LTS: Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm mang tính hình thức đã được nhiều thầy cô giáo phản ánh trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ở một góc nhìn khác, thầy giáo Nhật Duy cho rằng trong các cuộc xét thi đua, chỉ cần một sáng kiến "hình thức" cũng có thể giúp người này người kia được đề nghị xét danh hiệu.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!
Từ lâu, chúng ta đã nói nhiều đến những bất cập trong việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm.
Tuy nhiên, kết quả của sáng kiến kinh nghiệm vẫn là cái đích của nhiều giáo viên hướng tới. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc xét thi đua cuối năm.
Cho dù ai cũng biết rằng để xét thi đua cuối năm phải căn cứ vào nhiều mặt, nhiều thành tích đạt được của mỗi cá nhân trong nhà trường.
Tuy nhiên, tất cả đều thua sáng kiến kinh nghiệm, dù các thành tích có nhiều nhưng thiếu sáng kiến kinh nghiệm thì những thành tích khác cũng trở thành vô nghĩa.
Sáng kiến kinh nghiệm trở nên giá trị trong việc xét thi đua. (Ảnh: laodong.com.vn) |
Mặc dù Thông tư 35 ra đời và cho qui đổi nhiều thành tích khác như: Đồ dùng dạy học cấp Huyện, cấp tỉnh, đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện trở lên, có học sinh giỏi cấp tỉnh từ giải C trở lên…
Thế nhưng, theo Nghị định 56 thì không có Sáng kiến kinh nghiệm cũng thành vô nghĩa.
Nhiều nơi, họ linh hoạt giữa Thông tư 35 và Nghị định 56 nhưng cũng có địa phương họ cương quyết bám vào Nghị định 56 bởi nó có tính pháp lí cao hơn nên nhiều giáo viên có nhiều thành tích nhưng vẫn không được xét các danh hiệu từ chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.
Chuyện sáng kiến kinh nghiệm thì chúng ta đã nghe nói nhiều, đã bàn luận lắm và thực tế trong mỗi đơn vị thầy cô đều nhìn thấy rằng đa số sáng kiến chẳng có một tí tác dụng nào cho công tác giảng dạy và quản lí của nhà trường.
Làm chủ yếu là để hoàn thành theo Nghị định 56 và hi vọng đạt giải để xét thành tích thi đua cuối năm học.
Vì thế, những đề tài sáng kiến kinh nghiệm chỉ là sự chắp nhặt ý tưởng của nhau, hoặc giáo viên “sáng tác” ra một số giải pháp và gán ghép vào một số “kết quả đạt được” để hoàn thiện một sáng kiến kinh nghiệm cho đúng với yêu cầu một… sáng kiến kinh nghiệm.
Nghịch lí ở chỗ là khi xét thi đua cuối năm của giáo viên lại không coi trọng nhiều về chất lượng giảng dạy, không đánh giá những nỗ lực phấn đấu của một người thầy cho sự nghiệp chung của đơn vị, của ngành.
Trong số đó có những giáo viên có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi các cấp.
Muốn đạt được thành tích đó, người thầy phải ròng rã ôn luyện mấy tháng trời, thậm chí là ôn luyện suốt cả cấp học bởi nhiều trường có kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ ngày đầu cấp học.
Thế mới biết những bất cập của sáng kiến kinh nghiệm như thế nào.
Từ chỗ coi trọng sáng kiến kinh nghiệm dẫn đến một bộ phận giáo viên tìm mọi cách để có một sáng kiến kinh nghiệm.
Trước đây, khi xét các danh hiệu từ chiến sĩ thi đua cơ sở thì phải có sáng kiến hinh nghiệm cấp huyện công nhận (đối với cấp học Mầm non, Tiểu học; Trung học cơ sở) và cấp trường công nhận (cấp Trung học phổ thông).
Muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trở lên thì phải có sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh công nhận.
Tuy nhiên, khi Nghị định 56 ra đời thì việc xét chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ cần cấp cơ sở công nhận (cấp trường) nên dẫn đến việc làm đối phó rất nhiều.
Bởi cấp trường công nhận thì gần như ai làm là đạt hết, chỉ khác nhau là giải gì mà thôi. Nhưng giải gì đi nữa vẫn đủ tiêu chí để xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Vì thế, một số giáo viên có “chức sắc” trong trường họ làm đề tài sáng kiến kinh nghiệm vài trang để được công nhận giải và cuối năm là “có” cơ hội để xét các danh hiệu thi đua cao.
Bởi vì chính những cán bộ cốt cán của trường “ngồi” trong Hội đồng thi đua nên họ có nhiều cơ hội để đủ số phiếu bình bầu.
Năm học trước, đơn vị chúng tôi có hai cô phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng là Phó hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn đều rớt sáng kiến kinh nghiệm cấp Huyện nhưng nhất quyết đưa tên mình vào để xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Trong khi nhiều giáo viên khác có sáng kiến kinh nghiệm cấp Huyện và một số thành tích như bồi dưỡng học sinh giỏi và có giải làm đồ dùng dạy học lại không được đề nghị xét bởi không đủ số phiếu tán thành.
Sáng kiến, thực ra là copy trên mạng, mà nói thẳng ra là ăn cắp của nhau |
Vì dù sao những người ngồi trong Hội đồng thi đua cũng là chỗ thân quen với nhau.
Hàng ngày thường xuyên ngồi với nhau, chơi với nhau, có những lợi ích qua lại với nhau nên dù thành tích của một các vị ấy rất ít, chỉ là một sáng kiến kinh nghiệm… cấp trường nhưng vẫn nằm trong danh sách đề nghị.
Vài trang giấy vô thưởng vô phạt nhưng quyền lợi lại rất nhiều bởi sáng kiến kinh nghiệm sẽ là tiền đề để nhiều người có thể nghĩ đến những danh hiệu thi đua cho mình.
Mỗi cá nhân có một “sáng kiến kinh nghiệm” hoặc một “giải pháp hữu ích” thì đáng lẽ ra ngành giáo dục phải có những tiến bộ vượt bậc nhưng không hiểu sao lại cứ ì ạch mãi?
Vậy, mục đích của giáo viên viết sáng kiến là gì nếu không phải là để xét thi đua?