Nghĩ “thi gì học nấy” là trở lực lớn khi đưa giáo dục STEM vào nhà trường

29/07/2017 07:09
Thùy Linh
(GDVN) - Chủ biên môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, nếp nghĩ “thi gì học nấy” là một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường.

Đề cập đến định hướng giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngày 25/7, tại Hội thảo Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó giáo sư Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chủ biên Chương trình môn Công nghệ chia sẻ:

Ở cấp độ chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục STEM vừa mang nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo dục STEM đã được chú trọng thông qua các biểu hiện: Chương trình giáo dục phổ thông mới có đầy đủ các môn học STEM

Đó là các môn Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Vị trí, vai trò của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được nâng cao rõ rệt. 

Nếp nghĩ “thi gì học nấy” là trở lực lớn khi đưa giáo dục STEM vào nhà trường (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)
Nếp nghĩ “thi gì học nấy” là trở lực lớn khi đưa giáo dục STEM vào nhà trường (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của giáo dục phổ thông trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Có các chủ đề STEM trong chương trình môn học tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Khoa học tự nhiên (ở trung học cơ sở);

Định hướng đổi mới phương pháp giáo dục nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phù hợp với giáo dục STEM ở cấp độ dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn…

Đặt vấn đề cần lưu ý gì khi triển khai mô hình giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới? 

Nghĩ “thi gì học nấy” là trở lực lớn khi đưa giáo dục STEM vào nhà trường ảnh 2

Môn Công nghệ đứng ở đâu trong giáo dục STEM ở chương trình mới?

Trong bài tham luận "Chúng ta học được gì từ giáo dục STEM", Giáo sư Đỗ Đức Thái - Thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chủ biên chương trình môn Toán cho rằng:

Kiểm tra đánh giá và thi cử cần tương thích với những tư tưởng cơ bản của giáo dục STEM.

Thế nhưng nếp nghĩ “thi gì học nấy” là một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường phổ thông.

Hơn nữa, trong hoàn cảnh thực tế về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý của giáo viên, cơ sở vật chất của các nhà trường, điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương hiện nay... việc khai thác, áp dụng những điểm mạnh của giáo dục STEM không đơn giản.

"Chúng ta đã chuẩn bị các văn bản cần thiết chỉ đạo triển khai giáo dục STEM? Cán bộ quản lí các nhà trường phổ thông có thực sự quan tâm đến giáo dục STEM hay không? Bởi nếu không thì có thể viện dẫn rất nhiều lí do để không áp dụng" - ông Thái nêu vấn đề.

Ông Thái chỉ rõ, vấn đề tích hợp và phát triển năng lực giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn là những vấn đề khó đối với giáo viên hiện nay. 

Bởi lẽ, có thể nói giáo dục STEM mới chỉ thực hiện được tại một số nhà trường phổ thông dưới hình thức thu hút một số học sinh tham gia dự thi đề tài (hay một sản phẩm nào đó), điển hình là kì thi Intel ISEF được tổ chức hàng năm.

Nghĩ “thi gì học nấy” là trở lực lớn khi đưa giáo dục STEM vào nhà trường ảnh 3

STEM, STEAM và cách học của trẻ mầm non

Giáo dục STEM không phải là lập trình và chế tạo robot. Và chương trình giáo dục phổ thông không thể tích hợp triệt để thành khoa học dữ liệu. 

Giáo dục con trẻ muôn đời vẫn phải xoay quanh hai trục vĩnh cửu: Phát triển nhân cách và giá trị nhân văn cao đẹp của con người với hai nhân vật trung tâm là thầy và trò” – Giáo sư Đỗ Đức Thái chỉ rõ. 

Còn trong bài tham luận trình bày kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, bà Nguyễn Thu Anh - Hiệu trưởng nhà trường cũng nhận thấy hình thức thi như hiện nay là một "khó khăn" đối với việc triển khai giáo dục STEM.

Cụ thể, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thi được tổ chức bằng các bài thi trắc nghiệm, trong khi STEM là sản phẩm. Từ lớp 11 là phải "nói không" với STEM để ôn luyện thi trắc nghiệm "cho thật siêu" để sắp tới thi đỗ vào một trường đại học. 

"Vì vậy, thay đổi chương trình thì dứt khoát phải thay đổi đánh giá. Giáo sư Thái nói rất đúng, học sinh hiện nay học để thi thôi, mục tiêu là làm sao đỗ được đại học. Vì vậy, thay đổi cách đánh giá thì tính khả thi trong việc triển khai giáo dục STEM mới có thể đạt được".

Trong phần phát biểu kết luận hội thảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định, ban soạn thảo cũng nhận thức rất rõ về tác động của các kỳ thi đến chương trình.

"Chương trình này đòi hỏi học sinh đi vào thực tiễn rất nhiều, các em phải tham gia các dự án nghiên cứu khoa học.

Nhưng đến lúc thi mà thi chung như thế này thì chỉ ra đề kiểm tra kiến thức, kỹ năng giải bài tập thôi. Như thế, làm sao giáo viên dành thì giờ dạy học sinh theo phương pháp STEM, chú trọng thực hành được?"

Ngoài ra, ông Thuyết cũng nêu, trong dự thảo chương trình đã quy định việc thay đổi cách thức đánh giá, bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tuy nhiên, sau đó, Hội đồng thẩm định có ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành vẫn đang quy định phải thi tốt nghiệp. Nghị quyết 88 cũng đề cập đến việc đổi mới cách thi và đánh giá.

Do đó, nếu quy định ngay trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì sẽ liên quan tới Luật và Nghị quyết. 

Vì vậy, ban soạn thảo đã chuyển phần "thi tốt nghiệp, tuyển sinh các lớp đầu cấp, tuyển sinh đại học" ở phần "điều kiện thực hiện chương trình".

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng thừa nhận, dạy như hiện nay theo cách "chẻ từng chữ trong sách giáo khoa để dạy" thì STEM không có chỗ, nhưng nếu học sinh tự đọc tài liệu, tự thực hành để có hiểu biết, năng lực vận dụng vào thực tiễn thì đó là giáo dục STEM.

Thùy Linh