Chúng ta học được gì từ Đại học Fulbright Việt Nam?

16/06/2017 07:30
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Làm sao đại học Việt Nam có thể học (chứ không phải copy) được điều gì đã làm nên thành công của những chương trình và trường nước ngoài ở Việt Nam?

LTS: Trước thông tin về việc thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, một nghiên cứu sinh về giáo dục bày tỏ niềm vui mừng về sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Qua đó, tác giả cũng cho rằng đây là một cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm, những bài học có giá trị ứng dụng cao nhằm phát triển giáo dục đại học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 6/6/2017, các báo Việt Nam đưa tin về khoản viện trợ trị giá 15,5 triệu đô la Mỹ của Chính Phủ Mỹ - Bộ Ngoại Giao trao cho Đại học Fulbright Việt Nam (sau đây viết tắt là “FUV”) [1].

Những tin tức được đăng tải với niềm vui mừng cho một bước khởi đầu của một đại học được mang tên một thượng nghị sỹ Mỹ suốt đời cống hiến cho những hoạt động trao đổi và giao lưu học thuật, nhằm thúc đẩy những hiểu biết giữa học giả và sinh viên Mỹ với thế giới.

Theo báo chí đưa tin, FUV sẽ bắt đầu tuyển sinh chương trình sau đại học kể từ mùa thu năm 2017, và tuyển sinh cho chương trình cử nhân vào mùa thu năm 2018. 

Đại học Fulbright Việt Nam sẽ bắt đầu tuyển sinh chương trình sau đại học kể từ mùa thu năm 2017. (Ảnh: FETP)
Đại học Fulbright Việt Nam sẽ bắt đầu tuyển sinh chương trình sau đại học kể từ mùa thu năm 2017. (Ảnh: FETP)

Để có thể bắt đầu câu chuyện của đại học FUV, tôi nghĩ, chúng ta, những người Việt Nam mong muốn tìm kiếm những giải pháp cho đại học Việt Nam hay cho giáo dục Việt Nam, có thể tìm thấy một số bài học thực tiễn có giá trị ứng dụng cao từ lịch sử hoạt động của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) – một hợp tác giữa Harvard Kennedy và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994 [2], mà đến 2016, chuyển đổi thành FUV.

Muốn tiến vững chắc, phải bắt đầu bằng từng bước nhỏ

Trên website của FETP, chương trình giảng dạy kinh tế do trường Fulbright thực hiện được bắt đầu từ năm 1994, kết quả của sự hợp tác giữa trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và trường Harvard Kennedy, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ [2].

Chương trình này có thể coi như một nhân chứng cho quan hệ hợp tác trong giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vào thời điểm Việt Nam bắt đầu “đổi mới” và “mở cửa” với thế giới, và cũng là thời điểm kết nối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước để bình thường hóa quan hệ.

FETP là một chương trình đầu tiên về hợp tác giáo dục đại học với Hoa Kỳ, tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu chính sách công, nghiên cứu và tham gia phản biện, đối thoại chính sách theo đề nghị của các cơ quan chính quyền Việt Nam,

Với rất nhiều khó khăn trong giai đoạn hợp tác ban đầu, tôi tin là như vậy, FETP đã từng bước, xây dựng uy tín, chương trình, học viên và lực lượng giảng viên ưu tú, để tạo nên một tên tuổi của FETP, mà cho đến 2016, Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư chính thức cho FETP chuyển sang thành Đại học Fulbright Việt Nam. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại lễ trao quyết định thành lập FUV. (Ảnh: FETP)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại lễ trao quyết định thành lập FUV.  (Ảnh: FETP)

Với nền tảng học thuật và hỗ trợ trực tiếp từ Harvard Kennedy, FETP đã dành 22 năm để làm việc và chuẩn bị nền tảng cho một đại học của người Việt, do người Việt quản trị và hướng đến những giá trị học thuật phổ quát toàn cầu, như tự chủ, minh bạch, trách nhiệm giải trình và chuẩn mực nghiên cứu quốc tế [2].

Vậy, nếu chúng ta có phàn nàn về hệ thống đại học của mình hiện nay, chúng ta liệu có học được gì từ chương trình liên kết này? 

Đó là một FETP rất nhỏ (nếu xét đến số giảng viên và học viên trong từng khóa), rất tập trung (một chương trình duy nhất - Thạc sỹ Chính sách công và đào tạo ngắn hạn, nghiên cứu và đối thoại chính sách theo đơn đặt hàng của khách hàng), một ngân sách hoạt động không lớn, nếu tính cả ngân sách hiện hữu cho đại học FUV (nếu so với ngân sách dành cho 3 đại học đẳng cấp của chúng ta là Đại học Việt – Nhật, Đại học Việt – Pháp, Đại học Việt – Đức, với mỗi đại học dự kiến khoảng 300 triệu đô la đầu tư).

Nếu ai đó tra cứu website của IFC, chúng ta sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa là không chỉ FUV, năm 1999, RMIT đã đầu tư vào Việt Nam chỉ với số vốn 34 triệu đô la Mỹ.

Chúng ta học được gì từ Đại học Fulbright Việt Nam? ảnh 3

Giáo sư Đại học Harvard nói về việc xây dựng Trường Đại học Fulbright Việt Nam

Và vào thời điểm ban đầu đó, số giáo viên và quản lý người nước ngoài chỉ chiếm rất ít.  

Vậy mà, chỉ sau 8 năm, họ đã rất thành công ở Việt Nam và hiện đang vươn lên trở thành một trường tiêu biểu của RMIT ở nước ngoài, với hơn 6.000 học sinh.

Vậy, vấn đề của đại học Việt Nam hiện nay nằm ở đâu?

Ở phần định vị (position), đối tượng phục vụ (ai học gì, và để làm gì), hay ở quy trình quản trị, nhân lực quản lý và giảng viên? 

Làm sao đại học Việt Nam có thể học (chứ không phải copy) được điều gì đã làm nên thành công của những chương trình và trường nước ngoài ở Việt Nam?

Quan điểm cá nhân tôi là chúng ta hãy tiến từng bước nhỏ vững chắc, để xây dựng nền tảng và tương lai lâu dài, như FETP là một ví dụ điển hình.

Kiên định với những nguyên tắc nền tảng của một hệ thống giáo dục khai phóng mà truyền thống Đại học Harvard đã gây dựng trên mấy trăm năm, để xây dựng một đại học cho người Việt Nam và do người Việt Nam quản trị

Điều làm tôi rất xúc động khi đọc những tin tức liên quan đến FUV, đó là hình ảnh của một phụ nữ Việt Nam – chị Đàm Bích Thủy, người “Sếp” đầu tiên trong cuộc đời làm việc của tôi, được vinh dự nhận lĩnh số tiền tài trợ của Bộ Ngoại Giao Mỹ, với chức danh Chủ tịch Đại học FUV. 

Đây là một minh chứng rõ ràng của Chính phủ Mỹ về thiện chí xây dựng và hỗ trợ Việt Nam một đại học theo mô hình đại học khai phóng của Mỹ, nhưng cho người Việt Nam, do người Việt Nam quản trị và vì người Việt Nam.

Mặc dù tương lai của FUV sẽ có thể vươn tới là một đại học dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới. 

Những giá trị nguyên tắc nền tảng của một đại học Mỹ, như tự do học thuật, tự chủ tài chính, trách nhiệm giải trình, đóng góp giá trị với đất nước và cộng đồng, đều đã được FETP minh chứng qua hành động của mình hơn 22 năm qua. 

Chúng ta học được gì từ Đại học Fulbright Việt Nam? ảnh 4

Đào tạo đại học ở Việt Nam, biết chưa tốt mà không làm gì được

Và nay, với chỉ định một phụ nữ Việt Nam đứng đầu đại học mà Chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ, chúng ta không có gì để không tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của FUV, vì đây chính là đại học của chúng ta.  

Những giá trị về tinh thần hòa hợp, học tập và hiểu biết, tình thương yêu và nâng cao giá trị thấu hiểu những khác biệt, mà W. Fulbright đã đề cao trong suốt thời gian ông làm việc về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nay đã được thể hiện trung thực với Đại học FUV. 

Trong một thời điểm rất khó để xác định rõ mọi vấn đề, việc Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao tài trợ và thúc đẩy quá trình hoạt động của FUV tại Việt Nam, là một lời trao gửi cho nhân dân và đất nước Việt Nam.  

Chúng ta có thể hy vọng vào tương lai của con trẻ Việt Nam, khi có điều kiện được học tập và nghiên cứu theo những chuẩn mực cao nhất của quốc tế, ngay tại Việt Nam.  

FUV, RMIT, và nhiều chương trình nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam.  

Chúng ta, những đại học Việt Nam, những giảng viên Việt Nam, chúng ta hãy tìm cách học hỏi, hợp tác, để cùng dẫn dắt thế hệ trẻ của Việt Nam, được học với những gì mà thời đại yêu cầu. 

FUV (mà trước là FEPT), đã được Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ tín thác TUIV [3], khẳng định ý tưởng, là sẽ đóng vai trò như một “agent of change” (chất xúc tác), nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, trong những khả năng có thể.

Hợp tác, hợp tác và hợp tác, trong môi trường cạnh tranh

Trong 22 năm phát triển chương trình Thạc sỹ Chính sách công và nghiên cứu phản biện chính sách công ở Việt Nam, để chứng minh năng lực của mình, FETP và nay là FUV đã luôn coi trọng hợp tác trong mọi hoạt động và trong mọi cấp độ của mình.  

Xin các bạn hãy tra cứu những hình ảnh kỷ niệm về từng khóa học của FETP, về những hoạt động của họ ở từng cơ quan hay địa phương, để hiểu được những gì đã làm cho FETP thành công và có thể chuyển sang một đại học không hề là con đường dễ dàng, dù với sự hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhiệt tình của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Harvard.

Chúng ta học được gì từ Đại học Fulbright Việt Nam? ảnh 5

Làm sao giáo dục đại học có thể sống sót?

Ngay như hiện nay, để tiếp tục con đường phát triển của FUV tại Việt Nam, các chương trình được mở tại trường cũng là kết quả của hợp tác giữa FUV với các trường đối tác Mỹ [4].

Ví dụ như: Loyola Chicago University, UC Irvine, cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 

Arizona State University, cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học ứng dụng, toán học và khoa học máy tính; 

Và Harvard Kennedy school, cung cấp các chương trình đào tạo thạc sĩ trong lĩnh vực chính sách công, luật, tài chính và quản lý, các nghiên cứu ứng dụng và đối thoại chính sách.

Nhìn lại các trường đại học Việt Nam, chúng ta đã hợp tác, đã xây dựng chiến lược chương trình, các mô hình chia sẻ nguồn lực và nhân sự, từ liên kết thư viện, chia sẻ thông tin các dữ liệu nguồn mở, các nghiên cứu, và thậm chí, các khảo sát rộng về giảng dạy và học tập…

Nhưng chúng ta cần đẩy mạnh mẽ hơn nữa những hợp tác như mô hình của FUV với các đối tác nước ngoài khác.  

Thế giới học thuật là thế giới mở, mở cho trí thức, cho phát triển và cho hợp tác và các bên cùng có lợi…

Vậy, hãy nghiên cứu một chiến lược quốc gia về quốc tế hóa đại học và hợp tác ngay với FUV như là một trong các hoạt động quốc tế hóa tại Việt Nam!

Từ những chia sẻ trên, tôi tin là giá trị của tri thức không chỉ nằm trong ngân sách và đo lường bằng tiền.  

Giá trị của FUV thuộc về sức mạnh nhân lực của đại học (từ giảng viên cho đến người học), mạng lưới hợp tác nghiên cứu những thách thức toàn cầu, nhưng tìm kiếm những giải pháp có giá trị cho những vấn đề của Việt Nam, cho từng địa phương, và lợi ích cho tất cả mọi người.

Đây có lẽ là điều cơ bản nhất tôi học được từ lịch sử của FETP.

(Bài viết này phản ánh nhận thức cá nhân, và không có bất kỳ liên hệ/có lợi ích từ FUV hay tổ chức nào của Mỹ)

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dai-hoc-fulbright-viet-nam-nhan-155-trieu-usd-tien-tai-tro-20170606182050402.htm

[2] http://www.fetp.edu.vn/vn/gioi-thieu/gioi-thieu-fetp/

[3] https://www.tuiv.org/our-team/

[4] http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/20150825/co-cau-sinh-vien-cua-chung-toi-se-phan-anh-su-da-dang-cua-xa-hoi-vn/956472.html

Nguyễn Thị Lan Hương