Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”.
Tham dự hội nghị có tới 500 đại biểu đến từ các trường đại học trên cả nước, đại diện Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai trụ cột của các trường đại học.
Thực trạng hiện nay, các trường đại học của Việt Nam đang tập trung cho đào tạo, chỉ có vài trường đại học triển khai tốt hoạt động nghiên cứu khoa học, còn lại phần lớn hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường còn “mờ nhạt”.
Lý do các trường đại học tại Việt Nam đang tập trung đào tạo vì “đào tạo tạo ra nguồn kinh phí để giải quyết các vấn đề trước mắt”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trên thế giới, không có một đại học nào thành công về khoa học công nghệ nếu chỉ nhìn vào tiền đầu tư của nhà nước. (Ảnh: Đăng Lương) |
Nhưng rõ ràng, “nghiên cứu khoa học mới là hướng đi để các trường đại học tập trung phát triển, từ đó xây dựng được danh tiếng, khẳng định được chất lượng của trường.
Chỉ có đầu tư cho nghiên cứu khoa học, các trường đại học mới có thể nâng tầm nhà trường, đào tạo ra sinh viên giỏi, thu hút được giáo sư tốt, nhà khoa học giỏi và phát triển trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng hội nghị này sẽ giống như “hội nghị Bình Than” để các nhà khoa học hiến kế tháo gỡ những nút thắt của cơ chế chính sách, của nội bộ nhà trường, để hai Bộ cùng nhau rà soát, giải quyết và báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
Mục tiêu cuối cùng là tạo cơ chế để phát triển khoa học công nghệ trong cơ sở đại học nói riêng và khoa học công nghệ nói chung, để nghiên cứu khoa học tiếp cận thị trường, tiếp cận giáo dục quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Nghĩ “thi gì học nấy” là trở lực lớn khi đưa giáo dục STEM vào nhà trường |
Ngoài ra, Bộ trưởng Nhạ cũng cho rằng, mặc dù ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ hiện nay còn thấp trong khi thị trường thì rất mạnh, tuy nhiên, bản thân các trường, các nhà khoa học cần phải có trách nhiệm tìm ra xem nên nghiên cứu cái gì để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường.
“Có những vấn đề thuộc về chính bản thân nhà trường chứ không phải là vấn đề môi trường. Chỉ 20% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ, vậy thì làm khoa học thế nào khi mà đội ngũ như vậy?
Đầu tư cho khoa học công nghệ đại học quá thấp, muốn được cá to thì phải có cần câu tốt. Các trường không thể ra “đại dương” nếu chỉ nhìn vào ngân sách nhà nước.
Trên thế giới, không có một đại học nào thành công về khoa học công nghệ nếu chỉ nhìn vào tiền đầu tư của nhà nước. Tư duy không có tiền nghiên cứu chỉ đúng cách đây 20-30 năm. Hãy đặt câu hỏi trách nhiệm của nhà trường, của các thầy cô ở đâu? Đó là điều phải làm rõ”, Bộ trưởng Bộ nhấn mạnh.
Từ đó, ông Nhạ nêu thực tế: “Điểm yếu hiện nay không hẳn là cơ chế chính sách, mà là ở tư duy quản trị của các trường đại học. Bản thân các trường phải kết nối với thị trường, tạo cầu cho họ. Nếu cả hai bên cứ đặt vấn đề "sản phẩm tốt sẽ dùng", "có tiền sẽ nghiên cứu" thì ít khi đến được với nhau”.
“Trường đại học không nên sợ chuyển sang nghiên cứu mà là song song, cần một quá trình, vừa đào tạo vừa nghiên cứu. Vấn đề hiện nay là thay đổi tư duy của các trường, của lãnh đạo các trường. Trường đại học không thể suốt ngày chỉ lo tuyển sinh, quy chế đào tạo, mà phải là nghiên cứu khoa học”, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Nhạ cũng chỉ rõ, chuyển giao khoa học công nghệ phải dựa trên nền tảng khoa học cơ bản. Hiện thời gian, sức lực của các trường đại học đang dành cho đào tạo, nên dù biết vai trò của khoa học công nghệ nhưng các trường vẫn chưa quan tâm.
Trường đại học thời 4.0 dưới góc nhìn của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội |
Nhưng rõ ràng, nếu các trường không quan tâm nghiên cứu khoa học thì không thể tự chủ, không thể phát triển bền vững.
Và nếu không đầu tư cho khoa học công nghệ thì đến một thời điểm nào đó, trường sẽ đi xuống.
Không có một trường đại học nào phát triển bền vững nếu không quan tâm nghiên cứu khoa học.
Trong khi đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong các trường đại học, góp phần tích cực hơn nữa vào sự phát triển của nhà nước, các giải pháp cần được tập trung giải quyết gồm 3 nhóm: cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng và hợp tác.
Và theo “Báo cáo kết quả khảo sát về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2011-2016 và kiến nghị”, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu một số giải pháp để tháo gỡ các nút thắt từ cơ chế của chính sách cũng như từ chính hoạt động hiện tại của các trường.
Đối với Chính phủ, các nhà nghiên cứu cho rằng cần thực hiện các giải pháp hạ tầng, liên quan đế quy hoạch đầu tư liên ngành, thành lập các công viên khoa học để kết nối các trường đại học với các khu công nghệ cao.
Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần đầu tư phát triển một số đại học 4.0, là những đơn vị giáo dục mang tư tưởng dẫn dắt để tổ chức nghiên cứu và đào tạo một số ngành nghề mới, lĩnh vực mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ cần thay đổi phương thức tổ chức các nhiệm vụ khoa học công nghệ, thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách khoa học công nghệ theo mô hình quỹ và mô hình đối tác công ty, qua đó thay đổi chính sách hoạt động khoa học công nghệ trong các trường đại học...
Còn Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng cường hỗ trợ các trường đại học, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, tổ chức các hoạt động nghiên cứu cho nghiên cứu sinh và sau tiến sỹ để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đối với các ngành khoa học cơ bản...
Các trường đại học cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ gắn với kết với doanh nghiệp để tự chủ đại học dựa vào khoa học công nghệ.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2017-2025.