LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Lê Đình Quý. Anh là người dành nhiều thời gian nghiên cứu về kinh tế, giáo dục và thường tham gia chia sẻ kiến thức đến đối tượng học sinh, sinh viên.
Trong bài viết này, anh chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của mình về tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 9/6 vừa qua, bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số do Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội đưa ra số liệu cho thấy số người lao động thất nghiệp có trình độ đại học trở lên của quý I năm 2017 là 138.800 người, giảm 80.000 người so với quý IV năm 2016 (hơn 200.000 người).
Đây là một trong những tín hiệu tích cực của thị trường lao động nói chung cũng như nhóm đối tượng có trình độ đại học trở lên.
Bởi vì trong suốt những bản tin thị trường lao động được công bố trước đó, con số thất nghiệp của nhóm lao động này luôn ở mức trên 200.000 người.
Tác giả Nguyễn Lê Đình Quý. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách từ trường đại học …
Ngoài những nguyên nhân khách quan về triển vọng thị trường lao động, kinh tế Việt Nam quý 2/2017 dự báo sẽ dần hồi phục, theo đà phục hồi kinh tế thế giới.
Chúng ta phải nhìn nhận nguyên nhân chính để có tỉ lệ giảm đáng kể số người lao động thất nghiệp có trình độ đại học trở lên đã thể hiện nỗ lực từ các bên trong việc giải quyết vấn đề khoảng cách giữa đào tạo từ trường đại học và yêu cầu lao động của doanh nghiệp.
Những năm gần đây, các trường đại học đã thật sự nhận thấy được các áp lực mà họ phải đối mặt trong đó có việc xã hội nhìn nhận một trường đại học không phải công lập hay ngoài công lập mà chính ở con số tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Các trường đã chú trọng hơn công tác tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho sinh viên trong nhà trường và một số thông tin thị trường lao động.
Tự giác và tự quyết tương lai, đậu đại học không phải là đã thành công |
Bên cạnh đó, các trường đại học cũng chú trọng việc kết nối cung và cầu thị trường lao động với việc tạo mối quan hệ bền chặt hơn đối với việc liên kết với doanh nghiệp bằng việc hầu hết các trường đều tổ chức phòng (hoặc trung tâm) quan hệ doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm cho sinh viên.
Cùng với đó chính là việc các trường đại học nâng cao chất lượng qua việc học hỏi và áp dụng các mô hình đào tạo tiên tiến như Mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng tại Việt Nam đang có hiệu quả rất tích cực trong phạm vi nghiên cứu 8 trường đại học thuộc dự án POHE (6 tháng đầu năm 2015, 85% sinh viên ra trường có việc làm).
Điều này đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực làm việc thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thế giới nghề nghiệp cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
… Nhưng không chủ quan
Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp trong quý 1 năm 2017 giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng cũng không thể chủ quan rằng tỉ lệ thất nghiệp có trình độ đại học trở lên sẽ được giữ ổn định hay vẫn ở mức thấp, không đạt mức hơn 200.000 như trước đây nữa.
Bởi vì, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế không phải chỉ ở Việt Nam mà nói chung ở nhiều nước trên thế giới, thì sinh viên tốt nghiệp ra vẫn có tỉ lệ nhất định là thất nghiệp nhất định.
Các trường đại học cần đưa ra và áp dụng các biện pháp dài hạn đặc biệt trong việc đổi mới, tăng cường chất lượng đào tạo như việc áp dụng các mô hình giáo dục, các cách thức tiếp cận môn học mới như Mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng,… cũng như việc đào tạo chuyên sâu gắn liền lý thuyết với thực tiễn nhằm đáp ứng các yêu cầu lao động của doanh nghiệp.
Học thì lười, làm thì dở, đứng núi nọ trông núi kia, thất nghiệp còn kêu ai? |
Và để tỉ lệ này luôn ở mức thấp, thì điều quan trọng nhất vẫn chính là nỗ lực từ các bạn sinh viên.
Các bạn cũng cần phải tự thay đổi tư duy bằng cấp, học cho có bằng để đối phó như hiện nay.
Bởi với xu thế mới, một doanh nghiệp tuyển dụng cần người làm được việc, có vốn kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng vững chắc chứ không nhất thiết cần người có văn bằng tốt như trước đây nữa.
Các doanh nghiệp sẽ xem xét những tri thức bền vững, những kỹ năng thực tế chính là nền tảng cho việc tuyển dụng.
Bởi vậy, thay vì kiểu học hời hợt như trước đây, các bạn sinh viên cũng cần phải có tinh thần tự học cao, nghiên cứu kĩ một lĩnh vực, đặt mục tiêu rõ ràng hay phải trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực nào đó để có thể trang bị đầy đủ hành trang chủ động bước vào thị trường lao động.