LTS: Năm nay đã 80 tuổi, thầy Văn Như Cương - người sáng lập ra Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) vẫn hàng ngày dành thời gian, tâm sức cống hiến cho giáo dục nước nhà; có nhiều phát biểu thẳng thắn, chỉ ra những bất cập trong hoạt động giáo dục và đào tạo.
Sau khi có những phát biểu thể hiện sự không đồng tình với phương pháp quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với vấn đề tuyển sinh đầu cấp gây khó khăn cho các trường tư thục, thầy Văn Như Cương gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nêu ra một số vấn đề còn tồn tại ngay tại Hà Nội, với mong muốn các nhà quản lý phải thực sự thay đổi tư duy để tạo thuận lợi cho các trường, phụ huynh và học sinh.
Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!
Tôi là một nhà giáo đã lớn tuổi, luôn đặt trọn niềm tin, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà.
Tôi hy vọng những điều tôi viết dưới đây sẽ đến được với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, với mong muốn nền giáo dục nước nhà thực sự đổi mới, mà muốn đổi mới được thì trước tiên phải thay đổi tư duy của các nhà quản lý giáo dục, nhất là ở địa phương.
Thầy Văn Như Cương nói rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp đặt tuyển sinh cùng thời điểm cả trường công lập và tư thục là trái với tinh thần Luật Giáo dục. ảnh: TN. |
Sự ra đời của hệ thống trường phổ thông tư thục (đến nay đã 29 năm) thể hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục rất đúng đắn của Nhà nước ta, nhằm huy động thêm sự đóng góp của xã hội cho việc phát triển nền giáo dục.
Sau gần 30 năm hoạt động hiện nay ở Hà Nội đã có tới 68 trường tư thục, đều có những đóng góp nhất định vào sự phát triển về số lượng và chất lượng của giáo thục Thủ đô.
Nếu như các trường đầu tiên còn gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính, về cơ sở dạy và học thì các trường mới thành lập về sau đã huy động được vốn của các doanh nhân thậm chí của các doanh nghiệp lớn… bởi vậy họ xây dựng được những cơ sở dạy và học khang trang, hiện đại, họ mời được các thầy giáo tận tâm với nghề và có nghiều kinh nghiệm…
Đã xuất hiện nhiều trường tư thục cạnh tranh ngang ngửa với các trường công lập tốp đầu, đã có khá nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con em mình vào học tại các trường tư thục có chất lượng tốt.
Tuy nhiên các trường tư thục còn gặp nhiều khó khăn, mà một trong những khó khăn là các cấp quản lý giáo dục tại Hà Nội cho phép họ thực hiện quyền tự chủ đế mức độ nào?
Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Về quyền tự chủ tài chính thì hầu như không phải bài cãi gì vì mọi việc đều rất rõ ràng: Họ tự bỏ vốn ra mua đất, xây dựng trường sở, mua sắm trang thiết bị... theo khả năng của họ, nhà nước không can thiệp.
Họ có quyền định ra mức phí mà học sinh phải đóng, định ra mức tra lương cán bộ, giáo viên… theo cách của họ… Nhà nưóc không can thiệp mà chỉ thu tiền thuế theo quy định.
Nhưng gần đây các trường tư thục, cả giáo viên và phụ huynh, dư luận đều bức xúc vì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt ra những quy định trái khoáy, ít nhiều đã gây ra khó khăn cho hoạt động của các trường. Xin nêu ra một số sự việc cụ thể như sau:
Vấn đề tuyển sinh đầu cấp học: Mấy năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bắt buộc các trường tư thục phải tuyển sinh đầu cấp cùng đúng một ngày với trường công lập, nếu không sẽ bị “nghiêm trị”.
Các ông (bà) Hiệu trưởng liền phải xem lại luật giáo dục để tìm ra điều khoản này nhưng không hề thấy có chỗ nào bắt buộc phải tuyển sinh cùng thời điểm, và ngay cả Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục cũng không bắt buộc làm vậy.
Trên thực tế việc tuyển sinh cùng một ngày như vậy đã gây ra những khó khăn cho các trường tư thục và cho các bậc phụ huynh muốn cho con vào trường tư thục.
Bình thường thì như sau: Một phụ huynh có con học xong bậc tiểu học muốn vào Trường Trung học Cơ sở ở trường A thì ghi danh vào trường đó, sau một thời gian sẽ nhận được thông báo là con họ có đủ điều kiện vào hay không.
Nếu không đủ điều kiện họ sẽ đành phải cho con học trường công theo tuyến của khu vực, còn nếu đủ điều kiện thì họ yên chí cho con đi nghỉ hè và chờ ngày nhập học. Như vậy, các bậc phụ huynh cũng yên tâm công tác, yên tâm làm việc.
Nhưng vì Sở lại yêu cầu tuyển sinh cùng thời điểm nên người ta phải đặt câu hỏi việc quy định “cùng ngày” như vậy nhằm mục đích gì?
Ngoài việc gây khó khăn cho các trường tư thục, khó cho phụ huynh, học sinh muốn vào trường tư thục thì quy định ấy có mang đến lợi ích gì, cho ai hoặc cho bộ phận nào không?
Có lẽ chỉ tìm thấy câu trả lời là để cho bộ phận khảo thí và kiểm tra chất lượng của Sở làm việc cho gọn nhẹ mà thôi. Có lôi thôi rắc rối thì cấp trường cứ việc mà xoay xở. Tôi thấy hình như các vị đang tư duy theo kiểu quản lí thời bao cấp.
Vấn đề ngày tựu trường (tập trung học sinh sau kỳ nghỉ hè): Chúng ta có ngày 5 tháng 9 hàng năm là ngày khai giảng thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên các trường thường phải tập trung học sinh sớm hơn, chí ít thì cũng là để chuẩn bị, tập dượt cho ngày khai giảng.
Nói chung các trường đều cho rằng nghỉ hè 3 tháng là quá nhiều và do đó họ rất hoan nghênh kế hoạch biên chế năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức tựu trường không sớm hơn ngày 1/8.
Kết hợp kế hoạch đó với điều luật giáo dục cho phép các trường ngoài công lập được tựu trường sớm hơn 4 tuần so với trường công lập, năm ngoái nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã tập trung học sinh từ đầu tháng 7 và nghĩ rằng làm như thế không có gì sai với luật giáo dục và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhưng không! Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lập tức cho đi thanh tra và ra lệnh các trường các phải đóng cửa cho đến ngày 1/8.
Các trường tư thục phần lớn đều phải nhận học sinh trung bình, chất lượng không bằng trường công lập nên họ có kế hoạch “giảm tải” bằng cách thêm thời gian cho các môn học so với quy định chung, để chất lượng đảm bảo ổn định.
Cố nhiên các trường không thế bớt tiết của môn này bù sang môn khác, cho nên chỉ có thể lấy thêm thời gian dôi ra từ tháng 7 đến tháng 9 để bổ sung thêm kiến thức cho học sinh.
Thế nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo lại bắt buộc từ 1/8 các trường chỉ được ôn tập chứ không được dạy theo chương trình mới… Thế là các trường tư thục lại bị tước mất quyền tự chủ trong việc phân bổ và kế hoạch học tập của trường mình cho phù hợp.
Đã có nhiều ý kiến phản đối việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp đặt thời gian tuyển sinh, không hỏi ý kiến của các trường tư thục. ảnh: ngs. |
Vấn đề cấm thi vào lớp 6: Chúng ta đang phổ cập giáo dục đến cấp Phổ thông trung học, có nghĩa là bất cứ học sinh nào đã học xong tiểu học đều có nghĩa vụ và quyền lợi để theo học lên lớp 6.
Ở các thành phố lớn, do sự phân phối mạng lưới trường học không hợp lí, không phù hợp với mật độ dân cư từng khu phố, do đường sá giao thông rất ách tắc và nhiều tai nạn… nên học sinh tiểu học được chuyển lên Trung học cơ sở theo tuyến quy định.
Tuy nhiên khoảng cách về chất lượng giữa các trường là quá lớn cho nên nhiều học sinh có nguyện vọng vượt tuyến để vào học trường tốt hơn.
Vì các trường tư thục được tuyển sinh trong toàn thành phố, do đó có một vài trường tư thục chất lượng tốt ở Hà Nội có số học sinh đăng ký khá cao, vượt cả chỉ tiêu được tuyển.
Trước tình hình như vậy, các trường tư thục ấy phải tổ chức một cuộc thi vào trường và lấy các em học sinh có điểm cao trở xuống.
Đó là chuyện tưởng như bình thường, nhưng cách đây 4 năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đột nhiên ra lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6, chỉ được xét tuyển theo học bạ tiểu học mà thôi.
Tôi không hiểu tại sao Hà Nội lại yêu cầu các trường tuyển sinh cùng thời điểm? |
Quyết định đấy có tác dụng ngay năm học sau: Học bạ các em học sinh tiểu học tốt hơn hẳn lên và càng ngày càng tốt hơn, đến mức như trường Lương Thế Vinh năm nay số học đạt điểm cao tuyệt đối (tất cả điểm Văn và Toán từ lớp 1 đến lớp 5 đều được điểm 10) đã vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Ai cũng thấy không phải chất lượng giáo dục đã được nâng cao mà là chất lượng làm ảo học bạ đã có nhiều tiến bộ. Như vậy là quyền tự chủ trong việc tuyển chọn học sinh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tôi không muốn tiếp tục nêu thêm các sự kiện khác nữa mà chỉ xin đề đạt với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp có thẩm quyền một số ý kiến và nguyện vọng như sau:
Thứ nhất, mọi quyết định có liên quan đến giáo dục đều có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hầu như toàn bộ người dân trong vùng mình quản lí (bao gồm học sinh, bố, mẹ, ông, bà, anh chị em của học sinh đó).
Bởi vậy trước khi đặt bút ký một quyết định nào đó cần cân nhắc kĩ lưỡng. Tiêu chí cao nhất là “Có lợi ích cho việc giáo dục học sinh”.
Thí dụ điển hình nhất là việc Sở Giáo dục Hà Nội ban hành quyết định ép các trường công lập, tư thục cùng phải tuyển sinh vào một thời điểm là vô lý, trái luật giáo dục.
Tôi mong Bộ trưởng sớm cho thanh tra, kiểm tra vấn đề này, đúng với tinh thần của Luật giáo dục, đúng với tinh thần kiến tạo của Chính phủ.
Thứ hai, các quyết định quan trọng nên được thăm dò ý kiến của giáo viên (hoặc một bộ phận giáo viên nào đó) bởi vì họ là những người sâu sát với sơ sở giáo dục nhất.
Vừa qua đại diện cho các trường phổ thông tư thục ở Hà Nội có gửi lên Vụ Phổ thông Bộ Giáo dục và Đào tạo một số ý kiến và đề nghị nhưng không được hồi âm. Vì vậy, rất mong Bộ trưởng quan tâm.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có kế hoạch rà soát lại các quyết định đã ban hành, tránh chồng chéo mâu thuẫn lẫn nhau. Đồng thời cũng có những hướng dẫn cụ thể hơn đối với vấn đề tuyển sinh đầu cấp, giải quyết dứt điểm tình trạng tự ý ban hành quy định tại địa phương.
Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công bố cụ thể về “quyền tự chủ” của các trường phổ thông tư thục. Cái gì họ được làm, cái gì không được làm? Và cần có những thanh tra xem các Sở có làm khó dễ cho các trường tư thục hay không?