Phía sau những con số và thước nào chuẩn để đo chất lượng giáo dục?

05/08/2017 07:04
Thanh An
(GDVN) - Nhìn vào bằng cấp của thầy cô hiện nay, không ai có thể nói mặt bằng chung về chất lượng giáo dục của chúng ta thấp các nước trong khu vực và thế giới

LTS: Phải làm sao để nâng cao được chất lượng đào tạo, thước đo nào để đánh giá chất lượng giáo dục đang là câu hỏi lớn của toàn ngành giáo dục và dư luận cả nước.

Trong bài viết gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tác giả Thanh An cũng nêu lên những quan điểm của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nếu chỉ nhìn vào bề nổi thì những năm qua, chất lượng giáo dục Việt Nam đang trên đà khởi sắc.

Trình độ của thầy cô đa số đã đạt chuẩn và trên chuẩn, chất lượng học tập của học trò ngày một được nâng lên.

Song, phía sau những con số, những thành tích đã đạt được có vô vàn câu hỏi về chất lượng thật của giáo dục nước ta hiện nay đang ở đâu.

Hình minh họa, nguồn: Báo Nhân Dân.
Hình minh họa, nguồn: Báo Nhân Dân.

Nếu cứ nhìn vào bằng cấp của giáo viên hiện nay, chúng ta đều nhận ra một điều những tấm bằng và chứng chỉ mà thầy cô đang có đều đầy đủ và vượt chuẩn so với yêu cầu của Bộ Giáo dục.

Giáo viên từ mầm non đến phổ thông gần như đa số đã có bằng đại học, nhiều giáo viên tiểu học, trung học cơ sở cũng đã có bằng cao học.

Nhiều thầy cô còn có thêm các bằng cấp, chứng chỉ khác để đáp ứng những yêu cầu của ngành.

Rõ ràng, cứ nhìn vào bằng cấp của thầy cô hiện nay, không ai có thể nói mặt bằng chung về chất lượng giáo dục của chúng ta thấp các nước trong khu vực và thế giới.

Thế nhưng, những bằng cấp ấy phần lớn là hệ đào tạo từ xa, tại chức, những tấm bằng mà nhiều người đi học không chỉ vì kiến thức mà vì hợp thức hóa để được lên lương và có thể cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo.

Chúng ta không phủ nhận những thành quả mà ngành đã và đang đạt được, đó là sự tận tụy của nhiều thầy cô phải hi sinh tuổi trẻ, tình cảm riêng tư của mình để đến với những vùng đất khó khăn nhất với mục đích gieo trồng những mầm xanh cho đất nước.

Hàng trăm thầy cô giáo vẫn âm thầm đến với bản làng xa xôi trên những con đường gồ ghề, cát bụi, hay hải đảo…

Rõ ràng, ngoài chuyện đi làm để có nghề thì những thầy cô giáo ấy còn có một tấm lòng hi sinh, tận tụy vì tương lai của đất nước.

Và, có biết bao nhiêu thầy cô giáo vẫn giữ cho mình một lối sống thanh cao, chấp nhận thua thiệt để làm tròn bổn phận và thiên chức của người thầy.

Rồi, có biết bao em học sinh đang vượt qua những nghịch cảnh của mình để gặt hái những thành quả cao trong học tập từ các kỳ thi trong và ngoài nước.

Đó là điều chúng ta luôn trân trọng, cần được biểu dương để nhân rộng các mô hình cho ngành.

Phía sau những con số và thước nào chuẩn để đo chất lượng giáo dục? ảnh 2

Lớp học giữa đại ngàn Trường Sơn

Trái ngược với những con người đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà thì cũng có một bộ phận thầy cô giáo, lãnh đạo nhà trường chưa làm tròn trách nhiệm cao quí mà mình đang theo đuổi.

Họ đang đánh mất mình trong xã hội hiện đại.

Những cám dỗ về vật chất, chức quyền đang làm họ lu mờ nhân cách, nịnh bợ, kết bè phái, chạy chức, chạy quyền để rồi khi ngồi vào vị trí lãnh đạo là tìm cách chèn ép, làm tiền giáo viên và phụ huynh học sinh.

Nhiều Hiệu trưởng bất chấp tất cả để nghĩ đến quyền lợi cho riêng mình.

Họ ban phát quyền lợi, quyền hành cho những ai theo họ, biết sát cánh cùng họ trong mọi kế hoạch, mọi chủ trương mà họ phát động.

Năm nào chúng ta cũng thấy hàng loạt Hiệu trưởng làm càn, không minh bạch trong việc thu-chi tài chính được báo chí đề cập, phản ánh.

Trường hợp bà Đỗ Thị Thắm, Hiệu trưởng trường mầm non Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) “sử dụng bằng trung học phổ thông không hợp pháp, cố tình che giấu, vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo, tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên”.

Vì thế, Ủy ban nhân dân huyện Triệu Sơn đã miễn nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của bà Thắm (Báo Người lao động ngày 14/6/2017).

Người lãnh đạo cả một đơn vị giáo dục mà sử dụng bằng cấp 3 giả thì còn nói được ai, giáo dục được ai nữa.

Vậy mà họ vẫn leo lên làm lãnh đạo nhà trường một cách ngoạn mục, phi thường!

Trường hợp bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tam Phước 3 (Biên Hòa, Đồng Nai) mỗi tháng cắt xén gần trăm triệu tiền ăn của học sinh.

Khi bị giáo viên phản đối vì đưa thực phẩm không đảm bảo chất lượng vào bữa ăn hàng ngày cho gần 2000 học sinh thì bà Hương thản nhiên trả lời: “Trong hàng chục bữa ăn có một bữa thịt không ngon cũng bình thường. Chưa có học sinh nào bị ngộ độc thì không thể nói là thức ăn kém chất lượng”. (Báo Phụ nữ ngày 14/6/2017).

Những sự việc na ná như trên bị bắt gặp rất nhiều khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi về trình độ, quyền hạn, nhân cách của một số Hiệu trưởng của các trường học hiện nay.

Nhiều giáo viên dạy lớp cũng đang làm mất mình.

Phía sau những con số và thước nào chuẩn để đo chất lượng giáo dục? ảnh 3

Ảnh: Cô giáo bản kể chuyện lên rừng học cùng con trẻ

Họ coi chuyện dạy dỗ học trò là phụ bởi sự thân thiết với lãnh đạo như một cái ô che chắn cho họ.

Họ ung dung nịnh bợ, nói xấu người này, người kia để lấy lòng cấp trên.

Họ sẵn sàng cung phụng, quan tâm đến lãnh đạo khi có lễ tết hay là có hiếu hỉ, giỗ chạp. 

Để rồi, những cánh tay thân tín của lãnh đạo được quan tâm, cất nhắc vào những vị trí có chức, có quyền, tạo bè, kết phái, sẵn sàng triệt tiêu những giáo viên đấu tranh cho quyền lợi của tập thể, của học sinh.

Đối với chất lượng của ngành giáo dục trong việc giảng dạy, chúng ta đã nghe nói rất nhiều.

Một số thầy cô giáo dưới cơ sở họ rất sợ khi phải đăng kí chỉ tiêu, phải bằng và vượt chỉ tiêu đăng kí đầu năm, làm thì lương tâm cắn xé, không làm thì bị phê bình, nhắc nhở.

Trong khi chất lượng học tập của một số đơn vị rất thấp, nếu cho học sinh thi lại thì cũng coi như chẳng có tác dụng nhiều.

Phải ôn thi lại, phải tổ chức coi thi, chấm thi đến lúc nào họ sinh đủ điểm và được lên lớp mới thôi!

Hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, thầy ra thầy, trò ra trò thì không có cách nào tốt hơn là phải đánh giá thật tất cả như bản chất vốn có của nó.

Chạy theo số lượng, sẽ có số lượng nhưng chất lượng thực thì bỏ ngỏ.

Chạy theo bằng cấp thì có bằng cấp, nhà nước chi trả lương cao hơn nhưng chất lượng người thầy vẫn không thay đổi được nhiều.

Hy vọng, lãnh đạo ngành giáo dục hãy nhìn vào thực tế để chấn chỉnh những bất cập của ngành.

Thanh An