Bao giờ chấm dứt tình trạng "phí chồng phí"?

25/06/2017 07:10
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần giảm phí bảo trì đường bộ cho xe đi tuyến cố định trên đường BOT để không bị chồng phí.

Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ thì từ ngày 1/6/2012 các loại ôtô sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay đã phải đóng nhiều loại phí và thuế, do vậy thêm khoản phí trên càng khiến doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn. Vì thế việc xem xét giảm phí bảo trì đường bộ cho ô tô được dư luận hết sức quan tâm.

Đang có hiện tượng phí chồng phí xảy ra với một số phương tiện đi tuyến cố định trên đường BOT ảnh hưởng doanh nghiệp vận tải và người dân - ảnh minh họa/ Hoàng Lực
Đang có hiện tượng phí chồng phí xảy ra với một số phương tiện đi tuyến cố định trên đường BOT ảnh hưởng doanh nghiệp vận tải và người dân - ảnh minh họa/ Hoàng Lực

Có hiện tượng phí chồng phí

Theo tính toán của một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội, một năm trung bình doanh nghiệp này phải mất tối thiểu hơn 50 triệu đồng tiền phí các loại. 

Những loại phí có thể kể đến như phí xăng dầu, phí bảo trì đường bộ, phí đường bộ tại các trạm thu phí, lệ phí đăng kiểm, phí bảo hiểm... 

Riêng đối với các loại xe mới, doanh nghiệp còn phải chịu thêm rất nhiều tiền thuế và phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, phí trước bạ...

Đáng nói hơn về nguyên tắc, đã đóng phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện hàng tháng khi lưu thông qua các trạm thu phí sẽ không phải đóng phí nữa. 

Tuy nhiên, các phương tiện lưu thông qua các trạm thu phí theo hình thức BOT vẫn phải đóng phí, như vậy là không hợp lý. Đó có thể gọi là tình trạng phí chồng phí.

Ngoài ra, việc thu phí bảo trì trên đầu phương tiện còn bất công đối với những loại xe không sử dụng đường mà vẫn phải đóng phí.

Trên thực tế, có những xe chỉ hoạt động trong bến bãi, không lưu thông trên đường nên không ảnh hưởng đến chất lượng công trình cầu, đường mà vẫn phải đóng phí.

Trước thực tế này nhiều ý kiến cho rằng cần phải giảm mức phí bảo trì đường bộ, thậm chí không thu phí bảo trì đường bộ với đầu xe hoạt động trong bến, bãi…

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (đứng phát biểu) nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh có tình trạng phí chồng phí khi sử đường BOT - ảnh nguồn Bộ Giao thông vận tải.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (đứng phát biểu) nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh có tình trạng phí chồng phí khi sử đường BOT - ảnh nguồn Bộ Giao thông vận tải.

Liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Quỹ bảo trì đường bộ bổ sung về ngân sách nhà nước một khoản tiền để sửa chữa nâng cấp các tuyến đường.

Vai trò của quỹ này là cần thiết, nhưng thu như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tình trạng "phí chồng phí"?

Bao giờ chấm dứt tình trạng "phí chồng phí"? ảnh 3

Mới kiểm toán 4 trạm BOT đã rút ngắn được 5-11 năm thu phí

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam chỉ rõ, khi doanh nghiệp đầu tư dự án đường BOT và thu phí. Trong mức thu phí đường BOT đã bao gồm cả phí bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường.

Trong thời gian thu phí hoàn vốn chủ đầu tư dự án đường BOT có trách nhiệm bảo trì tuyến đường.

Như vậy nếu phương tiện ô tô di chuyển theo tuyến cố định mà hầu hết đi trên đường BOT thì đang xảy ra tình trạng phí chồng phí khi vừa phải trả phí BOT (trong đó có phí bảo trì đường BOT) vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ theo đầu xe.

Trước bất công này, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng cần phải sửa Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ, tìm cách giảm phí cho doanh nghiệp đi tuyến cố định mà chủ yếu đi trên đường BOT.

Cần nuôi dưỡng nguồn thu

Chỉ rõ bất cập khi các loại thuế, phí bao vây doanh nghiệp người dân, Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: Thuế phí đóng góp lớn vào ngân sách, trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay thì việc tăng mức thuế, phí như tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có giải quyết được tận gốc vấn đề? 

Về mặt nguyên tắc hình thành giá bao gồm giá cơ bản (chưa bao gồm thuế gián thu như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…), giá của người sản xuất (đã bao gồm thuế gián thu) và giá người mua phải trả (giá sử dụng cuối cùng bao gồm phí lưu thông). 

“Hiện nay ở Việt Nam chênh lệch giữa giá cơ bản, giá của người sản xuất và giá sử dụng cuối cùng là khá lớn nhất là đối với các mặt hàng nông sản. Sự chênh lệch này chính là do chi phí cho vận tải quá cao. 

Dẫn đến người nông dân và người tiêu dùng sẽ thiệt. Nhiều chương trình về bình ổn giá, tuy nhiên cách bình ổn giá tốt nhất là giảm thuế, phí và phí lưu thông. Việc tăng thu phí, thuế sẽ làm giảm nguồn lực của nền kinh tế trong những chu kỳ sản xuất tiếp theo”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.

Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia kinh tế - ảnh do nhân vật cung cấp.
Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia kinh tế - ảnh do nhân vật cung cấp.

Dẫn chứng về việc thuế, phí đang chiếm phần lớn trong giá thành sản phẩm Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết, giá xăng Ron 92 hiện nay ở mức 16.504 đồng/lít, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8.000 đồng/ lít như dự thảo khung thuế bảo vệ môi trường mới sẽ đẩy giá xăng lên. 

Trong khi hiện nay thuế bảo vệ môi trường cộng với các khoản thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài ra còn có chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và quỹ Bình ổn giá thì thuế và phí chiếm trên 60% trong một lít xăng. Như vậy nếu giảm thuế phí, bao nhiêu giá xăng sẽ giảm bấy nhiêu.

Trở lại vấn đề áp lực thuế, phí lên ngành vận tải nói chung và phương tiện ô tô nói riêng, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, trong lúc doanh nghiệp khó khăn không nên tính đến vấn đề tăng thuế, phí mà ngược lại phải tìm cách giảm phí cho doanh nghiệp.

Bao giờ chấm dứt tình trạng "phí chồng phí"? ảnh 5

Oằn lưng “cõng” phí BOT

Đồng quan điểm việc giảm mức phí bảo trì đường bộ cho phương tiện đi tuyến cố định trên đường BOT Tiến sĩ Bùi Trinh nhận định:

“Nếu thu bình quân dựa trên đầu phương tiện mà không xem xét yếu tố phương tiện đó hoạt động ở đâu, đi lại trên tuyến đường nào là không công bằng với doanh nghiệp và người dân. Nói thẳng ra là lạm thu”.

Theo Tiến sĩ Bùi Trinh trong nền kinh tế nào thì doanh nghiệp và người tiêu dùng luôn là động lực đưa kinh tế đi lên.

Nói cách khác những đối tượng này là sức sống nền kinh tế, để phát triển bền vững phải giảm phí, giảm thuế chính và cách nuôi dưỡng nguồn thu.

“Cách làm chúng ta hiện nay trước mắt thì sẽ thu được một số khoản để phục vụ phát triển, nhưng về lâu dài thì có thể khiến cho các nguồn thu ấy yếu dần. Vì vậy cần phải nuôi dưỡng nguồn thu, có chính sách quản lý trong ngắn hạn và dài hạn”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.

Dù vậy, vấn đề đặt ra là khi giảm phí thuế sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách? Đưa giải pháp cho vấn đề này, ông Bùi Trinh nêu quan điểm, cần cơ cấu lại bộ máy công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách, tinh giảm bộ máy trong cơ quan công quyền để giảm chi thường xuyên; chi phí mua sắm tài sản công, chi tiêu cho bộ máy nhà nước cũng phải tiếp tục giảm xuống. 

Bên cạnh đó để đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế cần xử lý những dự án thua lỗ yếu kém, cần nhanh đưa ra phương án bán thu hồi vốn đồng thời có cơ chế giám sát, quản lý tránh những khoản đầu tư thu lỗ như vậy trong tương lai. 

Mai Anh