Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn?

03/08/2017 13:21
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu chỉ gộp 3 sách, 3 môn thành 1 sách, 1 môn nhưng vẫn 3 thầy dạy thì lý do nào phải làm việc này? Cơ sở khoa học nào cho rằng làm như vậy sẽ hiệu quả hơn?

LTS: "Dạy học tích hợp" là một nội dung quan trọng được đặt ra khi thực hiện đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Xuất phát từ thực tế giảng dạy của mình và đồng nghiệp, cô giáo Phan Tuyết đặt ra một số câu hỏi về "tích hợp" trong 2 môn "Khoa học tự nhiên", "Lịch sử và Địa lý" trong chương trình mới.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Ngoài một số thay đổi về số lượng và tên gọi phẩm chất, năng lực, tên môn học, số tiết phân bố trong năm thì việc tích hợp các môn học Lý, Hóa, Sinh thành môn học có tên gọi Khoa học tự nhiên; 2 môn Lịch sử, Địa lý thành 1 môn “Lịch sử và Địa lý” vẫn được giữ nguyên so với các lần công bố trước. [1]

Đây chính là những băn khoăn của các giáo viên bộ môn cấp trung học cơ sở. Vì chưa có sách mới, nên không biết Bộ sẽ “tích hợp” như thế nào.

Hình minh họa: VTV.vn
Hình minh họa: VTV.vn

Quan trọng hơn là nếu môn mới do 1 thày dạy, thì những giáo viên được đào tạo và đã quen dạy một môn bao năm nay, bây giờ liệu họ có thể chỉ qua vài kỳ “tập huấn” mà dạy được 1, 2 môn mới mình chưa qua đào tạo hay không?

Câu chuyện từ thực tế

Cô cháu gái lớp 9 đi học về dấm dẳng: “Hôm nay, con giải bài Vật lý đúng mà cô cứ bảo sai. Con nói mãi, cô đi ra cửa gọi cho thầy nói chuyện hồi lâu vào mới nói con làm đúng”.

Thấy lạ nên tôi hỏi cháu thì được biết, hàng ngày cô chỉ dạy môn Sinh nhưng hôm nay lại dạy thay cho thầy môn Vật lý.

Lần khác, cô bé đi học về cũng kể: “Hôm nay, thầy Hùng viết phương trình mà cân bằng sai. Thầy giảng bài mà cứ nhìn chằm chằm vào sách dì ạ”.

Tôi nói với cháu: “Thầy Hùng dạy môn Lý mà?”. Cô bé đáp: “Cô giáo con nghỉ nên nhờ thầy dạy thay”.

Một số đồng nghiệp cũng thường phân trần, có việc xin nhờ người dạy thay, không nhờ được người đúng chuyên môn dạy giúp đành phải nhờ thầy cô khác môn trông coi lớp hôm sau về dạy lại.

Đôi khi nhờ đồng nghiệp khác chuyên môn dạy giúp, giáo viên cũng đã soạn bài, giải sẵn bài tập nhưng gặp lớp có học sinh xuất sắc, lại hay hỏi nên giáo viên dạy thay cũng đuối.

Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn? ảnh 2

Tích hợp và liên môn – Giáo viên đừng dạy như cỗ máy

Có lần, thầy cô hướng dẫn học sinh một cách giải nhưng có em lại có cách giải khác.

Thế rồi, giáo viên phải gọi điện “cầu cứu” đồng nghiệp để xác định trò giải đúng hay sai.

Từ thực tế trên, không ít giáo viên cứ tâm tư, chẳng biết chương trình mới sau này tích hợp các môn tự nhiên sẽ phân dạy thế nào?

Giáo viên dạy Lý sao có thể dạy Hóa, Sinh và ngược lại?

Để “cô đọc trò chép” cho hết giáo án thì chẳng sao, nhưng để giảng dạy hiệu quả một bộ môn mình không được đào tạo chính quy, chẳng đơn giản chút nào, nếu không muốn nói rằng với số đông giáo viên, đó là điều không tưởng.

Thực tế giáo viên dạy chính môn của mình, nhưng khi học sinh giải bài tập chỉ cần có cách giải khác có thầy cô còn lúng túng chưa biết đúng hay sai thế nào.

Nay nếu phải “dạy tích hợp” môn Khoa học tự nhiên, người đang dạy môn Lý chuyển sang dạy môn Hóa, Sinh và ngược lại, không biết thày cô sẽ xoay sở ra sao?

Bởi kiến thức và kỹ năng sư phạm họ được đào tạo để dạy chuyên môn sâu, thày dạy Lý liệu có thuộc hết công thức hóa học và các phương trình phản ứng hóa học và ngược lại?

Thế nào là tích hợp?

Báo Dân Trí ngày 21/12/2015 cho biết, theo một kết quả khảo sát đối với hơn 250 giáo viên bậc trung học cơ sở ở Đà Nẵng:

Chỉ có hơn 44% giáo viên định nghĩa đúng khái niệm tích hợp liên môn và đến 40% giáo viên nhầm lẫn khái niệm tích hợp liên môn và tích hợp đa môn (như lý giải của các nhà soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết:

Tích hợp môn học có những mức độ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao và theo các hình thức khác nhau. 

Nhưng tựu trung lại, có bốn mức độ tích hợp: Tích hợp trong nội bộ môn học; Tích hợp liên môn; Tích hợp xuyên môn; Tích hợp đa môn và theo hai hình thức, đó là: Tích hợp không tạo môn học mới và tích hợp tạo nên môn học mới.

Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn? ảnh 3

Dạy tích hợp – Học sinh cần gì?

Bà Thoa cho rằng, chương trình hiện hành chưa quán triệt tốt quan điểm tích hợp nên có nhiều môn học và các môn học khó tránh khỏi trùng lặp về nội dung.

Theo quan điểm tích hợp, các kiến thức liên quan với nhau sẽ được lồng ghép vào cùng một môn học nên tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học và vì vậy số lượng môn học và thời lượng học tập sẽ giảm bớt…[2]

Nói như Tiến sĩ Thoa, thì môn “Khoa học tự nhiên” phải chăng là tích hợp tạo nên môn học mới, “Lịch sử và Địa lý” cũng vậy?

Do chưa có sách giáo khoa của 2 môn này, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ban xây dựng chương trình chủ trương sẽ cho dạy sách mới từ năm học 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu từ các lớp đầu cấp 1-6-9, không biết các giáo viên bộ môn trung học cơ sở sẽ “tích hợp” thế nào.

Môn học mới “Khoa học tự nhiên” nếu là 1 thày dạy, thì giáo viên đó phải được đào tạo cả 3 chuyên ngành Lý - Hóa - Sinh. “Lịch sử và Địa lý” cũng tương tự.

Câu chuyện ở đây không còn dừng lại ở “kiến thức chuyên ngành” và sách giáo khoa nữa, mà còn là phương pháp sư phạm.

Vì “tích hợp” kiểu này sẽ phải dạy theo chuyên đề, trong đó cả thày lẫn trò phải vận dụng các kiến thức tổng hợp của 2, 3 chuyên ngành để giải quyết một / một vài vấn đề cụ thể đặt ra.

Như thế sẽ nảy sinh ra tình huống các giáo viên trung học cơ sở chỉ được đào tạo 1 chuyên môn, giờ làm thế nào để dạy được 2 chuyên môn “tay trái” còn lại?

Mới đây, một số trường đại học sư phạm đã công bố những điểm mới trong đào tạo giáo viên. Sinh viên sẽ được đào tạo dạy hai môn.

Trong khi đó, sách giáo khoa “tích hợp” chưa có, sách giáo khoa cũ vẫn “đơn môn” và lại thường xuyên thay đổi, các trường sư phạm dựa vào cơ sở nào để giảng dạy, để minh họa trong quá trình đào tạo sinh viên?

Và phải mất 4 năm nữa chúng ta mới có lứa sinh viên “đa môn”, “tích hợp” đầu tiên ra trường. Nhưng chương trình tích hợp sẽ được áp dụng vào năm học 2018. Vậy nòng cốt vẫn là giáo viên cũ xưa nay.

Dạy tích hợp, họ sẽ đảm nhiệm trọng trách này ra sao? Hay vẫn vừa dạy vừa học, vừa tập huấn? Và khi lứa sinh viên ấy ra trường, những thầy cô đã gắn bó với nghề, đã giảng dạy bao nhiêu năm chẳng lẽ phải rời bục giảng?

Đó là bài toán hết sức thực tế cần có lời giải, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo định triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt là các môn học mới “tích hợp”.

Theo cách hiểu của người viết, đó là cách dạy “tích hợp” ở các nước có nền giáo dục tiên tiến và điều kiện đầu tư cho giáo dục một cách đồng bộ, từ trường lớp, sĩ số, giáo viên, học liệu và công cụ hỗ trợ.

Tích hợp không tạo nên môn học mới là gì?

Theo Báo Giáo dục và Thời đại ngày 19/12/2015, trong các trường học, giáo viên hiện vẫn đang dạy tích hợp theo nhiều hình thức thể hiện ở cả hai cách (tích hợp phương pháp và tích hợp nội dung) chủ yếu được thể hiện tích hợp toàn phần, tích hợp bộ phận và tích hợp liên hệ.

Chẳng hạn ở tiểu học, khi dạy về cảnh đẹp của biển, giáo viên thường xử dụng tích hợp liên hệ để giáo dục học sinh bảo vệ môi trường…

Hay ở bậc trung học cơ sở khi dạy Lịch sử tích hợp Ngữ văn. Chẳng hạn, nói về ý nghĩa “Chiến thắng của Điện Biên phủ”, giáo viên trích câu thơ: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”…

Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn? ảnh 4

Cô giáo tiếp tục băn khoăn với chương trình mới

Cũng như khi dạy Toán về ki lô mét tích hợp kiến thức môn Địa lý như quãng đường từ nhà tới trường…Đây chính là kiểu tích hợp không tạo môn học mới. [3]

Nếu 2 môn “Khoa học tự nhiên”, “Lịch sử và Địa lý” trong chương trình mới thực chất không phải là môn mới, mà là 1 sách 3 môn, 1 sách 2 môn, hoặc 1 môn 3 thầy và 1 môn 2 thầy, thì cái gọi là “tích hợp” ở đây là gì?

Phải chăng “tích hợp” trong chương trình mới chỉ là sự cắt ghép cơ học, còn nội dung vẫn thế?

Một thắc mắc cũng cần được giải đáp là lượng kiến thức ở 3 chuyên ngành học Lý - Hóa - Sinh trong môn “Khoa học tự nhiên”; 2 chuyên ngành Sử - Địa trong môn “Lịch sử và Địa lý” có được giảm tải, hay vẫn bê nguyên xi sách giáo khoa 2000, như cách Bộ đã và đang làm với sách VNEN?

Không chỉ giáo viên, ngay chính phụ huynh lại sợ rằng con cái họ sẽ trở thành “chuột bạch”.

Do đó, để dư luận yên tâm, thiết nghĩ các nhà soạn sách cần có những giải thích khoa học và thí dụ minh họa về “tích hợp” trong “môn học mới”, nếu có.

Còn nếu chỉ gộp 3 sách, 3 môn thành 1 sách, 1 môn nhưng vẫn 3 thầy dạy (với trường hợp môn Khoa học tự nhiên), thì lý do nào phải làm việc này? Cơ sở khoa học nào để cho rằng làm như vậy sẽ hiệu quả hơn cách dạy và học hiện nay?

Câu hỏi vẫn đang cần sự giải đáp từ những người có trách nhiệm liên quan.

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức và câu chuyện thực tế của tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/CT-GDPT-Tong-The.aspx?ItemID=4944

[2]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/day-tich-hop-giao-vien-se-vat-va-hon-2015122116113003.htm

[3]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-hoc-tich-hop-o-truong-trung-hoc-1523857.html

Phan Tuyết