Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng nhân lực

15/07/2017 06:40
Tấn Tài
(GDVN) - Phải gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu nguồn nhân lực, kết nối làm sao để đào tạo các ngành phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, gắn với khoa học công nghệ.

Thông tin trên vừa được Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại  buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Đà Nẵng ngày 14/7.

Nhiều trường đại học nhưng chất lượng chưa cao

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao vai trò cũng như những đóng góp của Bộ đối với sự phát triển của địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TT
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TT

“Thời gian qua, ngành giáo dục đã có những mô hình mới, cách làm hay để nâng cao chất lượng dạy học.

Sở cũng tham mưu cho lãnh đạo thành phố đưa ra những quyết sách quan trọng nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Xuân Anh cũng chỉ rõ ngành giáo dục Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, cần đến sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng nhân lực ảnh 2

Doanh nghiệp đặt hàng trường đại học để chuẩn bị đội ngũ cho cuộc cách mạng 4.0

(GDVN) - Ngày 5/6, trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn lực công nghệ cao với một doanh nghiệp.

“Công tác phân luồng sau trung học cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn một số hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ giữa thu hút và đào tạo, giữa đào tạo và sử dụng.

Thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo với sản xuất, kinh doanh”, ông Xuân Anh cho biết.

Đánh giá về giáo dục Đại học ở Đà Nẵng, đại diện Vụ giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đây là địa phương có số lượng trường đại học lớn thứ ba trên toàn quốc, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu nói về quy mô của giáo dục đại học thì Đà Nẵng chiếm 4,2%, nhưng giảng viên thì chỉ có 3,8% so với toàn quốc. Quy mô sau đại học chiếm 3% toàn quốc nhưng giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ 2,9% trên toàn quốc.

Giảng viên có trình độ tiến sĩ/giảng viên ở mức trung bình của toàn quốc là 22,7%, nhưng còn tính tổng các trường đại học Đà Nẵng chỉ đạt 17,4%. Vào thời điểm thống kế năm học 2016 – 2017 là như vậy.

Chỉ có Đại học Đà Nẵng là đạt trên mức trung bình của toàn quốc một chút, còn lại các trường khác trung bình thì thấp. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên của Đà Nẵng là 27/1, trong khi cả nước là 24,3 sinh viên/giảng viên.

Từ đó, Vụ Giáo dục Đại học khuyến nghị: “Như vậy, chúng ta thấy các chỉ số về chất lượng chung của Đà Nẵng chỉ mới ở ngưỡng xấp xỉ đạt mức trung bình chung của cả nước. Còn về phân luồng đại học thì tỷ lệ người dân Đà Nẵng muốn đi học Đại học rất là cao.

So với năm thành phố trực thuộc trung ương thì Đà Nẵng là 89%, đứng thứ hai sau thành phố Hồ Chí Minh.

Số lượng người dân muốn đi học đại học rất cao trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng thì ở mức vừa phải. Mong rằng lãnh đạo thành phố lưu ý để có chỉ đạo, tạo hướng phát triển riêng”.

“Đào tạo nguồn nhân lực như một dịch vụ mang tính cạnh tranh”

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thành phố cần phải gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng nhân lực ảnh 3

Đóng góp về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng trong chương trình phổ thông

(GDVN) - Trên thực tế, sau khi học xong giai đoạn Trung học cơ sở, có rất ít học sinh đi học nghề ngay mà thường là các em tiếp tục học lên bậc Trung học phổ thông.

“Chúng ta kết nối làm sao để đào tạo các ngành, nghề phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, gắn với khoa học công nghệ.

Hiện thành phố có 10 trường đại học nhưng mỗi trường phải có một sứ mệnh riêng, vai trò riêng.

Địa phương cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện chung cho các trường phát triển nhưng cũng cần có những cơ chế riêng, đặc thù cho từng trường”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Bùi văn Ga nhận định, về giáo dục đại học thì Đà Nẵng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.

Hiện nay, các loại hình đại học ở Đà Nẵng rất đa dạng như: công lập, tư thục hay đầu tư 100% vốn nước ngoài. Không phải địa phương nào cũng được như thế - ông Ga nhận xét.

Về chất lượng giáo dục của các trường đại học đã được nâng cao đáng kể, trong đó có 5 trường được kiểm định chất lượng.

“Về chiến lược phát triển của Đà Nẵng, tôi đề nghị đưa đào tạo nhân lực chất lượng cao xem như một thế mạnh cạnh tranh của thành phố để thực hiện bền vững và lâu dài.

Để đạt được điều đó, Đà Nẵng cần có bước xây dựng chiến lược rõ ràng. Vì trong cuộc cách mạng 4.0 sắp tới thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đóng vai trò quyết định.

Trong cuộc cách mạng này, chúng ta chỉ cần cái đầu với một cái máy vi tính thì có thể làm rất nhiều thứ. Xem đào tạo nguồn nhân lực như là một dịch vụ chất lượng cao để phát triển lâu dài.

Để phát triển điều này thì cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, bởi hiện tại các trường Đại học ở Đà Nẵng có diện tích rất nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn về một trường đại học tầm cỡ khu vực, quốc tế”, Thứ trưởng Ga nói thêm.

Tấn Tài