Trường Đại học nên mời doanh nghiệp về tham gia giảng dạy, đào tạo

13/08/2017 06:44
Tấn Tài
(GDVN) - Thực tế, có tình trạng doanh nghiệp muốn nhận được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng lại không có sự hỗ trợ cho các trường đại học.

Đó là quan điểm của nhiều đại biểu tham dự: “Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm” ngày 11/8 tại ba điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Gắn đạo tạo đại học với doanh nghiệp

Giáo sư Trần Văn Nam – giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, xã hội hiện nay đang rất quan tâm đến vấn đề sinh viên ra trường có việc làm. Do đó, cần phải xây dựng số liệu này một cách trung thực, rõ ràng.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: TT
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: TT

“Lâu nay, báo cáo về số lượng sinh viên có việc làm của các trường không được chính xác. Chúng ta nên yêu cầu các trường báo cáo tỷ lệ này và có biện pháp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì sẽ thuyết phục hơn”, giáo sư Nam nói.

Về mô hình Đại học vùng hiện nay, Giáo sư Nam kiến nghị Bộ giáo dục xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp. Bởi thực tiễn mô hình này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trường Đại học nên mời doanh nghiệp về tham gia giảng dạy, đào tạo ảnh 2

Điểm đầu vào ngành sư phạm không quyết định hoàn toàn chất lượng đầu ra

Việc quản lý, điều hành bị chồng chéo giữa chức năng của đại học vùng và các trường đại học thành viên sau khi đã được giao cơ chế tự chủ.

Cũng theo Giáo sư Nam, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học thì phải cải thiện hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

“Chúng tôi rất mừng vì mới đây, lần đầu tiên, hai Bộ giáo dục và Khoa học Công nghệ đã có ký kết văn bản hợp tác, triển khai.

Bây giờ, ai cũng hiểu rằng, đã là đại học thì phải là giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hai nhiệm vụ đó tồn tại song song.

Nhưng lâu nay, các trường tập trung vào giảng dạy nhiều mà yếu khâu nghiên cứu khoa học”.

Giáo sư Nam nói tiếp, phải làm sao để kinh phí từ Bộ giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung cho các trường đại học nhiều hơn nữa.

Khi có nguồn kinh phí thì nên tập trung cho các trường đại học. Trong giai đoạn đầu, Bộ giáo dục có thể phân bố kinh phí nghiên cứu khoa học dựa trên một số tiêu chí cụ thể như: số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ…

Tức là dựa vào phần cứng để phân về các trường. Tiếp đó, các trường đại học có thể cạnh tranh với nhau để “hút” nguồn kinh phí thực hiện đề tài khoa học.

“Bộ có thể đứng ra giao nhiệm vụ trực tiếp cho từng trường để nghiên cứu khoa học”, Giáo sư Nam đề xuất.

Giải pháp thứ ba mà Giáo sư Nam đề cập đó là gắn nhà trường với doanh nghiệp trong công tác đào tạo.

“Việc này chúng ta nói nhiều và ký kết nhiều nhưng chúng tôi cảm tưởng rằng, nhiều nơi ký kết xong triển khai thì lại đứng vì gặp khó khăn.

Thực tế có tình trạng doanh nghiệp muốn nhận được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng lại không có sự hỗ trợ cho các trường đại học.

Chúng ta phải làm sao xây dựng chính sách, khuyến khích giảng viên hợp tác với doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa”.

Giáo sư Nam lấy ví dụ điển hình như việc gắn kết giữa Đại học Đà Nẵng và các doanh nghiệp lớn ở miền trung như: Dung Quất, Trường Hải… thời gian qua rất tốt.

Trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ cho sinh viên thực tập, tham gia góp ý chương trình đào tạo.

“Có tình trạng là sinh viên đào tạo ra xa rời thực tế, không phù hợp với công việc… Nên chăng doanh nghiệp nên tham gia vào chương trình đào tạo.

Đối với các khối kỹ thuật, kinh tế thì rất cần chỗ thực tập nên các trường đại học nên tăng cường mời doanh nghiệp về giảng dạy, hỗ trợ thêm các chuyên đề để nâng cao chất lượng”, Giáo sư Nam khuyến nghị.

“Đặt hàng trên 20 điểm mới được vào sư phạm”

Về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, Giáo sư Nam cho rằng, sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương là cơ quan nắm rõ và dự báo được nguồn nhân lực sư phạm tại địa phương mình.

Trường Đại học nên mời doanh nghiệp về tham gia giảng dạy, đào tạo ảnh 3

Tỉ lệ cử nhân thất nghiệp giảm, đã vui mừng được chưa?

Trong đó, số lượng nhu cầu cần bao nhiêu, đang thiếu bao nhiêu, thiếu ở ngành nào… Vậy Bộ giáo dục cũng phải biết được việc đó để có phương án giao chỉ tiêu đào tạo cụ thể cho từng trường sư phạm. Tránh trường hợp đào tạo ra dư thừa, khiến việc tuyển dụng khó khăn.

“Nhà nước đặt hàng, trả tiền cho sinh viên sư phạm (không phải nộp học phí) thì cũng giống như doanh nghiệp đặt hàng vậy.

Về phía đặt hàng thì chúng ta yêu cầu điểm chuẩn của các trường sư phạm phải trên 20 điểm mới vào được sư phạm. Chứ còn nếu thấp hoặc ngang điểm sàn thì khó đảm bảo chất lượng”.

Giáo sư Nam nói tiếp, Bộ phải yêu cầu các trường sư phạm lấy điểm chuẩn trên 20 điểm. Hoặc vào chuyên ngành thì môn chuyên ngành phải cao hơn 7 điểm chẳng hạn.

Đồng thời, quy định chuẩn cho các trường sư phạm. Cụ thể, nếu sinh viên ra trường đạt chuẩn thì ưu tuyển được tuyển dụng.

Liên quan đến số liệu thống kế quy mô sinh viên 14 trường sư phạm lớn trên cả nước của Bộ giáo dục, Giáo sư Nam cho rằng, nhìn vào số lượng của Đại học sư phạm Đà Nẵng thì khá lớn với hơn 9.089 sinh viên.

Tuy nhiên, quy mô sư phạm chỉ có 2.000 sinh viên và năm nay chỉ tuyển 400 sinh viên, còn lại phần lớn là cử nhân. “Hiện nay, tỷ lệ sinh viên sư phạm của nhà trường rất ít”, Giáo sư Nam thông tin.

Tấn Tài