Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hỏi bao giờ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui?”

24/04/2017 14:19
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Cô Hiệu trưởng nói : “Chiều nay các thầy cô bận nên các lớp nghỉ học!”. Cả 1200 học sinh vung tay, tung mũ, hò reo náo động cả sân trường (!). Sao lại vậy nhỉ?

LTS : Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Trong bài viết này, Giáo sư tâm sự về buổi nói chuyện về Kỹ năng sống của thầy với học sinh trường Trung học cơ sở Phùng Chí Kiên (Nam Định).

Qua đó, thầy cũng đưa ra một số ý kiến góp ý về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được đưa ra lấy ý kiến xã hội.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Như với nhiều trường khác, ngày 21/4 vừa qua tôi có buổi nói chuyện về Kỹ năng sống tại Trường Trung học cơ sở Phùng Chí Kiên (Thành phố Nam Định). 

Tôi thực sự cảm động vì 1.200 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 ngồi kín sân trường và yên lặng lắng nghe tôi suốt hai giờ liền. 

Rút kinh nghiệm những buổi sinh hoạt về Kỹ năng sống mà các Thầy Cô rao giảng đạo lý ít thành công vì học sinh không muốn nghe. Khi các cháu đã không muốn nghe thì đố ai giữ được trật tự.

Tôi không rao giảng gì cả mà chỉ toàn kể chuyện thôi. Những người ở lứa tuổi tôi thì thiếu gì chuyện để kể. 

Tôi nghĩ tác động lớn nhất vào tuổi trẻ chỉ nên khai thác hai chủ đề là Hiếu họcHiếu thảo. Thiếu gì những tấm gương Hiếu học trên thế giới và trong nước. 

Tôi kể về Lê Thị Thắm ở Thanh Hoá, Nguyễn Phương Thuý ở Việt Trì, Trần Hồng Giang ở Nam Định…

Tôi kể về thế hệ chúng tôi học tập ra sao trong điều kiện những năm Kháng chiến chống thực dân Pháp và trong những ngày mới giải phóng Thủ đô. 

Tôi kể về việc tự học tự vươn lên của bản thân mình và các bè bạn cùng lứa tuổi với mình. 

Về chuyện Hiếu thảo tôi kể chuyện Ngô Mãnh trong Nhị thập tứ hiếu, cởi trần nằm trước bố mẹ để cho muỗi đốt mình mà không đốt bố mẹ (!). 

Tôi kể về những chuyện hiếu thảo của biết bao danh nhân trong lịch sử nước ta.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với học sinh trường Trung học cơ sở Phùng Chí Kiên (Nam Định). ảnh tác giả cung cấp
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với học sinh trường Trung học cơ sở Phùng Chí Kiên (Nam Định). ảnh tác giả cung cấp

Tôi kể về những chuyện bất hiếu thật xót xa, như chuyện Vua Minh Mạng kết án nghiêm khắc người con đánh chết cha vì tưởng kẻ trộm khi cha vì đói mà lẻn sang xúc trộm gạo của con… Thiếu gì những chuyện tương tự như vậy. 

Tôi đặt câu hỏi: “Vì sao tất cả các em ngồi đây thật sự hạnh phúc hơn bản thân tôi?”. Nhiều em trả lời không trúng, nhưng đã có em nói được: “Vì chúng em còn cả bố mẹ” (!). 

Tôi kể chuyện có trường cô Hiệu trưởng gọi vài em lên văn phòng và nói các em gọi điện về cho bố hoặc mẹ và chỉ nói một câu như: “Bố ơi con yêu bố lắm” hoặc “Mẹ ơi con yêu mẹ nhất đời”.

Câu trả lời của bố, mẹ đều thật bất ngờ: “Hôm nay con làm sao thế?”, “Bị ấm đầu à?”… 

Nguyên nhân vì các em không thường xuyên bày tỏ tình thương yêu với bố mẹ, điều mà bố mẹ mong muốn không gì lớn hơn. 

Tôi dặn các em “Hôm nay về hỏi thử bố mẹ như vậy xem sao nhé"(!). Tôi đặt câu hỏi “Các em học cho ai?” và chứng minh là học cho chính mình. 

Tôi kể chuyện mình vì sao tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi? Vì sao phải dạy được ngay Khoá I ở Đại học Tổng hợp một môn mà mình chưa được học bao giờ? Vì sao mình tự học được nhiều ngoại ngữ?... 

Tất cả chỉ vì thế hệ chúng tôi đều biết rằng Học cho chính cuộc đời của mình. Các thầy giáo của thế hệ chúng tôi là những tấm gương sáng ngời để chúng tôi noi theo. 

Ngày mới tiếp quản Thủ đô, từ Việt Bắc về các thầy không có gì trong tay để dạy, vậy mà các thầy đã tự học rất nhanh tiếng Nga qua cuốn "Le Russe" bằng tiếng Pháp và nhờ đó thế hệ chúng tôi được truyền đạt với kiến thức của Đại học Liên Xô thời bấy giờ. 

Tôi lại đặt câu hỏi “Các em học vì ai?” và dẫn giải phải vì những cố gắng hết mình của Bố Mẹ, vì sự tận tuỵ hy sinh của các Thầy Cô, và còn vì sự hy sinh của 1 triệu liệt sĩ và 800 nghìn thương binh qua mấy cuộc chiến tranh vừa qua, để các em có điều kiện học tập trong thanh bình như hôm nay. 

Tôi kể chuyện về bố mẹ mình, về các thầy cô giáo của chính mình, về việc đi tham gia cứu chữa thương binh trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, về chuyện thương binh Phạm Thành, nguyên sinh viên Đại học Lâm nghiệp, tuy cụt hai chân mà vẫn hát vang để động viên các thương binh khác. 

Tôi còn cho số điện thoại để các em có thể trò chuyện với “bác Phạm Thành” (nay đã ở tuổi U70)… 

Tôi chuyển sang hỏi các em có muốn vào đại học, cao đẳng hay không? Chọn ngành nào và vì sao chọn ngành đó? Nếu không đỗ đại học thì sao? Nếu tốt nghiệp đại học, cao đẳng mà không xin được việc làm thì sao? 

Tôi kể đến hàng chục tấm gương tỷ phú nông thôn của chương trình “Sinh ra từ làng”, trong đó có những tỷ phú mà tôi đã góp phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ. 

Các em thích thú với những tấm gương các tỷ phú như Trịnh Xuân Mười, Lê Văn Xê, Phan Tấn Bện, Trần Nhữ Giáp… 

Tôi để lại cho thầy, cô Hiệu trưởng danh sách hàng chục tỷ phú nông dân này với cả địa chỉ và số điện thoại để các em có thể trực tiếp liên hệ…

Chuyện không có gì khác so với rất nhiều trường trong cả nước mà tôi đã có dịp đến làm công việc này. 

Nhưng ở đây có một chuyện khá đặc biệt: Sau khi nghe xong các thầy cô muốn tôi nói chuyện thêm một buổi cho riêng các thầy cô. 

Vậy là cô Hiệu trưởng nói trên micro: “Chiều nay các thầy cô bận nên các lớp nghỉ học!”. 

Tôi không thể tưởng tượng nổi cả 1200 học sinh vung tay, tung mũ, hò reo náo động cả sân trường (!). Sao lại vậy nhỉ? 

Chúng ta vẫn phấn đấu để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" kia mà?. Không phải không có những trường đã làm được điều đó. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hỏi bao giờ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui?” ảnh 2

Lúc nào cũng phải chúi đầu vào học, con muốn có thời gian để vui chơi

Nói ra có vẻ khoe khoang, nhưng xin các thầy cô đến thăm trường Phổ thông liên cấp Olympia ở Hà Nội, nơi tôi đang làm Chủ tịch Hội đồng khoa học, tôi tin rằng các thầy cô cảm nhận được đúng như vậy.

Tôi cho rằng chúng ta hãy bàn luận thật kỹ về chuyện này khi đang trong thời điểm thảo luận về Khung giáo dục phổ thông do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng Chủ biên. 

Tôi không nhắc lại ý kiến của rất nhiều chuyên gia, nhiều thầy cô đã thẳng thắn phát biểu trong các cuộc Hội thảo gần đây và ngay trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam này. 

Chúng ta hãy can đảm đánh giá xem vì sao học sinh thấy việc lên lớp là nặng nề và kém hứng thú? 

Chúng ta có tham quá hay không khi nhồi nhét quá nhiều thứ trong điều kiện các em còn phải làm thêm việc giúp bố mẹ và còn có cuộc sống chưa sung túc. 

Nếu nặng về giáo dục đạo lý trên lớp thì tự hỏi thế hệ chúng tôi không được học những thứ đó sẽ hư hỏng hết hay sao? 

Tuy không phải chuyên gia về lĩnh vực này nhưng tôi thiết nghĩ khi ngồi trên ghế nhà trường chỉ cần bồi dưỡng cho em hai chuyện, đó là Hiếu thảoHiếu học

Nếu các em thực sự thấm nhuần thì sẽ tự giác học hành, tự giác tu dưỡng thành Con ngoan, Trò giỏi. 

Buổi nói chuyện mang lại nhiều lợi ích cho học trò nhà trường.
Buổi nói chuyện mang lại nhiều lợi ích cho học trò nhà trường. 

Thế hệ chúng tôi nay đã hơn 80 tuổi rồi (với những Ma Văn Kháng, Hồ Ngọc Đại, Tương Lai…) mà vẫn còn nhớ những giờ sinh hoạt ngoại khoá với các thầy chỉ hơn chúng tôi ít tuổi, như anh Việt Phương chẳng hạn, được nghe kể biết bao chuyện mà đến nay chúng tôi vẫn chưa quên. 

Tôi cho rằng giáo dục ngoại khoá, kết hợp với tấm gương của các bậc cha mẹ, các thầy cô và sự lành mạnh của toàn xã hội sẽ giúp các em định hình được đạo đức hiệu quả hơn so với nhiều giờ rao giảng trên lớp về đạo lý. 

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chắc sẽ thảo luận kỹ hơn về Chương trình khung sau khi nghe thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia và các thầy cô trong ngành. 

Riêng phần tôi, tôi thấy băn khoăn về mấy điểm sau đây: Không thể tích hợp Lý – Hoá - Sinh thành một môn Tự nhiên và càng vô lý khi có vị Thứ trưởng trước đây tuyên bố không khó gì để một thầy cô có thể dạy được cả ba môn (!). 

Pháp đã tích hợp môn Sinh học theo kiểu quá hay - đó là môn Khoa học về Sự sống và Trái đất.

Có nghĩa là không học thực vật, động vật, vi sinh vật, và người… mà học về sự sống chung cho mọi sinh vật, tích hợp với khoa học Trái đất, khoa học Môi trường, chống Biến đổi khí hậu … 

Mỹ có sách giáo khoa Nature nhưng có ba Unit riêng rẽ và do các thầy khác nhau giảng dạy. 

Quốc hội có Nghị quyết quá nhanh về môn Lịch sử nên nay không còn tích hợp thành môn Khoa học xã hội nữa (!). 

Chuyện Toán và Tin gần 200 tiết trong khi cả ba môn Lý, Hoá, Sinh chỉ có 140 tiết liệu có thoả đáng hay không? 

Chuyện các lớp Tiểu học học thời lượng khác nhau ngay trong một trường thì biết đánh trống ra sao?

Chuyện các trường muốn tập trung học Giáo dục quốc phòng thành một đợt có rèn luyện như quân nhân, chứ không học mỗi tuần 1 giờ là quá hợp lý tại sao cứ phải máy móc tuân theo Luật?

Luật chưa thích hợp thì kiến nghị sửa có sao đâu? 

Chuyện tự lựa chọn các môn ở Trung học phổ thông sẽ là bất khả thi trong hoàn cảnh trường lớp và giáo viên như hiện nay. 

Quan điểm của tôi là tha thiết đề nghị tham khảo cách dạy ở Nepal. Cụ thể là lớp 10 vẫn học chung cho đủ kiến thức cơ bản ở tất cả các môn học. 

Lên lớp 11 và 12 chỉ chia thành bốn phân ban (Toán Lý, Hoá Sinh, Khoa học xã hội, Quản trị - kinh doanh). 

Mỗi phân ban chỉ có 4 môn mà thôi. Chính vì vậy mà tôi thấy sách Sinh học ở lớp 11 và 12 dày tới trên 700 trang (!)…

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hỏi bao giờ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui?” ảnh 4

900 ngàn giáo viên phổ thông, ai theo được chương trình mới?

Tôi mong Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục đăng ý kiến về Chương trình khung của các chuyên gia và các thầy cô giáo, các phụ huynh học sinh. 

Tôi cũng thiết nghĩ việc thảo luận câu chuyện quan trọng này không nên cưỡng ép trong thời hạn quá ngắn. 

Có Chương trình khung rồi là chuyện soạn Chương trình Bộ môn.

Đoàn Chủ tịch trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản chính thức đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các Hội khoa học chuyên ngành trực tiếp tham gia biên soạn Chương trình bộ môn dưới sự chỉ đạo của Bộ. 

Có chương trình rồi mới bàn đến sách giáo khoa. Nghị quyết Quốc hội đã cho phép biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa vì vậy không nên đặt ra tiêu chuẩn tác giả (!). 

Các sách giáo khoa chỉ cần đáp ứng ba chuyện, đó là không sai chương trình (có thể rộng hơn như ý kiến của Giáo sư Hoàng Tụy), không sai nội dung khoa học, không sai lệch về chính trị, tư tưởng. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo không cần tốn tiền tổ chức biên soạn riêng mà nên dành công sức để thẩm định các sách giáo khoa, như vậy đã là nặng nề lắm rồi.

Xin tâm sự vài điều để quý thầy cô và bạn đọc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tham khảo.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng