Vì đâu mà đầu vào ngành sư phạm rơi vào thảm cảnh thấp chưa từng có?

08/08/2017 06:14
Thùy Linh
(GDVN) - Chúng ta không sử dụng và chọn lọc đội ngũ, giáo viên cứ vào biên chế là yên tâm, ai dạy được cũng như thế, ai dạy giỏi cũng như nhau.

Kỳ xét tuyển đợt 1 năm 2017, khi nhiều trường đại học có điểm vào cao ngất ngưởng, thậm chí thí sinh được 10 điểm cả 3 môn chưa chắc đã đỗ thì điểm đầu vào ngoại trừ Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đa phần các cơ sở đào tạo sư phạm còn lại đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng hoặc cao hơn một chút so với điểm sàn.

Đầu vào ngành sư phạm thấp đang khiến nhiều người lo lắng chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai có đủ sức đảm bảo chất lượng đầu ra theo yêu cầu đổi mới?

Cụ thể, Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nay, ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm 2017 là 17 điểm đối với ngành Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng - An ninh. 

Còn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm nay điểm chuẩn cao nhất là ngành sư phạm Toán với 26,25 điểm và ngành thấp nhất là sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm.

Nhìn vào mức điểm này, nếu so với mặt bằng điểm chuẩn trong nhóm ngành sư phạm, điểm chuẩn của 2 cơ sở đào tạo uy tín nhất cả nước là tương đối ổn song nếu so với điểm chuẩn của một số ngành khác như công an, quân đội, y dược thì khối sư phạm vẫn có chuẩn đầu vào thấp hơn rất nhiều.

Trong khi đó, theo thống kê điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sư phạm tại các địa phương cho thấy, đa phần các trường đều lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 15,5 điểm. 

Vì đâu nên nỗi đầu vào ngành sư phạm chỉ 12,75 điểm? (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Vì đâu nên nỗi đầu vào ngành sư phạm chỉ 12,75 điểm? (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Cụ thể, Đại học Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm mầm non.

Trường Đại học Vinh, ngoài một số ngành học là sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục thể chất có điểm chuẩn từ 20-27 điểm, tất cả các ngành sư phạm còn lại đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm. 

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) các ngành Sư phạm Địa lí, Sư phạm Lịch Sử, Sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn nhỉnh hơn điểm sàn là ở mức 16-17 điểm. Các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Lý, Sư phạm Hoá, Sư phạm Sinh, Sư phạm Tin đều bằng sàn (15,5 điểm). 

Mức điểm chuẩn các ngành sư phạm của Trường Đại học Hải Phòng cũng chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn không nhiều. 

Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại Vĩnh Phúc năm nay tuyển 13 ngành sư phạm thì có 4 ngành có điểm trúng tuyển từ 19 trở xuống...

Vì đâu mà đầu vào ngành sư phạm rơi vào thảm cảnh thấp chưa từng có? ảnh 2

Chưa bao giờ bức tranh nhân lực của ngành sư phạm lại xót xa như bây giờ

Đặc biệt trong số các trường thì điểm đầu vào trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) là thấp nhất với điểm chuẩn đầu vào tất cả các ngành đào tạo sư phạm như Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lí, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hoá học có điểm chuẩn là 12,75 (quy chuẩn).

Một số ngành khác như Sư phạm Toán học, Sư phạm Địa lí cũng chỉ ở mức 16-16,5 điểm.

Nhìn nhận về tình trạng ngành sư phạm ở các trường đại học địa phương lấy điểm chuẩn rất thấp, đa số đều bằng điểm sàn, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho rằng, đầu vào trường sư phạm thấp ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng giáo viên. Điểm đầu vào của ngành sư phạm thấp cho thấy học sinh giỏi không vào sư phạm.

Thầy Lâm cho rằng: “Đội ngũ nhà giáo rất quan trọng bởi đây là yếu tố quyết định thành bại của giáo dục nhưng chúng ta không làm đồng bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn chậm, lạc hậu. 

Chúng ta không sử dụng và chọn lọc, giáo viên cứ vào biên chế là yên tâm, ai dạy được cũng như thế, ai dạy giỏi cũng như nhau. Đãi ngộ, phân công lao động, chúng ta cứ áp dụng một công thức trả lương giáo viên bao nhiêu năm rồi đến nay vẫn thế
”.  

Mặc dù hiện nay sự đãi ngộ giáo viên đã được cải thiện khá nhiều, nhưng so với mặt bằng thu nhập trong xã hội thì chưa phải là cao, áp lực từ phía xã hội đối với người giáo viên ngày càng lớn. Điều đó khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn với những học sinh xuất sắc từ Trung học phổ thông.

Do đó, theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, muốn thu hút người giỏi vào sư phạm, cần phải làm một cuộc cách mạng từ tuyển sinh-đào tạo; tuyển dụng-sử dụng; chọn lọc và đãi ngộ. Đặc biệt, phải đặt đúng giáo dục là “quốc sách hàng đầu”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên Khoa giáo dục Tiểu học (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay, thực tế cho thấy, sinh viên sư phạm cần có lượng kiến thức khá nhiều để có thể ra đời làm thầy. 

Tuy nhiên, với các sinh viên có điểm đầu vào thấp, đôi khi điều đó không đơn giản, đặc biệt khi sinh viên đó thiếu hụt lượng kiến thức phổ thông lớn. Vì lượng kiến thức cần bổ sung quá khiến sinh viên đó sẽ khó có thể tiếp thu kịp thời những vấn đề ở đại học. 

Các giảng viên vì thế cũng gặp khó khăn khi bổ sung. Và tất nhiên, điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc, chất lượng đầu ra của sinh viên đó, khi trở thành thầy-cô cũng sẽ hạn chế so với các bạn có đầu vào cao hơn.

Thùy Linh