LTS: Trước vụ việc hai nam sinh bị sóng cuốn mất tích khi đang chụp ảnh kỷ yếu tại bãi biển Cửa Lò, thầy giáo Sông Trà bàn thêm về vấn đề tổ chức liên hoan cuối cấp.
Theo đó, tác giả cho rằng vai trò của thầy cô giáo, nhà trường và phụ huynh trong việc quản lý con em mình là rất cần thiết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, chiều 11/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã gửi văn bản tới tất cả các đơn vị giáo dục trên địa bàn về việc “nghiêm cấm việc học sinh uống rượu, bia trong dịp liên hoan gặp mặt cuối khóa”.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở chỉ đạo các trường tập trung hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học, tổ chức cho học sinh ôn tập và kiểm tra cuối năm học đạt chất lượng tốt.
Hiện trường vụ hai học sinh bị sóng cuốn mất tích. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Tăng cường công tác quản lý học sinh, nghiêm cấm việc học sinh sử dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khi tổ chức liên hoan gặp mặt cuối khóa.
Không tổ chức đi picnic, dã ngoại, liên hoan ở những nơi vắng vẻ, nguy hiểm như biển, rừng, núi, thác.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cũng đã có 2 văn bản nhắc nhở học sinh liên quan đến các hoạt động cuối năm học:
Nghiêm cấm việc chụp ảnh kỷ yếu ở nơi nguy hiểm và cấm việc học sinh uống rượu, bia trong dịp liên hoan gặp mặt cuối khóa, sau vụ việc 2 nam sinh lớp 12A6 bị sóng cuốn mất tích khi cùng tập thể lớp chụp ảnh kỷ yếu tại bãi biển Cửa Lò.
Ngày 24/5/2014, lớp 12C của một trường ở Hải Dương tổ chức liên hoan chia tay tại nhà học sinh trong lớp. Án mạng sau đó đã xảy ra vì hiềm khích cá nhân.
Cách đây mấy năm, 11 em học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Ba Gia, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) rủ nhau đến nhà bạn ăn liên hoan.
Sau khi ăn liên hoan xong, các em này lại mượn ghe chở nhau qua bãi bên kia sông Trà Khúc chơi, chẳng may ghe lật, 4 em bị tử vong.
Nỗi buồn đau, tang thương bao trùm cả trường, cả khu tây huyện Sơn Tịnh năm ấy.
Thực tế, ở nhiều địa phương, đến mùa tổ chức liên hoan chia tay cuối năm cho các em cuối cấp lớp 9, lớp 12, từng xảy ra biết bao nhiêu vụ việc đau lòng, đáng tiếc trong học sinh: từ cãi vã, xô xát, đánh nhau, làm mất trật tự an ninh, tổ chức đua xe trái phép đến đuối nước, gây tai nạn giao thông chết người…
Nguyên nhân chính là do nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh không quản lý được học sinh, con em của mình.
Tất cả đều để mặc các em tự do, thỏa thích thể hiện bản thân sau khi uống rượu, bia lén lút hoặc được sự cho phép của người lớn tại trường, tại nhà, tại hàng quán.
Liên hoan cuối năm, trước thì vui vẻ, sau thì buồn đau, mất mát(GDVN) - Có những cuộc liên hoan được tổ chức tại lớp, trường, tại nhà phụ huynh học sinh, trước thì vui vẻ, phấn khởi, sau đó là buồn đau, mất mát. |
Học sinh ở lứa tuổi 15, 18, với nhận thức, suy nghĩ còn non nớt, bồng bột, bản tính thường bốc đồng, muốn chứng tỏ mình với bạn bè trang lứa thì mọi chuyện xấu, tồi tệ nhất đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi tổ chức liên hoan, tiệc tùng vào thời điểm cuối năm.
Một hoạt động rất có ý nghĩa, thay thế cho việc tổ chức liên hoan, ăn uống đơn thuần đối với các em học sinh cuối cấp, đó là Lễ tri ân và trưởng thành.
Được biết, đầu năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đưa lễ “Tri ân và trưởng thành” trở thành một trong 15 nội dung của kế hoạch phối hợp phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”.
Những năm qua, nhiều trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác đã tổ chức rất thành công hoạt động này với mục đích giáo dục học sinh giữ gìn truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, biết tri ân những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục mình.
Từ đó cho các em hiểu rõ về sự trưởng thành của bản thân để các em sống tự tin và có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, theo tôi, để việc tổ chức ngày lễ đạt hiệu quả cao nhất, các trường cần phải có khâu chuẩn bị tốt gắn với điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu, nguyện vọng cụ thể của học sinh, phụ huynh.
Tập thể sư phạm nhà trường phải thống nhất, quán triệt đầy đủ để mỗi người tham gia hiểu được ý nghĩa của từng hành động, việc làm diễn ra trong buổi lễ.
Đồng thời, các trường phải mời được tất cả phụ huynh đến tham dự giúp họ có thể hiểu được tấm lòng, tâm sự, thấy được sự trưởng thành của con em mình.
Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành cũng nên có văn bản chỉ đạo đến các nhà trường để hoạt động tri ân, liên hoan cuối năm đi vào nề nếp, quy củ, bớt những rủi ro đáng tiếc, tránh phô trương thành tích, tốn kém không cần thiết cho phụ huynh học sinh như một số địa phương đã triển khai.