LTS: Chia sẻ quan điểm của mình về gánh nặng của việc đóng quỹ lớp lo cho thầy, cô giáo Thuận Phương cho rằng đây là thực tế diễn ra chủ yếu ở hai hình thức học tại chức và từ xa.
Tác giả cũng nhấn mạnh rằn nếu bản thân người học có đủ năng lực và sự tự tin thì đâu cần thiết phải "lo cho thầy từ A đến Z" như vậy.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài viết “Thầy đi học cũng canh cánh nỗi lo tiền quỹ lớp” của tác giả Nhật Duy đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi cũng xin được góp đôi điều về việc đóng tiền quỹ lớp để lo cho thầy.
Thông qua bài viết, tôi cũng muốn làm rõ thêm trăn trở “Không biết tự bao giờ chuyện lo “chu đáo” cho thầy sau mỗi khóa học đã trở thành một tiền lệ đối với các học viên”.
Gánh nặng việc đóng quỹ lớp để lo cho thầy diễn ra nhiều nhất ở hai bậc học tại chức và từ xa. Nói thế để chúng ta có thể thấy được phần nào vì sao lại phải đóng quỹ lớp để lo cho thầy.
Lo cho chính mình
Nói là đóng quỹ lớp để lo cho thầy nhưng đó là cách chúng ta đang đóng quỹ lớp để lo cho chính bản thân của mình.
Vì sao lại thế? Vì ta lười học nhưng lại muốn điểm cao, vì lười học nhưng vẫn muốn thi đậu, vì học yếu nhưng vẫn muốn có bằng đại học như bao người.
Chẳng thế mà tiền quỹ lớp đã được nhiều người đặt cho một cái tên không những hay mà còn rất đúng bản chất của nó. Đó là “tiền ngu”.
Nhiều người gọi tiền đóng quỹ lớp là "tiền ngu". (Ảnh minh họa: plo.vn) |
Phải nói rằng hầu như giảng viên vào dạy họ không gợi ý, cũng chẳng “đòi quà” bao giờ.
Phát sinh ra chuyện đóng góp quỹ lớp để lo cho thầy luôn xuất phát từ các học viên chúng ta đấy chứ. Bởi học viên bao giờ chẳng khát khao mong muốn “bánh ít trao đi bánh chì trao lại”?
Tôi sẽ dẫn chứng một câu chuyện có thật đến 100% thế này.
Khóa Đại học từ xa năm ấy có khoảng 400 giáo viên bậc tiểu học tham dự. Có lẽ là khóa đầu tiên nên các cán bộ lớp chưa biết nhiều về khoản ngoại giao (sau này nhiều người đã thừa nhận như thế).
Chúng tôi học nhưng chẳng phải đóng một khoản tiền quỹ nào cả. Buổi thi tốt nghiệp diễn ra sau đó vô cùng nghiêm túc.
Phần lớn các học viên đều “cắn bút” chẳng thể làm được gì. Bởi học chơi nhưng thi thật. Kì thi tốt nghiệp năm ấy, tổng số giáo viên trượt chiếm khoảng 2/3 học viên toàn khóa.
Nhà tôi không thiếu thứ gì, chỉ mỗi cái tủ lạnh là cũ kỹ(GDVN) - Có nhiều học viên lo lắng, thầy cô không nhận quà, phong bì của mình thì nguy to, lúc kiểm tra, thi cử dễ cho đề cương nhiều và điểm số thấp. |
Kết quả này đã làm nhiều khóa học sau chấn động. Ai cũng lo sốt vó không biết tới lượt mình thi sẽ thế nào đây?
“Nếu thầy cô vẫn khắt khe như thế chắc chắn sẽ trượt chứ làm sao có thể đậu nổi”, không ít người đã khẳng định như thế.
Cuộc chiến lo toan
Nhưng thay vì lo học, lo nghiên cứu bài vở để bổ sung kiến thức, ai nấy đều tất tả lo toan tìm mọi cách để lấy lòng thầy cô. Thế là trọng trách nặng nề này được thống nhất giao cho cán bộ lớp.
Một kế hoạch tỉ mỉ được vạch ra.
Người nói “chúng mình phải bao thầy cô từ A đến Z”, người cho rằng “cần phải trang bị từ chân đến răng”… như việc đi đón thầy cô từ xa đến, bố trí chỗ ăn ở (mặc dù đã có trung tâm liên kết sở tại lo), lo nơi giải trí vào ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, lo mua đặc sản quê hương làm quà biếu cho thầy cô và cho cả người thân ở nhà, lo tiền vé máy bay cho vòng về…
Để làm được điều này phải có kinh phí. Thế rồi, phần đông học viên đều tình nguyện đóng góp một cách vui vẻ với lòng hy vọng tràn trề.
Trước ngày thi tốt nghiệp, tất cả các học viên trong khóa đều đóng thêm một khoản tiền không nhỏ để cán bộ lớp đi nói chuyện với giáo viên và bỏ phong bì gọi là tiền bồi dưỡng cho toàn hội đồng coi thi.
Và năm ấy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp gần như 100%. Tiếng “lành” đồn xa, khóa học sau lại học kinh nghiệm từ khóa học trước để “vượt vũ môn”. Và chuyện đóng quỹ lớp để lo cho giáo viên đã trở thành “luật bất thành văn” từ đấy.
Phải tự trách mình
Thầy đi học cũng canh cánh nỗi lo tiền quĩ lớp (GDVN) - Không biết tự bao giờ chuyện lo “chu đáo” cho thầy sau mỗi khóa học đã trở thành một tiền lệ đối với các học viên. |
Do có cậu em là giảng viên đại học nên thi thoảng tôi cũng nghe được những câu chuyện của những giảng viên này nói chuyện với nhau.
Người nói đi về tỉnh dạy tại chức hoặc dạy từ xa tuy phải xa nhà nhưng thu nhập lại cao gấp nhiều lần dạy ở trường.
Bởi, bản thân được các học viên chăm lo cho từ A đến Z nên mọi chế độ của mình vẫn còn nguyên vẹn.
Đã thế mỗi lần hết khóa dạy trở về nhà thường mang theo biết bao đặc sản của từng vùng miền.
Có giáo viên cũng chia sẻ thẳng thắn, bản thân mình cũng không thích chuyện “có đi có lại” kiểu này nhưng để từ chối các học viên lại chẳng dễ dàng chút nào.
Đã không ít lần thầy cương quyết không nhận sự chăm lo ấy và tìm nhiều cách lẩn tránh nhưng trò lại quá nhiệt tình săn đón và phục vụ đến tận nơi. Nếu cứ cương quyết chối từ cũng thấy thật phũ phàng.
Nhiều học viên những lớp học này cũng đã thừa nhận “đi học tại chức và từ xa phải đóng tiền ngu nhiều quá”. Số tiền đóng góp là do mỗi cá nhân tình nguyện mà chẳng ai có thể bắt buộc được.
Muốn xóa bỏ chuyện đóng quỹ như thế này chẳng có biện pháp nào hữu hiệu bằng việc mỗi cá nhân phải tự học để nâng cao kiến thức.
Có như thế mới đủ tự tin bước vào phòng thi mà không cần phải trông chờ vào sự dễ dãi, nới tay hoặc ban ơn của một ai khác.