Đào tạo đại học ở Việt Nam, biết chưa tốt mà không làm gì được

01/06/2016 06:02
Xuân Trung
(GDVN)-Sinh viên thường rơi vào bị động khi không tìm được việc đúng với chuyên môn mà mình được học, trong khi đó sinh viên nước ngoài luôn chủ động tìm công việc.

LTS: Tình trạng cử nhân thất nghiệp đang mỗi lúc một trầm trọng, Bộ GD&ĐT đã có những động thái cụ thể như cắt giảm chỉ tiêu, đặc biệt với ngành sư phạm. Hơn lúc nào hết chúng ta cần một môi trường, chương trình đào tạo đại học sát với thực tiễn, tập trung đào tạo kỹ năng cứng (cách suy luận, cách lập luận, tính toán, cách làm việc nhóm...) và quan trọng hơn là giúp xây dựng tính cách con người. 

Gần đây, lãnh đạo Trường Đại học Fulbright cho rằng, trường sẽ đi theo định hướng của một trường khai phóng, mục tiêu là giúp cho sinh viên có cơ hội tiếp cận việc làm thuận lợi nhất. Bản chất của mô hình giáo dục này là gì và giúp ích gì cho sinh viên Việt Nam.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) về cách hiểu trường đại học khai phóng. 

PV: Thưa Giáo sư, vừa qua Đại học Fulbright (một mô hình trường đại học Mỹ tại Việt Nam) sau khi được thành lập có đề cập tới khái niệm giáo dục khai phóng, đại học khai phóng và họ cho rằng sẽ đi tiên phong về đại học khai phóng. Vậy, khái niệm giáo dục khai phóng hiểu như thế nào cho đúng và đã có từ bao giờ?

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp: Ở giai đầu của đổi mới giáo dục đại học, chúng tôi chủ trương thay đổi hệ thống giáo dục đại học theo hướng; giáo dục đại học của Liên Xô cũ đào tạo con người với tư cách là một công cụ (đào tạo một kĩ sư thì đào tạo sâu, nhưng hiểu biết khác thì ít), nó khác với các trường phương tây (trường đào tạo đại học khác với trường đào tạo nghề ở chỗ đào tạo con người có tầm nhìn).

Trong kiến thức giáo dục đại học có hai phần, một phần gọi là giáo dục tổng quát, một phần là giáo dục nghề nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp là định hướng để đi làm nghề này, nghề kia nhưng phần giáo dục tổng quát đòi hỏi sinh viên nào cũng phải có (ví dụ người học kĩ sư cũng phải có hiểu biết về nhân văn, nghệ thuật, văn học; ngược lại những người theo kĩ sư cũng phải hiểu biết về khoa học công nghệ).

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp.
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp.

Những ý tưởng này là một trong những sắc thái của giáo dục khai phóng. Còn những người nói đại học là đào tạo nghề bậc cao là không đúng. 

Đại học khai phóng giúp con người những gì thưa giáo sư?

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp: Sẽ hướng con người đến một tầm nhìn, có tâm hồn, tính nhân văn nhiều hơn. Nếu con người chỉ biết hoạt động nghề nghiệp (tầm nhìn hẹp) thì khai phóng là để con người thích ứng trong một xã hội. 

Quan niệm giáo dục khai phóng ở phương Đông và phương Tây có cách hiểu khác nhau như thế nào, thưa giáo sư?

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp: Quan trọng nhất vẫn là xây dựng tư cách con người, hướng tới hiểu biết và mang tính nhân văn. 

Trên thế giới hiện tại có nhiều vấn đề, có nhiều biến động, một người có giáo dục thì họ phải có những quan niệm đúng đắn về những vấn đề đó. Có quan niệm đúng mới hướng dẫn xã hội có những cái nhìn đúng. 

Trong chương trình đại học ở Mỹ họ có phần giáo dục đại cương (giáo dục tổng quát), phần này không gắn với nghề nghiệp, ai học đại học cũng phải có phần này, ở Mỹ họ rất coi trọng. 

Nếu đúng bản chất của giáo dục khai phóng thì sẽ có tác dụng gì?

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp: Có được điều này thì con người có thể thích nghi được với sự biến đổi xã hội, trở thành một con người chủ động. Nếu chúng ta cứ đào tạo sinh viên như một công cụ, như cái máy thì họ sẽ thành con người thụ động, nhưng khi có cái nền thì sẽ chủ động hơn, làm cho xã hội tốt hơn.

Đào tạo đại học ở Việt Nam, biết chưa tốt mà không làm gì được ảnh 2

Đại học Mỹ, trường phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam sẽ dạy nghề gì?

(GDVN) - Đại học Fulbright Việt Nam được kỳ vọng là trường đại học hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, chương trình học theo hình thức tiên tiến n

Nếu như vậy có phải là các trường đại học ở ta, giáo dục ở ta chưa tiệm cận được với khái niệm khai phóng, dẫn đế tình trạng thất nghiệp của sinh viên?

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp: Cũng có một phần như vậy, đúng là đào tạo ở ta chưa tốt, thấy mà không làm tốt được, bởi có những yếu tố khác tác động tới. Ví dụ cho thành lập một trường đại học, vậy như thế nào là trường đại học, như thế nào mới được thành lập. 

Trong mấy năm qua chúng ta thành lập nhiều trường đại học, những người làm giáo dục đại học không hình dung, không quan niệm được giáo dục đại học là cái gì.

Chúng ta đào tạo sinh viên chỉ biết ra trường làm đúng nghề được học và không chủ động trong việc sẽ phải làm trái nghề, nhưng khi có cái nền “khai phóng” thì có thể thích nghi được, không tìm được việc mình học thì với khả năng tự học sẽ làm được việc khác.

Ở ta có thể vì một lợi ích trước mắt nên đào tạo rút ngắn thời gian, ra trường mà “chộp” được thời điểm nghề đó cần thì có việc còn không thì thất nghiệp. 

Cám ơn giáo sư về cuộc trao đổi.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, giáo dục khai phóng ý muốn nói tới giáo dục tự chủ, thông thoáng, tự do về học thuật, điều này khác với giáo dục thuần túy chỉ đào tạo nghề nghiệp. 

Từ năm 1993 khi thay đổi Khung chương trình đại học đã lấy cấu trúc theo kiểu Asean và Hoa Kỳ (phần giáo dục đại cương và giáo dục nghề nghiệp), tư tưởng khai phóng đã xuất phát từ đây.

Nội dung của giáo dục đại cương là hình thành nên nhân cách toàn diện của người học đại học, đó là khai phóng; còn nội dung giaó dục chuyên nghiệp là hình thành những kiến thức kĩ năng nghề nghiệp ban đầu (hướng vào đào tạo nghề nghiệp). 

Thực tế từ năm 1993, cấu trúc chương trình giáo dục đại học Việt Nam đã thay đổi, không chỉ định hướng hoàn toàn về nghề nghiệp, mà còn định hướng tạo ra con người phát triển hài hòa, đó đã thể hiện tư tưởng khai phóng.

Xuân Trung