LTS: Kỳ thi Trung học phổ thông năm 2017 đã diễn ra, trong bài viết gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tác giả Phan Tuyết đã nêu ra quan điểm của mình về hệ lụy của việc tính điểm trung bình lớp 12 vào điểm xét tốt nghiệp.
Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và đào tạo nên xem điểm trung bình lớp 12 của các em như điều kiện cần và đủ để được xét dự thi tốt nghiệp như những năm học trước đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau quy định tính điểm trung bình lớp 12 vào điểm công nhận tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và đào tạo điểm tổng kết của các em tăng cao đáng kể.
Đồng nghĩa với việc tỉ lệ học sinh khá giỏi hàng năm cũng tăng lên nhiều. Đặc biệt học sinh yếu kém hầu như không còn.
Không ít phụ huynh vui mừng vì cho rằng con mình học tốt.
Hình ảnh các em học sinh vui vẻ sau kỳ thi (Ảnh minh họa: baotintuc.vn) |
Nhưng nhiều giáo viên thổ lộ: "chất lượng học tập của các em không được nâng lên, điểm số cao cùng với các danh hiệu học sinh đạt được phần lớn là từ chính sách cộng điểm".
Điểm tốt nghiệp bậc trung học phổ thông bao gồm 50% điểm trung bình của năm học lớp 12.
Đã có nhiều học sinh điểm thi tốt nghiệp chỉ ở mức kém nhưng vẫn đàng hoàng đậu tốt nghiệp vì điểm tổng kết lớp 12 cao.
Nếu nhìn vào điểm thi tốt nghiệp của một học sinh lớp 12: Toán 2.75; Văn 4.5; Ngoại ngữ 2.5 và Hóa 2.5 bất kể ai cũng nghĩ em này có học lực yếu.
Như trước đây, học sinh này chắc chắn đã trượt tốt nghiệp, nhưng nhờ vào điểm trung bình năm lớp 12 của em đạt gần 8 phẩy nên chắc chắn em được xét đỗ tốt nghiệp.
Có điều gì bất ổn ở đây? Nếu đúng ra, tổng kết gần 8 phẩy học sinh này phải đạt học lực khá nhưng tại sao điểm thi tốt nghiệp lại chỉ đạt mức dưới trung bình?
Một số thầy cô ở bậc trung học phổ thông thừa nhận: “do tính điểm trung bình năm lớp 12 vào điểm thi tốt nghiệp nên giáo viên cũng có sự nới tay khi cho điểm tạo cơ hội cho các em nhận tấm bằng, đỡ uổng 12 năm đèn sách".
Đồng thời góp phần nâng tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của nhà trường tăng lên “một công mà đôi việc” một giáo viên bật mí.
Công thức tính điểm xét tuyển tốt nghiệp |
Cũng nhờ điều này, một số trường trung học phổ thông trước đây luôn có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp nay bỗng vươn lên chiếm lĩnh vị trí đứng đầu.
Ngược lại một số trường trước đây có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn nắm giữ ngôi đầu bảng so với các trường trong tỉnh thì nay lại có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp hơn các trường khác.
Đơn cử tại thị xã quê tôi có 2 trường trung học phổ thông tạm gọi là trường X và trường Y.
Trường X trước đây là trường bán công nên toàn những học sinh thi trượt ở trường Y hoặc các em có lực học yếu, trung bình thi vào.
Mỗi kỳ thi tốt nghiệp trước đây, số lượng học sinh thi đỗ cao nhất cũng chỉ đạt 50%.
Nhưng từ khi tính thêm điểm tổng kết lớp 12, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp luôn ở mức 98%.
Ngược lại, học sinh trường Y phần lớn là học sinh khá giỏi.
Một ngôi trường không chạy theo thành tích, luôn đặt chất lượng dạy và học lên hàng đầu, nhà trường luôn muốn để các em phấn đấu không tự mãn với kết quả của chính mình.
Vì vậy, từ cách ra đề, tổ chức kiểm tra đến cách chấm điểm cũng vô cùng chặt chẽ và nghiêm túc, điểm miệng các em đạt được từ thầy cô cũng luôn được đánh giá là rất “chặt tay”.
Có lẽ, do cách đánh giá có phần khắt khe của giáo viên nên từ khi tính điểm tổng kết vào kỳ thi tốt nghiệp tỉ lệ học sinh đỗ lại thua xa trường X.
Đã có không ít người thắc mắc: “Phải chăng chất lượng dạy và học của nhà trường đã đi xuống”?
Người am hiểu hơn lý giải nguyên nhân do nhà trường cho điểm học sinh quá chặt nên ít nhiều làm một số em bị thiệt thòi, bị trượt oan so với học sinh trường bạn.
Nhiều thầy cô giáo nơi đây cũng trăn trở: “Nếu cứ đánh giá học sinh như trước đây, sẽ có nhiều học sinh bị thiệt thòi so với trường khác và danh tiếng của nhà trường cũng bị ảnh hưởng.
Bởi thế, giáo viên được nhà trường nhắc nhở phải nới tay trong việc cho điểm.
Vì sao giáo viên phải cho điểm “thoáng” với học sinh lớp 12? |
Một số học sinh vô tư kể: “Thầy cô trường con không còn khắt khe như trước nữa, kiểm tra miệng ít hỏi thêm câu hỏi phụ và thường cộng thêm điểm cho tinh thần xây dựng bài trong tiết học. Kiểm tra 15 phút thì báo trước, đề kiểm tra cũng dễ thở hơn...”. Nhờ đó, học sinh dễ dàng đạt được điểm cao, điều mà trước đây khó có cơ hội chạm đến.
Điểm cao liệu chất lượng học tập của học sinh có được nâng lên?
Câu trả lời “như đinh đóng cột” điểm số hiện nay ở nhiều trường đang tỉ lệ nghịch với chất lượng học tập của các em.
Bởi, một phần trong những điểm số ấy là sự “ban phát”, chiếu cố của thầy cô, một “đặc ân” để giúp học sinh không trượt tốt nghiệp.
Có không ít trường học, chất lượng đầu vào quá thấp, chất lượng học tập cũng chưa cao nhưng nhờ cách tính điểm như thế học sinh đã có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100%.
Việc tính điểm trung bình cả năm lớp 12 vào điểm công nhận tốt nghiệp của học sinh đang tạo ra kẽ hở cho một số trường “lách luật” dễ dàng hoặc du di cho học sinh.
Từ thực tế đó, cũng như việc tránh cho các trường chạy theo thành tích để học sinh đạt tốt nghiệp cao, Bộ Giáo dục và đào tạo nên xem điểm trung bình lớp 12 của các em như điều kiện cần và đủ để được xét dự thi tốt nghiệp như những năm học trước đây?