiệm riêng cần được phát huy tối đa trong môi trường giáo dục.
Steve Jobs, huyền thoại của Apple đã bỏ học đại học để ra làm máy tính, và vì có học lớp các loại chữ viết như một khóa học ngắn, một thú vui, cuối cùng đã giúp cho Steve làm nên một hình mẫu của máy tính với các font chữ rất đẹp cho cả thế giới.
Thomas Friedman, một người chuyên bình luận của New York Times và tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như “Thế giới Phẳng”, “Lexus và Cây Ô liu”, “Đã từng là như vậy”, và gần đây là “Xin cảm ơn, bạn đã đến muộn”, chia sẻ về đam mê viết và trở thành nhà báo, cây bình luận viên xuất sắc ở New York Times là do sự khích lệ của cô giáo chủ nhiệm hồi lớp 5 để tham gia vào một sinh hoạt ngoại khóa về cách viết báo trong trường cấp 1.
Có lẽ, không cần quá sâu xa như buộc học sinh từ lớp 1 phải học triết học “tử tế” hay “công dân toàn cầu” như mấy gợi ý gần đây, nhưng khi chúng ta nói chuyện với học sinh, với phụ huynh, với đồng nghiệp và với bất kỳ ai, chúng ta có thể bắt đầu từ một thái độ chân thành ‘Tôi không biết”.
Thời đại 4.0, Thư gửi Việt Nam và ngẫm về sự học của người Việt |
Sau đó, như Steve Jobs, “luôn dại khờ, luôn đam mê” để đi tìm lời giải, hoặc cho mình, hoặc cho học sinh, vì những điều mình không biết, nhưng mình thực sự yêu thích và quan tâm.
Cách tiếp cận này với những phương pháp giáo dục trong thời đại mới sẽ giúp cho cả giáo viên, học sinh và mọi người trong xã hội cởi mở hơn với mọi vấn đề mà chúng ta chưa biết.
Cá nhân tôi, với tư cách là người nghiên cứu giáo dục, tôi rất e ngại khi nhìn thấy những hiện tượng “thần đồng”, “thần tượng”, “siêu nhân” trên báo chí Việt mình.
Xét về tâm lý lâu dài, những ca tụng này, dù là đúng, hoàn toàn không có lợi cho con trẻ là người học suốt đời, chưa kể đến yếu tố so sánh, đánh giá giữa những cha mẹ và học sinh cùng lứa.
Tuy nhiên, đây cũng là tùy vào nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi xã hội, vì nếu xét đến người giỏi trên thế giới mà tính dựa trên số bằng sáng chế hay những phát minh cho toàn nhân loại, Mỹ là nước số 1, nhưng họ xác định rõ là “superman” (siêu nhân) chỉ có ở phim Hollywood.
Họ không nhầm lẫn giữa phim ảnh và đời thực, nhất là trong giáo dục, dù rằng phim có ý nghĩa cũng nên được dùng để khích lệ học sinh hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ và bảo vệ điều đúng.
Với những “thần tượng” từ sớm, nếu không được giáo dục đúng đắn, khó để xây dựng được thái độ tôn trọng sự khác biệt và mong muốn học tập suốt đời.
Vậy, để tạo dựng ra những người học có tính “nhân bản”, rất cần tư duy làm sao xây dựng được giáo viên có tính nhân bản, cùng đồng hành với học sinh để phát triển những phẩm chất, kỹ năng dựa trên tính “con người”.
Tôi thích xuất phát từ chia sẻ đơn giản, “Tôi biết là tôi không biết gì”, để bắt đầu một đam mê học tập và chia sẻ cho học sinh cùng học, cùng khám phá.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/I_know_that_I_know_nothing