LTS: Trước những thông tin trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ những suy nghĩ, băn khoăn của mình.
Chia sẻ từ góc nhìn thực tế, cô Phan Tuyết mong muốn ý kiến của giáo viên, những người sắp tới sẽ trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới sẽ đến được với những nhà chức trách để công cuộc đổi mới được hiệu quả hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhìn cấu trúc chương trình tổng thể mới được công bố, chúng tôi những nhà giáo có tâm huyết với nghề cũng xin được trình bày một số băn khoăn của mình với suy nghĩ được góp một cái nhìn từ thực tế (dù rất nhỏ) mong muốn chương trình sẽ được hoàn thiện hơn.
Một số băn khoăn
Điều băn khoăn đầu tiên ở bậc tiểu học, học sinh được học 31 tiết/tuần với sự xuất hiện của nhiều môn học mới.
Ngoài các môn như Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, có các tên gọi khác như Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.
Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.
Những môn học này sẽ được phân bố thời khóa biểu thế nào? Có phù hợp với đặc điểm các vùng miền hay không?
Ở nhiều nơi, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn. (Ảnh: zing.vn) |
Theo một số đồng nghiệp của chúng tôi ở vùng Tây Nguyên, trẻ học tới lớp 4, lớp 5 nhưng giáo viên vẫn phải dạy “tăng cường tiếng Việt”.
Học sinh dân tộc nói, phát âm chưa rõ ràng nói gì đến việc để viết một bài văn, nêu một đoạn cảm nghĩ?
Việc dạy và học công nghệ thông tin cũng gặp khó khăn khi gia đình học sinh không có máy, trường học cũng thiếu phòng máy.
Việc học sinh được chọn môn học cũng có nhiều bất cập. Ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa phụ huynh giao toàn quyền cho giáo viên và nhà trường chọn lựa.
Nếu học sinh tự chọn, sẽ xảy ra một số điều bất cập, có môn chỉ có vài ba em đăng kí, môn lại quá nhiều.
Rồi sẽ dẫn đến tình trạng thu nhập của giáo viên trong một trường khi môn học có đông học sinh đăng kí theo học, giáo viên phải dạy nhiều tiết, chạy xô nhiều ca và ngược lại.
Sẽ lấy thời gian nào để các lớp tổ chức thao giảng dự giờ trong sinh hoạt chuyên môn? Cách làm hiện tại đang tạo ra nhiều bất ổn.
Chương trình phổ thông mới chưa phân luồng, hướng nghiệp rõ ràng |
Nếu các trường cho thao giảng vào một tiết nào đó trong tuần, giáo viên tập trung đến dự còn lớp học để các em tự quản. Chuyện này lợi ít mà hại nhiều.
Những điều học hỏi được ở tiết dự giờ không nhiều nhưng học trò các lớp lại chẳng được học khi không có giáo viên trên lớp.
Một số trường tổ chức cho học sinh đi học vào thứ 7 để dự giờ, vô hình trung các em đi học vào cả ngày nghỉ.
Đưa môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào chương trình là phù hợp nhưng nội dung sẽ dạy thế nào? Có sự linh động giữa các vùng miền hay không?
Nếu học sinh vừa học, vừa hành thì sẽ thực hành ra sao cho hiệu quả? Trong khi khuôn viên nhiều trường hẹp, điều kiện tổ chức cho các em đi tham quan, đi thực tế rất khó khăn…
Là môn học mới, để dạy tốt giáo viên phải được bồi dưỡng thêm nếu không sẽ dạy như thế nào?
Ngay như nội dung giáo dục kĩ năng sống cho các em, kiến thức nền là kĩ năng sống của không ít giáo viên còn thiếu hụt, thì việc dạy cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn.
Trong thực tế, để dạy hiệu quả những môn học như này giáo viên cần có sự năng động, kĩ năng hợp tác, ứng biến tốt…
Việc dạy tích hợp ở những môn khoa học tự nhiên cũng chẳng dễ dàng gì với giáo viên đã vài chục năm được đào tạo và chỉ dạy đơn môn.
Một số đề xuất
Trước khi thực hiện chương trình giáo dục tổng thể, cần sàng lọc đội ngũ giáo viên một lần nữa.
Cần có chế độ ưu đãi để khuyến khích những thầy cô gần đến tuổi về hưu nhưng đã không còn nhiều tâm huyết với nghề được nghỉ ngơi, nhường chỗ cho những sinh viên trẻ có lực học khá giỏi, có lòng nhiệt huyết cao, chịu khó học hỏi, lăn xả…
900 ngàn giáo viên phổ thông, ai theo được chương trình mới? |
Chúng ta đừng biện minh cứ cho áp dụng chương trình rồi cho giáo viên đi đào tạo lại.
Việc đào tạo lại chừng ấy giáo viên không phải là đơn giản, đào tạo lại mà chỉ học tập huấn dăm bảy ngày, thậm chí một tháng như những lần thay sách trước đây cũng chẳng ăn thua gì.
Tập huấn chỉ có thể thay đổi được phương pháp dạy học tức thời còn kiến thức, sức ì của một bộ phận không nhỏ giáo viên lại chẳng thể nào chỉ thay đổi trong ngày một ngày hai.
Điều chúng tôi muốn nhắn gửi là tập trung thật kĩ lưỡng về đội ngũ nhà giáo, cũng cần nhà nước quan tâm đến đời sống giáo viên, chỉ khi họ không còn gánh nặng với cơm áo gạo tiền thì lúc đó mới thật sự toàn tâm cho công việc của mình.
Khi đã có một đội ngũ vững vàng về năng lực chuyên môn, về phẩm chất đạo đức thì mọi thay đổi mới có kết quả tốt nhất.