Còn nhiều giáo viên mầm non theo nghề là phúc lớn, sao còn hành hạ họ?

06/08/2017 07:57
Bạch Đằng
(GDVN) - Mỗi năm, giáo viên mầm non phải làm thêm hơn 700 giờ trong khi quy định là không quá 200 giờ/năm. Rất tiếc, những cố gắng đó vẫn chưa được tính vào lương.

Lao động vất vả 10 đến 12 tiếng mỗi ngày

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Nhiều giáo viên ở Hải Phòng bị gợi ý nộp tiền triệu để chống trượt viên chức”.

Theo bài báo, thì sự việc trên được cho là xảy ra vào tháng 3/2016. "Ngay sau khi có thông báo về việc xét tuyển viên chức, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục trường Mầm non trên địa bàn quận Hải An đã tổ chức họp, phổ biến về nội dung xét tuyển viên chức, trong đó có việc gợi ý nộp tiền "chống trượt" sát hạch.

Còn nhiều giáo viên mầm non theo nghề là phúc lớn, sao còn hành hạ họ? ảnh 1

Ai chủ trương, chỉ đạo thu tiền chống trượt viên chức giáo viên ở Hải Phòng?

Lãnh đạo nhà trường đã tổ chức họp và gợi ý mỗi giáo viên nộp 6 triệu đồng/người để đi cảm ơn lãnh đạo các cấp".

Sau khi được đăng tải, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng, lương giáo viên mầm non ba cọc, ba đồng, thầy cô lấy đâu ra tiền để nộp “bôi trơn” chống trượt.

Người viết không chỉ đồng tình với ý kiến trên mà còn cho rằng hành vi gợi ý thu tiền tại quận Hải An, Hải Phòng thực chất là hành vi phá hoại nền giáo dục mầm non vốn đã quá nhiều bất cập và bất công như hiện nay.

Vụ việc xảy ra ở Hải An, Hải Phòng tuy nhiên nó phải ánh một thực tế hiện nay đang có những lãnh đạo cố tình không hiểu cho những nỗ lực của các cô giáo mầm non - những người thực sự đã vượt lên nhiều khó khăn để dạy học.

Hình ảnh các cô giáo mầm non ở Bát Xát - Lào Cai chuẩn bị bữa ăn cho học sinh mần non (ảnh báo Thanh Niên).
Hình ảnh các cô giáo mầm non ở Bát Xát - Lào Cai chuẩn bị bữa ăn cho học sinh mần non (ảnh báo Thanh Niên).

Sở dĩ người viết có quan điểm đó vì xét trên bình diện cả nước, với thực trạng của giáo dục mầm non, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, còn có nhiều cô giáo yêu nghề, yêu trẻ ở bậc học này đã là một may mắn lớn cho giáo dục nước nhà .

Tình trạng chán nghề, bỏ nghề của các cô giáo mầm non cả trong hệ thống giáo dục công lập và dân lập đang có xu hướng ngày một tăng đó là tín hiệu đáng buồn.

Đáng lẽ các lãnh đạo các địa phương phải cố tâm tìm hiểu lý do vì sao lại có thực trạng đó thay vì bắt chẹt các cô để lấy tiền.

Còn nhiều giáo viên mầm non theo nghề là phúc lớn, sao còn hành hạ họ? ảnh 3Nhiều giáo viên ở Hải Phòng được gợi ý nộp tiền triệu để chống trượt viên chức

Đơn cử, như báo Tuổi trẻ đưa tin, trong 3 năm học gần đây, mỗi năm có hơn 1.000 giáo viên ra khỏi hệ thống trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh.[1]

Kết quả khảo sát trên 300 giáo viên ở các trường mầm non tư thục của anh Nguyễn Xuân Thời, chủ đầu tư Trường mầm non quốc tế Thế giới trẻ thơ (Worldkids, TP.HCM) thì có đến 80% người được hỏi mong muốn có một công việc khác hơn so với công việc hiện tại. [2]

Tại Hà Nội, qua tìm hiểu nhiều cô giáo cũng đang bị rơi vào tình trạng "kiệt sức" và căng thẳng tâm lý, chán nản.

Tâm sự với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thùy Anh ở Đống Đa cho rằng: “Một lớp học quy định có 35 em nhưng thực tế nhiều lúc lên đến 60 em.

Thử hỏi, có nhà sư phạm nào chỉ ra phương pháp dạy học để cháu nào cũng ngoan, cũng khỏe mạnh trong một lớp học đông đúc như vậy?”.

Dạy học, với sống lượng 50 – 60 học sinh đã là một thử thách khó khăn. Nhưng chừng ấy chưa phản ánh hết những vất vả mà những cô giáo mầm non phải trải qua.

Theo tính toán, mỗi giáo viên mầm non phải dành 10 giờ/ngày để thực hiện được các yêu cầu của chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường và thêm khoảng 2 giờ/ngày để làm đồ dùng dạy học.

Như vậy, mỗi năm giáo viên mầm non phải làm thêm hơn 700 giờ trong khi quy định là không quá 200 giờ/năm. Đó là những con số để nói lên những sự vất vả mà các cô giáo mầm non.

Giáo viên mầm non ở thành phố đã vất vả thì giáo viên ở vùng cao còn vất vả hơn gấp bội.

Việc đi lại khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng được công tác giảng dạy gần như đâu đâu cũng gặp.

Có những việc tưởng chừng rất đơn giản đối với đồng bằng là có nước để cô trò sinh hoạt thì với các cô giáo vùng cao đó lại là một thử thách, họ phải cố gắng gấp bội lần mới đáp ứng được.

Con đường đi lấy nước đường dốc thẳng đứng của các cô giáo mầm non ở Núa Ngam (ảnh báo Dân Việt).
Con đường đi lấy nước đường dốc thẳng đứng của các cô giáo mầm non ở Núa Ngam (ảnh báo Dân Việt).

Trong bài viết "Giáo viên cắm bản đang "khát" giữa đại ngàn" của báo Dân Việt phản ánh hành trình đi lấy nước của các cô ở trường Mầm non Núa Ngam (xã Núa Ngam, Huyện Điện Biên, Điện Biên) để phục vụ cho việc giảng dạy là ví dụ điển hình.

Theo đó, để có nước dùng cho sinh hoạt và phục vụ cho học sinh, các cô lại phải chia phiên nhau hì hục, lủng củng xô chậu đi xin hoặc xuống suối gánh về.

Con đường đi xuống suối cách trường có 500m thôi nhưng không phải là điều đơn giản với những đôi bàn tay chăm trẻ, trong khi con đường cõng nước ngược trường đầy gian nan".

Thậm chí, có điểm trường các cô còn bỏ tiền túi ra mua nước để phục vụ sinh hoạt giảng dạy. [3]

Nghỉ việc vì lương không đủ thuê giúp việc trông con

Giải thích cho hiện tượng giáo viên bỏ dạy tại Thành phố Hồ Chí Minh trên báo điện tử Zing viết: "Cô giáo Nguyễn Thị Trinh Tuyết, giáo viên trường mầm non phường 2 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

"Lương chỉ có hơn 3 triệu đồng, thêm học phí nữa thì được khoảng hơn 4 triệu đồng.

Áp lực đè nặng lên giáo viên khi phải dạy nhiều em cùng lúc. Nhiều khi, phụ huynh không thông cảm nên lớp trẻ hiện nay khó yêu nghề"…

Còn nhiều giáo viên mầm non theo nghề là phúc lớn, sao còn hành hạ họ? ảnh 5Lãnh đạo còn "cố ý sai lầm", nước mắt giáo viên sẽ còn phải rơi nữa!

Bà Trương Thị Thanh Duyên, Hiệu trưởng trường mầm non phường 2 chia sẻ, đa số giáo viên mới được tuyển vào chỉ làm việc khoảng một tháng là xin nghỉ". [4]

Chị Lê Cẩm Tú ở quân Hoàng Liệt chia sẻ lý do bỏ nghề giáo viên mầm non với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Gia đình chồng khuyên nên nghỉ ở nhà trông con, phụ giúp chồng.

Chứ đi dạy mầm non lương được 3 – 4 triệu đồng để trông con cho người ta, trong khi ở nhà phải thuê giúp việc mất 6 triệu đồng để họ trông con mình.

Lúc đầu, tôi thực sự rất buồn, cảm giác mình bị xem thường vô cùng. Nhưng sau nghĩ lại, nếu cứ bám nghề thì lấy đâu tiền mà nuôi con". 

Thật khó thể hình dung được việc, các cô giáo mầm non làm việc 10 đến 12 tiếng mỗi ngày nhưng thu nhập chỉ bằng một nữa người giúp việc ở nhà.

Trong khi đó, xã hội lại đòi hỏi người giáo viên mầm non rất là cao, cô giáo Mai Thu Hằng ở quận Tây Hồ, Hà Nội tâm sự: “Thực tế, cô giáo mầm non đã phải hóa thân giống như người diễn viên diễn nhiều vai.

Vừa làm mẹ, vừa làm cô, nghệ sĩ, bác sĩ… trong lớp học mà vai nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối".

Qua những minh chứng trên, để thấy rằng xã hội phải thực sự biết ơn những nỗ lực vượt khó vươn lên dạy tốt của các cô giáo mầm non.

Việc ở đâu đó còn những lãnh đạo tranh thủ cơ hợi vào biên chế của giáo viên để trục lợi... đã phản ánh một thực tế rằng, những cố gắng của các cô hàng ngày nhiều nơi cấp trên cố tình không nhìn thấy.

Vậy ai có thể "thấu cảm" với các cô, làm sao để nâng cao đời sống thu nhập cho các cô tương xứng với những gì sức lao động của các cô bỏ ra...là câu hỏi đang chờ đợi sự trả lời từ cơ quan chức năng.

[1] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170513/hi-vong-moi-cho-giao-vien-mam-non/1313673.html

[2] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150201/ngam-ngui-voi-80-co-giao-mam-non-muon-bo-nghe/706185.html

[3]http://danviet.vn/ban-doc/ms1703-giao-vien-cam-ban-dang-khat-giua-dai-ngan-740490.html

[4] http://news.zing.vn/tphcm-thieu-hang-nghin-giao-vien-mam-non-post745770.html

Bạch Đằng