Theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) phổ thông trung học năm 2017 gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp theo công thức:
Công thức tính điểm xét tốt nghiệp |
Từ số liệu đã được Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh công bố chính thức, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2017 ở 63 tỉnh thành toàn quốc đều trên 90%. Các tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tốt nghiệp là: Bình Dương 99,83%; Bình Phước 99,8%; Nam Định 99,53; Phú Thọ 99,1%; Bến Tre 99,06%…
Năm thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ tốt nghiệp là: Hà Nội 99,36%; Hải phòng 99,24%; Đà Nẵng 94,98%; Thành phố Hồ Chí Minh 97,95%; Cần Thơ 96,7%.
Điều đặc biệt là năm nay, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học khá cao, cụ thể một số tỉnh như sau: Cao Bằng 91,39%; Phú Thọ 99,1%; Hòa Bình 96,94%; Thái Nguyên 96,5%; Điện Biên 97,22%; Bắc Kạn 95,67%; Lai Châu 95,94%; Đăk Nông 96,98%; Đắk Lắk 95,13%; Gia Lai 92,84%; Kon Tum 95,72%.
Với số liệu đã công bố, không có tỉnh nào tỷ lệ tốt nghiệp dưới 90%.
Vậy chúng ta sẽ rút ra kết luận thế nào về việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp hiện nay?
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông các năm trước đây như sau: năm 2012 - 97,62%; năm 2013 - 97,52%; năm 2014 - 99%; năm 2015 - 91,58%.
Do chưa có số lượng thống kê cuối cùng của năm 2016 và 2017 nên dựa vào các số liệu bình quân các năm trước và số liệu thống kê của các tỉnh đã nêu trên, tạm ước tính tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông bình quân cả nước năm 2017 vào khoảng 95%.
Thủ tướng ra chỉ thị thi tốt nghiệp, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2017 |
Số liệu công bố trên Cổng luyện thi trung học phổ thông Quốc gia của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 có khoảng 866.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. [1]
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, các tỉnh thành cả nước phải chuẩn bị khoảng 36.000 phòng thi và khoảng 90.000 cán bộ coi thi, giám sát và phục vụ kỳ thi (40.000 giảng viên đại học và 50.000 giáo viên trung học phổ thông), số giảng viên đại học tham gia kỳ thi năm 2017 giảm 18.000 người so với 2016.
Bên cạnh đó còn có sự tham gia của lực lượng thuộc các Bộ Công An, Y tế, Quốc phòng, Giao thông,…Theo ước tính có thể số lượng đề thi phải in năm 2017 có thể lên đến 60 triệu đề. [1]
Vậy bao nhiêu tiền đã được chi cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay?
Báo Tienphong.vn cho biết riêng tỉnh Thanh Hóa đã phải chi gần 16 tỷ cho kỳ thi này [2]. Theo số liệu công bố trên báo Dânsinh.vn - cơ quan của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội thì Thanh Hóa có 33.522 thí sinh dự thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017.
Do hầu hết các địa phương chưa (hoặc không) công bố kinh phí cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2017 nên đành phải làm một phép tính gần đúng.
Với số tiền thực chi 16 tỷ cho 33.522 thí sinh, bình quân, mỗi thí sinh thi tại Thanh Hóa, ngân sách phải chi là 477.298 đồng, toàn quốc có 866.000 thí sinh nên số tiền bỏ ra sẽ khoảng 423,3 tỷ.
Với 9 vạn giám thị, với hơn 400 tỷ bỏ ra cho kỳ thi, đổi lại chỉ lọc ra được khoảng 5% học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp, vậy kỳ thi này có thực sự cần thiết?
Có thể sẽ có người cho rằng thi quốc gia tốt nghiệp phổ thông trung học là rất hữu ích, rất cần thiết vì qua kỳ thi này, thế giới thấy được sự ưu việt của nền giáo dục Việt Nam. Một nền giáo dục luôn cho ra những con số ấn tượng về tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông và đại học. Đây không phải chỉ là quan điểm của một số nhà quản lý giáo dục mà còn được một vài dân biểu hưởng ứng.
Bộ Giáo dục giải đáp những băn khoăn về phương án thi quốc gia 2017 |
Trong một số bài viết trước đây, người viết từng ủng hộ kỳ thi “2 trong 1” với suy nghĩ đơn giản là cơ quan chức năng sẽ tạo ra được một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, không gây tốn kém cho người dân đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đại học, cao đẳng tuyển được những thí sinh chất lượng.
Người viết cảm thấy cần phải thay đổi suy nghĩ sau khi đọc được ý kiến của độc giả Nguyễn Thường trong bài “Có nên vui mừng với kết quả kỳ thi năm nay?” đăng trên báo Giáo dục Việt Nam:
“Những ai nhận định khâu coi thi trong kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 là tốt thì họ đã không nói thật suy nghĩ của mình. Đó chính là nguyên nhân làm mất đi tính chính xác và sự công bằng của một kì thi quan trọng và lớn nhất hiện nay. Biết là không tối ưu mà vẫn cứ cố thực hiện để có được một sự khác biệt và cho rằng đây là "đổi mới tích cực" thì thực sự không còn hy vọng về sự phát triển nhanh của nền giáo dục nước nhà ?!”. [3]
Nghi ngờ của bạn đọc về kết quả cao của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017 kéo theo tỷ lệ tốt nghiệp rất cao của các tỉnh thành cả nước không phải là không có cơ sở.
Nếu thực tế đúng như lo lắng của người dân, có nên duy trì một kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay?
Thay vì phải huy động cả hệ thống chính trị, một nguồn kinh phí không nhỏ để đạt được điều mà dư luận luôn đặt câu hỏi, chúng ta có nên xem đó là công việc bình thường mà các địa phương có thể “tự chủ”?
Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò giám sát đúng với chức năng quản lý nhà nước được pháp luật giao phó. Nói cách khác, kỳ thi (nếu vẫn duy trì) chỉ nên nhằm mục đích cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc chứng chỉ đã học hết chương trình trung học phổ thông (với những người chưa tốt nghiệp).
Việc này là cần thiết bởi với 5% chưa tốt nghiệp nghĩa là khoảng trên 40.000 học sinh. Cần phải tạo điều kiện để họ có một loại giấy chứng nhận nào đó khi những người này xin học các trường nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
Theo quy định tại khoản 2 điều 12 Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT thì: “Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 3 của Quy chế này thì mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình”.
Với quy định này, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng là việc của cơ sở giáo dục đại học. Điều này vừa đáp ứng tiêu chí “tự chủ đại học” vừa có điều kiện đánh giá chính xác việc dạy và học chương trình phổ thông tại các địa phương.
Một độc giả đưa ra một ví dụ khá lý thú, không nơi nào trên thế giới có chuyện một người tham dự duy nhất một kỳ thi với mục đích vừa lấy bằng lái xe máy vừa lấy bằng lái ôtô? Theo độc giả này, đó phải là hai kỳ thi riêng.
Có thể dễ dàng tìm thấy hơn một triệu thông tin liên quan đến ý kiến “bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia”, có ý kiến hơi gay gắt rằng “năm nào tỷ lệ tốt nghiệp cũng chín mấy phần trăm thì thi làm gì, tốn công, tốn của”…
Được biết Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp cùng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục đảm bảo chất lượng) và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp trung học phổ thông khi chương trình giáo dục mới được triển khai.
Bộ GD&ĐT chưa sẵn sàng trao quyền tự chủ tuyển sinh? |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định từ nay đến năm 2020 sẽ giữ ổn định hình thức thi trung học phổ thông Quốc gia và xét tốt nghiệp” như hiện nay.
Cần nhấn mạnh, bỏ hay không bỏ (kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia) phải có căn cứ hợp lý, khoa học chứ không thể dựa vào cảm tính.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia hiện nay mới chỉ nhằm kiểm tra kiến thức chứ không thể kiểm tra năng lực học sinh. Khi hình thức trắc nghiệm được vận dụng tối đa thay cho thi tự luận thì việc kiểm tra khả năng tư duy sẽ bị hạn chế. Tư duy giải một bài toán, viết một bài văn hoàn toàn khác với cách chọn đúng hay sai trong bốn phương án viết sẵn.
Tóm lại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia luôn là một sự kiện đúng tầm “quốc gia” nghĩa là gần triệu học sinh, hàng chục nghìn cán bộ, công chức, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để mang lại một con số hầu như không thay đổi trong nhiều năm. Điều quan trọng là con số ấy không phản ánh đúng chất lượng dạy và học bậc phổ thông hiện nay.
Vậy nên theo người viết, bỏ sớm năm nào tốt năm đấy!
Tất nhiên làm gì cũng phải theo luật, trong khi chưa sửa được Luật Giáo dục mà bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là sai, Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu “sốt ruột” cùng với dư luận thì không thiếu cách lách luật, vẫn có “thi tốt nghiệp quốc gia” nhưng đề thi và tổ chức thi do địa phương, do trường tự lo. Bộ chỉ cần giám sát thật kỹ.
Trộm nghĩ, nếu giả sử giao cho các trường xét tốt nghiệp mà đồng loạt các trường đều có tỷ lệ tốt nghiệp 100% thì cũng chỉ tăng tý chút so với hiện nay, cũng không thể biến động khủng khiếp như kỳ thi năm 2007, thế thì có gì phải “lăn tăn”?
Quan trọng là sau đó bao nhiêu học sinh trong số 100% đó thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, bao nhiêu người từ cái “rọ” 100% ấy thành đạt trên con đường khoa học, văn hóa, nghệ thuật, hay kinh doanh làm giàu?
Sẽ không phải là sớm nếu việc bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tiến hành ngay từ năm 2018 chứ không phải đợi đến năm 2020. Chẳng lẽ mốc 2020 lại có chút hơi hướng “hoàng hôn nhiệm kỳ”?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://thiquocgia.vn/news/view.php?alias=nhung-con-so-khung-ve-ky-thi-thpt-quoc-gia-nam-2017&id=720
[3]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Co-nen-vui-mung-voi-ket-qua-ky-thi-nam-nay-post177948.gd