Khi ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bộ trưởng Giáo dục, kỳ thi “hai không” năm học 2006-2007 cho kết quả khiến cả xã hội sửng sốt, tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất là Tuyên Quang (14,1% hệ trung học phổ thông và 0,22% hệ bổ túc).
Một số tỉnh miền núi cũng có tình trạng tương tự, tính riêng hệ trung học phổ thông thì Cao Bằng là 27,89%, Bắc Kạn 20,26%, Yên Bái 27,11%,…
Năm 2007 có tới 12 địa phương kết quả thi đạt dưới 50%.
Ngay sau đó tỷ lệ đỗ tốt nghiệp được “cải thiện” đáng kể, năm 2008 số địa phương đạt dưới 50% chỉ còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Cao Bằng, những năm sau đó, tỷ lệ đạt tốt nghiệp cả nước dần trở lại “ổn định” ở mức trên 90%.
Phổ điểm khối thi A, B, C, D, A1 năm 2017 khác gì so với năm 2016? |
Về kỳ thi năm 2016, thông tin được Thông tấn xã Việt Nam đăng tải cho thấy:
Năm 2016 cả nước có 17.000 bài thi đạt điểm 9-10, trong đó chỉ có 100 bài thi đạt điểm 10.
Năm 2015, cả nước có 37.000 thí sinh đạt điểm 9-10, trong đó có 400 điểm 10.
Về điểm liệt, có 19.000 bài thi bị điểm liệt, giảm mạnh so với năm 2015. Năm 2015, cả nước có 37.000 điểm liệt. [1]
Căn cứ vào phổ điểm kỳ thi quốc gia năm 2016 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có thể thấy năm 2016 phổ điểm thi của các môn theo đồ thị hình chuông với khoảng cực đại dao động trong khoảng 4-6 điểm (Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Địa lý, Sinh học), riêng ba môn Toán từ 5,5 đến 7, Ngoại ngữ từ 1,73 đến 3 và Lịch sử từ 2,5 đến 5.
Nhìn chung đồ thị biến động từ từ, không dốc, nghĩa là không có các điểm đặc biệt.
Năm 2016, kỳ thi quốc gia do các trường đại học phối hợp với các địa phương thực hiện, sau khi rút kinh nghiệm, kỳ thi năm 2017, các đại học chỉ cử một số lượng rất hạn chế cán bộ tham gia, chủ yếu là do địa phương thực hiện.
Sự thay đổi chủ trương này đã được không ít chuyên gia dự báo sẽ xuất hiện điểm bất thường, thậm chí có ý kiến không tin các địa phương sẽ thực sự nghiêm túc trong việc coi thi.
Quả đúng là năm 2017 kết quả kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông có những điều đặc biệt, có tới 4.250 thí sinh đạt điểm 10 các môn thi (không tính trường hợp làm tròn), tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2015 và gấp hơn 60 lần so với năm 2016.
Thống kê điểm 10 các môn thi năm 2017 (nguồn dữ liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Nhìn vào phổ điểm và số liệu thống kê mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các môn khoa học tự nhiên, tỷ lệ thí sinh dưới trung bình khá cao, Toán - 48%, Vật lý và Hóa học hơn 40%, Sinh học - 59,53%.
Các môn khoa học xã hội: Văn - 29,74%, Lịch sử - 61,9%, Địa lý - 17,5%, Tiếng Anh - 68,4%, Giáo dục công dân - 1,19%.
Trong khi đó điểm 10 các môn như sau: Toán: 278; Vật lý: 73; Hóa học: 1.504; Sinh học: 396 Ngữ văn: 1; Lịch sử: 106; Địa lý: 589; Ngoại ngữ: 1.018; Giáo dục Công dân: 245.
Chỉ cần nhìn vào số điểm 10 môn Hóa gấp khoảng 20 lần môn Lý, gấp khoảng gần 7 lần môn Toán là đủ thấy sự chênh lệch về độ khó của đề thi, nói cách khác cần phải đặt câu hỏi về nội dung đề thi của từng môn học.
Cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10: Đề quá dễ hay học trò quá giỏi? |
Liệu có ai tin, rằng học sinh Việt Nam thi Toán quốc tế kết quả luôn cao hơn các môn khác nhưng thi trong nước thì lại thua xa môn Hóa?
Hai môn điểm dưới trung bình cao nhất - Lịch sử và Ngoại ngữ phản ánh đúng thực chất tình trạng dạy và học các môn này tại các trường phổ thông hiện tại.
Riêng môn Giáo dục công dân, vì lần đầu tiên tổ chức thi nên kết quả cao bất thường chưa cho thấy chất lượng dạy và học môn này.
Nhìn lại 10 năm, từ 2007 đến 2017, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã mang lại ít nhất là hai cú sốc với xã hội, kết quả rất thấp của kỳ thi năm học 2006-2007 và số người giỏi quá cao trong kỳ thi năm học 2016-2017.
Vậy đâu là nguyên nhân?
Một vài ý kiến cho rằng, chất lượng giáo dục kể từ khi có chủ trương “đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo” đã có bước chuyển biến về chất theo cả hai hướng, chủ trương, chính sách và chất lượng giảng dạy cả ba cấp, nhất là cấp trung học phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động trong việc ban hành các chủ trương như thay thế Thông tư 30, giao cho các sở Giáo dục và Đào tạo địa phương quyết định về hình thức học VNEN, bãi bỏ tiêu chí thi đua sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên,…
Nhờ quyết tâm của lãnh đạo và cố gắng của thày cô giáo, học sinh nên kết quả thi tốt nghiệp quốc gia năm 2017 phản ánh đúng thực chất.
Nhiều năm gắn bó với giáo dục, theo dõi hàng ngày những thay đổi của giáo dục, người viết có suy nghĩ hơi khác.
Nói theo ngôn ngữ Toán học, kết quả hai kỳ thi 2007 và 2017 xuất hiện các “điểm kỳ dị”.
Bốn kiến nghị của giáo viên trước thềm năm học 2017 - 2018 |
Nếu các chuyên gia đều thống nhất nhận định kết quả thi 2007 phản ánh đúng thực chất thì những người lạc quan nhất cũng không dám khẳng định con số 4.250 thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi 2017 là đúng thực trạng.
Người viết cho rằng, kết quả hai kỳ thi cách nhau 10 năm cho thấy một thực tế, sự biến động về tỷ lệ điểm khá - giỏi (điểm 10) là hệ quả của những tác động “cơ học”, tức là cách thức ra đề thi, hình thức thi, sự thay đổi môn thi, và có thể ở cả khâu tổ chức và chấm thi.
Từng rất nhiều năm coi thi đại học ở địa phương, người viết không chắc chắn về việc năm nay, khi giao hoàn toàn cho địa phương quản lý, sự nghiêm túc sẽ “đạt chuẩn” mà lãnh đạo ngành mong đợi?.
Với chủ trương “hai không”, kỳ thi 2007 được tổ chức nghiêm túc ở tất cả các khâu khiến kết quả ngay lập tức tụt dốc.
Năm 2017 với hình thức thi chủ yếu là trắc nghiệm, với việc các địa phương được giao quyền tổ chức coi thi, chấm thi kết quả thi lập tức trở nên mỹ mãn.
Nói “mỹ mãn” là về phía cơ quan lãnh đạo chứ không phải với người dân và thí sinh, càng không phải với những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.
Phổ điểm: thí sinh đạt điểm 10 đa số ở đô thị và nơi có truyền thống hiếu học |
Người viết cho rằng kết quả thi năm 2017 không phản ánh chất lượng giáo dục được nâng lên, bởi đơn giản không một ai có thể nâng cao chất lượng dạy và học trung học phổ thông chỉ trong một hai năm.
Nói cách khác, bằng các biện pháp không liên quan đến dạy và học, ai đó hoàn toàn có khả năng “điều tiết” để có được những con số trong mơ, những con số đẹp trong nhiệm kỳ.
Xét về phương diện “kỹ thuật thi cử”, giả sử một câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án lựa chọn trong đó chỉ có một phương án đúng thì xác suất đạt là 25% ngay cả với những người hoàn toàn không biết gì về môn học.
Năm nay tuy có cải tiến đáp án đúng không phân bố đều cho 4 phương án nhưng rõ ràng vẫn không khắc phục được tình trang “ăn may” khi thí sinh nhắm mắt chọn đại một phương án nào đó.
Với kết quả kỳ thi như trong mơ này, chắc chắn các đại học tốp dưới sẽ vui mừng vì không lo việc “tát vét” thí sinh vào trường.
Vấn đề là ngay từ lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên cảnh giác với tình trạng tháo khoán, đặc biệt là với các trường mà đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất đang trong tình trạng “thoi thóp”?
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không kiên quyết, những trường chỉ có một hai chục giáo viên cơ hữu còn lại là thỉnh giảng sẽ không thiếu cách để hợp lý hóa công việc tuyển sinh của mình.
Đôi điều cần thảo luận:
Các thầy cô dự đoán điểm xét tuyển vào các trường đại học năm 2017 |
Người viết không phản đối chủ trương giao cho địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia song chỉ nên coi đó là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Không nên dựa vào đó để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Việc tuyển sinh của các đại học giao toàn quyền cho các trường đảm nhiệm và phải là một kỳ thi nghiêm túc tại trường chứ không xét tuyển qua học bạ hoặc kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Để có căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, cần xem xét tỷ lệ học sinh địa phương đó đỗ vào các đại học, cao đẳng chứ không chỉ là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể chần chừ thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học cả nước, việc giải thể, sáp nhập, chia tách cần phải tiến hành ngay từ năm 2018 để tránh tình trạng các trường “đánh quả” khi lượng thí sinh tốt nghiệp sẽ dư thừa so với chỉ tiêu xét tuyển.
Cảm nhận của người viết là hơn một năm qua, lãnh đạo ngành Giáo dục mới bước được những bước khá ngắn nếu không nói là chập chững. Chủ yếu là dựa vào dư luận để điều chỉnh chứ chưa phải là chủ động đưa ra những chủ trương mang tính tổng thể.
Việc nêu ý tưởng bãi bỏ loại hình viên chức giáo dục chưa đặt trong tình hình chung của cả nước, chưa đề cập đến khối công chức giáo dục nên chưa nhận được đồng thuận của xã hội.
Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Những vấn đề lớn, như khung trình độ, sách giáo khoa, kiểm định chất lượng, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học,… dường như vẫn còn nhiều lúng túng.
Trong khi vấn đề viên chức, công chức là chuyện của cả hệ thống chính trị, cần được Đảng và Nhà nước quyết định thì giáo dục lại muốn đi trước, ngược lại việc sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục đại học là chuyện trong tầm tay thì lại chần chừ?
Thời gian của một nhiệm kỳ trôi đi rất nhanh, nếu lãnh đạo ngành không “sốt ruột” thì ai sẽ “sốt ruột” hộ?
Liệu có nên để đến cuối nhiệm kỳ sẽ “nhường nhiệm kỳ sau” giải quyết?
Và nếu có ai đó vui mừng vì kết quả kỳ thi năm nay thì có nên bình tĩnh nhìn nhận lại?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://bnews.vn/pho-diem-thi-thpt-quoc-gia-2016-ngoai-ngu-chi-dat-trung-binh-3-3-diem/20378.html