Một năm học mới sắp bắt đầu, nhiều người trong số họ lại có những mong ước riêng cho mình và cho cả học trò.
Đến từng bản làng để vận động học sinh đến trường
Chúng tôi đến huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên –Huế) vào những ngày gần bước vào năm học mới 2017 – 2018.
Năm học mới, thầy Nam chỉ có mong muốn học sinh được đến trường với "cái bụng không đói". Ảnh: TL |
A Lưới là một trong hai huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính vì điều kiện còn gặp khó nên ngành giáo dục của huyện này vẫn còn nhiều thiệt thòi so với các huyện khác trong tỉnh.
Chiếc áo cũ của người thầy và ước mơ nơi vùng biên viễn |
Một năm học mới chuẩn bị bắt đầu, các thầy cô ở đây lại có những nỗi lo riêng của mình, những nỗi lo mà hầu như năm nào họ cũng phải trăn trở cho nền giáo dục huyện nhà.
Năm 1989, cô Trần Thị Nghiêu tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non của trường Đại học sư phạm Bình Trị Thiên (nay là đại học sư phạm Huế). Sau khi tốt nghiệp cô Nghiêu tình nguyện lên huyện miền núi A Lưới để giảng dạy.
Năm 2005, cô Nghiêu giữ chức Hiệu trưởng trường mầm non xã Hồng Bắc, 11 năm là người đứng đầu nhà trường cô Nghiêu có nhiều kỷ niệm gắn bó với vùng đất và con người nơi này.
Cô Nghiêu kể rằng, khi về trường làm hiệu trưởng, cô và các đồng nghiệp “tay trắng tay”.
Khi đó, trường mầm non Hồng Bắc được tận dụng lại từ các phòng học của trường tiểu học được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Chất lượng phòng xuống cấp, diện tích không phù hợp, trang thiết bị giảng dạy còn thiếu, trẻ không có điều kiện để bán trú.
Ngày đó, cô Nghiêu nhận 5 nhóm lớp nhưng cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Cô Nghêu nhớ lại, mỗi khi đi dạy nếu trời mưa lại phải gởi xe để đi bộ hơn 1km qua quãng đường ngập đầy nước để đến trường.
Nhà của các giáo viên trong trường ở tận thị trấn A Lưới phải đạp xe qua quãng đường hơn 7km để giảng dạy.
“Đường xá khó khăn là một phần, lúc đó nhận thức của phụ huynh còn kém, thích thì cho con đến trường không thích thì cho ở nhà”, cô Nghiêu nhớ lại.
Sau 5 năm về làm hiệu trưởng, đến năm 2010 trường mầm non Hồng Bắc nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1.
Tuy vậy hiện điều kiện giảng dạy của giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn. Giờ đây, ngoài việc giảng dạy cô Nghiêu cùng với đồng nghiệp của mình còn đi vận động phụ huynh cho trẻ đến trường.
Cô Nghiêu cho hay, tuy nhận thức của bà con dân tộc đã thay đổi nhưng vì cuộc sống khó khăn nên nhiều nhà vẫn để cho mình ở nhà.
Những lúc như vậy cô Nghiêu cùng với Chủ tịch, Bí thư xã đi từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến trường.
Hiệu trưởng mầm non Hồng Bắc chia sẻ, hiện tại mỗi tháng trẻ được hỗ trợ 120.000 đồng, ngoài ra trẻ chỉ đóng 15.000 đồng tiền ăn mỗi ngày nhưng nhiều nhà vì không có đủ số tiền nói trên nên đành cho con ở nhà.
Gần vào năm học mới, cô Nghiêu hy vọng nhà nước quan tâm hơn đến chế độ của trẻ, chế độ hỗ trợ cho giáo viên vì để yên tâm công tác. Cũng như trang bị đồ dùng giảng dạy để phục vụ tốt hơn cho học sinh.
Rơi nước mắt vì thấy cảnh học sinh xỉu vì đói
Trường Trung học cơ sở Quang Trung (xã Hồng Quảng, A Lưới) nằm tuốt trong sâu gần với vành đai biên giới Việt – Lào.
Chuyện về cô giáo bản nghèo, cống hiến tuổi thanh xuân cho học sinh vùng cao |
Đây là ngôi trường của 489 em học sinh đến từ 4 xã bao gồm: xã Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Hồng Thái.
Thầy Thái Nam – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Quang Trung chia sẻ, gia đình nghèo khó, thiếu cái ăn nên nhiều em đến trường với cái bụng đói đã xỉu ngay tại lớp học.
Nhiều em, nhà cách xa trường 4-5km, tận trong vành đai biên giới Việt – Lào, đường xá khó đi. Nhà xa, các em phải đi học khá sớm, ấy vậy mà trong bụng lại không có gì. Có em đến nơi đã xỉu vì đói.
Có thời điểm 10 em học sinh đến lớp thì chỉ có 2 em trong số đó là ăn sáng, số còn lại đến trường với cái bụng hoàn toàn trống không.
Có em đói quá đến giờ ra chơi đã ngất xỉu, đến khi giáo viên đến hỏi thì mới hay em này chưa ăn gì.
Thế là thầy cô phải đi mua cho em hộp sữa, cái bánh để ăn qua cơn đói. Cái câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trong thời kỳ chiến tranh hay bao cấp ấy hiện vẫn đang hiện hữu giữa núi rừng A Lưới.
Thời gian qua, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương thực trạng trên đã giảm, học sinh đến trường cũng đã “ấm” cái bụng dù bữa ăn chỉ là củ khoai, củ sắn.
“Nhà trường đã kêu gọi vận động phụ huynh phải cho con mình ăn sáng trước khi đến trường, cho dù đó là khoai sắn nhưng phải ăn để no”, thầy Nam nói.
Khi chúng tôi hỏi về mơ ước và nguyện vọng trong năm học mới sắp đến, thầy giáo già xúc động nói, cũng như giáo viên các trường khác trong huyện chỉ mong học trò có điều kiện đến trường như bao đứa trẻ khác.
Không còn cảnh bụng đói đến lớp, trên người chỉ mang mỗi chiếc áo phong phanh khi mùa đông tới. Các chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng cao sẽ cải thiện hơn trước. Tất cả vì tương lai của học sinh.