Không cùng ê kíp, được giao việc chưa chắc đã làm được gì?

04/08/2017 07:24
Sông Mã
(GDVN) - Việc phân ai kiêm nhiệm công việc gì cũng là cả một chiến lược phải “nát óc suy nghĩ”, phải “tính toán thiệt hơn” của nhiều vị Hiệu trưởng.

LTS: Chia sẻ quan điểm về vấn đề giáo viên kiêm nhiệm nhiều chức vụ trong trường học, tác giả Sông Mã chỉ ra thực tế việc kiêm nhiệm, bầu xét chức vụ đều do Hiệu trưởng thu xếp.

Theo tác giả, những người cùng ê kíp với Hiệu trưởng sẽ được sắp đặt vào những vị trí tốt, có lợi, những người không cùng ê kíp thì muốn nhận việc cũng chẳng dễ gì hoặc được giao việc, cũng chẳng làm được gì.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài viết “Được cho ôm nhiều chức thầy cô có sướng không?” của tác giả Hữu Sơn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam người viết bài này cũng muốn góp thêm câu chuyện đã và đang xảy ra phổ biến ở các trường để giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều hơn.

Nếu để đặt câu hỏi “được cho ôm nhiều chức thầy cô có sướng không?” muốn có câu trả lời chính xác phải biết được đó là “chức gì”.

Chúng ta cùng điểm lại ở trường học thường có những công việc gì cần giáo viên kiêm nhiệm (mà nhiều người gọi vui là chức).

Những giáo viên không cùng ê kíp với Hiệu trưởng muốn kiêm nhiệm công việc cũng khó. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Những giáo viên không cùng ê kíp với Hiệu trưởng muốn kiêm nhiệm công việc cũng khó. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Ngoài chức vụ Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng do cấp trên đề bạt thì những chức danh khác đều từ cơ sở (trường học) bình bầu nên.

Trong các chức danh cũng phải chia ra làm hai nhóm, nhóm được hưởng chế độ và nhóm chỉ làm “công không”.

Nhóm các chức danh được hưởng chế độ như Chủ tịch công đoàn, ban chấp hành công đoàn, Trưởng ban văn thể lao động, thư kí hội đồng, trưởng ban thanh tra, Bí thư chi đoàn của khối Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, giám thị, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, Tổng phụ trách đội, phổ cập giáo dục.

Nhóm các chức danh chỉ làm “không công” như Bí thư chi đoàn bậc mẫu giáo và tiểu học, tổ trưởng công đoàn, khuyến học, chữ thập đỏ, ban kiểm tra công đoàn.

Ngoài một số chức danh kiêm nhiệm Hiệu trưởng được quyền trực tiếp bổ nhiệm và phân công như tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, Tổng phụ trách đội, phổ cập, giám thị, thư kí hội đồng... một số chức danh khác như Chủ tịch công đoàn, ban chấp hành, tổ trưởng công đoàn… thì do giáo viên tín nhiệm bầu nên.

Không cùng ê kíp, được giao việc chưa chắc đã làm được gì? ảnh 2

Phó Hiệu trưởng nhà trường có nên kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn không?

Nhưng ở trường học, Hiệu trưởng thường thâu tóm hết.

Thế là, phân ai kiêm nhiệm công việc gì cũng là cả một chiến lược phải “nát óc suy nghĩ”, phải “tính toán thiệt hơn” của nhiều vị Hiệu trưởng.

Ngay cả chức danh Chủ tịch công đoàn do giáo viên bầu nhưng cơ cấu để được đưa ra bình bầu lại là Hiệu trưởng vì Hiệu trưởng chính là Bí thư chi bộ.

Gọi là bỏ phiếu cho ra vẻ dân chủ chứ mọi chuyện đều đã được sắp bày hết.

Có trường Chủ tịch công đoàn được cơ cấu lại trật phiếu. Hiệu trưởng không đồng ý kết quả ấy và đề nghị giáo viên bỏ lại lần 2 sau khi đứng thuyết trình cả gần tiếng đồng hồ.

Lần sau nếu đạt như ý thì thông qua, ngược lại tiếp tục tìm cách để giao cho người khác theo kiểu "Chủ tịch công đoàn phải là đảng viên, hoặc phải nằm trong chi ủy"…

Tránh chuyện người cơ cấu không đạt, nhiều trường sử dụng chiêu bầu tròn. Thế là giáo viên chỉ bỏ phiếu 3 cái tên đã được in sẵn và dù phiếu nhiều hay ít họ vẫn đậu trong ban chấp hành.

Và trong cuộc họp đầu tiên với Bí thư chi bộ, những người này sẽ lượm ý sếp muốn ai làm Chủ tịch công đoàn là tất thảy lên tiếng “cử chị A, B hay C" cho vừa lòng sếp.

Những người được Hiệu trưởng tin tưởng giao chức vụ kiêm nhiệm đương nhiên phải “cùng hội cùng thuyền” hoặc chí ít cũng phải là những người luôn biết giữ im lặng, biết phục tùng theo kiểu chỉ đâu đánh đó trước mọi công việc được triển khai ở nhà trường.

Không cùng ê kíp, được giao việc chưa chắc đã làm được gì? ảnh 3

Được cho "ôm" nhiều chức...thầy cô có sướng không?

Nếu là con người biết “đấu tranh” càng tốt nhưng là “đấu tranh” để bảo vệ ý chủ khi có ai đó đưa ra ý kiến trái chiều.

Hoặc người đó có thêm cái “tài” nịnh trên nạt dưới, “tài” thu thập tin tức (mà nhiều thầy cô đặt cho biệt hiệu ba-ra-bôn chảo) những người bị xem là “chọc gậy bánh xe” để về “tấu trình”.

Một lý do không kém phần quan trọng rằng những công việc được nhận chế độ thường có tên trong danh sách ban liên tịch của trường. Chính vì điều này, Hiệu trưởng càng phải chọn người có đủ tin tưởng để gửi gắm.

Bởi nếu trong liên tịch toàn “ê kíp” của mình thì bất kể chuyện gì được triển khai ở trường cũng đều được thông qua.

Đây chính là tấm bình phong cho nhiều Hiệu trưởng làm điều “khuất tất”. Bởi, có ai đó thắc mắc, câu mà mọi người được nghe nhiều nhất là “liên tịch đã thống nhất”.

Những chức danh kiêm nhiệm có chế độ, thầy cô được giao đảm nhận nhiều người rất thích bởi vừa được ăn, vừa được nói.

Nhưng những chức danh làm “không công” kia đương nhiên chẳng ai muốn làm vì đã chẳng được thù lao gì, làm mệt người mà còn bị quở trách khi công việc không suôn sẻ.

Vì những lý do trên có giáo viên năng nổ, đầy nhiệt huyết muốn cống hiến cho trường bằng cách “ôm nhiều chức danh” cũng chẳng dễ gì.

Sông Mã