VNEN và sự vô cảm với thày cô

21/08/2017 07:07
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có văn bản chỉ đạo việc triển khai VNEN trên tinh thần “tự nguyện” trong thời gian tới như thế nào.

LTS: Thày giáo Nguyễn Nguyên đang công tác tại một trường học theo Mô hình Trường học mới (VNEN) gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích về “quả bóng trách nhiệm” triển khai VNEN.

Đồng thời tác giả cũng có lời trao đổi, phản biện các quan điểm của một số chuyên gia xem giáo viên là đối tượng chính chịu trách nhiệm về những bất cập của mô hình này.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết, trân trọng cảm ơn thầy Nguyễn Nguyên! Nội dung, văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Theo thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục, năm học 2017 – 2018 có 4.800 trường Tiểu học (gần 32% tổng số trường) áp dụng VNEN, tăng trên 400 trường so với năm học trước. 

Ngoài ra, VNEN cũng được áp dụng tại 1.500 trường Trung học cơ sở (trên 14% tổng số trường). 

Điều này cho ta thấy, mặc dù nhiều địa phương đã lên tiếng dừng chương trình VNEN nhưng số lượng trường, lớp, học sinh phải học mô hình này vẫn được tăng lên hàng năm. 

Tuy nhiên, tranh cãi về VNEN vẫn tiếp tục, dư luận chưa thể tìm thấy tiếng nói chung giữa các chuyên gia và nhà (cựu) quản lý Dự án VNEN với những phụ huynh đang đấu tranh cho con em họ thoát khỏi VNEN, và các ý kiến phản biện từ người trong cuộc.

Vô trách nhiệm với học sinh, xã hội

Ngày 28/12/2015 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là thầy Phạm Vũ Luận:

“Dự án dạy học của VNEN khá lỏng lẻo, tạo ra tình trạng học sinh chỉ ngồi nói chuyện, không học, cho nên không nắm được bài. Trong khi đó, khi dự án sắp kết thúc thì một số cơ sở mới bất ngờ nhận được thiết bị dạy học. Tại sao có tình trạng như vậy?”

Giờ học theo mô hình VNEN của học sinh Trường tiểu học Khu đô thị Sài Đồng. Ảnh: THU HÀ / Báo Nhân Dân.
Giờ học theo mô hình VNEN của học sinh Trường tiểu học Khu đô thị Sài Đồng. Ảnh: THU HÀ / Báo Nhân Dân.

Thầy Luận trả lời: 

“Dự án VNEN không chỉ làm thay đổi cách học, nhận thức của học sinh, mà còn làm thay đổi cơ bản nhận thức và kỹ năng của đội ngũ thầy cô giáo. 

Phải làm cho các cháu biến quá trình đi học từ thụ động sang chủ động, tạo kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, tiếp thu, trao đổi, phản biện, sau này mới có khả năng hợp tác và nghe người khác. 

Trong VNEN có việc các cháu trao đổi, đọc đúng câu, đúng chính tả, không ngọng, có thể trao đổi để có nhận thức đúng, tự tìm hiểu, tự khám phá, cho nên trong lớp học có chuyện ồn ào, trao đổi là bình thường”.

Bộ trưởng cũng cho biết không chỉ các trường thuộc dự án VNEN, mà tất cả các trường khác bộ cũng yêu cầu làm theo hướng này.

“Đây là điểm mới với Việt Nam cho đến thời điểm này, nhưng là chuyện thế giới làm 50 năm trước và phổ biến trên thế giới” - thầy Luận cho hay. [1]

Cho đến nay không ai trong số các nhà dự án VNEN và lãnh đạo ngành giáo dục chỉ ra được, mô hình trường học mới đã “phổ biến” đến đâu trên thế giới.

Chúng tôi không hiểu ý thầy Luận nói “thế giới đã làm 50 năm” là thế giới nào, hay là một tỉnh Caldas của Colombia vẫn đang còn đối mặt với xung đột vũ trang, nơi trẻ em là nạn nhân của tội phạm có tổ chức cùng một vài quốc gia đang phát triển khác?

Thực tế dạy và học VNEN khác hoàn toàn những gì thày Luận nói trước Quốc hội.

Không phải ngẫu nhiên Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn nội dung này, đó là tiếng nói từ cơ sở mà Đại biểu đã nghe được.

VNEN và sự vô cảm với thày cô ảnh 2

Thái Bình dừng nhân rộng VNEN, giáo viên hồ hởi trút gánh nặng

Khi tiếng nói phản đối từ dư luận ngày càng nhiều và mạnh, tháng 8/2016, đánh giá về mô hình VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận những bất cập vẫn còn tồn tại trong quá trình triển khai. 

Vì vậy, Bộ đã khuyến khích các trường triển khai VNEN trên cơ sở “tự nguyện”.

Nhưng Bộ và các cơ quan chức năng thuộc Bộ không có văn bản nào hướng dẫn quy trình lấy biểu quyết của phụ huynh, giáo viên các trường học VNEN và công khai chúng trên tinh thần “tự nguyện”.

Điều này khác hẳn sự sát sao, sốt sắng của Bộ khi triển khai mô hình này ra 63 tỉnh thành. 

Công văn của Bộ trưởng Nhạ còn lưu ý thêm, đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của nó để đổi mới phương pháp. 

Do đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương gần như án binh bất động, không tổ chức lấy ý kiến phụ huynh, học sinh mà vẫn tiếp tục triển khai, mở rộng VNEN nên dẫn đến sự chán nản của một "bộ phận không nhỏ" phụ huynh và cả giáo viên đứng lớp.

Ở Hà Tĩnh, khi phụ huynh học sinh phản ứng gay gắt buộc chính quyền địa phương này phải vào cuộc, chỉ đạo lấy ý kiến về việc có tiếp tục mô hình VNEN hay không bằng hình thức bỏ phiếu kín, gần như tuyệt đối đồng tình bỏ VNEN, cả cấp trung học cơ sở lẫn tiểu học. [2] [3]

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 4/8 trong cuộc họp giữa chính quyền tỉnh với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện có trường học VNEN, đại đa số ý kiến từ cơ sở muốn dừng mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tại cuộc họp quyết định về “số phận” VNEN ở tỉnh này sáng 4-8 - Ảnh: ĐÔNG HÀ / Báo Tuổi Trẻ.
Ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tại cuộc họp quyết định về “số phận” VNEN ở tỉnh này sáng 4-8 - Ảnh: ĐÔNG HÀ / Báo Tuổi Trẻ.

Ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói thẳng, chưa có mô hình nào phân hóa sâu sắc, rõ rệt như VNEN: phân hóa trong học sinh, trong giáo viên. Theo ông Khoa, với sự phân hóa như vậy, rõ ràng là không thành công. [4]

Trước đó ngày 1/8 Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên bố:

“Định hướng tới, ngành vẫn tiếp tục vận dụng mô hình VNEN. Trường nào, lớp nào có đủ điều kiện thì sử dụng ngay sách của mô hình. 

Nơi nào không đủ điều kiện thì vẫn sử dụng sách cũ nhưng phương pháp dạy, cách thức tổ chức theo mô hình mới.” [5]

Gần đây nhất là Thái Bình, ngày 17/8 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời bà Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, năm học 2017-2018 tỉnh này dừng nhân rộng VNEN.

Bà Lĩnh chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

"Khi có quyết định, nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống." [6]

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp và dạy theo mô hình VNEN, người viết thực sự mừng cho các đồng nghiệp Thái Bình, và hoàn toàn chia sẻ sự hồ hởi, niềm vui vì trút được một phần gánh nặng VNEN.

Và người viết thấy rằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh dường như là lãnh đạo địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến nay, tiết lộ sự thật:

Giáo viên sáng dạy VNEN, chiều dạy truyền thống!

Chúng tôi đã không ít lần phản ánh trên truyền thông điều này, nhưng có lẽ như dân gian vẫn nói, thấp cổ bé họng, nên tiếng nói của chúng tôi không được ai lắng nghe.

Thậm chí có người nghe xong lập tức phán một câu cửa miệng xanh rờn: giáo viên ngại đổi mới, trì trệ!

"Cách đây vài tháng, tôi có về Thái Bình làm việc, khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 11, ngay cả lãnh đạo tỉnh cũng than vãn đang rất khổ vì nghe lời Bộ phát triển tất cả các trường ở Thái Bình theo mô hình giáo dục VNEN. Bây giờ không làm nữa biết trả lời dân ra sao?"

Giáo sư Phạm Tất Dong / nguoiduatin.vn

Vì thế, từ thâm tâm mình, chúng tôi phải cảm ơn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh, đã giúp các thày cô giáo dạy VNEN chúng tôi nói lên một phần sự thật bị che đậy ở các trường học theo mô hình này.

Tuy nhiên, năm học mới sắp bắt đầu, chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình tại Công văn số 447/SGDĐT về việc học chương trình trường học mới (VNEN) ngày 31/7/2017 do Giám đốc Đặng Phương Bắc ký lại quá ngắn gọn:

1. Không áp dụng với học sinh chưa học, các trường chưa thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) từ năm học 2016-2017 trở về trước.

2. Với những học sinh và các trường đã áp dụng mô hình trường học mới từ năm học trước, đến năm học 2017-2018 có tiếp tục triển khai hay không là trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, đảm bảo hiệu quả thiết thực.

Thầy Bắc chỉ yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường "thực hiện nghiêm túc 2 nội dung trên", mà không thấy nhắc đến việc hướng dẫn triển khai như thế nào để đảm bảo phụ huynh, giáo viên "hoàn toàn tự nguyện".

Phải chăng quả bóng "tự nguyện" từ Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngày 18/8/2016 và Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 9/8/2017 tiếp tục được các sở chuyền xuống phòng, phòng chuyền xuống trường?

Lý do tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “nhường” cho các địa phương tự quyết, mà các tỉnh vẫn loay hoay?

Một phần câu trả lời có thể tìm thấy từ tâm sự của một vị lãnh đạo tỉnh Thái Bình với Giáo sư Phạm Tất Dong: không biết ăn nói với dân thế nào đây! 

Vị này cũng cho biết, Thái Bình “trót” nghe lời Bộ áp dụng VNEN. [7]

Vô cảm với giáo viên

Trước những phản ứng của dư luận, những người thực hiện chương trình VNEN lại cho rằng VNEN là lỗi do giáo viên. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời chuyên gia trưởng dự án VNEN Đặng Tự Ân cho rằng:

“VNEN bị phản ứng có thể vì giáo viên chưa biết cách dạy. 

Chúng tôi đã hướng dẫn các trường là cần có sự phối hợp của giáo viên, phụ huynh và học sinh trong việc tự làm đồ dùng học tập với vật liệu tái sinh, rẻ tiền, nhằm góp thêm các phương tiện và công cụ hỗ trợ học tập trong lớp”. [8]

"Cũng phải nói rằng, ngay sau khi có quyết định, nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống." 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh

Còn GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình bộ môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì cho rằng:

“VNEN chỉ nên là bước quá độ tiến đến chương trình giáo dục phổ thông mới”. 

Ông còn cho biết thêm: 

“Quan điểm của tôi là mô hình VNEN chỉ nên là bước quá độ tiến đến chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì sao tôi nói như vậy? 
VNEN là một bước chuyển tiếp để từ chương trình giáo dục hiện hành chủ yếu tiếp cận nội dung kiến thức bước sang một chương trình mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học”
. [9]

Điều đáng nói là, trước thềm năm học mới 2017-2018, dường như có một cuộc vận động bảo vệ VNEN đã diễn ra trên truyền thông.

Tiếc rằng lập luận của tất cả các chuyên gia VNEN và các nhà quản lý trên Bộ cho rằng mô hình này “tiên tiến, hiệu quả”, nhưng không một ai đưa ra được số liệu chứng minh. 

Họ đang tư biện.

Một số thì tự tin nói rằng, dư luận phản biện VNEN cứ chờ đấy, Ngân hàng thế giới sẽ công bố một báo cáo đánh giá hiệu quả VNEN. 

Có thể thấy điều này qua bài viết của Thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh hiện đang công tác tại Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục Phổ thông (?) đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 25/7/2017. [10]

Điều đầu tiên trong 3 kiến nghị của Thạc sĩ Linh, là Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy công bố báo cáo đánh giá độc lập về tác động của mô hình VNEN. 

Tuy nhiên, bài viết này của Thạc sĩ Linh cũng không đưa ra được bất cứ số liệu, bằng chứng nào có thể kiểm chứng để chứng minh cho lập luận của mình.

Hơn nữa, nó còn mâu thuẫn về tư duy khi tác giả khẳng định như đinh đóng cột:

"Tôi thiết nghĩ, chỉ có giáo viên, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương các cấp là những người trong cuộc, mới có hiểu biết đầy đủ nhất về mô hình VNEN trong quá trình thực hiện ở tại địa phương.

Từ đó, tiếng nói của những người trong cuộc sẽ rất thuyết phục so với những phát biểu mang tính cá nhân, chủ quan, áp đặt, không có cơ sở và thiếu khách quan ở một số cá nhân khi viết những bài báo phản ánh mang nhiều nội dung tiêu cực về mô hình VNEN."

Mâu thuẫn tư duy trong bài viết này là:

Thứ nhất, nếu Thạc sĩ đã thừa nhận chỉ có giáo viên, cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương là những người trong cuộc mới có hiểu biết đầy đủ về VNEN, thì tại sao không lấy ý kiến của họ một cách minh bạch, khách quan và công khai? 

VNEN và sự vô cảm với thày cô ảnh 4

"Tôi có mấy kiến nghị VNEN gửi Bộ Giáo dục"

Sao phải chờ Ngân hàng thế giới - đơn vị giải ngân dự án này và là "chủ nợ" của Việt Nam trong nhiều dự án ODA giáo dục khác?

Thứ hai, thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh đã trực tiếp đứng dạy một tiết học VNEN nào chưa?

Nếu chỉ mới nghiên cứu tài liệu và quan sát mà đã vội vã quy chụp cho những người phê phán VNEN là "cá nhân, chủ quan, áp đặt, không có cơ sở và thiếu khách quan" thì phải chăng Thạc sĩ đang tự huyễn hoặc chính mình?

Tác giả đang tự tưởng tượng mình là "người trong cuộc"?

Trong khi đó phần lớn những người lên tiếng là giáo viên đứng lớp, đang dạy VNEN, phụ huynh có con học VNEN, điều này có thể kiểm chứng được trên mặt báo, với địa chỉ và thông tin rõ ràng. 

Thạc sĩ cứ về trường Trung học cơ sở Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hỏi các phụ huynh có con em học VNEN thì rõ. [11]

Đây có phải là thái độ khoa học, khách quan, cầu thị cần phải có của các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách giáo dục, hay chỉ đại diện cho một nhóm dự án?

Việc đổ lỗi cho giáo viên như chuyên gia trưởng dự án VNEN Đặng Tự Ân và một số quan chức ngành giáo dục khiến những người đang trực tiếp giảng dạy chương trình VNEN cảm thấy bị tổn thương, chạnh lòng và hẫng hụt. 

Vì sao VNEN bị phản ứng thì những người “nhập khẩu” nó rõ hơn ai hết. Đầu tiên người ta gọi là “mô hình”, bây giờ họ lại gọi là “phương pháp”.

Những giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy VNEN như chúng tôi cũng đang chờ đợi xem, Ngân hàng thế giới đánh giá hiệu quả mô hình này ở Việt Nam như thế nào. 

Nhưng xin lưu ý một điều, nếu chỉ cóa báo cáo đánh giá của Ngân hàng thế giới, mà không có ý kiến của phụ huynh, giáo viên được lấy công khai bằng hình thức bỏ phiếu kín, chúng tôi e rằng báo cáo này cũng rất khó thuyết phục dư luận.

Trên tinh thần khách quan, cầu thị, tranh luận đa chiều và tôn trọng sự thật, cùng hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng kính mời các thày cô giáo, các nhà quản lý, hoạch định, nghiên cứu về giáo dục viết bài cộng tác, thảo luận về mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN).

Bài viết về VNEN cũng như bàn về thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục, quý tác giả muốn gửi riêng cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, xin vui lòng gửi về địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn cùng thông tin cá nhân để Tòa soạn tiện liên hệ và chi trả nhuận bút.

Trân trọng cảm ơn!

Bởi lẽ đơn vị ra báo cáo đánh giá cũng là nơi giải ngân dự án, đồng thời cũng là “chủ nợ” của Việt Nam trong nhiều dự án ODA trong giáo dục khác.

Vì vậy, nếu có báo cáo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có văn bản chỉ đạo việc triển khai VNEN trên tinh thần “tự nguyện” trong thời gian tới như thế nào.

Chúng tôi thiết nghĩ, nếu thực sự “vì quyền lợi của học sinh” (thay vì lợi ích của những người làm dự án) như tinh thần Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016 và Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 9/8/2017 của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ nên:

Yêu cầu các Sở chỉ đạo các Phòng, các Trường theo mô hình VNEN tổ chức lấy ý kiến công khai, dân chủ bằng hình thức bỏ phiếu kín và công bố rộng rãi trên truyền thông. 

Bộ và các tỉnh nên học tập cách làm của tỉnh Hà Tĩnh!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151229/bo-truong-bo-gddt-noi-vnen-lam-thay-doi-ca-thay-va-tro/1028893.html

[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/ha-tinh-se-dung-han-mo-hinh-vnen-o-bac-thcs-389181.html

[3]http://infonet.vn/ha-tinh-nhieu-phu-huynh-vay-tay-chao-vnen-tieu-hoc-nguy-co-vo-tran-post234251.info

[4]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170805/chua-mo-hinh-nao-phan-hoa-sau-sac-ro-ret-nhu-vnen/1364101.html

[5]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170801/ba-ria-vung-tau-muon-tiep-tuc-vnen/1361779.html

[6]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thai-Binh-dung-nhan-rong-VNEN-giao-vien-ho-hoi-trut-ganh-nang-post179030.gd

[7]http://www.nguoiduatin.vn/vnen-vo-tran-that-bai-dau-don-cua-bo-gddt-a333331.html

[8]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170807/vnen-bi-phan-ung-co-the-vi-giao-vien-chua-biet-cach-day/1365031.html

[9]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170809/mo-hinh-vnen-la-mot-buoc-chuyen-can-thiet/1366174.html

[10]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Toi-co-may-kien-nghi-VNEN-gui-Bo-Giao-duc-post178401.gd

[11]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dan-3-lan-lam-don-xin-bo-VNEN-Truong-phong-giao-duc-om-o-vong-vo-post172000.gd

Nguyễn Nguyên