LTS: Bàn về công tác xét thi đua cuối năm tại trường học, thầy giáo Nhật Duy cho rằng giáo viên đứng lớp luôn là người thiệt thòi nhất.
Bởi dù bình bầu bằng hình thức giơ tay hay bỏ phiếu kín thì vẫn còn tình trạng nhìn người quen thân để bầu chứ không phải dựa trên cơ sở năng lực, gây ra sự thiếu công bằng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Năm nào cũng vậy, những ngày cuối tháng năm, đầu tháng sáu là các Hội đồng thi đua khen thưởng các đơn vị nhà trường ngồi lại với nhau để đánh giá lại quá trình hoạt động của đơn vị, của từng tổ chuyên môn và mỗi cá nhân.
Từ đó, lựa chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu để đề nghị với cấp trên công nhận các danh hiệu thi đua. Để được công nhận là “Lao động tiên tiến” hay “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên thì người được xét phải vượt qua rất nhiều “cửa ải”.
Xét thi đua cuối năm ở các đơn vị trường học chưa bao giờ là việc đơn giản bởi nó được qui định với hàng loạt văn bản và phải trải qua rất nhiều bước.
Đầu tiên là phải xét Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học (theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT) với hàng hàng loạt tiêu chuẩn và tiêu chí.
Trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên được qui định ở hai mức là “đạt chuẩn” và “chưa đạt chuẩn - loại kém”.
Loại “đạt chuẩn” được qui định là ba mức: loại xuất sắc; loại khá và loại trung bình. Nếu giáo viên muốn được xét danh hiệu thi đua từ “Lao động tiên tiến” và các danh hiệu cao hơn thì phải đạt chuẩn từ loại “khá” trở lên.
Thầy giáo Nhật Duy cho rằng xét thi đua cuối năm, giáo viên là người thiệt thòi nhất. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Sau xét Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là Đánh giá, phân loại công chức (theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP).
Tại chương IV của Nghị định hướng dẫn “Đánh giá và phân loại viên chức” được chia thành 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ và Không hoàn thành nhiệm vụ.
Những người được xét công nhận từ mức Hoàn thành nhiệm vụ trở lên phải có một đề án, đề tài, sáng kiến mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận (cấp cơ sở trở lên).
Chính từ yêu cầu như vậy nên bắt buộc giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm, cái nào có chất lượng thì gửi tiếp lên cấp trên chấm, cái nào viết đối phó thì công nhận cấp trường để xem như là đã thực hiện đúng Nghị định 56.
Những người muốn được xét các danh hiệu thi đua từ Lao động tiên tiến trở lên phải đạt ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đối với chuẩn nghề nghiệp giáo viên và bản đánh giá, phân loại công chức được thực hiện theo 3 bước. Bước thứ nhất là cá nhân tự đánh giá; bước thứ hai là tổ chuyên môn đánh giá; bước thứ ba là Hội đồng thi đua và Hiệu trưởng đánh giá.
Sau khi thực hiện xong hai bước đầu của hai loại đánh giá này thì Tổ chuyên môn đề nghị các danh hiệu thi đua gửi lên Ban Giám hiệu.
Sau đó, Ban Giám hiệu tập hợp toàn bộ hồ sơ thi đua từ các tổ chuyên môn gửi lên thì thành lập Hội đồng xét thi đua. Căn cứ vào Thông tư số: 35/2015/TT-BGDĐT qui định Thành phần Hội đồng gồm:
a) Chủ tịch: Người đứng đầu đơn vị;
b) Phó Chủ tịch: cấp phó của người đứng đầu, Chủ tịch Công đoàn đơn vị;
c) Ủy viên: Đại diện cấp ủy Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trưởng các bộ phận chuyên môn; trưởng bộ phận thi đua, khen thưởng hoặc người được giao phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị là ủy viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng.
Thi đua khen thưởng thì làm sao cho công bằng, khách quan, chính xác?(GDVN) - Có mấy ai, mấy nhà trường lại không thích, không mừng vui khi được khen thưởng, danh hiệu này, kia? |
Như vậy, nhìn vào Hội đồng thi đua chúng ta thấy toàn bộ cốt cán có “uy tín”, có vị thế trong đơn vị được ngồi “cầm cân, nảy mực” để xét.
Và, dĩ nhiên - họ cũng có rất nhiều thuận lợi trong việc xét các danh hiệu “cao quí” nhất (thường hạn chế về số lượng).
Bởi có một yêu cầu trong hướng dẫn xét thi đua được xem là then chốt của vấn đề là phải có số phiếu tín nhiệm bao nhiêu phần trăm cho mỗi danh hiệu thi đua mới được đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu.
Từ tiêu chí này mà vô hình trung nhiều người có nhiều thành tích nhưng lại ít phiếu tín nhiệm, người ít thành tích lại có nhiều phiếu tín nhiệm hơn. Từ đó dẫn đến sự công bằng đôi khi chưa trọn vẹn.
Chuyện phiếu tín nhiệm tưởng là đơn giản nhưng lại vô cùng khó và tế nhị, bởi lẽ lấy phiếu tiến nhiệm bằng cách giơ tay hay bỏ phiếu kín đều có ưu điểm và hạn chế.
Nếu lấy phiếu tín nhiệm bằng cách giơ tay thì những người nằm trong hội đồng ngồi xét sẽ được nhiều phiếu tín nhiệm hơn, bởi vì chỉ có một số người ngồi với nhau như vậy mà không giơ tay bình bầu cho nhau cũng... kì (mặc dù người mình tán đồng chưa hẳn là xứng đáng).
Sự thật “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (GDVN) - Năm học vừa qua, Chiến sĩ thi đua cơ sở ở trường tôi đều là các thành viên trong Liên tịch nhà trường bao gồm 3 Ban giám hiệu cùng với 5 tổ trưởng. |
Chính vì vậy mà những giáo viên không nằm trong hội đồng xét bao giờ cũng gặp thua thiệt.
Còn nếu bỏ phiếu tín nhiệm thì có phần khách quan hơn nhưng đôi lúc lại không công bằng bởi lẽ: tôi thân với ai tôi bỏ phiếu cho người đó, tôi không ưng tôi không bỏ phiếu (cho dù người đó có tốt đến đâu, có nhiều thành tích đến đâu đi nữa).
Vì thế, người có nhiều thành tích nhưng là giáo viên dạy lớp, ít có tầm “ảnh hưởng” trong đơn vị thì rất khó nhận được những lá phiếu “quí giá” từ Hội đồng xét thi đua.
Nhưng, ngược lại những thành phần cốt cán trong trường dù rất ít thành tích nhưng họ đang ngồi hiện hữu trong hội đồng và thường có “ảnh hưởng” hơn thì rõ ràng ưu thế đang thuộc về họ.
Nhất là khi Chủ tịch Hội đồng xét thi đua muốn “lái” cho ai hay “loại” ai thì rất dễ. Bởi con người không phải lúc nào cũng rạch ròi giữa định tính và định lượng.
Trong các danh hiệu thi đua chỉ có danh hiệu lao động tiên tiến là cần có 70% số phiếu đồng ý nhưng từ Danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên và các loại bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ, Chính phủ cần dao động từ 75-90% số phiếu tán thành thì những giáo viên không có “chức tước” trong trường rất khó có thể đạt được đủ số phiếu tán thành. Đây rõ ràng là sự thua thiệt rất lớn của các giáo viên đứng lớp.
Một năm học đi qua với rất những công việc, rất nhiều nỗ lực phấn đấu của mỗi giáo viên, mỗi tập thể trong các đơn vị trường học.
Song, đâu đó vẫn còn tồn tại tình trạng nhìn người để bỏ phiếu thì rõ ràng họ đang cản trở sự phát triển của giáo dục. Bởi, xét đến cùng: Quyền lợi chính đáng của mỗi giáo viên đứng lớp cần phải được tôn trọng.