Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0

24/07/2017 07:41
Tấn Tài
(GDVN) - Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, phương thức đào tạo truyền thống tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ trở nên lạc hậu.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo quốc tế: "cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam" do Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam tổ chức tại trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) ngày 21/7.

Giáo dục nghề nghiệp sẽ lạc hậu nếu không thay đổi

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục nghề nghiệp cũng như xu thế phát triển trong thời gian đến.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung phân tích những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: TT
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung phân tích những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: TT

Theo Phó Viện trưởng Khoa học Dạy nghề (Tổng Cục Dạy nghề) Phạm Xuân Thu, cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp.

“Cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo cơ hội đối với giáo dục nghề nghiệp như: phát triển nhiều ngành nghề mới, tạo ra nhiều việc làm mới, phương thức đào tạo mới, phương thức tổ chức và cung cấp lao động thay đổi…

Ngoài ra, nó sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin – nâng cao hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp” ông Thu nói.

Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 ảnh 2

Giáo dục đại học phải làm gì trước thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0?

(GDVN) - Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi giáo dục đại học phải thay đổi cả chương trình đào tạo lẫn phương thức đào tạo.

Bên cạnh những cơ hội đó, ông Thu cũng nêu ra những thách thức không nhỏ đối với giáo dục nghề nghiệp.

Đó là thực trạng các trường nghề chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp trước đó (3.0). Hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhận diện chưa thấu đáo về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Các điều kiện đảm bảo bảo, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế.

Vấn đề đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động chưa giải quyết được.

Mô hình quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa phù hợp. Phương thức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa linh hoạt (truyền thống)” ông Thu nêu các thách thức.

Ngoài ra, yêu cầu về năng lực của người lao động ngày càng cao, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng xã hội và hệ thống sẽ được yêu cầu nhiều hơn so với các kỹ năng thể chất và kỹ thuật.

“Trước những tiến bộ mạnh mẽ của công nghệ, nội dung đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động thay đổi ngày càng nhanh trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có thời gian để đáp ứng với những bất định đó” ông Thu phân tích.

Nhiều đại biểu cũng đồng quan điểm rằng: giáo dục nghề nghiệp sẽ lạc hậu, bị bỏ lại phía sau nếu không thay đổi.

Đổi mới phương thức đào tạo truyền thống

Thạc sĩ Trần Viết Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho hay,

trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của nền công nghiệp thông minh và công nghệ IoT (Internet of Things - ứng dụng internet trong mọi lĩnh vực), thì giáo dục nghề nghiệp cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu đào tạo cho phù hợp.

Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 ảnh 3

Cách mạng 4.0 đặt ra yêu cầu bức thiết về hợp tác của các cơ sở giáo dục đại học

(GDVN) - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực tham gia các hoạt động chính sách đảm bảo chất lượng, tham gia xây dựng các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của AUN...

“Công tác quản lý nhà trường đứng trước cơ hội và thách thức lớn đối với việc đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với yêu cầu của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định, đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề là giải pháp đột phá.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là chủ thể độc lập, tự chủ, người đứng đầu nhà trường phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải được đào tạo về quản lý giáo dục nghề nghiệp”.

Ông Phú thông tin thêm, việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, trình độ và chất lượng cao cho các ngành nghề, các thành phần kinh tế, nâng cao tiềm năng trí tuệ là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay.

Chia sẻ về hoạt động quản lý nhà trường trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Phú cho hay, nhà trường tập trung vào các lĩnh vực chính gồm:

quản lý theo hướng số hóa, phát triển sàn giao dịch việc làm – dạy nghề, phát triển mô hình cung cấp thông tin thông qua SMS, quản lý hoạt động của nhà trường thông qua hệ thống camera.

Tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Xuân Thu cũng nêu ra một số giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, chú trọng thúc đẩy đổi mới các hoạt động quản trị nhà trường, đổi mới phương thức đào tạo truyền thống. Đồng thời, phát triển các hình thức đào tạo mở (ảo).

"Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Phát triển mô hình đào tạo cập nhật nâng cao kỹ năng hoặc tái tạo kỹ năng.

Tạo lập cơ chế bảo đảm sự linh hoạt và thích ứng giữa giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng của người lao động. Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao, hợp tác quốc tế" ông Thu nói thêm.

Tấn Tài