Gạo, ngô, bo bo và làm giáo dục

20/04/2017 07:46
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Nếu là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đào tạo, chúng ta sẽ làm gì để giúp giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam cải thiện hơn nữa?

LTS: Tiếp tục bàn về vấn đề chính sách giáo dục, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, nghiên cứu sinh giáo dục Hoa Kỳ cho rằng, vấn đề chỉ đạo giáo dục cần dựa trên những nghiên cứu khoa học thực tiễn chứ không thể làm việc theo cảm tính.

Bởi thực sự, mỗi quyết định trong chỉ đạo giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tương lai cũng như sự phát triển, hình ảnh của đất nước sau này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong thời kỳ khó khăn những năm 1980, tôi nhớ mãi những năm tháng được ăn gạo, dù là ít, vẫn thấy vui hơn nhiều là ăn ngô và bo bo, thậm chí, có những tháng ngày mang sổ ra nhận bánh mì “cục gạch”, ăn đau hết răng!

Điều thú vị nhất hồi đó là gia đình luôn động viên con cái ăn uống bằng những bài viết trên báo chí, ví dụ, “Ngô bổ hơn gạo, nên ăn ngô”, và sau đó, có xác nhận về việc bo bo bổ hơn ngô.  

Bánh mì ăn tốt hơn gạo thì rất đơn giản, vì hầu hết các bạn Nga hay dân các nước Tây đều ăn bánh mì, chứ không ăn gạo như dân Việt mình.  

Tất cả những vấn đề này đều được nghiên cứu, được công bố và thông tin rộng rãi trên báo chí cho toàn dân đọc.  

Chúng ta ăn uống rất khoa học, theo khoa học, trong một thời gian dài, đến độ bà ngoại bảo tôi “Sao trông cháu xanh như rau muống!”. 

Nhưng với một đứa trẻ như tôi, việc xanh như rau muống hay như thiếu máu nặng cũng không có gì nghiêm trọng, vì tất cả chúng ta chỉ biết khoa học đến vậy.

Cho đến gần đây, khi mọi người cứ kêu ầm lên về những vấn nạn trong giáo dục.

Tôi rất ngạc nhiên.

Tại sao mọi người không biết là mọi cải cách giáo dục ở chúng ta đều học từ nước ngoài, từ nghiên cứu khoa học nhỉ?

"Vấn nạn của rất nhiều chính sách giáo dục hiện nay, là ở chỗ, chúng rất nhiều cảm xúc, đam mê, nhưng rất yếu về khả năng thực thi và ý tưởng thực tế. Hơn thế nữa, các chính sách này, phần nhiều, đều không dựa trên bằng chứng xác thực/nghiên cứu cơ bản" – Mathew Lynch. (Ảnh: Edweek)
"Vấn nạn của rất nhiều chính sách giáo dục hiện nay, là ở chỗ, chúng rất nhiều cảm xúc, đam mê, nhưng rất yếu về khả năng thực thi và ý tưởng thực tế. Hơn thế nữa, các chính sách này, phần nhiều, đều không dựa trên bằng chứng xác thực/nghiên cứu cơ bản" – Mathew Lynch. (Ảnh: Edweek)

Lấy ví dụ, trong quá khứ, chúng ta đã từng học rất “sâu” về tiếng Nga, tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Anh.

Và đến giờ, chúng ta chỉ đơn giản là cho phép học 2 ngoại ngữ cùng lúc.

Nó có nguồn gốc lịch sử sâu xa, dựa trên năng lực học tập vượt trội của người Việt, và dựa trên tinh thần “Làm bạn với tất cả”. Vậy tại sao mọi người lại phản đối?  

Việc con bạn không học tiếng Anh hôm nay, thì mai vẫn phải học, khi chúng muốn đi làm, đi học ở nước ngoài.  

Còn nếu học ở trường chưa đủ, thì học thêm. Nếu cấm học thêm, thì ra trung tâm mà học hoặc đã có các chương trình online mà mấy bác giáo dục lập sẵn rồi, bố mẹ cứ đăng ký trả tiền thôi, còn học thế nào và ra sao thì Tây mới biết!

Mặc dù chúng ta nói đến vấn nạn “cặp to hơn người” của học sinh Việt Nam, làm sao phải kêu nhỉ?  

Thay vì dành thời gian tập thể thao, các bé học sinh Việt Nam được luyện các môn như cử tạ và chạy bộ với balo15 kg hàng ngày, từ khi vào lớp 1 đến lớp 12.  

Điều này sẽ là vô cùng hữu ích cho các em, bởi rèn luyện sự chịu đựng là một phẩm chất và kỹ năng hiếm thấy trong thế kỷ sắp tới, điều mà không có robot nào có thể “cướp” được của các em! 

Những chính sách giáo dục cần dựa trên những nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Những chính sách giáo dục cần dựa trên những nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Còn muốn bỏ cặp sách đi, làm gì có tiền mà đòi. Cái gì cũng có giá, và không thể có giáo dục tốt với giá rẻ nhé! 

Ví dụ như muốn học sinh đến trường với hai tay tung tăng, không cặp nặng, không bài tập ư?

Phải trả rất rất nhiều tiền đấy, để chúng ta mua các chương trình rất hữu hiệu của nước ngoài, để chúng ta mua và lắp máy tính bảng cho từng học sinh, để kết nối cha mẹ với trường và con cái qua mạng, để mọi thứ xảy ra trên “mây” hết.

Lúc đấy may ra học sinh mới không phải mang “tạ cặp” đến trường hàng ngày.

Gạo, ngô, bo bo và làm giáo dục ảnh 3

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào?

Mọi người ai đứng ở cổng trường học, dù là cấp 1 hay cấp 3 quan sát, sẽ không thể không thừa nhận một thực tế là hình ảnh các học sinh bước chậm rãi vào cổng trường, với khuôn mặt không có gì vui tươi trong khi ông bố bà mẹ thì rồ máy lao đi làm rất nhanh! 

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui? Khó đấy! Vì vui sao được khi có quá nhiều bài để học, để làm, để thi và cứ như một vòng quay “Ai là triệu phú?” 

Các thầy cô chỉ có thể liên lạc với phụ huynh khi có chuyện gì đó, mà thường là chuyện “vui ít, buồn nhiều”, dù đấy là buồn cho phụ huynh là nhiều.  

Có ai biết làm sao mà buộc thầy cô như mẹ hiền, trong khi bố mẹ thật còn rất bận bịu?

Nghiên cứu chỉ ra rằng cha mẹ quyết định đến tính cách đứa trẻ từ khi mới đẻ đến 12 tuổi, thời gian bố mẹ với con bây giờ còn ít hơn thầy cô dành cho học sinh…Vậy, cha mẹ ở đâu để có thể chia sẻ với thầy cô, với nhà trường? 

Với các thầy cô, họ cũng vừa là cha mẹ vừa là thầy cô. Họ cũng đưa con đến trường rồi lao đến trường làm. Vui thì mừng, buồn thì rất phiền vì không khí lớp học có vui hay buồn đi theo tâm trạng của thầy cô.

Thầy cô vui buồn thì đi theo tâm trạng của Hiệu trưởng, Hiệu trưởng đi theo tình hình khen thưởng của nhiều cấp…

Cứ thế, cứ thế mà đi một vòng tròn của giáo dục! Tất cả đều liên kết với nhau, tất cả đều khổ sở cùng nhau, vui buồn cùng nhau và cùng chờ vào chính sách và chỉ đạo. 

Mới đây thôi, một đề án cải cách giáo dục phổ thông mới được công bố rầm rộ nhằm giúp cho “vòng tròn giáo dục” tìm được niềm vui trong dạy và học, để trở nên một công dân toàn cầu, chứ không còn “xanh như rau muống” nữa.  

Một công văn được gửi ngay cho tất cả vòng tròn giáo dục để xin ý kiến về chương trình mới… Thật tuyệt vời, bởi ít nhất, vòng tròn giáo dục có được cơ hội phát biểu!

Gạo, ngô, bo bo và làm giáo dục ảnh 4

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức

Chỉ có điều, nếu dựa trên khoa học và nghiên cứu, giáo dục thực sự không xuất phát từ chỉ đạo, từ công văn từ trên xuống.  

Chỉ đạo hay duy ý chí về giáo dục hoàn toàn không hữu hiệu trong việc biến một học sinh chăn bò thành một học sinh biết viết coding, hay lập trình dữ liệu và có thể xử lý “big data” với tiếng Anh, tiếng Hoa hay tiếng gì được gọi là ngôn ngữ quốc tế… 

Hay cơ bản nhất, điều đó không giúp một đứa trẻ tin vào khả năng mình được tự do thể hiện là chính mình ở nhà, ở trường và ở mọi hoạt động mà nó tham gia.

Nguyên lý của giáo dục là xuất phát từ người học, người dạy, thì hình như, xuất phát điểm đầu tiên của mọi đề án giáo dục phải là từ thực trạng của giáo viên, của học sinh và mục đích hướng học sinh đến những mục tiêu nào mà giáo dục mong mỏi hướng đến. 

Vậy, nếu là khoa học giáo dục, lẽ ra những nghiên cứu và đánh giá nền tảng để phục vụ cho cải cách đề án giáo dục phổ thông mới phải làm rồi chứ nhỉ?

Sao lại gửi xin ý kiến khi mà đã công bố rõ thời gian áp dụng chương trình mới được ấn định vào tháng 9 này?  

Chả lẽ những bài học từ những cải cách giáo dục thất bại, từ đề án ngoại ngữ 2020, không giúp những người làm đề án và ra chỉ đạo giáo dục điều gì? 

Vậy làm sao họ lại có thể dùng một đề án không có nghiên cứu nền tảng để đi vay 77 triệu đô la Mỹ được? 

Gạo, ngô, bo bo và làm giáo dục ảnh 5

Việt Nam có đào tạo được công dân toàn cầu trong thời đại 4.0 không?

Liệu có ai ở Việt Nam chưa biết chúng ta đang cùng nhau có khoản nợ công lên tới 94,8 tỷ đô la Mỹ, theo đó, mỗi người dân Việt đang gánh trên đầu khoản nợ trung bình 23 triệu đồng? 

Vậy, mỗi học sinh, mỗi thầy cô, mỗi gia đình đã nhìn thấy được gánh nặng của học tập và nợ công trên đầu trên vai mình chưa? 

Bởi đơn giản, mỗi thất bại của giáo dục là sự mất mát, không chỉ là tiền đi vay, tiền lao động của mỗi gia đình, mỗi thầy cô, mà đấy có thể còn là sự mất mát của tương lai, không ai có thể tính được!
 
Vậy làm thế nào để hạn chế thất bại trong giáo dục? 

Nếu là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đào tạo, chúng ta sẽ làm gì để giúp giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam cải thiện hơn nữa? 

Hãy tôn trọng khoa học, hãy sử dụng nghiên cứu khoa học và nhà nghiên cứu, nhà giáo, phụ huynh như những đối tác để cùng hiệu chỉnh nền giáo dục hiện hữu, và để phấn đấu cho một nền giáo dục tốt hơn cho con trẻ.  

Hãy để cha mẹ, học sinh và cả xã hội lên tiếng. Hãy giúp họ đưa ra ý kiến được đúng trọng tâm, bằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố toàn bộ tất cả các nghiên cứu khoa học, các khảo sát phục vụ cho đề án cải cách giáo dục trên website của mình.

Tư duy về “ngô bổ hơn gạo” bằng chỉ đạo, bằng tuyên truyền qua báo chí, không còn đúng vào thời đại thế giới số nữa rồi.   

Câu hỏi thế nào là giáo dục 4.0 gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có lẽ là dấu hiệu tốt để những người ra chỉ đạo nên tư duy: Là lãnh đạo, thì cần thực sự dẫn đầu về những việc đang làm cho học sinh, cho giáo viên và cho một nền giáo dục của dân tộc mình!

Viết về vấn nạn lãnh đạo và chính sách giáo dục, Mathew Lynch – nghiên cứu về giáo dục giáo viên ở Mỹ có một nhận định khá đúng với tình hình hiện nay của chúng ta:

Vấn nạn của rất nhiều chính sách giáo dục hiện nay, là ở chỗ, chúng rất nhiều cảm xúc, đam mê, nhưng rất yếu về khả năng thực thi và ý tưởng hiện thực.

Hơn thế nữa, các chính sách này, phần nhiều, đều không dựa trên bằng chứng xác thực/nghiên cứu cơ bản”.

Hy vọng chúng ta không phải trả giá lần nữa cho một đề án cải cách giáo dục!

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn, cách hành văn và ý kiến đóng góp của riêng tác giả.

Nguyễn Thị Lan Hương