Giáo sư là thầy dạy học?

05/04/2017 10:47
Đất Việt
(GDVN) - Có lẽ tiêu chuẩn giáo sư, tiến sỹ nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu làm lại, sao cho đúng chuẩn của một nghiên cứu khoa học rồi hãy đem ra trình làng.

LTS: Là một người nghiên cứu về giáo dục, tác giả Đất Việt bày tỏ một số băn khoăn về dự thảo Quy định về các tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư ở Việt Nam.

Theo đó, tác giả cũng cho rằng việc đưa ra quan điểm “Giáo sư là thầy dạy học” khá phù hợp ở Việt Nam, tuy nhiên ở trên thế giới thì điều này còn tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Nhân vừa đọc được bài "Dự thảo tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư: Cần đề cao thực chất" của Giáo sư Ngô Việt Trung (Viện Toán học) [1] đăng trên Vietnamnet rất thú vị, tôi xin có một số suy ngẫm chia sẻ thêm. 

Về nguyên tắc xuyên suốt mà Giáo sư Trung nêu ra, Việt Nam chúng ta cần phải nâng cao chất lượng tiêu chuẩn các chức danh và chúng ta cần tuân thủ các chuẩn mà quốc tế (đây được hiểu là các nước phát triển và có hoạt động về đào tạo và nghiên cứu, công bố khoa học có thứ hạng cao trên thế giới) đang áp dụng, nhằm làm cho hoạt động dạy học và nghiên cứu của Việt Nam đi theo chuẩn và được ngẩng đầu với thế giới.  

Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ nguyên tắc này, và tôi cũng tin là chúng ta không thể khác các nước khác được, nếu muốn phát triển cùng với họ.

Bảng tổng kết về số lượng giáo sư và phó giáo sư tính từ năm 1984 đến năm 2016. (Ảnh Vietnamnet.vn)
Bảng tổng kết về số lượng giáo sư và phó giáo sư tính từ năm 1984 đến năm 2016. (Ảnh Vietnamnet.vn)

Có mấy điểm tôi khá băn khoăn khi nhìn lại quá trình soạn thảo dự thảo Quy định về các tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư ở Việt Nam (“Quy định về tiêu chuẩn giáo sư ”), vì có lẽ đây là một ví dụ điển hình của tính “chưa” chuẩn trong quy trình soạn thảo văn bản chăng?

1. Khi đưa ra dự thảo Quy định về tiêu chuẩn giáo sư, tôi chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố được bất kỳ nghiên cứu khoa học, hay khảo sát nào, ở Việt Nam cũng như nước ngoài, về việc ở nước ngoài họ công nhận giáo sư và phó giáo sư dựa trên tiêu chí nào? 

Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy các văn bản pháp quy của giáo dục Việt Nam, cho bất kỳ đề xuất nào đều thiếu vắng các công bố nghiên cứu khoa học làm nền tảng cho đề xuất của mình. Trường hợp quy định về tiêu chuẩn giáo sư cũng tương tự vậy.  

Sẽ không mất thời gian quá nhiều cho Giáo sư Trung và các giáo sư, các nhà nghiên cứu chính sách của Việt Nam bàn thảo gần nửa năm nay về tiêu chuẩn giáo sư, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp 2 bảng tổng kết:

Giáo sư là thầy dạy học? ảnh 2

Công bố quốc tế có giúp giáo sư, tiến sĩ Việt Nam sánh vai cùng bạn bè năm châu?

(i) Bảng tổng kết và đánh giá các tiêu chuẩn mà một giáo sư được công nhận ở các nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada và một số nước châu Á, ví dụ như Singapore, Trung Quốc…

(ii) Bản tổng kết, so sánh với tiêu chuẩn nước ngoài và đánh giá về những điểm hạn chế, điểm phù hợp trong hệ thống tiêu chuẩn công nhận mà Việt Nam hiện đang áp dụng. 

Theo đó, để thúc đẩy năng lực ABC gì đó cho mục tiêu XYZ của Việt Nam, Bộ đề xuất sửa đổi ra làm sao.

Khi có những thông số cụ thể trên đi kèm dự thảo Quy định về tiêu chuẩn giáo sư, chúng ta sẽ thấy rõ được bức tranh của thế giới là gì, bức tranh của Việt Nam là gì và cơ sở khoa học của những đề xuất mà Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn đưa ra.  

Điều này làm tất cả những người quan tâm đến chính sách về giáo sư có thể tranh luận và đưa ra những góp ý hữu ích, thực tiễn và có cái nhìn tổng quan vấn đề, tránh kiểu “thầy mù xem voi”.

Khó thay cho những người tâm huyết với giáo dục và chính sách giáo dục Việt Nam, chúng ta hầu như khó tìm thấy được thông số nào khác, trừ một số thông tin mà Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOCTED)  công bố trên website.

Và cũng chỉ có mỗi thông tin được nhấn mạnh trong buổi đưa ra dự thảo Quy định là “Năm 2016, 278 ứng viên trong tổng số 703 tân giáo sư, phó giáo sư có công bố khoa học quốc tế” [2], tương đương với 39,5% tổng số giáo sư, phó giáo sư mới có công bố quốc tế, chưa tính đến công bố này có đồng tác giả với các đối tác nghiên cứu nước ngoài hay không. 

Giáo sư là thầy dạy học? ảnh 3

Những yêu cầu bắt buộc để được phong Giáo sư

Thêm nữa, một câu hỏi nên được đặt ra cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là họ chưa đưa ra được định nghĩa về công bố quốc tế.  

Xin không dám nói đâu xa, nhưng tôi tin là nếu cứ áp dụng phải là có công bố quốc tế (ở nước ngoài Mỹ), trên ISI, thì rất nhiều giáo sư chuyên ngành nghiên cứu quốc tế, chuyên ngành giáo dục quốc tế và một loạt các ngành khoa học xã hội khác ở Mỹ có lẽ chưa đạt được. 

Vậy, nếu soi về Việt Nam, chúng ta sẽ suy nghĩ thế nào đối với những ngành như khoa học xã hội, khoa học giáo dục, khoa học nghiên cứu quốc tế, đặc biệt là khi các nước phát triển đã thúc đẩy việc nghiên cứu đa ngành (ví dụ, giáo dục – quốc tế, giáo dục – kinh tế, giáo dục – chính trị…) chứ không còn thuần túy nghiên cứu đơn ngành? 

Việt Nam vẫn sẽ xét duyệt và lập hội đồng công nhận tiêu chuẩn giáo sư theo đơn ngành hay đa ngành? 

2. Giáo sư là thầy dạy học?

Trong bài viết của Giáo sư Trung có đề cập đến một ý là “Theo thông lệ quốc tế, để bảo vệ luận án tiến sĩ cần phải có ít nhất hai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí ISI/ Scopus” [1].  

Theo tôi được biết, điều này không là thông lệ cho các ngành khoa học xã hội ở Mỹ. 

Bảng mô tả Dữ liệu Giáo sư và các chức danh giảng dạy ở một Đại học Vùng của Mỹ. [3]
Bảng mô tả Dữ liệu Giáo sư và các chức danh giảng dạy ở một Đại học Vùng của Mỹ. [3]

Ngoài ra, quan điểm “Tiến sĩ mới chỉ là vỡ lòng trên con đường làm khoa học” là khá đúng, tiến sĩ chỉ là một học vị xác nhận ai đó “hiểu đủ sâu” về một khía cạnh nhỏ nào đó mà thôi, chứ chưa dám nói đến là “đủ trình độ nghiên cứu độc lập”.  

Để có thể làm rõ việc này, đơn giản là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng các chức danh Nhà nước đưa ra con số, minh chứng xem có bao nhiêu giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ ở Việt Nam có công bố khoa học, ở Việt Nam và nước ngoài, trong 5 năm qua, thì chúng ta sẽ hình dung được ngay về cái gọi là “khả năng nghiên cứu độc lập” ở Việt Nam.

Giáo sư là thầy dạy học? ảnh 5

Những yêu cầu bắt buộc để được phong Giáo sư

Tuy nhiên, quan điểm “giáo sư là người làm thầy dạy học” có lẽ còn tùy vào chức năng của đại học và góc nhìn về giáo sư ở công việc gì.  

Trong bảng mô tả Dữ liệu về Giáo sư và các chức danh giảng dạy của một đại học vùng (được xếp hạng là đại học nghiên cứu) khá “to” của Mỹ, số giáo sư ít hơn số trợ giảng là học viên sau đại học (graduate teaching assistant).  

Thực tế này không có gì lạ ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, bởi giáo sư, đặc biệt là giáo sư nghiên cứu và trong đại học đặt nặng về nghiên cứu, giáo sư hầu như rất ít dạy, và chỉ có những học viên đang làm nghiên cứu sinh lên tiến sĩ mới đi giảng cho đại học cấp độ cử nhân và thạc sĩ. 

Điều này để nói lên một ý là, thực tế giáo sư mà đi dạy học nhiều thì chỉ có ở trường chuyên dạy là chính, không có mấy nghiên cứu, vì chức năng hoạt động của giáo sư được phân chia giữa 3 mảng: dạy học – nghiên cứu – đóng góp cho môi trường học thuật của trường.  

Nếu đã dạy là chính, thì các chức năng khác sẽ phải ít hoặc không có và cũng là bình thường khi học viên sau đại học đi dạy cho sinh viên mới vào trường. 

Đại học Việt Nam, phần nhiều hiện đang ở mức dạy là chính nên khái niệm giáo sư là người làm thầy dạy học có lẽ phù hợp ở Việt Nam, nhưng sẽ còn tùy, khi xét đến từng loại trường ở Mỹ.

3. Những câu hỏi chưa có lời giải đáp cho chức danh giáo sư trong hệ thống giáo dục Việt Nam?

Giáo sư là thầy dạy học? ảnh 6

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng có bài viết đặt ra 5 câu hỏi dành cho các vị giáo sư khá hay và đầy suy tư của một nhà giáo từ trường Đại học Sư phạm.  

Cụ thể là:

Những công việc cụ thể mà một giáo sư nhất thiết phải làm được là gì?

Một giáo sư khác với một chuyên gia hay một nhà khoa học ở những điểm nào?

Một giáo sư có cần phải uyên bác ở một mức chuẩn nào đó không và làm thế nào để kiểm tra?

Có nên hạ thấp tiêu chuẩn luận án tiến sĩ để thêm nhiều tiến sĩ không? Cũng như vậy, đối với phó giáo sư và giáo sư?

Thế nào là một giáo sư hàng đầu? Có phải cứ đào tạo ra nhiều tiến sĩ, thì thành tích của giáo sư càng cao không?

Qua mấy câu hỏi này, tôi tin là người đặt ra câu hỏi đã có câu trả lời, nhưng vẫn đặt ra câu hỏi.  

Câu hỏi này không phải dành cho những người đang chuẩn bị học làm tiến sĩ hay chuẩn bị được phong hàm giáo sư, phó giáo sư sắp tới theo dự thảo Quy định, mà dành cho những người hiện đang làm giáo sư, phó giáo sư, đặc biệt cho những người có hàm nhưng không dạy và cũng không nghiên cứu, hay công bố. 

Đây là một thực tế “nguy hại” cho giáo dục Việt Nam, như Giáo sư Trung đã nêu ra.

Có lẽ câu chuyện về tiêu chuẩn giáo sư, tiến sỹ nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu làm lại, sao cho đúng chuẩn của một nghiên cứu khoa học rồi hãy đem ra trình làng, tránh để những tài liệu mang danh của một Bộ quản lý về giáo dục và về những chức danh khoa học, nhưng có lẽ còn quá nhiều câu hỏi về phương pháp làm văn bản.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/du-thao-tieu-chuan-giao-su-pho-giao-su-moi-can-de-cao-thuc-chat-364301.html

 [2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chua-toi-40-gs-pgs-nam-2016-co-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-338106.html

[3] https://accountability.tamu.edu/All-Metrics/Mixed-Metrics/Faculty-Demographics

[4] http://www.baomoi.com/5-cau-hoi-danh-cho-cac-vi-giao-su/c/21748861.epi

Đất Việt