Đóng góp về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng trong chương trình phổ thông

12/05/2017 08:12
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Trên thực tế, sau khi học xong giai đoạn Trung học cơ sở, có rất ít học sinh đi học nghề ngay mà thường là các em tiếp tục học lên bậc Trung học phổ thông.

LTS: Tiếp tục đưa ra góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thầy Trần Trí Dũng đưa ý kiến về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Tác giả cũng nhấn mạnh đến việc giới thiệu, định hướng cho học sinh phổ thông về sự khác biệt trong việc đào tạo bậc đại học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 12/4/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đế lấy ý kiến nhân dân.

Sau một khoảng thời gian ngắn đã có được nhiều những ý kiến đóng góp cho Dự thảo, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và dư luận.

Trên thực tế, Dự thảo đã quán triệt đúng tinh thần đổi mới giáo dục đã được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Tuy nhiên Dự thảo vẫn có những điểm cần phải được trao đổi và hoàn bị thêm, đặc biệt là vấn đề hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau giai đoạn Trung học cơ sở, bài viết này xin được trao đổi về nội dung đó.  

Thực tế, sau khi học xong giai đoạn Trung học cơ sở, có rất ít học sinh đi học nghề ngay.(Ảnh minh họa: Báo Người Lao động)
Thực tế, sau khi học xong giai đoạn Trung học cơ sở, có rất ít học sinh đi học nghề ngay.(Ảnh minh họa: Báo Người Lao động)

Theo đó, một trong những điểm nổi bật mang tính căn cốt của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là có sự phân định rõ giữa hai giai đoạn giáo dục.

Đó là: giai đoạn giáo dục cơ bản được thực hiện ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, và giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở bậc Trung học phổ thông.

Với sự phân định này, theo Dự thảo, chương trình giáo dục trung học cơ sở có mục tiêu là giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học;

Tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Mục tiêu này cũng phù hợp với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội là nhằm đảm bảo sự phân luồng mạnh sau giai đoạn trung học cơ sở, phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Đóng góp về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng trong chương trình phổ thông ảnh 2

Học hết lớp 9, em nào dám đi học nghề?

Tuy nhiên, sự thể hiện để đạt được mục tiêu này trong Dự thảo cần bổ sung thêm. 

Cụ thể, các môn học trong giai đoạn Trung học cơ sở đa phần vẫn là các môn khoa học cơ bản như truyền thống, chỉ có một môn học là Công nghệ và Hướng nghiệp được xem là một môn mới, mang tính định hướng nghề nghiệp.

Như thế là chưa đủ để bao quát các nghề cho học sinh có thể định hướng, do đó khó có thể đảm bảo sự phân luồng học sinh sau giai đoạn này.

Trên thực tế, sau khi học xong giai đoạn Trung học cơ sở, có rất ít học sinh đi học nghề hay tham gia vào cuộc sống ngay mà thường là các em tiếp tục học lên bậc Trung học phổ thông.   

Thực tế việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh hơn 10 năm qua, ở chương trình giáo dục bậc Trung học cơ sở hiện hành thì đến lớp 9, các em được nhà trường dạy và tư vấn về Hoạt động hướng nghiệp nghề với thời lượng 9 tiết thực hiện trong 9 tháng, mỗi tháng 1 chủ đề. 

Hầu hết nhà trường giao luôn cho giáo viên chủ nhiệm tự biên, tự diễn. Vì công việc kiêm nhiệm, mức độ đầu tư vô cùng hạn chế nên hoạt động này lâu nay cũng chỉ mang nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ, chỉ khiến thầy nản, trò chán. 

Lên lớp 8, lớp 9, các em đăng ký và tham gia học nghề phổ thông tại các Trung tâm tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề của huyện song với mục đích chính chỉ lấy chứng chỉ nghề để cộng điểm khuyến khích (từ 0,5 đến 1,5 điểm) khi thi tuyển sinh vào lớp 10. 

Một phụ huynh ở Thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) thì cho rằng: “Gần như đại đa số phụ huynh ở ta hiếm có khái niệm cho con cái học xong lớp 9 là đi học nghề, làm thợ, kiếm sống. 

Vì các cháu tuổi còn nhỏ, được gia đình bảo bọc, cần tiếp tục học hết lớp 12, lúc ấy đi học nghề, tìm việc vẫn chưa muộn. 

Hơn nữa, họ đang thiếu tin tưởng vào cơ sở nghề, trường nghề về chất lượng đào tạo và tương lai nghề nghiệp, thu nhập.

Trừ trường hợp các em học văn hóa không được hoặc vì lý do đặc biệt khác thì mới tính đến chuyện đi học nghề”. {1} 

Do đó, với những hạn chế về công tác hướng nghiệp ở nhà trường, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, người học cộng với quan niệm, nếp nghĩ cũ kỹ của nhiều phụ huynh trở thành “rào cản” gây khó khăn, thách thức lớn đối với công tác phân luồng học sinh sau bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Đóng góp về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng trong chương trình phổ thông ảnh 3

Cô giáo tiếp tục băn khoăn với chương trình mới

Vì thế, kỳ vọng của Dự thảo nhằm đảm bảo các yêu cầu này là khó khả thi nếu không có những thay đổi, điều chỉnh và bổ sung cần thiết.

Tại giai đoạn Trung học phổ thông, đây được xem là giai đoạn trọng tâm của giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là hiện nay Việt Nam chúng ta đang là nước nông nghiệp với các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp có rất nhiều tiềm năng phát triển thì những môn học giáo dục nghề trong Dự thảo lại tập trung vào tin học, máy tính, công nghệ.

Như vậy, khả năng sử dụng thực tiễn các môn học này, với bộ phận lớn thanh niên nông thôn sau ra trường sẽ không cao. Do đó, những nội dung định hướng nghề nghiệp được đề cập trong Dự thảo còn thiếu thực tiễn.

Mặt khác, trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở lớp 11 và lớp 12 thì môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học tự chọn bắt buộc dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật.

Nội dung chủ yếu của môn học gồm những vấn đề kinh tế và pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh. 

Tuy nhiên, Kinh tế và Pháp luật có nội dung rất rộng lớn, bao hàm rất nhiều ngành nghề khác nhau, thực tế các vấn đề về chính trị, hành chính vẫn là những vấn đề chung có tính khái quát nên việc giảng dạy cho học sinh phổ thông chỉ nhằm đảm bảo được các yêu cầu cơ bản, mang tính nguyên lý.

Do đó sẽ rất khó cho việc phân luồng chuyên sâu mang tính định hướng nghề nghiệp để học sinh lựa chọn.

Vì thế, việc đưa môn học này để học sinh lựa chọn định hướng nghề nghiệp theo sự phân loại như trong Dự thảo là khó khả thi vì không thể bao quát các ngành nghề liên quan trên thực tế, đây là cũng là một điểm yếu của Dự thảo. 

Theo một kết quả thống kê, trên thế giới hiện nay có trên dưới 2.000 nghề với hàng chục ngàn chuyên môn khác nhau.

Theo đó, nghề nghiệp ra đời là do nhu cầu của cuộc sống, vì vậy xã hội phát triển thì nghề nghiệp cũng phát triển.

Nghề có thể sinh ra và mất đi theo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền, quốc gia. Đó là quy luật tất yếu. Và trên thế giới mỗi năm có khoảng 500 nghề mất đi và có khoảng 600 nghề mới xuất hiện. 

Vì thế, vần đề được đặt ra là cần thiết có sự cụ thể hơn về các nội dung hướng nghiệp và có chuyên sâu hơn về các ngành nghề trong thực tế cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, nhằm đảm bảo các mục tiêu đặt ra như kỳ vọng.  

Bên cạnh đó, có một vấn đề liên quan đến hướng nghiệp mà chưa có được sự thể hiện trong Dự thảo, đó là định hướng và bồi dưỡng năng lực cho học sinh có thể học tiếp lên bậc Đại học trong một sự lựa chọn theo khả năng của học sinh sau giai đoạn Trung học phổ thông.

Đóng góp về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng trong chương trình phổ thông ảnh 4

Chương trình mới đã chú trọng tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 chưa?

Đây cũng là một yêu cầu đảm bảo về sự liên thông giữa các bậc học. 

Bởi lẽ, học đại học có những yêu cầu rất khác và cao hơn so với trung học phổ thông.

Học sinh muốn học tốt ở bậc học này phải có những năng lực và phương pháp cần thiết, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, song vấn đề này lại chưa thấy đặt ra trong Dự thảo.

Đại học cũng là một phân luồng nhằm đảm bảo sự phát triển có định hướng nghề nghiệp, cùng với khả năng tư duy của người học.

Do đó, cùng với sự định hướng nghề nghiệp còn thể hiện yếu và việc định hướng cho học sinh có thể học tiếp lên bậc học này chưa được thể hiện nên đã bộc lộ một điểm khuyết thiếu cần được xây dựng hoàn bị thêm cho Dự thảo.

Trên thực tế, nếu hoàn thiện được các nội dung phân luồng cho học sinh, định hướng nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng và định hướng cho học sinh có thể học tiếp lên những bậc học cao hơn sẽ tạo ra sự ưu việt của chương trình mới, thể hiện sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Cùng với đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới gần, đòi hỏi nguồn nhân lực phát triển phải có một tầm cao hơn về chất. Vì thế, mong rằng Ban soạn thảo cần lưu ý những nội dung này.

Trên đây là một vài quan điểm đóng góp cho việc xây dựng và hoàn thiện Dự thảo, hy vọng rằng những ý kiến sẽ được tiếp thu lắng nghe và có thêm những bình luận từ các độc giả. 

Tài liệu tham khảo:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-het-lop-9-em-nao-dam-di-hoc-nghe-post176119.gd

Trần Trí Dũng