Tại sao tướng Mỹ tuyên bố sẵn sàng tấn công Trung Quốc nếu Donald Trump ra lệnh?

28/07/2017 11:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh im lặng trước phát biểu của tướng Scott Swift cho thấy, Trung Quốc hiểu những gì đang diễn ra trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Mỹ.

ABC News ngày 27/7 đưa tin, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tuyên bố:

Ông sẵn sàng khởi động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc ngay tuần tới, nếu Tổng thống Donald Trump ra lệnh.

Đó là câu trả lời của tướng Scott Swift với một câu hỏi "giả thiết" tại hội thảo an ninh ở Đại học Quốc gia Úc.

Hội thảo này diễn ra sau cuộc tập trận chung Mỹ - Australia ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc nước Úc. Cuộc tập trận đã bị một tàu tình báo Trung Quốc theo dõi.

Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters.

Khi một học giả đặt câu hỏi, liệu ông có chấp hành mệnh lệnh tấn công hạt nhân vào Trung Quốc tuần tới nếu Tổng thống Donald Trump yêu cầu hay không, Đô đốc Scott Swift nói:

"Câu trả lời sẽ là: Có!".

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương giải thích:

"Mỗi thành viên của quân đội Mỹ khi nhận nhiệm vụ đều tuyên thệ sẽ bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ, chống lại tất cả các kẻ thù trong và ngoài nước, phục tùng mệnh lệnh chỉ huy.

Và Tổng thống Hoa Kỳ chính là Tổng tư lệnh của tất cả chúng tôi.

Đây là điểm cốt lõi của nền dân chủ Mỹ.

Bất cứ khi nào quân đội xa rời sự kiểm soát (của các nhà lãnh đạo dân dự) và đánh mất lòng trung thành, thì đó thực sự là vấn đề lớn.".

Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Charlie Brown sau đó giải thích, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương không trả lời theo giả thiết tiền đề của câu hỏi, mà trả lời theo nguyên tắc quyền dân sự chỉ huy quân đội. 

Giả thiết đặt ra của câu hỏi này là vô lý. [1]

Cá nhân người viết cho rằng, giải thích của người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương là phù hợp với thực tế.

Tại sao tướng Mỹ tuyên bố sẵn sàng tấn công Trung Quốc nếu Donald Trump ra lệnh? ảnh 2

Đại sứ Trung Quốc: Quan hệ Trung-Mỹ có nguy cơ "hỏng mất"

Tuy nhiên, không phải Đô đốc Scott Swift không biết tính chất nhạy cảm của những câu trả lời như vậy.

Tướng Scott Switt càng không thiếu cách để né tránh nó, như ông đã từng trả lời khôn khéo các câu hỏi mang tính "giả thiết".

Vậy tại sao vị chỉ huy cấp cao của Mỹ tại Thái Bình Dương vẫn trả lời câu hỏi "nhạy cảm" này?

Theo chúng tôi, điều này có liên hệ mật thiết với các phát ngôn gần đây của giới quan chức cấp cao Hoa Kỳ.

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo hôm 26/7 trả lời phỏng vấn tờ Washington Free Beacon đã nói:

Về lâu dài, thách thức an ninh lớn nhất đối với Mỹ đến từ Trung Quốc chứ không phải từ Liên bang Nga. [2]

Những phát ngôn này được đưa ra trong bối cảnh Thượng viện Mỹ vừa thông qua lệnh trừng phạt mới với Nga, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump.

Reuters hôm 27/7 đưa tin, các thượng nghị sĩ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã "nhất trí cao" thông qua dự luật này, với 98 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống.

Ngay cả trong trường hợp ông chủ Nhà Trắng phủ quyết, dự luật này có khả năng vẫn có đủ sự ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ để bác lại phủ quyết của ông Donald Trump, trở thành luật chính thức.

Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu trước khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu dự luật này, ông nhấn mạnh:

"Hoa Kỳ cần có thông điệp mạnh mẽ gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như bất cứ quốc gia nào gây hấn, rằng chúng ta sẽ không khoan nhượng với bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào nền dân chủ Hoa Kỳ.".

Dự luật được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang điều tra các cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. [3]

Do đó, rất có thể những phát biểu nhằm vào Trung Quốc lúc này của một số quan chức, tướng lĩnh cấp cao Hoa Kỳ nhằm giảm bớt áp lực từ Thượng viện Mỹ lên Nhà Trắng về quan hệ Mỹ - Nga.

Điều này ở chừng mực nào đó cũng cho thấy sự ủng hộ từ các tướng lĩnh, quan chức quốc phòng cao cấp đối với Tổng thống Donald Trump trong các vấn đề đối ngoại.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 27/7 cũng có bài xã luận về phát biểu trên của Giám đốc CIA, mà không đả động gì đến những điều Đô đốc Scott Swift nói tại Australia.

Tờ báo này cho rằng:

"Washington coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng lớn nhất, điều này chưa chắc đã là ác mộng đối với quan hệ Trung - Mỹ.

Nó có thể khiến hai nước không dễ xóa bỏ những nghi kỵ chiến lược về nhau, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để hai nước lớn quản lý tốt những khác biệt...

Tại sao tướng Mỹ tuyên bố sẵn sàng tấn công Trung Quốc nếu Donald Trump ra lệnh? ảnh 3

Donald Trump: đừng quên lịch sử, Trung Quốc nhiều lần chiến tranh với Triều Tiên

Đối diện với những lo ngại này của Mỹ, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng tốc phát triển sức mạnh.

Chúng ta không thể ngây thơ cho rằng, chỉ cần trang bị vũ khí hạt nhân ít một chút, đóng mới tàu ngầm hạt nhân ít một chút là sẽ tốt cho quan hệ Trung - Mỹ...

Lo ngại của Mỹ sẽ đi kèm với sự tôn trọng và dè chừng chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, vì 'ngả bài' với Bắc Kinh thì cái giá phải trả sẽ rất cao.

Chính điều này sẽ thôi thúc Mỹ kiềm chế và cẩn trọng. Luật chơi giữa 2 siêu cường đã khác rất nhiều với thời kì chênh lệch sức mạnh trước đây.

Thời Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ do Liên Xô chống lưng. Thập niên 1970, 1980 Trung Quốc lại trở thành đối tác được Mỹ lôi kéo để chống lại Liên Xô (?!).

Đến hiện tại, khi sức mạnh và thực lực Trung Quốc đã vượt qua tất cả các quốc gia còn lại trên thế giới, ngoài Mỹ, và hình thành xu thế "tiệm cận toàn diện" với Hoa Kỳ, thì chiến lược phòng thủ toàn cầu của Mỹ dần nghiêng về Trung Quốc...

Mỹ thừa biết, họ không thể xoay chuyển được cục diện phát triển của Trung Quốc, nên Hoa Kỳ phải tìm kiếm các phương thức sống chung với Trung Quốc với cái giá phải trả ít nhất...

Như vậy, quan hệ Trung - Mỹ sẽ tiếp tục định hình diện mạo toàn bộ quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21.". [4]

Trong cuộc họp báo thường xuyên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/7, người phát ngôn Lục Khảng cũng chỉ nhắc đến phát biểu của Giám đốc CIA Mike Pompeo mà không đả động gì đến câu trả lời của Đô đốc Scott Swift. [5]

Mặc dù trên thực tế, rõ ràng những gì Đô đốc Scott Swift nói có thể dẫn đến những phản ứng gay gắt về ngoại giao, châm ngòi cho làn sóng bài Mỹ, hoặc ít nhất là trên truyền thông, mà đặc biệt là Thời báo Hoàn Cầu.

Bắc Kinh im lặng trước phát biểu của tướng Scott Swift cho thấy, Trung Quốc hiểu những gì đang diễn ra trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Mỹ. 

Chính phủ Tổng thống Donald Trump muốn dùng Trung Quốc làm "mồi nhử" dư luận nội bộ, đặc biệt là Thượng viện Mỹ bớt chú ý vào Nga.

Có lẽ do nhận định như vậy, nên lúc này Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận "ngậm bồ hòn" trước phát biểu gây sốc của vị tướng Mỹ, lại là lựa chọn tối ưu hơn cả.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://abcnews.go.com/International/wireStory/us-admiral-stands-ready-obey-trump-nuclear-strike-48876458

[2] http://www.bbc.com/zhongwen/simp/world-40735176

[3] http://www.reuters.com/article/us-usa-trump-russia-sanctions-idUSKBN1AC1U8

[4] http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-07/11044334.html

[5] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/

Hồng Thủy