Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

27/04/2017 06:15
Phan Tuyết
(GDVN) - Thay mặt cho nhiều đồng nghiệp có tâm huyết với nghề, tôi xin gửi tới Bộ trưởng những lời thỉnh cầu như sau...

LTS: Với mong muốn đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, trước khi chương trình giáo dục tổng thể mới được áp dụng, cô giáo Phan Tuyết mong muốn thông qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam để gửi một bức thư thỉnh cầu đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Tòa soạn xin được trích nguyên văn bức thư và trân trọng gửi đến quý độc giả.

Kính thưa Bộ trưởng!

Theo như đề án chỉ còn khoảng một năm nữa là ngành giáo dục của chúng ta áp dụng Dự thảo chương trình tổng thể mới vừa được công bố với quyết tâm rất lớn là sẽ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. 

Là giáo viên, chúng tôi cũng hiểu việc thực hiện đổi mới trong giáo dục hiện nay là vô cùng cần thiết nhưng nếu không có sự chuẩn bị kĩ về nhiều mặt mà nôn nóng, vội vàng sẽ không thu được kết quả như mong muốn.

Kính thưa Bộ trưởng!

Để đáp ứng yêu cầu mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần thiết phải xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa với những đổi mới căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, thi cử theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. 

Nhưng lúc này, việc cần kíp, cấp bách hơn chúng ta cần phải dọn sạch những chướng ngại vật chắc chắn sẽ là vật cản đường để công cuộc đổi mới giáo dục không đạt được kì vọng như mong muốn. 

Cô giáo Phan Tuyết gửi Thư thỉnh cầu đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh minh họa trên Tuyengiao.vn)
Cô giáo Phan Tuyết gửi Thư thỉnh cầu đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh minh họa trên Tuyengiao.vn)

Thay mặt cho nhiều đồng nghiệp có tâm huyết với nghề, chúng tôi xin gửi tới Bộ trưởng những lời thỉnh cầu như sau:

1. Xin Bộ trưởng hãy dẹp bỏ hết chỉ tiêu thi đua hiện nay như chỉ tiêu lên lớp thẳng, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, hiệu quả sau 5 năm đào tạo, chỉ tiêu học sinh khá giỏi…

Vì những chỉ tiêu này, các cơ sở giáo dục đã không cho phép học sinh yếu ở lại lớp dẫn đến tình trạng ngồi học lớp 5 nhưng trình độ chỉ của lớp 1, 2. 

Điều này đã gây nhiều khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy, làm giảm hiệu quả việc sử dụng phương pháp dạy học mới.

2. Hạn chế các hội thi, cuộc thi, giao lưu (một hình thức núp bóng hội thi) của cả thầy và trò. Một năm học có 35-37 tuần nhưng giáo viên và học sinh chúng tôi cứ thay nhau ôn luyện trải qua hết hội thi này đến hội thi khác ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học. 

3. Khuyến khích sự sáng tạo, cách vận dụng linh hoạt của giáo viên trong giảng dạy của giáo viên, lấy chất lượng học sinh làm đầu mà không nên ép buộc phải dạy theo mô hình này hay phương pháp kia mà bên trên áp xuống chẳng hạn như mô hình VNEN học sinh buộc phải ngồi học theo nhóm suốt cả buổi học đến lác mắt, vẹo cổ. 

Hay buộc phải dạy theo phương pháp bàn tay nặn bột trong khi học sinh lại thụ động và đồ dùng dạy học lại quá thiếu. 

4. Giảm lượng kiến thức trong một tiết học cho các em để học sinh có thể tiếp thu bài tại lớp, tránh tình trạng phải đi học thêm suốt cả ngày lẫn đêm mới hiểu bài được.

5. Học sinh học yếu có quyền ở lại lớp không mang chỉ tiêu ra để đánh giá giáo viên hay xếp loại thi đua của trường.

6. Giảm sĩ số học sinh trong một lớp xuống khoảng 20-25 em/lớp. Với sĩ số học sinh như hiện nay, việc áp dụng dạy học theo phương pháp mới rất khó khăn khi giáo viên không thể kiểm soát nỗi từng nhóm, từng em để hướng dẫn học tập. 

Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 2

Thầy Nguyễn Cao gửi "sớ 4 điều" tới lãnh đạo ngành giáo dục

Đồng thời nhiều trường học hiện nay vẫn còn thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị dạy học nên khó có thể đáp ứng tốt theo Dự thảo chương trình đề ra. 

7. Bỏ cơ chế thủ trưởng, thực hiện triệt để dân chủ trường học. Hãy bỏ việc quy hoạch, đề bạt cấp quản lý như hiện nay.

Bởi người được đề bạt luôn có tư tưởng “chịu ơn” cấp trên nên rất khó làm việc theo ý mình. 

Hãy tổ chức thi tuyển để tuyển chọn đội ngủ cán bộ quản lý có tâm và có tầm. Họ sẽ là những người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm mà không sợ phải phụ thuộc ai. 

8. Lập kênh thông tin trực tuyến để kịp thời nhận những phản hồi góp ý của giáo viên.

9. Cuối cùng là đảm bảo đời sống cho giáo viên. Chỉ khi nào giáo viên không phải canh cánh trong lòng nỗi lo cơm áo gạo tiền mới có điều kiện đầu tư cho từng bài giảng.

Khi mọi tiêu cực trong giáo dục được gỡ bỏ việc đổi mới chắc chắn sẽ thành công.

Chân thành cảm ơn Bộ trưởng!

Phan Tuyết