LTS: Là một người quan tâm sâu sát đến các vấn đề giáo dục, thầy giáo Sông Trà nhận thấy hiện nay nhu cầu giáo viên lớn tuổi mong muốn được về hưu sớm là rất nhiều.
Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai.
Thầy Sông Trà cho rằng nên tập trung bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ trẻ, năng động để dễ dàng nắm bắt những đổi mới sáng tạo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hiện nay, số lượng giáo viên bậc phổ thông của cả nước vào khoảng trên 900.000 người.
Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về độ tuổi nhưng số thầy, cô giáo lớn tuổi, sắp đến tuổi nghỉ hưu chiếm một số lượng không hề nhỏ ở các cơ sở giáo dục, nhất là các trường thuộc vùng đồng bằng, nơi điều kiện kinh tế xã hội phát triển.
Nhiều giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm, đóng góp lớn, trình độ, năng lực chuyên môn tốt, luôn đầu tàu, gương mẫu trong mọi công việc, dìu dắt, giúp đỡ các giáo viên trẻ trưởng thành.
Cần bổ sung đội ngũ giáo viên trẻ, năng động. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Bên cạnh đó, cũng có một số lượng giáo viên lớn tuổi, do cách đào tạo sư phạm trước đây theo phương pháp truyền thống, thiếu căn cơ, bài bản nên năng lực chuyên môn, mức độ đáp ứng yêu cầu mới còn hạn chế.
Do yếu tố tuổi tác, sức khỏe có phần giảm sút nên sự năng động, nhạy bén trong công việc không còn.
Có một thực tế, các giáo viên lớn tuổi rất hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, vẫn chưa thể soạn giáo án, giáo án điện tử trên máy tính, các phần mềm; vẫn chưa biết cách lấy email, gửi, trả lời email đi.
Nhiều giáo viên lớn tuổi thường rất ngại, sợ và tìm đùn đẩy trách nhiệm khi phải làm, tham gia những cuộc thi do cấp trên phát động và các công việc ở nhà trường mà đòi hỏi người giáo viên phải có hiểu biết và làm được trên máy tính, trên mạng.
“Còn 5 năm nữa chúng tôi mới đến tuổi nghỉ hưu, nhưng nay đã cảm thấy người mệt mỏi, sức khỏe sa sút, dạy hết nổi rồi, chỉ mong được nghỉ hưu trước tuổi”, bốn giáo viên trường tôi từng than thở và có nguyện vọng làm đơn xin về nghỉ hưu trước tuổi như vậy.
Chương trình giáo dục phổ thông mới và bài toán giáo viên ở cấp Trung học cơ sở |
Ở các trường học, các địa phương khác, nhiều thầy cô giáo lớn tuổi, còn vài ba năm, năm năm công tác nữa cũng có chung mong muốn được nghỉ hưu sớm theo Nghị định 108 của Chính phủ.
Nhu cầu giáo viên lớn tuổi được về nghỉ hưu trước tuổi đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây nhưng việc có giải quyết được hay không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí, ngân sách của địa phương, Nhà nước.
Có thể nói, số thầy cô giáo lớn tuổi, với những lý do chủ quan và khách quan nêu ở trên, họ khó có thể đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Họ còn ở càng lâu trong ngành giáo dục thì nhà trường, phụ huynh, học sinh càng bị khổ sở, vất vả về họ.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố và sẽ áp dụng đại trà từ năm học 2018-2019 với hàng loạt hoạt động, môn học mới lạ, cách thức, phương pháp giáo dục cũng có nhiều đổi khác, không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài nhà trường.
Khi tổ chức tham quan, cắm trại, hội thảo, dự án, trải nghiệm sáng tạo… cần lắm những giáo viên trẻ trung, năng động.
Các giáo viên trẻ được đào tạo gần đây sẽ bổ sung, thay thế cho số thầy cô giáo đã có tuổi, mệt mỏi, sức ỳ lớn.
Theo tôi, Nhà nước, ngành giáo dục, các địa phương nên chủ động tìm thêm nguồn kinh phí để đẩy nhanh việc cho số giáo viên lớn tuổi được về hưu sớm theo nguyện vọng.
Khi đó, vừa mở ra cơ hội việc làm, chỗ dạy cho nhiều giáo viên ra trường đang thất nghiệp ở nhà vừa giúp cho các cơ sở giáo dục có thêm lực lượng trẻ nhằm đáp ứng tốt chương trình giáo dục mới.
Tôi nghĩ rằng, nhân tố, lực lượng cán bộ trẻ, giáo viên trẻ đang rất cần đối với các cơ sở giáo dục trước ngưỡng cửa của những thay đổi lớn.