Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nếu để các trường có quyền tự phong hàm giáo sư, phó giáo sư thì rất có thể sẽ hạn chế được chuyện tiêu cực trong phong hàm, vì chỉ có nhà trường mới hiểu rõ nhất trình độ cán bộ của mình.
Hơn nữa, ông Khuyến cũng khẳng định, giáo sư, phó giáo sư không phải là cái mác gắn suốt đời, một người ngừng nghiên cứu thì không được gọi là giáo sư, phó giáo sư nữa.
Xung quanh vấn đề bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nên do Hội đồng chức danh nhà nước đảm nhiệm hay giao về từng trường, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Khuyến khẳng định:
Theo tư duy truyền thống, khi vai trò trong giáo dục tập trung nhiều ở bộ chủ quản thì mới đặt ra các chức danh lớn như giáo sư, phó giáo sư là của Nhà nước, đều do Nhà nước phong, Nhà nước có thể điều động từ trường này sang trường khác, quản lý chung.
Giáo sư không phải là cái mác gắn suốt đời! (Ảnh: Báo Vietnamnet) |
Nhưng xu hướng mới hiện nay với những thay đổi của thực tế với nhiều loại hình trường khác nhau, các trường có sự phân tầng theo mục tiêu khác nhau thì phải có nhiều loại giáo sư, phó giáo sư.
Theo đó, giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với trường. Đây là xu hướng chung của thế giới.
“Hơn nữa, những đãi ngộ mà các chức danh giáo sư, phó giáo sư được hưởng là trường quy định chứ không dùng ngân sách nhà nước đãi ngộ”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Giáo sư là thầy dạy học? |
Ông Khuyến nhớ lại, trước đây việc phong hàm hoàn toàn do Hội đồng chức danh, không có vai trò của nhà trường.
Sau này có sửa lại là Hội đồng chức danh xét duyệt các giáo sư, phó giáo sư có đủ tiêu chuẩn không, còn bổ nhiệm hay không là việc của trường.
Và khi ông Khuyến còn làm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thì vấn đề này đã được đặt ra nhiều nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Với quan điểm của mình, vị tiến sĩ này cho rằng nên để các trường quyền chủ động định ra các tiêu chuẩn và tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của chính trường đó.
“Tôi tin rằng sẽ không có vấn đề nở rộ giáo sư, phó giáo sư vì không trường nào dám phong ào ào để lấy cái danh cả”, ông Khuyến phân tích.
Nhìn nhận từ kinh nghiệm các nước, các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng cách gọi là giáo sư của trường này trường kia. Cứ mỗi nhiệm kỳ lại công nhận lại chứ không có chuyện giáo sư suốt đời.
Do vậy, ông Khuyến đề xuất: “Các trường có thể phong hàm giáo sư, phó giáo sư theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm.
Sau nhiệm kỳ đó, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì trường không công nhận là giáo sư, phó giáo sư nữa.
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Ở ta, Giáo sư được nhà nước phong, nhưng không có quyền |
Chứ như ở ta hiện nay, giáo sư, phó giáo sư thì đến chết vẫn giữ chức danh đó.
Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là giáo sư, phó giáo sư. Đó là chuyện vô lý”.
Hơn nữa, học hàm thì cần gắn với trường học chứ không nên vì mình làm quản lý mà cứ nhận danh hiệu đó.
Tuy nhiên có ý kiến băn khoăn rằng, nếu người đó có công trình nghiên cứu vĩ đại mà được phong hàm thì cái danh đó phải theo họ cả đời mới đúng.
Nhưng theo quan điểm của ông Khuyến thì công trình đó được khen thưởng, tác giả đã nhận và đương nhiên giải thưởng gắn cả đời.
Còn đã là giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với đóng góp cho nhà trường, cho khoa học. Không còn đóng góp nữa thì không còn là giáo sư, phó giáo sư nữa.
Do đó, để đảm bảo chất lượng giáo sư, phó giáo sư thì ngoài việc giao quyền tự chủ cho các trường, Nhà nước nên đưa ra các chuẩn tối thiểu phải đạt được đối với chức danh này.
Căn cứ vào đó, hội đồng từng trường sẽ xây dựng chuẩn riêng cho trường mình. Chỉ cần chuẩn đó không thấp hơn chuẩn tối thiểu là được.
Có thể chuẩn trường này cao hơn trường kia, là giáo sư, phó giáo sư của trường này nhưng khi sang trường kia công tác lại chỉ là giảng viên bình thường, điều này rất hợp lý để đánh giá tầm vóc của từng trường.