Cơ hội cho những giáo viên vô cảm tận thu

18/06/2017 07:00
Thuận Phương
(GDVN) - Năm học vừa kết thúc, nhiều phụ huynh đã đôn đáo, tất bật tìm nơi luyện thi vào lớp 10 cho con

LTS: Một năm học với bao vất vả vừa kết thúc, chưa kịp nghỉ ngơi giải trí các em học sinh lại tiếp tục bước vào một trận đấu mới mang tên học thêm.

Tác giả Thuận Phương đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những quan điểm của mình về tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học vừa kết thúc, nhiều phụ huynh ở địa phương tôi đôn đáo, tất bật tìm nơi luyện thi vào lớp 10 cho con.

Một số người vẫn tin tưởng gửi gắm con ôn tập ngay trên trường nhưng không ít người lại muốn gửi con tới những thầy cô giáo có uy tín với hy vọng con sẽ được học tập tốt hơn.

Một số khác nhất định, phải gửi con học tới những giáo viên đang dạy cấp 3 vì theo họ những giáo viên này ôn tập thường trúng tủ và cơ hội đỗ vào trường sẽ cao hơn.

Hình ảnh một lớp học thêm của các em. (Ảnh minh họa: tuoitre.vn)
Hình ảnh một lớp học thêm của các em. (Ảnh minh họa: tuoitre.vn)

Tìm chỗ luyện thi cho con, nhiều phụ huynh tìm hiểu thông tin từ những học sinh đã học trước đó hoặc một số người tỏ ra am hiểu.

Người giới thiệu thầy này “dạy hay và giảng bài rất hiểu”. Người giới thiệu cô kia “giảng dạy tận tình và ôn tập rất kĩ”.

Có người còn hết lời ca ngợi “thầy A, cô B năm nào ôn đề cũng trúng tủ vì thầy cô này giảng dạy lâu năm và có kinh nghiệm”.

Chưa biết thực hư ra sao nhưng chỉ nghe thế cũng đủ khiến phụ huynh ùn ùn kéo con tới xin học.

Người trước lại quảng cáo cho người sau (dù chưa có kết quả làm chứng) số lượng học sinh đến xin vào học bỗng tăng bất thường.

Có lẽ nắm bắt được nhu cầu cần gửi con của phụ huynh, không ít giáo viên đã tận dụng thời cơ (một năm chỉ có một lần) để nâng mức học phí lên cao ngất ngưỡng.

Một số thầy cô “hét” giá cao còn để chứng tỏ vị thế của mình.

Với thời gian ôn tập gần một tháng, phần lớn phụ huynh không quan tâm nhiều đến chuyện học phí nhiều hay ít. 

Có gia đình tuy khó khăn nhưng vẫn bấm bụng, cố hết sức để cho con được ôn tập với thầy cô đang được tung hô.

Cơ hội cho những giáo viên vô cảm tận thu ảnh 2

Hè chưa về phụ huynh đã nháo nhác tìm lớp học cho con

Nói là ôn thi gần một tháng nhưng một tuần chỉ ôn 2 buổi/môn, mỗi buổi học chỉ khoảng một tiếng rưỡi.

Nếu như các em ôn tập trên trường thì mức học phí chỉ từ 200-250 nghìn/môn. Để ôn tập 3 môn Toán, Văn, Anh phụ huynh chỉ phải trả mức học phí cao nhất là 750 ngàn/tháng. 

Nhưng học phí cho mỗi môn học ở nhà giáo viên lên đến 2 triệu đồng. Nếu chia ra mỗi buổi ôn tập các em phải bỏ ra số tiền 250 ngàn đồng.

Mỗi ca học chỉ lấy ít nhất 10 em học sinh thì tiền thu được trong một tiếng rưỡi là khoảng 2 triệu rưỡi. Để cho con theo học đúng 3 môn, có gia đình phải chi khoảng 6 triệu đồng.

Một phụ huynh buôn bán ở chợ than thở: “muốn con thi đậu thì đành nhắm mắt vay mượn cho con đi ôn thôi, chứ tôi buôn bán cả ngày ngoài chợ kiếm một tháng 3 triệu đồng còn khó”.

Người đàn bà lam lũ ngồi vuốt từng đồng bạc lẻ khẽ thở dài “dạy một ca thu hơn 2 triệu, một ngày dạy mấy ca như thế, thầy cô để tiền đâu cho hết? Dạy như thế con nhà nghèo chẳng thể nào theo học nổi”. 

Trái với hình ảnh một số thầy cô giáo phóng tay đòi học phí cao. Vẫn có nhiều giáo viên quan tâm đến việc “dạy thế nào để các em đạt điểm cao và đỗ theo đúng nguyện vọng” mà không đặt nặng chuyện học phí.

Giáo viên này (không muốn nêu tên vì sợ bị cô lập) đã căn dặn học sinh của mình: “Em nào thi đỗ hãy đến trả tiền cho cô. Những ai thi toán đạt điểm 10 cô sẽ miễn học phí hoàn toàn, còn đạt 9 đến 9,5 cô sẽ miễn 1/2 tiền học phí”. 

Cơ hội cho những giáo viên vô cảm tận thu ảnh 3

Ác mộng... hè về

Những thầy cô giáo như thế chỉ lặng lẽ, âm thầm giảng dạy mà không muốn cho ai biết. Theo tiết lộ của một đồng nghiệp thân tín đây là cách để họ bảo vệ mình.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều phụ huynh vững tâm không chạy theo những lời quảng cáo mà vẫn để con ôn tập ngay trong trường.

Việc ôn tập trên trường của các em cũng có nhiều thuận lợi.

Thầy cô đã dạy các em cả năm học nên nắm chắc lực học của từng em cả những điểm yếu và điểm mạnh.

Nhờ vậy, thầy cô có những biện pháp giúp đỡ kịp thời như: bổ sung kiến thức cơ bản cho những em nắm chưa chắc, cũng như hỗ trợ thêm học sinh khá giỏi nhằm nâng cao kiến thức.

Nhờ đó, nhiều em đã đạt được kết quả rất tốt trong kỳ thi tuyển vào 10, gia đình các em cũng không phải tốn một khoản tiền lớn để tìm thầy cô ôn tập như một số học sinh khác.

Dù thầy cô giáo có dạy giỏi đến đâu cũng không thể biến một học sinh có lực học yếu thành khá giỏi chỉ trong khoảng thời gian ngắn được, một phần là từ chính sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong học tập của các em. 

Bởi vậy, đừng vì những tin đồn hay những lời quảng cáo “trên trời” để chúng ta phải mất một khoản tiền vô ích.

Thuận Phương