LTS: Tòa soạn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh hiện đang công tác tại Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục Phổ thông, góp ý về việc áp dụng mô hình trường học mới VNEN.
Trên tinh thần tôn trọng tranh luận đa chiều, khoa học, Tòa soạn trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết thể hiện quan điểm riêng của cô Lưu Vũ Thùy Linh.
Chuẩn bị vào năm học mới, trên một số báo lại xuất hiện bài viết về mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), có bài chủ yếu là chê VNEN, nhưng cũng có bài nêu ra cả mặt được và mặt chưa được của VNEN.
Là một người có nhiều gắn bó với các hoạt động giáo dục, tôi thấy mình có trách nhiệm góp thêm ý kiến thảo luận về vấn đề này qua những điều mình đã thấy, đã hiểu biết, để trao đổi đôi lời với bạn đọc, cũng như kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh mô hình VNEN.
Trước hết, qua thực tế tôi có rút ra được hai đặc điểm lớn của mô hình VNEN, đó là:
1. Mô hình VNEN không thay đổi nội dung chương trình dạy học trong sách giáo khoa hiện hành
Đó là khẳng định, vì tôi đã xem khá kỹ các bài học được in trong tài liệu Hướng dẫn học của mô hình VNEN, chính là các bài học trong sách giáo khoa hiện hành. Tôi đã được chứng kiến, ở một số trường đã cho cha mẹ học sinh trực tiếp đối chiếu từng bài học trong sách giáo khoa và bài học trong tài liệu hướng dẫn học xem có giống nhau không?
Sau khi tận mắt nhìn thấy không có sự khác biệt, phụ huynh mới tin tưởng cho con theo học học mô hình VNEN, vì tâm lý họ rất sợ con em mình phải tham gia học thí điểm một mô hình trường học với nội dung học rất mới và xa lạ.
Như vậy, việc một học sinh được vào học hay xin ra không học theo mô hình VNEN là việc bình thường, không ảnh hưởng gì tới quá trình và kết quả học tập vì các em cùng được học theo cùng một nội dung học tập đã được quy định trong sách giáo khoa.
Thực tế nhiều trường do điều kiện còn hạn chế, nên chỉ có thể tổ chức học theo mô hình VNEN cho một số khối lớp hoặc một số lớp trong trường. Tuy thế tất cả học sinh trong toàn trường vẫn được bình đẳng, được học theo cùng nội dung chương trình thống nhất chung cho học sinh cả nước.
Do tập huấn bồi dưỡng giáo viên chưa chu đáo và còn hạn chế về hiệu quả, dẫn đến còn một bộ phận giáo viên chưa hiểu rõ và chưa nắm được đầy đủ phương pháp dạy học trong mô hình VNEN (ảnh giaoduc.net.vn). |
2. Mô hình VNEN thay đổi cách dạy, cách học và đổi mới cách giáo dục học sinh.
Chính xác ra là nghiên cứu cách thức tổ chức dạy học trên thế giới để bổ sung và nhân rộng cách thức giáo dục đã có của Việt Nam theo xu hướng của các nước có nền giáo dục phát triển, từ đó góp phần thực hiện tốt hơn mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Khoảng gần 20 năm trở lại đây, ở một số ít các trường rất chú ý và đã có nhiều cố gắng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Nhiệm vụ của mô hình VNEN là chắt lọc, kế thừa kinh nghiệm của các địa phương và tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trên một phạm vi rộng các trường.
Tôi có thể nói, trước VNEN, chúng ta đã từng mong muốn thay đổi thói quen dạy học cũ, cách giáo dục cũ theo những kinh nghiệm dạy học ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhưng triển khai còn bát cập, còn hạn chế nếu không nói là kém hiệu quả.
Những "lỗi cơ bản" của VNEN mà Bộ trưởng Nhạ có thể chưa biết! |
Mô hình VNEN thay cách dạy chủ yếu “thày giảng trò chép” bằng “thày hướng dẫn trò tự học”.
Tài liệu hướng dẫn học của VNEN có nội dung học như sách giáo khoa hiện hành nhưng được bổ sung thêm phần hướng dẫn học, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ cho giáo viên dạy và học sinh học.
Tuy vậy, bản thân tôi nhận thấy rằng, sự thay đổi này là mới có lần đầu ở nước ta nên thực sự là vấn đề khó cho số đông giáo viên và học sinh do đã quen theo cách dạy và cách học cũ một thời gian quá lâu.
Tôi có hỏi một số giáo viên, thế làm thế nào để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này?
Đa phần các giáo viên đều trả lời một cách thực tế là: Nếu trò tự học được ít thì giáo viên phải giảng bài nhiều, (nhưng quả thực ít xảy ra trường hợp trên lớp như thế này) và ngược lại trò tự học được nhiều thì thì giáo viên giảng bài ít đi.
Tất cả giáo viên phải đảm bảo chất lượng học tập cho các em và giáo viên nếu kiên trì sẽ dần dần giúp các em biết cách tự học và học ngày một hiệu quả hơn.
Rõ ràng với cách dạy mới này, đòi hỏi giáo viên phải được tập huấn, phải đam mê yêu nghề để tích luỹ thêm kinh nghiệm sư phạm, trong việc biết được những học sinh nào chưa biết tự học, chưa hiểu bài để hỗ trợ, can thiệp kịp thời giúp đỡ các em.
Trong cách dạy cũ, giáo viên phổ biến là nói, là giảng giải và yêu cầu các em ghi nhớ, trả lời câu hỏi và giải bài tập thực hành theo đúng cách mà do giáo viên dạy và hướng dẫn chi tiết trên bảng.
Giáo sư Jonathan London nhận xét về mô hình trường học mới - VNEN |
Trong mô hình VNEN, giáo viên gợi mở, kích thích, tạo tình huống để học sinh tự mình suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề (học cá nhân), sau đó các em có thời gian trao đổi, hỗ trợ với bạn học ngồi cạnh (học theo cặp) về những điều mình đã suy nghĩ, mình đã tự học được.
Ở những lớp có phòng học không rộng, học sinh đông, tôi đã thấy các em vẫn được thảo luận theo từng bàn học (học tương tác theo nhóm) mà không cần phải cho học sinh ngồi học theo từng nhóm riêng biệt.
Với cách học này, theo kinh nghiệm bản thân, tôi xin khẳng định, học sinh sẽ hiểu được sâu về bản chất kiến thức và nhớ rất lâu, đồng thời phát huy được sự sáng tạo cao nhất ở từng em cũng như tạo điều kiện để các em được giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, giữa em học khá giỏi và những em có lực học còn hạn chế.
Phân tích hai đặc điểm được nêu trên, để từ đó tôi muốn giải thích cho rõ hơn quan điểm của một đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, khi trả lời phỏng vấn với báo chí rằng: “Bản chất VNEN là cùng nội dung chương trình hiện hành như nhau, chỉ đổi mới phương pháp tổ chức dạy học tại lớp, vì thế không có gì là ghê gớm cả”.
Trong khi đó nhiều người chưa hiểu nên đã đưa ra phân tích và nhận định như đây là cuộc “cách mạng trong giáo dục”, một cuộc “thí điểm lớn” với học sinh là những con chuột bạch.
Theo tôi, chỉ nên coi mô hình VNEN như là sự đổi mới về mặt sư phạm, thay đổi cách dạy, cách học của giáo viên và học sinh, mà không làm thay đổi nội dung dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học hiện nay ở các trường phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có tổng kết và hướng dẫn về VNEN với các địa phương. ảnh: giaoduc.net.vn |
3. Mô hình VNEN là sự tiếp cận với phương pháp dạy học và giáo dục tiên tiến.
Có bài viết đã coi mô hình VNEN là bắt chước, cóp nhặt từ nước ngoài. Tôi nghĩ không phải vậy. Giáo dục có nhiệm vụ phát triển thế hệ trẻ Việt Nam để họ có đủ năng lực xây dựng và bảo vệ đất nước, nên không thể nhập khẩu từ bất kỳ một quốc gia nào, bởi vì giáo dục của họ có nhiệm vụ riêng, chắc không thể giống chúng ta.
Còn đối với cách thức cơ bản nào để đổi mới giáo dục? Chắc chắn là phải học hỏi của nhiều nước và trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà giáo dục là làm cho cách thức đã học hỏi ấy được sáng tạo, có hiệu quả khi áp dụng vào thực tế của Việt Nam.
Giáo sư Jonathan London của Đại học Leiden (Hà Lan) tại hội thảo RISE ở Việt Nam (tháng 4/2016) nói “cách dạy học và tổ chức của mô hình VNEN, thể hiện được nhiều yếu tố giống như các nước như Mỹ, Singapore, Israel, Hồng Kong và nhiều nước khác ở Châu Mỹ La tinh, trong đó có Cộng hòa Colombia”.
Colombia tuy cũng là nước đang phát triển nhưng là một đất nước có sự tăng trưởng kinh tế hàng năm gần 3%, trong khi các nước láng giềng đều tăng trưởng âm. Giáo dục Colombia cũng có Trường học mới (EN) và họ có khởi đầu từ những lớp ghép vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước.
Qua gần nửa thế kỷ đã qua, mô hình EN của Colombia đã được phát triển và khác trước rất nhiều.
Chính vì vậy, năm 2012 tổ chức Quốc tế, thông qua tạp chí Global (Thụy Sỹ) đã bình chọn mô hình EN và được xếp hạng cao trong số 100 sáng kiến trên thế giới đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng (theo TTXVN, ngày 15/2/2012).
Giáo sư Jonathan London khi nhận xét mô hình VNEN cũng đã nói “mô hình VNEN đã đem đến môi trường học tập dân chủ, giúp học sinh chủ động, tự tin trong học tập và giao tiếp” (theo Giaoduc.net, ngày 22/8/2016 ).
Bất cập và kiến nghị
Chỉ chú ý thay đổi nhận thức về mô hình VNEN trong các nhà trường, nhưng lại chưa quan tâm đồng đều ở một số nơi, ít chú ý tới đối tượng rộng lớn khác trong xã hội, vì thế cá biệt còn có một số đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh chưa đồng tình, ủng hộ khi triển khai mô hình.
Bộ trưởng “mở lối” VNEN |
Do tập huấn bồi dưỡng giáo viên chưa chu đáo và còn hạn chế về hiệu quả, dẫn đến còn một bộ phận giáo viên chưa hiểu rõ và chưa nắm được đầy đủ phương pháp dạy học trong mô hình VNEN, chưa đủ thời gian để hình thành kỹ năng nên còn lúng khi chuyển đổi sang phương pháp dạy học mới.
Đặc biệt đối với nhiều trường tự nguyện nhân rộng mô hình lại còn gặp nhiều khó khăn, bất cập hơn, từ đó tạo ra dư luận không tốt, gây ra phản tác dụng về tính hiệu quả của mô hình VNEN.
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại bao giờ cũng phải phù hợp với điều kiện thực tế và điều kiện mang tính tiên quyết như: giáo viên phải chăm chỉ và được tập huấn bồi dưỡng thường xuyên liên tục.
Tuy nhiên, một số nơi có điều kiện còn hạn chế nhưng không biết vận dụng sáng tạo, lại áp dụng máy móc dựa theo văn bản chỉ đạo, gây ra những khó khăn không đáng có, từ đó có phản ứng ngược đối với mô hình.
Với bất cập nêu trên, cùng với trách nhiệm của một công dân với sự nghiệp đổi mới giáo dục, tôi mạnh dạn đề xuất ba kiến nghị cụ thể dưới đây với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Một là, Bộ sớm công bố báo cáo đánh giá độc lập về tác động mô hình VNEN do Ngân hàng thế giới cùng các tổ chức giáo dục quốc tế tại Việt Nam đã thực hiện liên tục trong 3 năm học với hàng ngàn học sinh, được lựa chọn ngẫu nhiên, nhằm so sánh kết quả giáo dục giữa hai nhóm học sinh đang học và chưa bao giờ học theo mô hình VNEN.
Tôi được biết đây là cuộc khảo sát có quy mô và bài bản và đã đưa rất nhiều bằng chứng khoa học thực tiễn và rất xác đáng.
Bộ cũng cần chính thức thông báo tới các địa phương kết quả khảo sát mô hình VNEN cũng như kết quả đánh giá về tài liệu hướng dẫn học của mô hình VNEN.
Hai là, các Vụ chuyên môn của Bộ, sớm tổ chức ngay việc bồi dưỡng, tập huấn lại cho các trường, ở các địa phương đang tổ chức dạy học theo mô hình VNEN, nhất là các cách thức dạy học dựa theo tài liệu hướng dẫn học của VNEN.
Đây có thể coi là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển mô hình VNEN một cách bền vững, từ đó góp phần nâng cao năng lực cho giáo viên, tạo tiền đề tốt cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Ba là, Bộ sớm có văn bản để ổn định lại việc triển khai mô hình VNEN ở các địa phương, theo hướng tự nguyện, không áp đặt, nhưng phải trên cơ sở các trường được thảo luận dân chủ, được phân tích khách quan về tính hiệu quả cũng như các bất cập, thông qua những dẫn chứng thực tế trong quá trình triển khai mô hình VNEN ở từng trường, ở mỗi địa phương.
Tôi thiết nghĩ, chỉ có giáo viên, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương các cấp là những người trong cuộc, mới có hiểu biết đầy đủ nhất về mô hình VNEN trong quá trình thực hiện ở tại địa phương.
Từ đó, tiếng nói của những người trong cuộc sẽ rất thuyết phục so với những phát biểu mang tính cá nhân, chủ quan, áp đặt, không có cơ sở và thiếu khách quan ở một số cá nhân khi viết những bài báo phản ánh mang nhiều nội dung tiêu cực về mô hình VNEN.