Đã được thi lại là sẽ lên lớp!

10/08/2017 07:00
Thanh An
(GDVN) - Khi các em vào thi lại, đồng nghĩa với việc các em sẽ qua và được lên lớp. Không qua được thì Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo phải cho qua.

LTS: Nhằm phản ánh thực trạng các lớp ôn thi lại cho học sinh thiếu điểm ở một số trường học hiện nay chỉ là công việc hình thức, gây khó khăn cho giáo viên mà thực chất chất lượng chẳng được nâng cao. Là người đang trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy, tác giả Thanh An đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.

Cũng theo tác giả, ngoài trách nhiệm của người thầy, của nhà trường trong việc động viên, bồi dưỡng các em tham gia thi lại còn là sự nỗ lực, cố gắng của các em học sinh. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 các trường lại lên kế hoạch và tổ chức Ôn thi lại cho học sinh thiếu điểm. Về bản chất thì việc tổ chức thi lại là điều cần thiết và nhân văn giúp tạo cơ hội cho các em học sinh.

Tuy nhiên, với những gì mà một số đơn vị đang thực hiện thì đây thực sự là một công việc hình thức. Chất lượng cũng chẳng nâng lên được chút nào mà vô hình trung sẽ tạo cho học sinh tính bất cần trong học tập.

Hình ảnh lớp học được tổ chức nhằm ôn thi lại cho học sinh thiếu điểm (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Hình ảnh lớp học được tổ chức nhằm ôn thi lại cho học sinh thiếu điểm (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Có nhiều giáo viên khi tổng kết điểm cuối năm, họ không cho học sinh dưới điểm trung bình bao giờ vì cho học sinh thi lại thì chất lượng cũng chẳng thay đổi được gì mà còn phải vất vả thêm trong những ngày nghỉ hè.

Làm kế hoạch, đề cương, đề thi, ôn thi lại, coi thi rồi chấm điểm. Sự vất vả về thời gian không ngán ngẫm bằng công tác vận động học sinh vào thi lại. Khi các em vào thi lại, đồng nghĩa với việc các em sẽ qua và được lên lớp. Không qua được thì Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo phải cho qua.

Hiện nay, có rất nhiều Ban giám hiệu nhiêu khê, chuộng hình thức trong việc yêu cầu giáo viên đến nhà vận động học sinh vào trường ôn và thi lại.

Thời đại bây giờ, khi cần liên lạc với phụ huynh, học sinh thì chỉ cần gọi điện thoại là có thể liên lạc và thông báo cho họ biết thời gian ôn thi lại. 

Nhưng, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên ôn thi lại phải đem thông báo của nhà trường đến tận nhà học sinh và có chữ kí của phụ huynh là đã nhận được thông báo rồi đem về nộp lại cho Ban giám hiệu.

Trong khi nhiều giáo viên nhà xa trường hàng mấy chục cây số phải lặn lội tìm đến nhà học sinh để thông báo và xin chữ kí của phụ huynh. Công việc vô bổ như vậy mà cứ ép giáo viên phải làm từ năm này sang năm khác. 

Tất cả yêu cầu của Ban giám hiệu đối với giáo viên ôn thi lại chỉ nhằm mục đích duy nhất là có “minh chứng” để cấp trên về kiểm tra tránh bị…phê bình là tổ chức ôn thi lại cho học trò không tốt.

Đã được thi lại là sẽ lên lớp! ảnh 2

Giá như được lưu ban để học lại con chữ, có lẽ cuộc đời em đã khác!

Thực ra, việc thông báo cho học sinh thi lại chỉ cần giáo viên điện thoại để các em vào trường, nếu đến ngày thi lại mà học trò không đến thì giáo viên mới đến nhà vận động là được.

Bởi, suy cho cùng thì mục đích chính là ôn thi lại cho các em, em nào vào ôn và thi thì cần gì phải lưu lại tờ “thông báo” để làm minh chứng. Những thủ tục rườm rà không cần thiết như vậy mà nhiều lãnh đạo nhà trường cứ “hành” giáo viên để làm gì.

Khi tổ chức ôn thi lại thì phần lớn học sinh đi thi thường là những em không nắm được kiến thức cơ bản, lơ là trong học tập, thậm chí có những em bất cần. 

Phần lớn giáo viên phải giải đề trước cho học sinh và yêu cầu học sinh về nhà học thuộc rồi đến khi thi chép vào. Vậy mà vẫn có rất nhiều em không làm được bài. 

Học sinh không làm được bài thì Ban giám hiệu chỉ đạo chấm cho đủ điểm trung bình để các em lên lớp, giáo viên nào không đồng thuận với chỉ đạo thì nhà trường yêu cầu cho học sinh thi lại lần 2,3 cho đến khi các em đủ điểm để qua. 

Vì thế, phần lớn thi lần 1 là có kết quả trung bình trở lên cả. Bởi, không có giáo viên nào lại muốn ôn đi, ôn lại mãi cho học trò trong những ngày hè.

Tại Điều 16 trong Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 đã quy định rõ: “Học sinh xếp loại hạnh kiểm cả năm học từ trung bình trở lên nhưng học lực cả năm học xếp loại yếu, được chọn một số môn học trong các môn học có điểm trung bình cả năm học dưới 5,0 hoặc có kết quả xếp loại chưa đạt để kiểm tra lại. 

Kết quả kiểm tra lại được lấy thay thế cho kết quả xếp loại cả năm học của môn học đó để tính lại điểm trung bình các môn cả năm học và xếp loại lại về học lực; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp”.

Đã được thi lại là sẽ lên lớp! ảnh 3

Cảm ơn cô, nhờ cô cho con ở lại lớp mà bây giờ con đã biết chữ!

Chính từ những quy định như vậy nên nhiều học sinh không chú ý học hành. Năm nay thi lại được lên lớp thì sang năm vẫn với thái độ học tập như vậy. Lại thiếu điểm và lại được giáo viên vào nhà động viên, thậm chí năn nỉ để các em đến trường thi lại, rồi lại cho qua. 

Nếu để các em ở lại lớp thì cấp trên sợ chỉ tiêu, sợ học sinh bỏ học nên cứ lặp lại mãi điệp khúc này và vì thế mà nhiều học sinh lên đến những lớp cao mà không nắm được gì về kiến thức. 

Cứ nhìn vào điểm thi Tuyển sinh vào lớp 10, điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia với hàng ngàn điểm 0 ta sẽ hiểu hơn về thực trạng dễ dãi, “thương” trò của các nhà trường hiện nay. 

Đề thi bao giờ cũng cũng có những câu hỏi dễ để hướng học sinh trung bình tới điểm 5, vậy nhưng vẫn có nhiều điểm 0 như vậy thì rõ ràng có rất nhiều học sinh đang được thầy cô xếp nhầm lớp trong nhiều năm liên tục.

Có một điều mà nhiều trường hiện nay chưa làm được là những học sinh có lực học yếu nhưng các thầy cô không dám cho các em ở lại lớp. Vì thế, học sinh không sợ mà nhiều em tỏ ra bất cần trong việc học hành. Cứ đến lớp thì ắt sẽ lên lớp, sẽ có người lo điểm cho mình. Chính từ sự du di của nhiều nhà trường đang vô tình đẩy nhiều em học trò “có lớp” mà không “có kiến thức”.

Học sinh thi lại nếu các em chưa đạt yêu cầu là điều tất yếu đối với tất cả các cấp học. Vì thế, ngoài trách nhiệm của người thầy, của nhà trường trong việc động viên, bồi dưỡng các em tham gia thi lại còn là sự nỗ lực, cố gắng của các em học sinh. 

Tuy nhiên, nếu em nào yếu quá, hoặc chưa có ý thức học tập thì các trường cũng cần mạnh dạn cho các em ở lại lớp. Ở lại, không chỉ giúp các em lấy lại kiến thức mà còn tạo cho các em biết “sợ” và có trách nhiệm hơn trong học tập.

Thanh An