Phó Hiệu trưởng nhà trường có nên kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn không?

01/08/2017 06:00
Thanh An
(GDVN) - Một khi Phó Hiệu trưởng nhà trường kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn thì ai, tổ chức nào ở cơ sở sẽ “tổ chức thực hiện quy chế dân chủ”...

LTS: Trước việc một số địa phương yêu cầu Chủ tịch Công đoàn nhà trường phải nằm trong chi uỷ của chi bộ nhà trường, tác giả Thanh An chỉ ra một số điểm hạn chế của việc này.

Theo tác giả, yêu cầu này còn khiến quá trình thực hiện nhiệm vụ được nêu ra trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam gặp khó khăn.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước đây, Chủ tịch Công đoàn nhà trường thường độc lập với chi ủy của chi bộ và Ban giám hiệu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số địa phương có chỉ thị yêu cầu Chủ tịch Công đoàn nhà trường phải là một trong những người nằm trong chi ủy của chi bộ nhà trường.

Sự cơ cấu này có phần hợp lí nhằm tăng khả năng việc lãnh đạo, chỉ đạo của chi ủy với tổ chức Công đoàn nhà trường.

Tuy nhiên, việc cơ cấu như vậy cũng bộc lộ những hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Như chúng ta đều biết, hiện nay, phần lớn các trường học từ Mầm non đến Trung học phổ thông hiện nay là trường loại 2 và 3.

Vì thế, cơ cấu mỗi chi ủy của chi bộ nhà trường chỉ có 3 người. Ban giám hiệu gồm một Hiệu trưởng và một Phó Hiệu trưởng.

Điều này cũng tương đồng với mỗi chi ủy đương nhiên đã có hai thành viên của Ban giám hiệu, một người làm Bí thư và một người làm phó Bí thư. Vị trí chi ủy viên còn lại là người được cơ cấu làm Chủ tịch Công đoàn.

Khi vẫn còn những Ban giám hiệu để xảy ra tiêu cực thì việc Phó Hiệu trưởng nhà trường kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn có đảm bảo quyền lợi của người lao động? (Ảnh minh họa: NOP/Tuoitre.vn)
Khi vẫn còn những Ban giám hiệu để xảy ra tiêu cực thì việc Phó Hiệu trưởng nhà trường kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn có đảm bảo quyền lợi của người lao động? (Ảnh minh họa: NOP/Tuoitre.vn)

Tuy nhiên, có một số đơn vị trong quá trình tổ chức Đại hội chi bộ thì Chủ tịch Công đoàn không đủ số phiếu cần thiết để vào chi ủy mà người đủ phiếu lại là giáo viên đứng lớp bình thường không được cơ cấu vào Ban chấp hành Công đoàn.

Vì thế, nhân sự cho Ban chấp hành Công đoàn lâm vào thế bí. Và, theo chỉ đạo của trên thì đương nhiên Phó Hiệu trưởng nhà trường phải kiêm nhiệm làm Chủ tịch Công đoàn nhà trường.

Trong khi Phó Hiệu trưởng nhà trường phải đảm nhận nhiều mảng công việc như: phụ trách chuyên môn, phổ cập, ngoài giờ, dạy lớp 4 tiết theo qui định nên phần lớn họ tập trung vào những mảng chuyên môn chính của họ.

Khi đảm nhận thêm Chủ tịch Công đoàn thì phải nói rằng Phó Hiệu trưởng tương đối nhiều công việc, khiến họ phải “chia lửa” ở nhiều nơi và điều đương nhiên là những Phó Hiệu trưởng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như vậy rất khó cáng đáng tốt tất cả các công việc được giao.

Nhất là vai trò Chủ tịch Công đoàn nhà trường-một mảng thiên về phát động các phong trào thi đua, chăm lo, bảo vệ cho cán bộ công viên chức trong nhà trường và đặc biệt là quan tâm đến chế độ, quyền lợi của cán bộ, giáo viên trong trường.

Điều này cũng đã được qui định rõ trong Điều lệ công đoàn Việt Nam.

Phó Hiệu trưởng nhà trường có nên kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn không? ảnh 2

Đâu là vai trò của Công đoàn trường học?

Tại Điều 18 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 đã nói rõ về: “Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở” ở mục 2, 3 như sau:

2. Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu Cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức Cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và người lao động.

Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.

Cùng với thủ trưởng hoặc người đứng đầu Cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội trong đoàn viên, người lao động.

3. Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên và người lao động.

Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều những đơn vị sự nghiệp không thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở và cả những tiêu cực của một số Ban giám hiệu nhà trường mà báo chí đã đề cập.

Phó Hiệu trưởng nhà trường có nên kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn không? ảnh 3

Cán bộ công đoàn ở nhà trường đang lo cho ai?

Vậy, một khi Phó Hiệu trưởng nhà trường kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn thì ai, tổ chức nào ở cơ sở sẽ “tổ chức thực hiện quy chế dân chủ”, ai sẽ “đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”?! Rõ ràng, rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra.

Việc thu về một mối xem ra có vẻ tinh gọn được nhân sự nhưng nó không hề tiết kiệm được ngân sách của đơn vị và quĩ Công đoàn nhà trường.

Vì, chức danh Phó Hiệu trưởng được nhận phụ cấp chức vụ từ ngân sách đơn vị hàng tháng còn Chủ tịch Công đoàn được thì hưởng phụ cấp qua kinh phí Công đoàn của nhà trường qua từng quí.  

Vì thế, rõ ràng kinh phí để phát phụ cấp cho Ban chấp hành công đoàn, cũng như Chủ tịch Công đoàn không hề được giảm đi mà hiệu quả công việc và quyền lợi của người lao động bị hạn chế.

Suy cho cùng, việc cơ cấu Chủ tịch Công đoàn nhà trường phải là chi ủy viên của chi bộ xem ra không cần thiết mà đang cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ đã được qui định rõ trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Một nút thắt rất cần được tháo gỡ.

Thanh An