Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào?

14/04/2017 06:20
Đất Việt
(GDVN) - Tôi thực lòng quan ngại về vấn đề “học việc” trong giáo dục, vì giá phải trả có thể không hề ít.

LTS: Là một người nghiên cứu về giáo dục tại Hoa Kỳ, tác giả Đất Việt bày tỏ những ý kiến về công tác hoạch định chính sách giáo dục hiện nay của nước ta.

Theo đó, tác giả cho rằng chúng ta cần có một tư duy làm chính sách hiệu quả dựa trên những ý kiến nghiên cứu khoa học chứ không thể dựa trên các ý kiến chủ quan.

Tác giả cũng đặt ra một số câu hỏi phản biện cho đội ngũ những người đang soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Câu chuyện thứ nhất: Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào?

Trong hội thảo về “Cách mạng công nghiệp 4.0 và Giáo dục” (tháng 10/2016), mặc dù chưa được kiểm định, đã có một nhận xét được đưa ra “Có doanh nghiệp nước ngoài mất 2 năm để xóa bớt những gì sinh viên đã học. Sau đó, mất thêm 2 năm nữa để dạy những kinh nghiệm mình cần” [3].  

Dù là người làm nghiên cứu giáo dục và cũng là người có hơn 10 năm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, tôi không rõ nhận xét này có đại diện cho chất lượng giáo dục hiện nay của Việt Nam hay không vì chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào về vấn đề này. 

Nhưng từ tháng 10/2016 trở đi, quá nhiều bài trên báo chí viết về công nghiệp 4.0 và nhu cầu học e-learning, thay đổi phương pháp học với thế giới qua “lớp học ảo”, do những tác động của 4.0 vào giáo dục,…

Trong khi đó, cơ sở vật chất ở các trường đại học, khả năng ngoại ngữ và phương pháp dạy-học, chất lượng giáo viên cũng như mức độ tiếp cận với kiến thức được cập nhật quốc tế của giáo viên còn rất hạn chế. 

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? (Ảnh: Báo Phú Thọ)
Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Quá nhiều điều cơ bản của một nền giáo dục đại học đang bị trống, vẫn chưa tìm được giải pháp, dù có hay không 4.0. 

Vậy liệu 4.0 có giúp chúng ta điền vào chỗ trống của những hạn chế và yếu kếm về nhân lực, về chính sách, về nguồn tài chính hạn hẹp dành cho nghiên cứu của nền giáo dục đại học đang “ọp ẹp”? 

Chúng ta coi 4.0 là công cụ, phương tiện giúp cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, hay chúng ta coi 4.0 là hình thức “marketing” để “lột xác” từ một vẻ ngoài “ọp ẹp” sang một màu sắc mới, nhưng bản chất bên trong (chất lượng dạy và học) không thay đổi gì? 

Liệu có thể coi đây là một cách chúng ta tư duy, tiếp cận và làm chính sách giáo dục đúng đắn, khi chúng ta rất ít công bố các nghiên cứu khoa học, những khảo sát ý kiến của học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội ở diện rộng như là một nguyên tắc bắt buộc khi làm chính sách? 

Khi nào làm chính sách cần dựa trên ý kiến khoa học, chứ không dựa thuần túy trên ý chí chủ quan hay là nhiệm vụ chính trị?

Trong khi đó, chưa có những nghiên cứu khoa học, chưa có những phản biện độc lập từ các nhà nghiên cứu giáo dục trong và nước ngoài cho chính sách giáo dục,.

Xin lấy một ví dụ điển hình về làm chính sách giáo dục và được thừa nhận công khai là “thất bại”, là Đề án ngoại ngữ 2020 với khoản ngân sách 9.400 tỷ [4].  

Mặc dù có thể có nhiều lý do đặt câu hỏi cho việc thừa nhận thất bại hiếm hoi này (ví dụ, để dễ dàng chuẩn bị cho đề án mới, ngân sách mới và cho đội ngũ lãnh đạo mới), câu hỏi cần đặt ra từ Đề án 2020 là tại sao chỉ được thừa nhận thất bại sau 8 năm thực hiện và tiêu gần hết 9.400 tỷ tiền đề án? 

Tại sao thất bại? Có ai chịu trách nhiệm về thất bại này? Những bài học gì từ thất bại này mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rút kinh nghiệm cho các đề án khác? 

Hầu hết những đề án giáo dục trong hơn 20 năm qua về cải cách giáo dục đã không hề có “đánh giá ngoài”, không có “kiểm toán độc lập”.

Chính vì vậy, những câu hỏi trên đều không có câu trả lời, và có vẻ như những lỗi về cách làm đề án, lỗi tư duy về chính sách giáo dục đang được lặp lại với Đề án cải cách giáo dục phổ thông sắp được thực hiện (xin được phân tích kỹ hơn ở phần dưới đây).  

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 2

Thời đại 4.0, Thư gửi Việt Nam và ngẫm về sự học của người Việt

Tôi đã không hiểu được quy trình làm đề án giáo dục, chính sách giáo dục ở Việt Nam cho đến hôm đọc được ví dụ sinh động không kém việc “cấm ...bậy”, về việc Hiệu trưởng một trường tiểu học thành thật thú nhận “Tôi không thạo tiếng Anh nên khó nói liên kết ngoại ngữ nói cái gì, thế nào” [5] và “10 năm sẽ trả lời về hiệu quả liên kết ngoại ngữ” [6], trong khi thực tế đã trả lời là “10 năm học tiếng Anh, chỉ nói được Yes, No” [7]

Liệu đến khi nào, chúng ta có được một lãnh đạo thành thật thú nhận “Tôi không thạo về hệ thống giáo dục và cải cách giáo dục nên xin để người có năng lực làm”, như một đòi hỏi tự thân, dưới góc độ về trách nhiệm và đạo đức của người cán bộ trong hệ thống công quyền, tránh cho học sinh và xã hội phải chờ thêm 10 năm nữa chỉ để trả lời “Yes, No?”  

Nếu có ai còn lòng mong mỏi kiến tạo xã hội với giáo dục Việt Nam, xin đọc kỹ lại bài viết của Giáo sư Hoàng Tụy “Giáo dục: Xin cho Tôi nói thẳng” từ năm 2009, trong đó ông chỉ rõ 3 gạch đầu dòng cho giáo dục Việt Nam [8]:

1. Giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền, mà vì quản lý kém
2. Cần cải cách có hệ thống, chứ không phải đổi mới vụn vặt
3. Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm, càng không thể là nơi để lãnh đạo học việc

Tôi thực lòng quan ngại về vấn đề “học việc” trong giáo dục, vì giá phải trả không hề ít hơn mấy cái Vinashin, Oceanbank, cộng thêm 20 năm các thế hệ học sinh Việt Nam bị “đơ” với tiếng Anh, bị “tẩy sạch” như ai đó nhận xét, mà không có tên ai phải chịu trách nhiệm!

Câu chuyện thứ hai: Dự án Đổi mới Giáo dục phổ thông 2016-2020 

Theo ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Dự án Đổi mới Giáo dục phổ thông là một đột phá mới về cách học và cách dạy nhằm tạo ra một công dân mới [9], với 8 phẩm chất và 8 năng lực.  

Và đúng như Giáo sư Thuyết chia sẻ, có nhiều nội dung mới, nhưng sẽ có nội hàm mới. Xin được điểm qua một số điều làm tôi nghi ngại về chất lượng của Dự án và nội hàm mới này.

1. Thời gian chuẩn bị của Đề án Đổi mới Giáo dục phổ thông

Ngày 17/1/2017, họp báo thông báo về Dự án, thành phần và những nội dung dự kiến cho chương trình đổi mới. Theo đó, Dự án này đã được phê duyệt từ 2015, có hiệu lực 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020 [10].

Khi đi kiểm tra lại Dự án Đổi mới đã được phê duyệt từ 5/8/2015, nội dung của đổi mới chương trình đã được bắt đầu từ năm 2011 [11].

“Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là Chương trình tổng thể) đã được chuẩn bị và triển khai từ rất sớm, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 11 (năm 2011), và nhất là từ khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Từ thực tế trên, một câu hỏi, dưới góc độ khoa học thuần túy, một dự án đổi mới được chuẩn bị kéo dài 6 năm (từ 2011-2013 và đến nay 2017), tính cập nhật về đổi mới, về nội dung, về những chuẩn bị đến đâu, đặc biệt về vấn đề phương pháp dạy và năng lực của giáo viên đến đâu? 

Chưa hết, với việc công bố Dự án Giáo dục phổ thông vào 17/1/2017, theo Ban Dự án công bố:

24/1/2017, Ban soạn thảo đã chuyển Hội đồng Quốc gia để thẩm định (1 tuần)

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 3

Công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2017

24/2/2017, Hội đồng Quốc gia thẩm định đã bỏ phiếu, với 42% bỏ phiếu thông qua dự án với việc không cần chỉnh sửa, 58% bỏ phiếu đồng ý thông qua với yêu cầu chỉnh sửa (1 tháng)

14/3/2017, Ban soạn thảo đã thông qua bản thảo về Dự án Giáo dục phổ thông lần cuối, chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt (15 ngày)

Tháng 4/2017, công bố lấy ý kiến rộng rãi.

Tháng 9/2017, sẽ đưa ra áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới.

Nếu nhìn đến lịch thời gian từ soạn thảo (rất lâu, 6 năm), và đến nay, sau khi vay được 77 triệu đô la từ World Bank, Ban dự án đã thông qua rất nhanh, và mặc dù chưa hề rõ sẽ được phản ứng như thế nào từ ý kiến chuyên gia, tổ chức nghiên cứu độc lập, thời hạn tháng 9/2017 được ấn định để áp dụng chương trình mới và sách giáo khoa mới.

Là người làm nghiên cứu khoa học, tôi rất ngần ngại nhưng phải nhắc lại một sự thật của giáo dục Việt Nam:

Chúng ta đã quá duy ý chí khi làm cải cách và đổi mới giáo dục suốt 20 năm qua rồi, và sự thất bại của giáo dục Việt Nam là vì nó đã không làm các đề án dựa trên nghiên cứu khoa học, có cơ sở khảo sát thực tế và có tính đến tính toàn quốc, tính địa phương và cập nhật yếu tố quốc tế vào chương trình.  

Thời gian soạn thảo dài 6 năm không nói lên chất lượng của dự án.

Thời gian chưa đến 9 tháng để đưa một dự án soạn trong 6 năm ra áp dụng cũng không nói lên tính cấp thiết của việc phải cải cách.

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 4

Vay chi 80 triệu USD đổi mới giáo dục phổ thông sẽ được tiêu như thế nào?

Vì nếu vội vàng, như phân tích ở Đề án Ngoại Ngữ 2020, chúng ta tiếp tục mất 8 năm để biết “À, vẫn thất bại!” và tiếp tục một chu kỳ đổi mới, cải cách mới!

Việc họp báo 2 lần trong tháng 1/2017 và vừa rồi, tháng 3/2017 để thông báo thông tin cập nhật về dự án, nhưng sẽ có ích gì cho ý kiến công luận, cho những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có tâm huyết góp ý cho đổi mới lần này, khi một loạt các cơ sở khoa học về dự án vẫn không hề được ban soạn thảo dự án công bố công khai.  

Chi tiết về yêu cầu công bố công khai những cơ sở nghiên cứu, đánh giá Dự án này đã được nêu lên rất chi tiết ở bài “Vay 77 triệu đô la Mỹ cho đề án đổi mới giáo dục và Quyền được thông tin” [12].

Và nay, dù Dự thảo đã được công bố thì xin nêu 2 ví dụ nhỏ trong Đề án mới này: 

Sách giáo khoa Toán đã được “kêu” vì tính bất hợp lý bởi một chuyên gia về toán, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Viện trưởng Viện Toán Lý Thuyết – Viện Toán Lý thuyết Toulouse – Pháp) [13].

Thi trắc nghiệm Toán và cách thi trắc nghiệm đã bị phản đối và có trình bày từ nghiên cứu của Hội Toán học và các giáo sư Mỹ, Việt [14].  

Theo Giáo sư Neal Kobliz (Đại học Washington, Mỹ), “hạn chế của các đề thi trắc nghiệm là nó thất bại trong việc chuẩn bị cho học sinh đối diện với phương thức giải quyết vấn đề mà họ sẽ bắt gặp trong các lớp toán, khoa học và trong những nghề nghiệp tương lai”. 

Vậy, không rõ những ý kiến đóng góp trên đã được cập nhật và điều chỉnh trong Đề án Đổi mới Giáo dục phổ thông mà Ban soạn thảo đã trình và được Hội Đồng Quốc gia phê duyệt hay chưa?  

Liệu chúng ta có đang làm rất nhiều việc, tốn rất nhiều tiền, để chuẩn bị cho một “tương lai thất bại” của thế hệ trẻ Việt Nam hay không?

2. Triết lý nào cho giáo dục Việt thế kỷ 21?

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 5

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đã xác định được triết lý giáo dục phổ thông

Trong mọi cuộc cải cách, mỗi cuộc cách mạng giáo dục, chúng ta cần có một triết lý đúng đắn cho không chỉ giáo dục, mà cho đất nước và tương lai phát triển của nó.  

Rất ngạc nhiên là Đề án được soạn thảo từ 2011, rồi sau đó dựa vào Nghị Quyết 88 (2013), hoàn toàn không thấy triết lý giáo dục cho Việt Nam, cho đề án mới được nêu ra ở đâu, cho đến khi vay được tiền của World Bank thì Giáo sư Thuyết xác nhận, chúng ta đã tìm ra triết lý giáo dục.  

Tôi muốn hỏi Giáo sư Thuyết: Triết lý Giáo sư nêu ra là triết lý do Giáo sư và nhóm soạn thảo nghĩ ra, và buộc tất cả 90 triệu nhân dân Việt Nam tuân thủ? 

Hay giáo dục là của nhân dân, vì nhân dân và cho nhân dân, thì triết lý giáo dục phải có ý kiến và đồng thuận cao của nhân dân chứ?

Sao lại tự đi tuyên bố về triết lý giáo dục của mình, của nhóm soạn thảo và ấn định cho cả dân tộc thế?

Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu khi công bố dự thảo Đề án vào tháng 4/2017 này, mà đa số không đồng ý với triết lý giáo dục mà Ban soạn thảo đề xuất, thì Ban soạn thảo có làm khảo sát độc lập và lấy ý kiến nhân dân về triết lý cho giáo dục Việt Nam hay không? 

Nếu triết lý giáo dục của Việt Nam được thay đổi, liệu nội dung chương trình đổi mới giáo dục phổ thông có được thay đổi cho phù hợp hay không?

Và với 2 câu hỏi trên, rất quan trọng là điều gì làm cơ sở để Ban soạn thảo và Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên định với thời hạn tháng 9/2017 áp dụng Chương trình và sách giáo khoa mới? 

Có phải do lợi ích soạn thảo sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và ban hành, nên Bộ muốn thúc đẩy chương trình cải cách bằng mọi giá?

3. Sách giáo khoa: Ai soạn – Soạn cho Ai?

Chia sẻ cùng quan điểm với tác giả bài viết Vay 77 triệu đô la Mỹ cho đổi mới giáo dục phổ thông và Quyền được thông tin, tôi không đồng tình nếu chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và ban hành sách giáo khoa.

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 6

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Sở nào cũng viết sách giáo khoa thì loạn

Bởi vì như vậy, Bộ đã vi phạm cam kết của bản thân mình: Không soạn sách giáo khoa và để cho nhiều bộ sách giáo khoa được sử dụng, tùy vào nhu cầu của từng địa phương, từng trường và thậm chí, từng giáo viên [15].

Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn sách, ban hành, thay đổi hàng năm đã gây biết bao tốn kém và lãng phí tiền của của bao nhiêu gia đình Việt Nam, mà không hề giúp nâng cao chất lượng đào tạo nên được xem là bài học quý. 

Nếu chỉ với 1 bộ sách, Bộ đã và đang biến tất cả, từ học sinh và giáo viên trở thành “nô lệ” cho sách giáo khoa, học như sách, thi như sách và như “vẹt”! 

Không thể đòi hỏi tính sáng tạo, tính dân chủ trong giáo dục nếu cứ tiếp tục để 1 bộ sách giáo khoa, và Bộ lại quản lý soạn và xuất bản.

Nếu vì quyền lợi của hàng chục triệu học sinh Việt Nam, nhân cải cách giáo dục phổ thông, hãy khảo sát kỹ xem cách các nước tiến bộ người ta đang sử dụng sách giáo khoa như thế nào? 

Họ có đội ngũ soạn thảo sách giáo khoa ra sao? Quyền của giáo viên, của trường, của cha mẹ tham gia vào lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh như thế nào? 

Chúng ta không thể tiếp tục mãi những cách làm đã sai trong quá khứ, bây giờ lại tiếp tục sai, lại tiếp tục hạn chế quyền tự chủ và dân chủ trong nhà trường.  

Hãy đổi mới tư duy về soạn sách giáo khoa, hãy gắn nó với nội dung đổi mới chương trình, và chất lượng giáo viên. Xin đừng vì quyền lợi của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cứ “ôm” mãi soạn sách giáo khoa.

4. Cùng nguyên tắc, khác bản chất trong thực tế áp dụng

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 7

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải đáp những thắc mắc về chương trình tổng thể

Theo chia sẻ của Ban soạn thảo Dự án, nội dung cơ bản của đổi mới là “Giáo dục phổ thông cần hình thành, phát triển ở học sinh 8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi” với nội hàm mới.  

Lấy ví dụ về nội hàm mới, “Dũng cảm không chỉ là gan góc trong chiến đấu, mà còn là dũng cảm trong nhận thức, tức là có tư duy phản biện, và dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải” [16].

Xin được hỏi Ban soạn thảo Dự án hai câu hỏi:

1. Khi làm Dự án, ban soạn thảo biết rõ việc để Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn và ban hành sách giáo khoa là không phù hợp với pháp luật và nguyên tắc chính Bộ đã đề ra. 

Vậy ai sẽ đủ dũng cảm để nêu ra điều này với Bộ và yêu cầu Bộ tổ chức thực hiện việc soạn và ban hành sách giáo khoa theo đúng tinh thần dân chủ, cho đấu thầu với nhiều bộ sách? 

2. Trong quá trình thực hiện một đề án lớn như Đổi mới Giáo dục phổ thông lần này và đặc biệt sau quá nhiều lần thất bại trong đổi mới và cải cách (đặc biệt là sau Đề án Ngoại ngữ và tiếng Anh là một yếu điểm lớn trong giáo dục Việt Nam, dự án VNEN, dự án liên kết đào tạo và giảng dạy tiếng Anh cho một số), Ban soạn thảo đã có khảo cứu, lấy ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành giáo dục cho từng môn, từng nội dung phẩm chất và năng lực, (ví dụ như phương pháp tổ chức thi trắc nghiệm, như sách môn Toán như nêu trên) hay không?

Ngoài những quan ngại về “nội hàm mới” mà Ban soạn thảo tự đề xuất, tôi rất lo lắng cho tư duy “mặc định” về những phẩm chất và năng lực cốt lõi được gắn với các môn học, ví dụ như “năng lực sử dụng ngôn ngữ (gắn với các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ), năng lực thẩm mỹ (gắn với các môn Nghệ thuật), năng lực tính toán (gắn với Toán và các môn khoa học tự nhiên)” [16].  

Ban soạn thảo đã “ấn định” trước việc phẩm chất này, năng lực này học từ môn nào thì sẽ lại là một “sai lầm lớn” từ tư duy soạn thảo sách và sẽ ảnh hưởng lớn đến phương pháp dạy và học. 

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 8

8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi của học sinh phổ thông

Toán không chỉ là năng lực tính toán, mà bao gồm cả tư duy, suy luận và như một nghệ thuật, nghệ thuật tìm kiếm và giải quyết vấn đề. 

Hầu hết các nhà toán học lớn trên thế giới đều có khả năng cảm thụ văn học và nghệ thuật âm nhạc rất tốt. 

Việc Ban soạn thảo chương trình Đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam chỉ nhìn Toán và năng lực tính toán đang bộc lộ “tư duy ngược chiều”, năng lực nhận thức về môn học và các năng lực, phẩm chất phát triển từ môn học rất hạn chế và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai sau này của bao nhiêu thế hệ.

Từ những trình bày trên đây, tôi kiến nghị 3 vấn đề:

1. Dự án Giáo dục phổ thông cần được đánh giá và xem xét bởi Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo 2016-2021 có 22 thành viên hay bất kỳ Hội đồng nào có tư cách tương tự, nhằm đảm bảo toàn bộ nội dung cải cách phải được bàn thảo và đánh giá dựa trên nghiên cứu khoa học và độc lập với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo. 

Thời gian thẩm định một đề án lớn như thế này mà xem xét và phê duyệt trong 1 tháng, cá nhân tôi đánh giá là không hợp lý, xét về tính quan trọng của đề án với tương lai của giáo dục phổ thông.

2. Những ý kiến đóng góp của công chúng từ tháng 4 sẽ là không đủ, nếu tất cả chưa thống nhất được triết lý giáo dục như một nền tảng cơ bản để phát triển giáo dục Việt Nam cho tương lai. 

Ngoài ra, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo không thể công bố công khai các nghiên cứu làm nền tảng cho dự án đổi mới này, mọi ý kiến đóng góp dù là rất nhiệt thành, cũng sẽ như thầy bói xem voi và không giúp ích gì cho chương trình đổi mới một cách cơ bản.

3. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ngừng không soạn thảo sách giáo khoa và thực hiện đấu thầu, kêu gọi công khai các tổ chức chuyên nghiệp, độc lập cung cấp sách giáo khoa, theo đúng cam kết mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đã xác nhận: Bộ không soạn sách giáo khoa và sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa được sử dụng.

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 9

Chương mới của giáo dục Việt Nam

Ngoài ra, xin được gửi dưới đây một số ví dụ “ngược chiều” khác trong tư duy và thực tiễn của giáo dục Việt Nam mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng kiểm chứng qua báo chí chính thống, để làm ví dụ về “lỗi tư duy” trong hệ thống giáo dục của chúng ta.

A – Đa phần giáo sư, tiến sỹ không thạo ngoại ngữ và không cần cập nhật thông tin chuyên ngành. 

Khi có ô nhiễm môi trường ở Hà Tĩnh, không thấy bất cứ thông tin chính thức thông tin về giáo sư, tiến sỹ hay tổ chức khoa học nào trực tiếp tham gia.

B – Những sáng tạo trong đời sống được làm nên nhiều bởi nông dân, không phải do phần nhiều từ 24.000 giáo sư, tiến sỹ.

C – Sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam cần 2 năm để tẩy sạch kiến thức đã học, sau đó mất thêm 2 năm để đào tạo những kỹ năng cần thiết. 
Gần đây hơn, thạc sỹ và cử nhân tốt nghiệp sẽ được tổ chức đào tạo nghề và cho đi làm việc ở nước ngoài [17].

D – Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư với nước ngoài, về chương trình, về đăng ký đào tạo và giáo viên, hơn hẳn so với những quy định chặt chẽ nhưng không mang tính tích cực cho giáo dục công lập. 

Liệu có phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản lý các chương trình tiếng Anh tốt bằng các chương trình tiếng Việt? 

Với việc thả cho phép trường có vốn đầu tư nước ngoài được tuyển sinh học sinh Việt Nam toàn phần, không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo tư duy như thế nào về vai trò của thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục với chiến lược quốc tế hóa giáo dục Việt Nam?

E –Dự thảo quy định mới về dịch vụ tư vấn du học ở Việt Nam như một hình thức thả nổi cho các công ty làm dịch vụ và không phải chịu trách nhiệm gì với học sinh và phụ huynh Việt Nam, khi bỏ yêu cầu mức tiền đảm bảo tối thiểu mà công ty phải cam kết.  

Trong thực tế ở Việt Nam, công ty tư vấn du học mọc lên nhiều như nấm và chỉ nỗ lực giới thiệu sinh viên ăn tiền hoa hồng (bất chấp việc ăn tiền hoa hồng bằng việc giới thiệu sinh viên Việt sang Mỹ là vi phạm pháp luật Mỹ). 

Việc các sinh viên và gia đình chỉ biết trông chờ vào sự tin cậy của công ty tư vấn, thì trách nhiệm của công ty tư vấn sẽ ở đâu, nếu họ thậm chí không hề biết gì về luật pháp và quy định đối với sinh viên nước ngoài của các nước mà họ tư vấn du học?

F – Một chỉ thị rất rõ bao năm qua về việc nỗ lực giảm tải chương trình cho học sinh. 

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào? ảnh 10

Ở trường, cả thầy và trò đang đánh vật với các kì thi

Nhưng mặt khác, mở báo ra đọc, ngày nào cũng có chương trình thi, các cấp, các ngành, từ thi ngoại ngữ đến tin học, toán lý, hóa, Olympic, thi ở Việt Nam, thi đấu với đội nước ngoài, thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo “được mời” đồng tổ chức, thi do các cấp giáo dục từ cấp bộ đến cấp huyện tổ chức, liên kết tràn lan, tổ chức cho học sinh thi, rồi tổ chức cho giáo viên thi… 

Vậy, giảm tải chương trình còn ý nghĩa gì nữa khi các học sinh và giáo viên chạy theo thi? 

Giảm tải cụ thể như thế nào giữa chương trình hiện nay và chương trình được “dự kiến cải cách” đang trình bày cho 2017-2020 khi các cấp, các em vẫn học lên tới 11 môn mỗi năm?

G – Một mặt nghiêm cấm các loại hình dạy thêm học thêm “tràn lan”, mặt khác các chương trình dạy thêm, bổ sung kiến thức online được mở ra như nấm và tính tiền đắt hơn cả tiền dạy thêm của các giáo viên chính quy lương thấp.

H – Các trường đại học và cao đẳng sư phạm trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. 

Đến nay, vỡ trận vì những nghịch lý thừa thiếu giáo viên, dẫn đến hỗn loạn trường lớp, không hiểu ai đã phải lên tiếng về “vô chính phủ” trong đào tạo giáo viên, ký kết hợp đồng lao động để đến nay không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra và sẽ xảy ra, khi điều chuyển giáo viên, khi cắt hợp đồng với giáo viên… trong khi đang kêu gọi đổi mới toàn diện giáo dục và nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên các cấp.

Theo quan điểm cá nhân, tôi rất mong trước khi nói đến cải cách giáo dục phổ thông, có lẽ chúng ta nên nghĩ đến cải cách tư duy về cách làm dự án, nên nghĩ đến việc cung cấp rõ và minh bạch nguồn khoa học chứng minh tính hữu ích của việc cải cách, sử dụng ê kíp làm chương trình cải cách bằng những con người mới, tư duy mới và bao gồm cả những người đã có thời gian làm việc trong hệ thống giáo dục của nước ngoài.

Chúng ta không thể lại tiếp tục “lỗi” hệ thống trong giáo dục mãi được. Tôi xin dũng cảm nói thật với Dự án Đổi mới Giáo dục phổ thông.  

Những ý kiến đóng góp chân tình, cách tổ chức đề án cải cách,… đã được quá nhiều giáo sư tận tụy với giáo dục Việt Nam như Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Pierre nêu ra qua bao nhiêu năm rồi. 

Vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo có lắng nghe hay không mà thôi, như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nói.

Tài liệu tham khảo:

[3] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/dn-nuoc-ngoai-mat-2-nam-de-tay-sach-nhung-gi-sinh-vien-da-hoc-335497.html

[4] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Giao-duc-thua-nhan-De-an-Ngoai-ngu-2020-that-bai-post172498.gd

[5] http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Toi-khong-thao-tieng-Anh-nen-kho-noi-lien-ket-ngoai-ngu-day-cai-gi-the-nao-post174437.gd

[6] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Hieu-truong-truong-Bach-Mai-hen-10-nam-se-tra-loi-hieu-qua-lien-ket-ngoai-ngu-post173462.gd

[7] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150730/hoc-10-nam-chi-noi-duoc-yes-no/785040.html

[8] https://www.diendan.org/viet-nam/hoang-tuy-noi-thang-ve-giao-duc-1

[9] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-co-duc-toc-bat-dat-352076.html

[10] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/80-trieu-usd-ho-tro-doi-moi-giao-duc-pho-thong-352445.html

[11] Công bố (Dự thảo) Chương Trình Giáo dục Phổ Thông Tổng thể – Công bố tháng 8/2015. Vietnamnet. Tham chiếu http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/cong-bo-du-thao-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-254711.html

[12] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vay-77-trieu-do-la-My-cho-doi-moi-giao-duc-Pho-thong-va-Quyen-duoc-thong-tin-post173983.gd

[13] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Vien-Toan-hoc-Toulouse-Sach-giao-khoa-Toan-dang-co-nhieu-bat-hop-ly-post174807.gd

[14] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoi-toan-hoc-de-nghi-hoan-thi-trac-nghiem-toan-nam-2017-3473834.html; http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Suy-nghi-ve-viec-to-chuc-thi-trac-nghiem-Toan-trong-ky-thi-tot-nghiep-THPT-10336; http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Thi-trac-nghiem-gay-nhieu-tranh-cai-o-My-10211

[15] Bộ Giáo dục và Đào tạo từ bỏ độc quyền Sách giáo khoa.  Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tham chiếu http://www.thesaigontimes.vn/156055/Bo-GDDT-tu-bo-doc-quyen-sach-giao-khoa.html

[16] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/8-pham-chat-chinh-va-8-nang-luc-cot-loi-cua-hoc-sinh-pho-thong-post174143.gd

Đất Việt