Liên hoan cuối năm, trước thì vui vẻ, sau thì buồn đau, mất mát

20/05/2015 07:22
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Có những cuộc liên hoan được tổ chức tại lớp, trường, tại nhà phụ huynh học sinh, trước thì vui vẻ, phấn khởi, sau đó là buồn đau, mất mát.

LTS: Nội trong tuần này, cơ bản học sinh phổ thông cả nước sẽ kết thúc năm học 2014-2015.

Hôm nay, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc nêu lên một vấn đề còn tồn tại ở nhiều trường, nhiều lớp, đặc biệt là các lớp cuối cấp: liên hoan.

Chuyện tưởng nhỏ, mà đôi khi thành gánh nặng với nhiều người.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này tới độc giả.

Tháng 5, tháng 6, năm học khép lại, cũng là lúc các nhà trường, tập thể lớp, những nhóm bạn cuối cấp ở nhiều nơi thường tổ chức gặp mặt, liên hoan chia tay nhau. 

“Sáng kiến” liên hoan chủ yếu là do các em và phụ huynh bày ra. Phụ huynh có chung tâm lý, sau 12 năm đèn sách, hết bậc phổ thông rồi, nay cho con vài trăm ngàn đồng để đóng góp liên hoan với lớp, với bè bạn, cha mẹ luôn sẵn lòng. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Có nơi tổ chức đơn giản, chỉ có bánh kẹo, nước ngọt thôi. Có trường, có lớp tổ chức liên hoan mặn, đủ món,  kể cả dàn nhạc và bia, rượu nữa. 

Mỗi em góp đến 300-400 ngàn đồng. Con nhà khá giả thì dễ, con em nhà nghèo, lao động thì theo đuối. Có chỗ, phụ huynh cũng nhiệt tình tham gia… đến cùng với con trẻ.

Đúng, thời nay, điều kiện kinh tế, cuộc sống đại bộ phận gia đình ở ta có khấm khá hơn, nên việc liên hoan của học sinh ở trường lớp có phần tươm tất, rôm rả, hoành tráng hơn nhiều. 

Liên hoan là dịp tốt để học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh…ngồi lại với nhau; chia sẻ, tâm tình, động viên nhau…sau chặng đường dài học tập vất vả  và chúc tụng, hy vọng những điều tốt đẹp cho năm sau và tương lai. 

Ý nghĩa của nó thật đáng quý biết bao. Nhiều cuộc liên hoan được tổ chức tốt để lại những dấu ấn, những tình cảm, kỷ niệm khó phai mờ trong đời cô cậu, học sinh và các thầy, cô giáo. 

Tuy nhiên, cũng có những cuộc liên hoan được tổ chức tại lớp, trường, tại nhà phụ huynh học sinh, trước thì vui vẻ, phấn khởi, sau đó là buồn đau, mất mát.

Năm ngoái, vào ngày 24/5, lớp 12C của một trường ở Hải Dương tổ chức liên hoan chia tay tại nhà học sinh trong lớp. Án mạng sau đó đã xảy ra vì hiềm khích cá nhân. 

Cách đây mấy năm, 11 em học sinh lớp 12, trường THPT Ba Gia, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) rủ nhau đến nhà bạn ăn liên hoan. Sau khi ăn liên hoan xong, các em này lại mượn ghe chở nhau qua bãi  bên kia sông Trà Khúc chơi, chẳng may ghe lật, 4 em bị tử vong. 

Có trường THPT, tổ chức liên hoan cuối năm theo từng khối lớp, mấy ngày liền các khu dân cư, cơ quan, đơn vị xung quanh bị “ tra tấn” liên tục bởi âm thanh vang động, hỗn độn các loại loa, nhạc… Họ hết chịu nổi, đành phải làm văn bản gửi nhà trường, nói các em, các lớp dừng, nghỉ chơi sớm. 

Vì dễ dãi, chiều theo ý muốn của các lớp nên có nhiều nhà trường, thầy cô còn thoải mái cho học sinh dùng cả bia, rượu khi liên hoan.  Bia, rượu đầy bàn,  thầy và trò cùng chúc tụng, cùng uống…đến say sưa. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nhiều học sinh khi có men bia, rượu  thấm vào người đã không biết kiềm chế, dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Gây gỗ, đâm chém, đánh nhau…để giải quyết hơn thua, mâu thuẫn.

Rủ nhau đi tắm hồ, sông, biển….dẫn đến tử vong vì đuối nước.  Đi xe máy, phóng chạy bạt mạng, từng gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, gây chết người….

Hệ lụy dùng bia , rượu đối với học sinh trong liên hoan cuối là rất lớn, ai cũng biết. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh lại vô tình, xem nhẹ, giỗ cúng, lễ tết, liên hoan lâu lâu mới có dịp cứ cho con trẻ uống ăn thoải mái, vô tư thì có sao đâu.

Nhà trường, thầy cô giáo lại thiếu kiên quyết , không răn đe, nhắc nhở học sinh khi sử dụng bia, rượu. 

Thầy Bùi Văn Thuận, giáo viên, trường THPT Chư Sê ( tỉnh Gia Lai) bày tỏ:” Thầy cô giáo, nhà trường không được dễ dãi, chiều theo ý của các em. Tuyệt đối nói không với rượu, bia trong liên hoan cuối năm.

Bây giờ, con trẻ manh động lắm. Để học sinh tự tung, tự tác thì tai hại khôn lường, trong đó có phần lỗi, trách nhiệm của những người  thầy, cô giáo.

Cuối năm, nhà trường nên dành thời lượng để nói cho học sinh biết được tác hại của bia, rượu, tổ chức liên hoan gọn nhẹ, lành mạnh, tiết kiệm.”  

Ngoài phong trào liên hoan cuối năm, lâu nay còn rộ thêm phong trào phụ huynh làm liên hoan cho con em mừng đỗ đại học.

Ở gia đình thì việc lạm dụng rượu bia lại khá tự do, tùy tiện, rất khó kiểm soát. Tất cả phụ thuộc vào nhận thức, tác động của các bậc phụ huynh đối với con em. 

Đừng vì ly bia, ly rượu mà biến những cuộc vui, liên hoan thành…nỗi lo âu và tai họa.

Nhà trường và phụ huynh không nên để các em tự tung, tự tác, vì lứa tuổi còn non dại, cần có định hướng, kiểm soát tốt của người lớn.

ĐỖ TẤN NGỌC