LTS: Là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm, tác giả Nguyễn Văn Lự phản ánh việc một số bất cập khi các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực kiến thức chuyên môn của giáo viên bằng một bài kiểm tra.
Theo đó, tác giả cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc năm 2016 ra đề bài quá khó và bất hợp lý.
Qua bài viết này, tác giả bày tỏ mong muốn các nhà quản lý và tổ chức thi nên có cái nhìn thấu đáo để đưa ra cách đánh giá giáo viên phù hợp.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức kiểm tra kiến thức chuyên môn giáo viên với mục đích, cách tổ chức, nội dung và đối tượng kiểm tra khác nhau gây không ít phản ứng trái chiều.
Mục đích kiểm tra, đánh giá thực chất chuyên môn và hiệu quả các modul bồi dưỡng thường xuyên để phân loại giáo viên, làm cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế...
Nhưng qua một bài kiểm tra để đánh giá, xếp loại chuyên môn nhà giáo của một số tỉnh đã gây nên bức xúc cho giáo giới.
Một bài kiểm tra có làm nên nhà giáo?
Giáo viên luôn tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, tay nghề. Kiểm tra kiến thức chuyên môn giúp nhà quản lý nắm được thực chất đội ngũ qua nhiều hình thức linh hoạt như viết thu hoạch, làm bài thi tập trung hay thanh tra kiểm tra…
Mấy năm nay, Sở, Phòng Giáo dục có nhiều sáng kiến độc đáo: bắt giáo viên cùng giải đề với học sinh (Trường trung học phổ thông Cao Thắng, Thành phố Huế; Phòng Giáo dục và Đào tạo Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh…); tự viết thu hoạch nộp; tập trung làm bài thi…
Nên xem xét lại cách đánh giá và công nhận danh hiệu giáo viên giỏi |
Nơi kiểm tra theo chu kỳ, nơi năm nào cũng làm và sau bao chu kỳ bồi dưỡng thường xuyên, chất lượng giáo viên vẫn thường xuyên có vấn đề.
Tốn kém, mệt mỏi và tổ chức quy mô hoành tráng nhưng những đợt kiểm tra cũng chỉ dùng để tham khảo.
Hiệu trưởng, hình như biết được độ ảo của điểm số kia, có người không sử dụng kết quả Sở gửi về.
Giáo viên miền núi, bỏ công tốn của đi vài ngày đường, thuê ăn ở, học ôn tíu tít để thi như Lai Châu, Bắc Giang… người đạt, người chưa đạt điểm 5 đều khổ, đều buồn như nhau (miền xuôi thì đỡ vất vả hơn).
Phần đông ra đi với tâm trạng “đi thì cũng dở, ở không xong”.
Thực tế mặt bằng tư duy học sinh mỗi vùng khác nhau, mỗi trường khác nhau. Người thầy trong từng môi trường đó cũng có trình độ và kỹ năng khác nhau, ấy là chưa kể đến điều kiện bên ngoài nhà trường và điều kiện sống của thầy cô.
Người quản lý đã thiếu thực tế khi cho tiến hành kiểm tra kiến thức cán bộ, giáo viên với yêu cầu rất cao và hàng năm.
Mặt khác, chuyên viên quản lý đã không nhận ra trình độ và kỹ năng chuyên môn của đội ngũ tỉ lệ thuận với tuổi nghề. “Thầy già con hát trẻ”, thầy cô dạy hàng chục năm bài ấy lại không bằng người vừa dạy vừa học hay sao?
Người bề trên nhìn những bài làm dài dằng dặc môn khoa học xã hội hay tự nhiên có bao giờ nghĩ đến bao nhiêu tự làm, bao nhiêu chép tài liệu?
Vĩnh Phúc, sau nhiều kỳ thi không kiểm soát được, năm 2016, đã cho “thí sinh được phép dùng tài liệu” để xóa bỏ bất công chép và không chép nhưng lại làm cho việc thi thành dở.
Đội ngũ thiện nghề ngồi chấm tài liệu người khác (có khi của chính mình) rồi để người quản lý tụng ca và sử dụng người copy tài liệu điểm cao!
Đánh giá giáo viên “kiểu Úc phảy” ở ta như vậy khác chi chuyện thần thoại!
Ai chép chịu khó, bền bỉ thì điểm cao, thì làm thầy cô giỏi, thì vững vàng chuyên môn, thì đảm nhiệm chức vụ và trọng trách cao… Thế là người nào đạt 5 thì thở phào, còn người chưa thì lo lắng, bất an.
Người ta không hiểu rằng kiểm tra kiến thức năng lực giáo viên cần kiểm tra khả năng truyền đạt phương pháp học tốt; những ý tưởng giải quyết vấn đề thực tiễn và các kỹ năng học tập và thực hành của người thầy chứ đâu phải làm một bài thi!
Anh rất tốt lý thuyết, nhưng không biết hướng dẫn và lôi cuốn học trò cách học và vận dụng hiệu quả lại được đánh giá giỏi hơn người thầy dày dạn kinh nghiệm và được học trò ghi nhận ư?
Ngày chủ nhật 23/4/2017, Hiệu phó và giáo viên phổ thông Vĩnh Phúc 7 môn sẽ thi và theo Kế hoạch số 20 ngày 22/3/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo:
“Các đơn vị, nhà trường lấy kết quả kiểm tra chất lượng chuyên môn giáo viên để làm căn cứ:
- Đánh giá chuyên môn, xếp loại thi đua cuối năm.
- Phân công giảng dạy phù hợp với năng lực chuyên môn (giáo viên đạt từ 05 điểm trở lên mới được bố trí dạy chuyên đề, từ 07 điểm trở lên mới được bố trí dạy ôn thi trung học phổ thông quốc gia).
- Luân chuyển công tác, tinh giản biên chế”.
Một bài thi 180 phút, tổ chức coi thi và chấm thi, dù nghiêm túc, không thể dùng để đánh giá người này đạt chuẩn hay chưa!
Lấy những cái chưa chuẩn (đề thi, đáp án, người coi, người chấm, ai dám tin là chuẩn hết?) để làm thước đo chuẩn kiến thức của một người thầy liệu đã chuẩn đúng?
Phân công giảng dạy ôn thi trung học phổ thông quốc gia cho giáo viên đạt điểm 07 trở lên như Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc liệu công bằng và có thực hiện được không?
Thầy cô giáo trung học phổ thông Vĩnh Phúc làm bài thi năm 2016. Ảnh tác giả cung cấp. |
Kiểm tra kiến thức hay thách đố giáo viên
Không có hình thức thi kiểm tra nào tốt nhất thỏa mãn nhiều yêu cầu cuộc thi này.
Nếu không xuất phát từ thực tế địa phương để chọn cách tổ chức kiểm tra phù hợp thì chỉ làm tốn kém tiền của và công sức, làm khổ giáo viên.
Mục đích kiểm tra kiến thức chuyên môn giáo viên nhưng các Sở vẫn bắt các nhà giáo đã đạt danh hiệu Giáo viên giỏi, giáo viên cốt cán thi, (hình như các sếp chỉ tin mỗi mình giỏi!?)
Các chữ ký công nhận Giáo viên Giỏi treo đầy nhà đồng nghiệp kia thật vô giá… trị ư?
Người ra đề hay chấm bài trình độ sàn sàn như đồng nghiệp đồng môn cùng khu vực.
Anh nào dạy đội tuyển học sinh giỏi nhiều thì biết nhiều, thuộc nhiều hơn anh chưa bao giờ dạy đội tuyển; dạy thành thị hơn anh vùng sâu… là đương nhiên.
Lấy đề bài để so giữa anh dạy chuyên nghiệp với anh nghiệp dư; yêu cầu anh dạy vùng 135 bằng anh dạy thành phố có thể dẫn đến sai lầm về quan điểm đánh giá và sử dụng cán bộ, giáo viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh cho miễn thi với nam từ 55 tuổi, nữ 50 nhưng Vĩnh Phúc và vài tỉnh khác lại chỉ trừ cho người chạm tay sổ hưu trí!
Lứa tuổi nào, sức khỏe thế nào cũng phải thi, trừ thủ trưởng, là điều nhầm đáng tiếc!
Nhiều Sở không chọn cách thi tập trung và làm hàng năm như Vĩnh Phúc.
Người thầy đã bao năm thi và làm thi, già cũng như trẻ, đều hiểu làm thi phải nghiêm túc nhưng cuộc thi của thí sinh thầy cô cũng không thể nghiêm túc được.
Người ta nêu mục đích, yêu cầu quá mức nên nhiều thầy cô mất ăn mất ngủ ôn bài toàn cấp. Không còn thời gian để soạn bài, để dạy nói gì đến ôn thi. (Có trường để đỡ tai tiếng đã phô-tô cho đủ tài liệu. Gian lận thi của giáo viên vẫn xưa như ngày xưa!)
Đề thi trong Công văn Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc ghi rõ: “Mức độ kiến thức: 30% ở mức độ Nhận biết, Thông hiểu; 40% ở mức độ Vận dụng; 30% ở mức độ Vận dụng cao”. Thực tế lại không phải như vậy.
Vĩnh Phúc năm 2016 cho giáo viên làm đề thi nhiều môn quá khó.
Môn Toán, trình độ giỏi đột xuất hoặc thường luyện đội tuyển quốc gia mới làm nổi điểm 6-7; môn Vật Lý, câu lớp 10 sao chép sách Bài tập và câu lớp 11, lớp 12 cũng phải thầy cô cỡ dạy tuyển quốc gia làm được, (khi chấm phải chỉnh thang điểm môn Vật Lý).
Môn Sinh học, thạc sĩ làm 180 phút không xong 2/3; môn Hóa cũng khủng khiếp; môn Ngữ văn, môn Lịch sử, Địa lý để đạt 5 không khó.
Đề thi thách đố thầy cô làm cho cuộc thi thành sai mục đích, kiểm tra kiến thức biến thành thi tìm kiếm giáo viên dạy đội tuyển quốc gia!
Sự bất bình, phẫn nộ mà chưa ai dám nói ra nữa là ở trường, có thầy cô được Hiệu trưởng chỉ phân công dạy lớp 12 hoặc lớp 11 hoặc lớp 10; chưa cho dạy đội tuyển bao giờ; hoặc theo khóa, từ lớp 10 lên 12.
Bệnh thành tích đã ngấm vào thầy cô, cán bộ quản lý đến mức biết sai vẫn làm |
Đề thi ra chủ yếu lớp 12 và cho giáo viên giỏi nên nhiều người ngã siêu ngã vẹo.
Năm 2016, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đi đầu cả nước kiểm tra thường niên và xử quyết liệt giáo viên dưới điểm 5, buộc họ chuyển công việc, không bố trí giảng dạy theo tinh thần giảm biên chế, để lại tiếng kêu ai oán của người không đủ tầm lo việc lớn.
Người đạt điểm kém do chuyên môn yếu hoặc không làm bài thường có cách thi lạ để thoát, chỉ thương thầy cô chưa thức giấc ngủ mơ mà thôi.
Năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã chuyển gần hai chục giáo viên trung học phổ thông thi được điểm dưới 5 xuống Trung tâm Giáo dục thường xuyên hoặc không bố trí cho đứng lớp dạy học thể hiện rõ quyết tâm thanh lọc chất lượng giáo viên của lãnh đạo ngành.
Người nỗ lực cố gắng hết sức, nhưng vì đề thi quá tầm nên không làm nổi và hoang mang thật sự. Không ít Hiệu phó và thầy cô vững vàng chỉ làm cho đủ 5 điểm như một góc nhìn phản biện về việc thi này.
Mong rằng người tổ chức thi và người làm đề hãy mở rộng đôi mắt nhìn thấu trời đất và con người.
Đừng bắt hơn 50% thầy cô phải làm đề thi chọn thầy giỏi khi họ chỉ mơ làm thầy của những học trò đọc, viết chưa thông tiếng Việt và chưa thạo phép cộng trừ nhân chia!