Bất cập phí đường bộ
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) cho rằng, phí bảo trì đường bộ cùng với phí đường bộ tại các trạm thu phí, lệ phí đăng kiểm, phí bảo hiểm... trên đầu phương tiện đang khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn.
Càng khó khăn hơn cho doanh nghiệp vận tải khi đường BOT (tuyến đường được đầu tư theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) ra đời và thu phí.
Chỉ tính trong giai đoạn 2011 – 2015 Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT.
Đang có hiện tượng phí chồng phí xảy ra với một số phương tiện đi tuyến cố định trên đường BOT ảnh hưởng doanh nghiệp vận tải và người dân - ảnh trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ/ Hoàng Lực |
Trong đó đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đồng, chưa kể 18 dự án với tổng mức đầu tư 37.212 tỷ đồng được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015.
Về nguyên tắc phí bảo trì đường bộ được thu để đưa về quỹ bảo trì đường bộ, quỹ này sử dụng cho việc nâng cấp, bảo dưỡng tuyến đường mà phương tiện di chuyển gây hư hại.
Theo Nghị định 18/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ thì phí bảo trì đường bộ được thu theo đầu phương tiện.
Thạc sĩ Chiến chỉ rõ, việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện đặt ra hai vấn đề:
Thứ nhất hầu hết tuyến đường hiện nay là đường BOT, phương tiện đi trên đường BOT phải trả phí trong khi vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ là không hợp lý.
Thạc sĩ Chiến phân tích, có thể hiểu phí BOT giúp doanh nghiệp hoàn vốn đầu tư, trong vốn đầu tư có cả chi phí bảo dưỡng, bảo hành đường trong suốt thời gian được thu phí. Nói cách khác phí BOT có cả chi phí bảo dưỡng đường.
Trong khi doanh nghiệp vận tải vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện, đây là hiện tượng phí chồng phí, thu phí hai lần cho cùng một việc bảo trì đường.
Thứ hai, thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện gây bất cập bởi có những phương tiện di chuyển nhiều, có phương tiện di chuyển ít.
Hay trường hợp phương tiện chỉ chỉ hoạt động trong bến bãi, di chuyển từ kho đến bến bãi không đi ra đường làm ảnh hưởng đến chất lượng đường.
Vì thế không thể thu phí bảo trì đường bộ vì phương tiện đi ít thậm chí là không đi ra đường quốc lộ không thể thu phí bảo trì đường bộ theo cách cào bằng trên đầu xe.
Giảm phí để công bằng với người dân doanh nghiệp
Chung nhận định trên, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, hiện tượng phí chồng phí khi đường BOT xuất hiện được các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp vận tải đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Ông Liên phân tích, vấn đề quan trọng hiện nay là làm rõ trong phí BOT có chi phí bảo trì đường bộ không? Có dùng tiền trong quỹ bảo trì đường bộ để tu sửa, nâng cấp đường BOT hay không?
Sẽ có hai trường hợp xảy ra nếu trong phí BOT có chi phí bảo trì đường bộ thì rõ ràng doanh nghiệp vận tải có tuyến cố định mà đi chủ yếu trên đường BOT đang phải nộp phí bảo trì đường bộ hai lần
Ngược lại nếu phí BOT không bao gồm chi phí bảo trì đường bộ thì chi phí cho việc bảo trì, sửa chữa đường lấy ở đâu?
Nếu lấy từ quỹ bảo trì đường bộ thì không đúng bởi đường BOT là đường kinh doanh, do doanh nghiệp đầu tư và thu phí chỉ có thể dùng quỹ bảo trì đường bộ nâng cấp khi đường BOT thu phí xong được bàn giao nhà nước quản lý.
Theo ông Liên cần xem lại mức phí bảo trì đường bộ cho phương tiện di chuyển cố định trên tuyến đường BOT và phương tiện di chuyển trong kho hàng, bến bãi.
Nguyên tắc có sử dụng mới thu và thu gì - chi đó, có nghĩa phương tiện phải đi trên đường gây hư hại đường mới phải thu phí bảo trì, thu phí bảo trì thì phải dùng bảo trì đường.
Cũng nêu quan điểm về vấn đề thu phí bảo trì đường bộ hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cũng cho rằng, trước hết cần làm rõ việc phí bảo trì đường bộ những năm qua sử dụng ra sao? Chi phí sửa chữa trên những tuyến đường nào...?
Mặt khác, cần phải sửa Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ, tìm cách giảm phí cho doanh nghiệp đi tuyến cố định mà chủ yếu đi trên đường BOT đồng thời không tính phí bảo trì đường bộ với phương tiện di chuyển trong kho hàng, bến bãi.
Theo ông Chiến vấn đề thu phí bảo trì đường bộ làm sao phải tạo sự công bằng không tăng gánh nặng phí, thuế lên người dân doanh nghiệp tạo động lực cho phát triển kinh tế.